Cà Mau: Khát vọng từ biển (Bài 1)

09:00 | 08/03/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, Nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển được nâng lên rõ rệt. Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với quyết tâm đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển. Kết quả và tinh thần ấy càng hun đúc cho quê hương Cà Mau, 1 trong 28 tỉnh, thành phố có biển, 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của quốc gia, giàu tiềm năng, hiện thực hoá khát vọng giàu lên từ biển.

Bài 1: Nền tảng quy hoạch hợp lý

Ngư trường biển Cà Mau trải rộng từ Ðông sang Tây, nằm ở vị thế đắc địa, chiến lược, là trung tâm của vùng biển quốc tế ở Ðông Nam Á, gần tuyến hàng hải quốc tế nên có nhiều thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế bằng đường biển, phát triển kinh tế biển, khai thác dầu khí và tài nguyên khác trong lòng biển.

Cà Mau có nhiều cửa sông lớn thông ra biển như Gành Hào, Hố Gùi, Bồ Ðề, Rạch Gốc, Bảy Háp, Cái Ðôi Vàm, Ông Ðốc, Khánh Hội… Phát huy lợi thế điều kiện địa lý, từ những năm 2000, tỉnh Cà Mau đã tiến hành những bước đi đầu tiên trong quy hoạch phát triển kinh tế biển với quyết tâm trở thành vùng kinh tế biển trọng điểm, năng động của khu vực ÐBSCL.

Cà Mau: Khát vọng từ biển (Bài 1)
Cà Mau tập trung phát triển đội tàu xa khơi, đánh bắt có chọn lọc, khai thác gắn với bảo tồn nhằm nâng cao giá trị nguồn lợi hải sản, https://dulich.petrotimes.vn

Từ tầm nhìn chiến lược...

Với chiều dài bờ biển 254 km, chiếm 7,8% tổng chiều dài bờ biển của cả nước; phía Ðông giáp biển Ðông; phía Tây giáp vịnh Thái Lan; trên biển có 3 cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc, Cà Mau có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển. Trong đó, cụm đảo Hòn Khoai gần đường hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế hàng hải. Tỉnh có 8 huyện và 1 thành phố, trong đó có 6 huyện ven biển. Vùng ven biển có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, có giá trị cao về đa dạng sinh học, điển hình cho hệ sinh thái rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển Việt Nam, là một phần quan trọng của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận, khu Ramsar của thế giới.

Vùng biển Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, thuộc vùng biển nông, nguồn lợi thuỷ sản rất dồi dào, phong phú, đa dạng về loài, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao; điều kiện khí tượng thuỷ văn tương đối ổn định, thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Toàn tỉnh có đội tàu khai thác thuỷ sản trên 4.900 chiếc, trong đó có khoảng 1.700 tàu khai thác xa bờ; sản lượng khai thác hàng năm bình quân trên 200.200 tấn. Ngoài khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, vùng biển và hải đảo Cà Mau còn có tiềm năng phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như dầu khí, du lịch sinh thái, công nghiệp cơ khí, hàng hải, năng lượng tái tạo…

Từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997, Cà Mau xác định thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về nuôi, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản trong nhiều năm qua. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2021 đạt 613.700 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm ước đạt 218.400 tấn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, liên tiếp mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Nghề nuôi thuỷ sản của địa phương ngày càng được cải tiến, hướng đến hiệu quả kinh tế bền vững; đa dạng hoá đối tượng và phương thức nuôi, gắn với đó là liên kết sản xuất theo chuỗi… Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh năm 2021 đạt 3.606 ha, tăng 25,1% so với năm 2020, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, còn phát triển nuôi hàu, sò huyết ven biển, trên bãi bồi; nuôi cá bớp lồng bè ven đảo… Các hoạt động khai thác thuỷ sản tiếp tục được duy trì, sản lượng khai thác ổn định.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, vùng biển Cà Mau đã và đang triển khai một số quy hoạch, như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển tỉnh Cà Mau đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của 6/6 huyện ven biển (U Minh, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Ðầm Dơi, Phú Tân); Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh cụm đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời và cụm đảo Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển và hải đảo tỉnh Cà Mau đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Cà Mau giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030....

Các quy hoạch trên đã và đang được tổ chức triển khai thực hiện, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của tỉnh, huyện và kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực. Ðến nay đã đạt những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của các huyện ven biển nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung.

Ngày nay, nếu xét về năng lực cạnh tranh kinh tế biển của tỉnh so với các địa phương ven biển trong khu vực, cả nước thì Cà Mau đã và đang sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh tế biển.

... Ðến đột phá trong kết nối

Trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay có 336 dự án đầu tư đang hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, với tổng vốn đăng ký đầu tư 104.843,42 tỷ đồng (trong đó có 8 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 314.120.487 USD).

Khu kinh tế Năm Căn được Thủ tướng Chính phủ thành lập và ban hành quy chế hoạt động tại Quyết định số 66/2010/QÐ-TTg ngày 27/10/2010. Ngày 17/12/ 2013, quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết 2456/QÐ-TTg với tổng diện tích 10.801,95 ha. Ðến nay, quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Năm Căn đã đạt được những kết quả quan trọng. Ðã triển khai lập quy hoạch phân khu, bao gồm khu phi thuế quan, khu dịch vụ thương mại, khu tái định cư, khu đô thị Ðất Mới, Hàm Rồng; có 11 dự án đã đăng ký đầu tư, vốn đăng ký 480 tỷ đồng; 3 dự án đầu tư hạ tầng đã và đang thực hiện; xử lý tồn đọng Dự án Nhà máy đóng tàu Vinhashin và chấn chỉnh hoạt động Cảng Năm Căn; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế.

Nhìn lại năm 2005, điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh còn rất thấp, vẫn còn 2 huyện Ngọc Hiển và Phú Tân, 34 xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm, chiếm khoảng 19,3% của 176 xã chưa có đường ô-tô toàn vùng ÐBSCL. Ðến năm 2010, Cà Mau có 90% số xã có đường ô-tô đến trung tâm (kể cả xã mới chia tách). Dịch vụ vận tải tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá.

Hệ thống hạ tầng giao thông tiếp tục được tập trung đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó các dự án đầu tư, nâng cấp đường đến các trung tâm huyện, các cụm kinh tế được tỉnh ưu tiên đầu tư, một số dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo sự đột phá trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông nói riêng và kết cấu hạ tầng của tỉnh nói chung, góp phần tăng cường giao thương, lưu thông hàng hoá và đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Ðến cuối năm 2015, có 76/82 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã (đạt 93%). Về cơ bản, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh phát triển, nhưng so với yêu cầu, mặt bằng chung của vùng ÐBSCL và cả nước còn rất yếu kém, chưa đảm bảo tính kết nối, đồng bộ.

Các dự án giao thông quan trọng của quốc gia đã và đang được thực hiện theo quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2020, như đường Hành lang ven biển phía Nam; đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Ðất Mũi; tuyến tránh Quốc lộ 1 (đoạn tránh TP Cà Mau); đường Hành lang ven biển phía Nam (đoạn nối từ cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau đến Quốc lộ 1); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 63; nâng cấp, kéo dài đường băng Sân bay Cà Mau đảm bảo máy bay tầm trung hoạt động. Công tác xây dựng đường ô-tô đến trung tâm xã, năm 2020 có thêm 1 xã có đường ô-tô đến trung tâm, đạt 82/82 xã ô-tô đến được trung tâm xã.

Ðến giờ có thể khẳng định rằng, kết cấu hạ tầng, nhất là đường bộ đã thật sự thông suốt đến các trung tâm kinh tế biển của Cà Mau. Tới đây, khi cầu Sông Ðốc hoàn thành, cùng với trục Ðông - Tây, cầu Gành Hào tại Tân Thuận (Ðầm Dơi) kết nối với Ðông Hải (Bạc Liêu), Cà Mau sẽ tiếp tục bước sang trang mới, nâng tầm phát triển, đó không chỉ phát triển tại chỗ mà mang tính liên kết vùng, tầm nhìn xa.

https://dulich.petrotimes.vn

baocamau.com.vn