Bình yên giữa bốn bề sóng vỗ

14:10 | 29/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nằm giữa bốn bề sóng nước, xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giờ đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng hoang sơ và yên bình. Hòn đảo xinh đẹp này cũng là nơi chứng kiến những câu chuyện đẹp về tình quân - dân do những người lính Biên phòng viết nên từ tấm lòng của mình.
Bình yên giữa bốn bề sóng vỗ
Đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng Quan Lạn phối hợp với đoàn viên, thanh niên tại địa phương tổ chức làm sạch bãi biển. Ảnh: Bích Nguyên, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Điểm tựa vững vàng

Tôi dành trọn một ngày theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Quan Lạn, BĐBP Quảng Ninh tới thăm các hộ dân trên xã đảo Quan Lạn. Tới thôn, xóm nào, chúng tôi cũng nhận được nụ cười thân thiện, những lời chào mời nhiệt tình vào nhà chơi, ở lại ăn cơm... Có cảm giác như quan hệ quân - dân ở đây thân tình như người một nhà.

Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là ngôi nhà của gia đình bà Phạm Thị Mẫn, sinh năm 1948, ở thôn Tân Phong. Qua cách nói chuyện, tôi có thể cảm nhận được tình cảm quý trọng đặc biệt mà bà Mẫn dành cho những người lính Biên phòng. Bà Mẫn bộc bạch: “BĐBP là ân nhân của gia đình tôi. Có sự giúp đỡ của các chú ở trên đồn, tôi có thêm động lực để gắng gượng nuôi dưỡng thằng cu Vương, cháu nó cũng có thêm điểm tựa để vượt lên số phận”.

Thằng cu Vương mà bà Mẫn nhắc đến là người cháu ngoại của bà, chưa một lần biết mặt bố. Năm nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng vợ chồng bà Mẫn vẫn nặng gánh hai vai vì con, vì cháu. Hằng ngày, bà bước thấp, bước cao cào ngao ngoài bãi triều.

“5 giờ sáng, tôi đã có mặt ở bãi. Hôm nào nhiều, tôi nhặt được chừng 4-5kg, hôm ít thì 1-2kg. Giá ngao đen khoảng 60.000-65.000 đồng/kg. Tính trung bình mỗi hôm tôi cũng bán được 100.000-200.000 đồng, gọi là đủ đắp đổi qua ngày” - bà Mẫn chia sẻ.

Để có thêm thu nhập, bà Mẫn còn trồng lạc, trồng rau, làm dậu khoanh nuôi ngao. Buồn một nỗi, năm nay, ngao chết nhiều nên thu nhập của bà bị giảm sút. “Mỗi tháng tôi bán được khoảng 5-6 triệu đồng tiền ngao. Nếu ngao không chết nhiều thì tôi cũng có tiền để mở rộng thêm diện tích nuôi” - bà Mẫn nói.

Kể chuyện về Vương, giọng bà trầm lại: “Mẹ nó vốn sinh ra đã không được bình thường như những đứa trẻ khác, gầy yếu, ngây ngô, đến bây giờ tính tình vẫn như một đứa trẻ. Nó dại khờ nên bị người ta lợi dụng làm bậy mà không biết. Đủ 9 tháng 10 ngày, nó sinh được một bé trai. Tôi lấy họ của mình đặt cho cháu là Phạm Quốc Vương”.

Chăm nuôi một mình con gái bệnh tật đã vất vả, khi có thêm cháu trai, vợ chồng bà Mẫn càng phải ráng sức. Bà Mẫn kể: “Mẹ nó không biết tự chăm sóc bản thân nói gì đến chăm con. Tôi phải thay mẹ nó làm hết mọi thứ. May mà thằng bé này nuôi dễ. Chỉ có một lần, nó làm chúng tôi sợ chết khiếp. Hồi chưa được 1 tuổi, tự nhiên cháu bị ngất, chúng tôi phải đưa vào viện thở bình oxy. Qua được đận đó, thằng bé lớn rất nhanh, khỏe mạnh, phổng phao”.

Trước gia cảnh khó khăn của Vương, năm 2020, Đồn Biên phòng Quan Lạn nhận cháu làm con nuôi của đơn vị. “Chúng tôi rất ấm lòng trước tình cảm của các anh Biên phòng. Tôi phấn khởi vì gánh nặng kinh tế đỡ đi được một phần, nhưng hạnh phúc hơn cả là cháu tôi có thêm điểm tựa vững vàng” - bà Mẫn tâm sự.

Kéo cháu trai ngồi xuống bên cạnh, bà Mẫn tự hào nói với chúng tôi: “Thằng bé ngoan lắm, lại sáng dạ, từ năm học lớp 1 đến giờ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi”. Phạm Quốc Vương sinh năm 2008, năm nay học lớp 9. Dường như ông trời thấu hiểu hoàn cảnh của Vương nên bù đắp lại cho em nhiều thứ. Vương học rất giỏi, có ý thức tự giác cao. Em từng đoạt giải Ba cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lý. Không chỉ học giỏi, Vương còn biết lo liệu, giúp đỡ gia đình. Hè năm nay, cậu xin đi giúp việc ở quán bán kem để có thêm tiền phụ bà trang trải sinh hoạt phí.

Tiếp thêm động lực cho người dân

Đồn Biên phòng Quan Lạn quản lý 10 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã đảo và 6 xã bãi ngang thuộc huyện Vân Đồn. Huyện đảo này đang trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ,nhưng vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Những người lính Biên phòng luôn chung vai, gánh vác chia sẻ khó khăn, trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân trên địa bàn.

Trung tá Tạ Tấn Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quan Lạn chia sẻ: “Chúng tôi làm mọi việc giúp dân xuất phát từ tình cảm chân thành. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, chúng tôi luôn trăn trở trước những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực, vì thế, giúp được người dân nào, chúng tôi đều cố gắng hết sức, hết lòng trong khả năng của mình”.

Bình yên giữa bốn bề sóng vỗ
Trung tá Tạ Tấn Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quan Lạn tới nhà thăm cháu Vương, con nuôi của đơn vị trong dịp nghỉ Hè. Ảnh: Bích Nguyên, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Như lời anh Trường nói, không chỉ có cậu học trò Phạm Quốc Vương, Đồn Biên phòng Quan Lạn còn nhận đỡ đầu 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, trong đó có Phạm Duy Khương, năm nay học lớp 11. Mỗi tháng, Đồn Biên phòng Quan Lạn gửi tặng Khương 500.000 đồng để phục vụ cho việc học tập. Bố mất sớm, Khương được mẹ và ông bà ngoại nuôi dưỡng tại thôn Tân Phong. Mẹ Khương làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Dù món quà vật chất mà Đồn Biên phòng Quan Lạn gửi tặng không phải là lớn, nhưng cũng đủ cho mẹ con Khương ấm lòng bởi sự quan tâm, chia sẻ.

Một học sinh khác được Đồn Biên phòng Quan Lạn nhận đỡ đầu là cháu Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Thái Hòa. Trung tá Tạ Tấn Trường phấn khởi báo tin cho tôi qua điện thoại: “Kỳ thi vừa qua, cháu Hoa đã đỗ vào Trường Đại học Hạ Long, Khoa Ngôn ngữ tiếng Trung. Cháu đang làm thủ tục nhập học, em ạ”. Nghe ngữ điệu của anh, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của một người bố báo tin vui về con gái của mình.

Hoa mồ côi bố từ nhỏ. Mẹ của Hoa làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh. Những người lính Biên phòng đã ghé vai gánh đỡ một phần nỗi cực nhọc đang đè lên vai mẹ cháu Hoa. Sự giúp đỡ, động viên của những người lính Đồn Biên phòng Quan Lạn giúp mẹ con Hoa cảm thấy yên tâm hơn. Cô học trò vùng biên có thêm quyết tâm học tập để thực hiện ước mơ của mình. Niềm hạnh phúc vỡ òa với mẹ con Hoa và cả những người lính Biên phòng khi biết chắc Hoa đã bước chân vào giảng đường đại học.

Trong những ngày ở Quan Lạn, chúng tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện về những người lính Biên phòng. Trong mỗi hoạt động của chính quyền địa phương và người dân đều có bóng dáng màu áo xanh từ hoạt động làm sạch biển, dọn vệ sinh đường thôn, xóm, tới việc tìm kiếm, cứu dân gặp nạn trên biển, đảm bảo an ninh, trật tự... Kết thúc mỗi câu chuyện về người lính đều là tình cảm trân trọng, thương quý mà người dân dành cho bộ đội, là cảm giác yên tâm khi có dáng hình của người lính ở vùng biển, đảo quê hương.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Bích Nguyên

bienphong.com.vn