Bức tranh kinh doanh u ám của Tập đoàn Bảo Việt

08:55 | 08/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tập đoàn Bảo Việt lại thêm một quý kinh doanh bết bát, dòng tiền hao hụt mạnh. Đặc biệt, tình hình tài chính ngày càng u ám khi nợ phải trả chiếm 88% tổng tài sản và nợ dài hạn tiếp tục vượt quá tài sản dài hạn.

Tập đoàn Bảo Việt lại thêm một quý kinh doanh bết bát, dòng tiền hao hụt mạnh

Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm thuần quý 2/2022 tăng nhẹ 9%, đạt gần 10.160 tỷ đồng.

Quý 2, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 10.334 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục là gánh nặng với hơn 10.207 tỷ đồng, cũng tăng 9%. Do đó, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm tới 31%, chỉ mang về gần 127 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đây, hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán vốn là ‘phao cứu sinh’ cho lợi nhuận tại Bảo Việt nhưng kỳ này bỗng bốc hơi đến 74% so với cùng kỳ, chỉ thu về hơn 54 tỷ đồng. Vì vậy, doanh thu hoạt động tài chính chỉ tăng nhẹ 3% lên hơn 2.423 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi tăng 10% lên hơn 1.308 tỷ đồng; đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu tăng 23% lên hơn 859 tỷ đồng và lãi chênh lệch tỷ giá tăng tới 34% thu về gần 4.305 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tài chính trong kỳ bất ngờ tăng tới 60%, lên gần 564 tỷ đồng, tăng nhanh hơn doanh thu khiến lợi nhuận từ hoạt động tài chính tại Tập đoàn Bảo Việt quý này giảm 7% xuống còn 1.859 tỷ đồng.

Với lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm và lợi nhuận tài chính đều đi lùi, quý 2/2022, lãi sau thuế tại Tập đoàn Bảo Việt giảm tới 32% so với cùng kỳ 2021, chỉ mang về hơn 317 tỷ đồng.

Quý 1/2022, lợi nhuận tại Bảo Việt 'giậm chân tại chỗ', đến quý 2/2022 lợi nhuận lại giảm. Do đó, tổng kết 6 tháng đầu năm 2022, lãi trước thuế của Bảo Việt giảm 8% còn hơn 1.036 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt gần 828 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh kinh doanh u ám của Tập đoàn Bảo Việt

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra ngày 29/6/2022, Ban lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt cập nhật về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm với tổng doanh thu hợp nhất đạt 26.300 tỷ đồng, hoàn thành 50,2% kế hoạch 52.400 tỷ đồng cả năm và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp ước tính lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm giảm 12%. Giải thích lý do lợi nhuận giảm, lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt cho rằng vì giá trị một số khoản đầu tư vào các quỹ giảm theo biến động giá của các cổ phiếu trên thị trường.

Ngoài kết quả kinh doanh ảm đạm, dòng tiền tại Bảo Việt cũng đang hao hụt khá lớn.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 49% còn gần 3.253 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 17.543 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 1.180 tỷ đồng) và dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính kỳ này cải thiện hơn, ghi nhận dương hơn 12.074 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 9.121 tỷ đồng). Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ tại Tập đoàn Bảo Việt âm hơn 2.216 tỷ đồng.

Nợ phải trả chiếm 88% tổng tài sản, nợ dài hạn tiếp tục vượt quá tài sản dài hạn

Bức tranh kinh doanh u ám của Tập đoàn Bảo Việt
Ảnh: Hà Phương/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tập đoàn Bảo Việt trước đây là doanh nghiệp nhà nước, sau đó đã được cổ phần hóa và trở thành doanh nghiệp cổ phần từ năm 2007.

Trước đây, khi nhắc đến Tập đoàn Bảo Việt, người ta nghĩ ngay đến một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Việt Nam nhưng nhiều năm gần đây, Tập đoàn này đã mở rộng đầu tư đa ngành với các dịch vụ tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản… và mảng chính bảo hiểm đang mất dần "ngôi vương". Điều đáng nói, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn này cho đến nay đều có kết quả không mấy khả quan, lợi nhuận khiêm tốn.

6 tháng đầu năm 2022, ngoài kết quả kinh doanh bết bát, tình hình tài chính tại Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục trong tình trạng kém khả quan.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, tính đến 30/6/2022, tổng tài sản tại Bảo Việt ghi nhận hơn 193.291 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm được hình thành từ 170.510 tỷ đồng nợ phải trả, tương đương tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản là 88% và chỉ có 22.780 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Do đó, nợ phải trả đang cao gấp 7,4 lần vốn chủ sở hữu.

Các con số trên cho thấy doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ.

Bức tranh kinh doanh u ám của Tập đoàn Bảo Việt

Theo nguyên tắc, hệ số nợ phải trả càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Về nợ vay tại Bảo Việt tính đến 30/6/2022 giảm tới 39% xuống còn hơn 1.699 tỷ đồng – đây là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bức tranh tài chính tại doanh nghiệp này tiếp tục xấu đi khi nợ dài hạn phải trả cao hơn tài sản dài hạn đến 68.443 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến 30/6/2022, nợ dài hạn phải trả ghi nhận hơn 136.616 tỷ đồng trong khi tài sản dài hạn gần 68.173 tỷ đồng. Như vậy, nợ dài hạn tại Tập đoàn Bảo Việt cao gấp 2 lần tài sản dài hạn, tương đương tăng thêm 68.443 tỷ đồng.

Nếu phần tài sản dài hạn liên tục nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã bị doanh nghiệp chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Điều này thực sự vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Nếu Bảo Việt tiếp tục để tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận kinh doanh bết bát hơn nữa hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp nghiêm trọng.

Bức tranh kinh doanh u ám của Tập đoàn Bảo Việt

Thực tế, tình trạng sử dụng đòn bẩy nợ cao và nợ dài hạn vượt qúa tài sản dài hạn tại Tập đoàn Bảo Việt đã kéo dài suốt 4 – 5 năm qua. Đến nay vẫn chưa thể cải thiện.

Tập đoàn Bảo Việt chia cổ tức cao kỷ lục

ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra ngày 29/6/2022, Tập đoàn dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phới 2.246 tỷ đồng chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30,261%. Đây là mức cổ tức kỷ lục, so với mức khoảng 8-10% mỗi năm kể từ 2014 tới 2020. Trước đó, Bảo Việt chia cổ tức tỷ lệ 12-15% bằng tiền.

Tập đoàn dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.246 tỷ đồng chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30,261%. Đây là mức cổ tức kỷ lục, so với mức khoảng 8-10% mỗi năm kể từ 2014 tới 2020. Trước đó, Bảo Việt chia cổ tức tỷ lệ 12-15% bằng tiền.

Về tình hình sử dụng 4.011,7 tỷ đồng huy động từ đợt phát huy riêng lẻ từ ngày 18/12/2019 đến ngày 31/5 năm nay, Bảo Việt cho biết đã dùng 1.960,4 tỷ đồng, trong đó 1.850 tỷ đồng tăng vốn cho các đơn vị thành viên và 110,4 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Bức tranh kinh doanh u ám của Tập đoàn Bảo Việt
Báo cáo tình hình sử dụng vốn từ đợt phát hành riêng lẻ năm 2019. Ảnh: BVH.

Đây là đợt Bảo Việt phát hành 41,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 96.817 đồng/cp. Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) - cổ đông lớn thứ hai tại Bảo Việt sau Bộ Tài chính, đã chi 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua số cổ phần này trong ngày 18/12/2019. Sau giao dịch, Sumitomo Life nâng sở hữu mức 17,48% lên 22,09%. Trước đó vào năm 2012, Sumitomo Life cũng từng chi 7.098 tỷ đồng (tương đương 340 triệu USD) mua 122,5 triệu cổ phiếu BVH từ HSBC Insurance Holdings Limited - cổ đông sáng lập của Bảo Việt.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương

vietinbank
ajinomoto