Bến Tre: Tập trung ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

14:05 | 02/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hiện tại, đang vào mùa mưa nên tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp gây thiệt hại đến tài sản, đất đai của người dân. Chính quyền địa phương, các ngành đang tập trung ứng phó với các giải pháp công trình, phi công trình nhằm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.
Bến Tre: Tập trung ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển
Kè mềm bằng túi Geotube ven biển Thạnh Phong (Thạnh Phú) phát huy hiệu quả, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Nguy cơ rình rập

Gần 10 năm qua, bà con ở xóm nhỏ ven biển thuộc ấp Thạnh Hải (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri) luôn sống trong cảnh lo âu vì liên tục di dời nhà cửa, tài sản do sạt lở. Gia đình ông Mai Văn Tia, nhà sát bên bãi biển phải ba lần di dời nhà nhưng giờ đã sát bên bãi biển và có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Ông Tia cho biết: “Gia đình tôi có 1ha đất giồng cát ven biển để trồng hoa màu như: củ cải trắng, rau, bầu bí… nhưng gần đây bị sạt lở chỉ còn 1.000m2 đất nên chỉ cất nhà chứ không làm gì được. Bây giờ, gia đình tôi ráng bám trụ lại vì không còn đất ở chỗ khác để di dời. Trước nhà chỉ đóng cừ tạm và lót bạt, có thể bị sóng đánh trôi bất cứ lúc nào”.

Cùng xóm với ông Tia là gia đình ông Huỳnh Văn Ngoạt cũng nhiều lần buộc phải di dời nhà do sạt lở bờ biển. Đến nay, ông vẫn chưa có tiền dựng nhà mới nên chuyển đến ở tạm nhà người thân rồi đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Tại khu vực bờ biển Cồn Ngoài (ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận) dài khoảng 12km, do tác động của biến đổi khí hậu nên thời gian gần đây xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Theo thống kê, hiện tại có 3 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 5km, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận Khổng Minh Tặng cho biết: Toàn ấp Thạnh Hải có 68 hộ dân, trong đó 31 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ biển, nhiều nhà dân phải di dời vào đất liền. Trung bình hàng năm, biển xâm thực vào đất liền khoảng 100m. Đến nay, người dân đã mất 21ha đất sản xuất. Chính quyền địa phương chỉ vận động người dân làm kè tạm để bảo vệ tài sản, đất đai và rất mong Nhà nước sớm đầu tư làm bờ kè kiên cố để bảo vệ tài sản của người dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 140km. Những khu vực đã và đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh như: Sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày, sông Bến Tre, sông Giao Hòa; sạt lở khu vực các cồn: cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam... Hiện tại, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tập trung xử lý khắc phục

Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang triển khai đầu tư 9 dự án xây dựng công trình khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài khoảng 8km. Các giải pháp đã được áp dụng có hiệu quả trong thời gian qua bao gồm: kè lát mái bê-tông cốt thép chắn sóng; kè ngầm giảm sóng gây bồi; kè mềm bằng túi Geotube giảm sóng gây bồi; kè tường đứng; kè mái nghiêng bằng rọ đá, bê-tông cốt thép. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện giải pháp trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng với tổng diện tích khoảng 380ha. Từ đó, từng bước khôi phục rừng ngập mặn ven biển, tạo vành đai chắn gió, chắn sóng góp phần bảo vệ, hạn chế và ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển tại các khu vực xung yếu.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Điền cho biết: Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh trong những năm qua diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh. Tỉnh có chiều dài bờ biển 65km, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển xâm thực làm mất đất, thiệt hại hoa màu, ảnh hưởng đời sống của người dân. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kè mềm, kè cứng để khắc phục sạt lở tại các địa phương ven biển mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều vị trí vẫn đang tiếp tục có hiện tượng bị sạt lở mạnh, đe dọa đến tính mạng và đời sống của nhân dân trong khu vực nhưng vẫn chưa có kinh phí để triển khai các giải pháp khắc phục như: sạt lờ bờ biển khu vực huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; sạt lở khu vực bờ sông Mỏ Cày, sông Bến Tre, sông Giao Hòa…

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, trong các năm qua, tỉnh được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các dự án khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển với nhiều giải pháp khác nhau về cả công trình và phi công trình. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí được phân bổ trong thời gian qua vẫn còn hạn chế nên chưa thể giải quyết được dứt điểm tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh rất cần các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình, dự án để kịp thời ngăn chặn tình trạng sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển; bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng hiện có, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian qua, sạt lở đã gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở, xâm thực bờ biển đang diễn ra mạnh mẽ, trung bình hàng năm bờ biển lấn sâu vào trong đất liền từ 10 - 15m, làm mất trên 120ha đất và khoảng 100ha rừng phòng hộ ven biển. Hiện tại, mức độ sạt lở ở nhiều điểm có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn (sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng...).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Thành Châu

baodongkhoi.vn