Bộ TN&MT nêu loạt vấn đề cần rà soát tại dự án "Thành phố thông minh"

14:20 | 09/03/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) yêu cầu rà soát, đánh giá chi tiết và báo cáo cấp thẩm quyền quyết định chiều cao tòa tháp 108 tầng ở dự án "Thành phố thông minh" ở huyện Đông Anh (Hà Nội) với diện tích hơn 270 ha, tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD.
Khuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng thành phố thông minhKhuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng thành phố thông minh
Hà Nội: Công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án Thành phố thông minhHà Nội: Công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án Thành phố thông minh
Công bố triển khai Thành phố thông minh Bắc Hà NộiCông bố triển khai Thành phố thông minh Bắc Hà Nội

Bộ TN&MT vừa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án "Thành phố thông minh" tại xã Vĩnh Ngọc, xã Hải Bối và xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Bộ TN&MT nêu loạt vấn đề cần rà soát tại dự án
Phối cảnh dự án" Thành phố thông minh"/ Ảnh: Nguồn Ineternet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo quyết định, dự án sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình nhà ở, trường học, văn phòng, thương mại, dịch vụ, công cộng trên diện tích 271,45ha, quy mô dân số 25.741 người (không bao gồm 100 người của khu giãn dân Hải Bối)

Trong đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng và kinh doanh thương mại các công trình nhà ở (thấp tầng, cao tầng, hỗn hợp) trường học: Giai đoạn 1 xây dựng 60 căn nhà ở liền kề, 247 căn biệt thự, một chung cư, 9 tòa nhà hỗn hợp, 2 trường THCS, 2 trường tiểu học và 3 trường mầm non.

Giai đoạn 2 xây dựng 209 căn biệt thự và một trường mầm non. Giai đoạn 3 xây dựng 4 tòa nhà hỗn hợp, một trường mầm non và một trường quốc tế (liên cấp).

Giai đoạn 4, chủ đầu tư xây dựng 7 tòa nhà hỗn hợp và một trường THCS. Giai đoạn 5 sẽ xây dựng Trung tâm tài chính, thương mại, nhà ở hỗn hợp quy mô 108 tầng.

Về yếu tố môi trường, Bộ TN&MT cho biết, dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 210ha đất, bao gồm trên 150ha đất chuyên trồng lúa nước; gần 29ha đất nuôi trồng thủy sản; hơn 7ha đất trồng cây hàng năm; hơn 1ha đất công nghiệp, kho tàng, bến bãi; hơn 3ha đất nghĩa trang và 3ha đất ở của hơn 100 hộ dân (45 hộ dân thuộc đối tượng phải di dời, tái định cư) của xã Hải Bối.

Hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án làm suy giảm diện tích trồng lúa, ảnh hưởng đến việc làm, hoạt động kinh doanh, sản xuất... của các tổ chức, cá nhân trong khu vực.

Vì vây, Bộ TN&MT yêu cầu chủ dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định; thực hiện các biện pháp hỗ trợ ổn định sản xuất và đào tạo nghề cho người dân.

Chủ đầu tư phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công phù hợp để hạn chế tối đa tác động đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, các công trình hiện hữu.

Đầu tư xây dựng công trình theo đúng thiết kế được duyệt; định kỳ giám sát nguy cơ gây lún, nứt các công trình khu vực dự án trong suốt quá trình thi công.

Đồng thời, vận hành mạng lưới thu gom nước thải và hệ thống 5 trạm bơm chuyển bậc nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì. Không được phép xả nước thải ra môi trường trong trường hợp nhà máy này xảy ra sự cố.

Hạn chế sử dụng nhiều máy móc, thiết bị trên công trường cùng một lúc; giảm vận tốc xe chạy qua khu tập trung đông dân cư, khu vực nhạy cảm như Trường tiểu học Vĩnh Ngọc, chùa Long Hưng...

Các vị trí có khả năng bị ảnh hưởng (công trình tôn giáo, trường học, trụ sở cơ quan, khu giãn dân thôn Hải Bối), khu dân cư thôn Phương Trạch tại phía Bắc và phía Nam của dự án, các nhà dân nằm sát tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu và phế thải (đường Bắc Thăng Long - Vực Dê)… cần được thực hiện giám sát môi trường xung quanh để kịp thời điều chỉnh biện pháp giảm thiểu tác động của bụi cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu chủ đầu tư, cơ quan chức năng có biện pháp giảm thiểu tác động đến hoạt động bay của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Trong đó, chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thực hiện rà soát, đánh giá chi tiết và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chiều cao công trình Trung tâm tài chính - thương mại.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm giảm thiểu tối đa tác động của việc xây dựng công trình đối với hệ thống phương thức bay liên quan tại Sân bay Nội Bài và chỉ xây dựng công trình Trung tâm tài chính - thương mại với chiều cao được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện các bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, chủ dự án có trách nhiệm tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng bổ sung thông tin về công trình Trung tâm tài chính, thương mại hỗn hợp (đặc biệt là các mốc tọa độ của công trình) như nội dung được nêu tại Công văn số 7442/2023 của Cục Hàng không Việt Nam.

Chỉ được phép xây dựng công trình tại vị trí và theo chiều cao được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc cho phép theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án "Thành phố thông minh" với diện tích hơn 270 ha, tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD nằm trên ba xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ của huyện Đông Anh, Hà Nội do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội (NHSC) thực hiện. NHSC là liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Dự án “Thành phố thông minh” có vị trí quan trọng, nằm tại chân cầu Nhật Tân, bờ Bắc sông Hồng, giữa cầu Thăng Long và cầu Long Biên, trên trục đường Võ Nguyên Giáp kết nối trung tâm thành phố và khu vực Hồ Tây tới sân bay quốc tế Nội Bài. Trong đó, tháp tài chính 108 tầng thuộc danh mục các công trình trọng điểm đã được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)

vietinbank
thaco