Cà Mau: Khát vọng từ biển - Bài 3: Tự hào vươn khơi

09:40 | 10/03/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhìn lại chặng đường hiện thực hoá khát vọng vươn khơi ở Cà Mau để thấy rõ sự phát triển và quy mô mở rộng đa ngành, lĩnh vực, góp phần lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu trên mọi mặt đời sống của Nhân dân Cà Mau nói riêng và giữa các tỉnh vùng ÐBSCL nói chung.

Giữ nhịp tăng trưởng

Ông Ðỗ Quang Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết, trên cơ sở từ thực tế, cũng như các tài liệu được lưu trữ, phân tích và đánh giá cho thấy, kinh tế biển và nguồn lợi khai thác từ kinh tế biển có những bước tiến quan trọng theo thời gian. Cụ thể, giai đoạn 2003-2005 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1,25 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành tăng 13,64%/năm, chủ yếu là tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản. Thể hiện rõ qua giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến đạt 17.642 tỷ đồng, chiếm 99,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp (tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 17.743 tỷ đồng). Số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp từ 896 doanh nghiệp năm 2003 đã tăng lên 1.149 doanh nghiệp vào năm 2005 (tăng gấp 1,3 lần).

"Sang thời kỳ 2006-2010, từ địa phương có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tỉnh Cà Mau đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao trong vùng ÐBSCL. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn này tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân 39,48%/năm, từ 7.002 tỷ đồng lên 34.535 tỷ đồng”, ông Hưng cho biết thêm.

Cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành cũng có bước chuyển đổi nhanh; đặc biệt xuất hiện một số sản phẩm mới và có sản lượng cao như khí đốt, điện sản xuất. Số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng gấp 1,7 lần, từ 1.241 doanh nghiệp năm 2006 đã tăng lên 2.125 doanh nghiệp vào năm 2010. Số lao động ngành công nghiệp tăng gấp 1,4 lần, đạt 36.004 lao động vào năm 2010.

Giai đoạn 2011-2015, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất và phân phối điện vẫn là 2 ngành lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giảm so với các giai đoạn trước, nhưng tính về giá trị sản xuất tăng 1,2 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân chủ yếu là của cụm khí - điện - đạm Cà Mau và ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản.

Giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng giai đoạn này nhìn chung phát triển khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1,15 lần, đạt 46.928 tỷ đồng vào năm 2020, trong đó giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm 71%, tiếp đến là ngành sản xuất phân phối điện chiếm 24%. Năm 2018, Nhà máy Xử lý khí (GPP) Cà Mau được vận hành, có tác dụng nâng tầm chuỗi giá trị khí - điện - đạm Cà Mau.

Ông Ðỗ Quang Hưng cho biết: “Số lượng doanh nghiệp chế biến tăng qua từng năm. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp trang thiết bị, đa dạng hoá mặt hàng, từng bước nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Do đó, số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 20%; tuy nhiên, số lao động trong ngành có giảm nhẹ (năm 2016 là 32.605 lao động, năm 2019 có 32.278 lao động)”.

Giữ vững thị trường xuất khẩu

Giai đoạn 2003-2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng 6,85%/năm; năm 2020 đạt 1.015 triệu USD, gấp 3,3 lần so với năm 2002. Xuất khẩu tăng trưởng với nhịp độ cao, phát triển thêm được mặt hàng mới; tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có chậm lại vào những năm cuối giai đoạn.

Cà Mau: Khát vọng từ biển - Bài 3: Tự hào vươn khơi
Tận dụng lợi thế tiềm năng về biển, nguồn lợi thu được góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu cho địa phương, https://dulich.petrotimes.vn

Theo ông Nguyễn Văn Ðô, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, giai đoạn này, nhiều hoạt động hỗ trợ xuất khẩu được triển khai đồng bộ, như quy hoạch sản xuất, chế biến thuỷ sản theo nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại… từng bước khắc phục tình trạng tự phát, chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng, an toàn thực phẩm và dư lượng kháng sinh trong nguyên liệu thuỷ sản được xem trọng. Thời kỳ đầu, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo và thuỷ sản chế biến, đến năm 2013 đã phát triển thêm mặt hàng xuất khẩu mới là phân đạm”.

Song, tỉnh cũng tăng trưởng nhập khẩu, giai đoạn 2003-2020 tăng 30,23%; giai đoạn 2003-2005 tăng 84,4%; giai đoạn 2006-2010 tăng 32,96%; giai đoạn 2011-2015 tăng 63,79%; 2016-2020 giảm 17,67%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, phụ gia, nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Xuất khẩu được đẩy mạnh, sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc… và có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỉnh Cà Mau tiếp tục là địa phương đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. Từ năm 2013 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã đạt ngưỡng 1 tỷ USD/năm, đóng góp quan trọng vào cán cân thương mại của cả nước.

Cà Mau: Khát vọng từ biển - Bài 3: Tự hào vươn khơi
Ngành tôm Cà Mau tập trung chế biến mặt hàng giá trị gia tăng, tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị con tôm Cà Mau, đưa đời sống người nuôi tôm ngày thêm phát triển, https://dulich.petrotimes.vn

Do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới nên giai đoạn 2016-2020, khu vực dịch vụ phát triển khá, tuy tốc độ tăng trưởng có chậm lại nhưng chất lượng dịch vụ được nâng lên, các ngành dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao ngày càng phát triển, như thương mại, ngân hàng, vận tải, du lịch… Hoạt động giao thương nội địa diễn ra khá sôi động, mạng lưới thương mại bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng hàng hoá được củng cố và ngày càng mở rộng về quy mô, hình thức phân phối hàng hoá đa dạng hơn. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,29%/năm; so với giai đoạn 2011-2015, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 tăng 1,46 lần.

Ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở KH&ÐT, nhìn nhận: “Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu chậm lại qua từng năm do sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, công nghệ sản xuất lạc hậu, ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hoá. Tuy nhiên, vẫn giữ mức tăng 2,4% so với giai đoạn 2011-2015”.

Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Cà Mau xác định, đến năm 2030 tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân hằng năm tăng khoảng 7%. Các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 30-35% tổng thu ngân sách của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 3.320 USD, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4.500-4.700 USD.

https://dulich.petrotimes.vn

baocamau.com.vn