Bốn điểm nhấn của tình trạng năng lượng toàn cầu

08:58 | 30/06/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Viện Năng lượng (EI) có trụ sở tại Anh đã thay ông lớn dầu khí BP công bố Đánh giá thống kê năng lượng thế giới, một báo cáo thường niên được xuất bản trong gần 7 thập kỷ qua, với 4 điểm nhấn trong ấn bản năm 2023.
Các nhà khoa học: Lưu trữ LNG đem lại rủi roCác nhà khoa học: Lưu trữ LNG đem lại rủi ro
Tăng trưởng kỷ lục của năng lượng tái tạo vẫn không thể cắt giảm thị phần nhiên liệu hóa thạch toàn cầuTăng trưởng kỷ lục của năng lượng tái tạo vẫn không thể cắt giảm thị phần nhiên liệu hóa thạch toàn cầu
Bốn điểm nhấn của tình trạng năng lượng toàn cầu
Ảnh minh họa

1. Nhu cầu năng lượng đang tăng lên ở các quốc gia không thuộc OECD

Mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái, ở mức hơn 600 exajoules. Con số này gấp đôi mức tiêu thụ năng lượng của thế giới vào năm 1985 và gấp 4 lần năm 1965, khi dữ liệu bắt đầu được thu thập để làm đánh giá thống kê.

Nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới đang tăng lên, nhưng không đồng đều giữa các nền kinh tế. Đối với các nền kinh tế có thu nhập cao và trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu năng lượng cơ bản đã đạt đỉnh vào 15 năm trước - cùng năm đó, nhu cầu ở phần còn lại của thế giới đã vượt qua OECD. Nhu cầu ở các nước OECD thực sự đã giảm 3,4% về giá trị tuyệt đối kể từ năm 2007, trong khi nó đã liên tục tăng ở phần còn lại của thế giới trong cùng khoảng thời gian.

Về mặt tương đối, vai trò của OECD trong nhu cầu năng lượng toàn cầu tiếp tục giảm, mặc dù chậm. Năm 2007, nhóm này chỉ chịu trách nhiệm cho gần một nửa tổng mức tiêu thụ năng lượng; hiện nay, tỷ lệ này là dưới 39%. Các câu hỏi quan trọng đối với tương lai của năng lượng là nhu cầu đó có thể giảm xuống bao nhiêu và các quốc gia không thuộc OECD có thể đạt đến đỉnh chung nhanh như thế nào.

2. Dầu là "vua", hoặc cũng có thể là than hay khí đốt

Nhu cầu toàn cầu đối với nhiên liệu hóa thạch cũng đang ở mức cao nhất mọi thời đại, riêng than và khí đốt đều có nhu cầu ở mức kỷ lục. Và dầu mỏ, ở một khía cạnh nào đó, là "vua" của các loại nhiên liệu hóa thạch. Dầu là năng lượng hóa thạch được tiêu thụ nhiều nhất năm 1965 và trạng thái này tiếp tục được ghi nhận trong năm 2022.

Nhưng vị trí dẫn đầu này phụ thuộc vào khoảng thời gian khi các cuộc khủng hoảng năng lượng, các nền kinh tế và sự bùng nổ tài nguyên ảnh hưởng đến xu hướng tăng trưởng.

Kể từ năm 1965, mức tăng tiêu thụ hàng năm đối với dầu mỏ và khí đốt gần như giống nhau, với than đá chỉ sau dầu mỏ khoảng 20%. Nhưng nếu nhìn từ năm 1974 (bắt đầu cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên), thì lượng tiêu thụ khí đốt và than đá đã tăng nhiều hơn dầu mỏ. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, than đá đoạt ngôi vương với tốc độ tăng trưởng vượt xa khí đốt và gần gấp đôi dầu mỏ.

Cuối cùng, nếu đo lường mức tăng tiêu thụ năng lượng từ dầu, than và khí đốt từ năm 2011 đến năm ngoái, thì khí đốt tăng nhiều nhất, tiếp theo là dầu mỏ (khoảng 2/3 mức tăng của khí đốt) và sau đó là than đá (khoảng 1/3).

3. Vận tải đường thủy đánh bại đường ống trong thương mại khí đốt toàn cầu

Khí đốt tự nhiên đã lưu thông giữa các thị trường trong nhiều thập kỷ qua, thông qua cả đường ống và vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển. Các đường ống đã thúc đẩy phần lớn giao dịch khí đốt liên khu vực trong nhiều năm, nhưng kể từ năm 2020, LNG đã dẫn đầu về tổng khối lượng giao dịch.

Xét tới việc cuộc xung đột vẫn đang diễn ra ở Ukraine và Nga đang hạn chế xuất khẩu qua đường ống dẫn của nước này, cùng với việc thương mại LNG hiện do Mỹ dẫn đầu, thì xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới.

4. Năng lượng tái tạo ngoài thủy điện đi theo đường cong

6 thập kỷ trước, thủy điện đã tạo ra 95% điện không phát thải trên thế giới. Khi bước vào thế kỷ mới, tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 47,2% và năng lượng hạt nhân vượt qua nó với tỷ lệ 48,6%.

Rõ ràng là những con số đó cộng lại không đủ 100%. Năm 2001, tổng sản lượng điện từ gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh khối và các công nghệ phát điện không phát thải khác chiếm 4,2% tổng nguồn điện không phát thải toàn cầu. Nhưng những công nghệ đó (đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời) khi ấy mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự gia tăng sản lượng theo cấp số nhân.

Vào năm 2020, năng lượng tái tạo phi thủy điện đã vượt qua năng lượng hạt nhân; một năm sau, năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã vượt qua năng lượng hạt nhân. Năm ngoái, thủy điện đã tạo ra 4.334 TWh, trong khi năng lượng tái tạo phi thủy điện tạo ra 4.204 TWh.

Mức tăng trưởng trong sản xuất năng lượng tái tạo phi thủy điện từ năm 2021 đến năm 2022 là hơn 500 TWh, nhiều hơn tổng lượng điện mà Pháp sử dụng năm ngoái và rất gần với mức tiêu thụ điện của Đức.

Với công suất năng lượng mặt trời kỷ lục được lên kế hoạch lắp đặt trong năm nay, sớm muộn thì năng lượng tái tạo phi thủy điện cũng sẽ trở thành nguồn phát điện lớn hơn thủy điện.

Đỗ Khánh

Bloomberg