Các địa phương chủ động thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản

10:46 | 04/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Chiều 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương báo cáo những kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành chưa được giải quyếtThủ tướng yêu cầu khẩn trương báo cáo những kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành chưa được giải quyết
Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đấtThủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất
Gỡ vướng cho gần 500 dự án bất động sản tại Hà Nội và TP HCMGỡ vướng cho gần 500 dự án bất động sản tại Hà Nội và TP HCM

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo của các bộ, ngành về kết quả triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản; các tham luận với những giải pháp rất cụ thể từ các hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tăng nguồn cung bất động sản, giải pháp tài chính, ngân hàng, giải pháp quản lý, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.

Các địa phương chủ động thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng cho biết, việc triển khai Nghị quyết 33 đã có hiệu quả nhất định, giúp tình hình tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước và hy vọng năm 2023 sẽ tốt hơn năm 2022. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài nhiều năm, không thể giải quyết bằng một cuộc họp, một văn bản hay một năm, một quý.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn vướng mắc liên quan tới pháp lý, việc phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các thủ tục hành chính, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền… Một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, chậm xử lý, không dám đề xuất, không dám quyết định. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, cần linh hoạt, chủ động, sáng tạo hơn, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành cần đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số nhiệm vụ chung, mà trước hết là cần tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; trong đó, cần thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Tổ công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Phối hợp với NHNN, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì đề xuất sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; sửa đổi ngay Thông tư 09 năm 2021 của Bộ về nhà ở xã hội theo trình tự, thủ tục rút gọn; sửa đổi Thông tư 06 năm 2022 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chủ tịch UBND chủ động thành lập các Tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao cụ thể tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác quy hoạch; nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; chú trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi về giao thông cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị… Đây là vấn đề có tính quy luật, được thực tiễn chứng minh.

Cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Thực tế cho thấy cơ cấu bất động sản không hợp lý khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chú trọng công tác này, thực hiện thực chất, hiệu quả, không hình thức.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng