Từ bài học rác thải nhựa nhìn về hệ lụy phát triển ồ ạt điện gió, điện mặt trời
- Bà đánh giá thế nào về điện mặt trời, điện gió trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế hiện nay?
GS. TS Đặng Thị Kim Chi: Điện mặt trời, điện gió là nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng bao nhiêu năm nữa vẫn tồn tại, không như nguồn nhiên liệu hóa thạch là hữu hạn. Nếu cứ khai thác với tốc độ như hiện nay thì thời điểm cạn kiệt của nhiên liệu hóa thạch sẽ tới.
Trong quá trình sản xuất, năng lượng hóa thạch tạo ra phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường, khí hậu. Hệ quả đó đặt ra yêu cầu phải tìm ra nguồn năng lượng mới không gây tác động xấu đến biến đổi khí hậu, khiến trái đất nóng lên. Do đó, phát triển năng lượng tái tạo là hướng nghiên cứu là đúng và đáng khuyến khích.
Điện gió, điện mặt trời còn có tên gọi khác là năng lượng xanh vì không mất đi và có khả năng tái tạo, không sinh ra CO2, tro bụi. Loại năng lượng này dễ áp dụng ở nhiều địa hình khác nhau như trên rừng, đồng bằng, ngoài biển khơi. Bất cứ nơi nào có thể thu được năng lượng từ mặt trời, gió đều có thể sản xuất ra điện được.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng tồn tại một số tác động xấu đến đời sống con người, thiên nhiên và môi trường.
- Bà nhìn nhận gì về những ưu điểm, nhược điểm của các loại năng lượng trên? Điện mặt trời, điện gió có thật sự sạch tuyệt đối như những gì được ca ngợi chưa, thưa bà?
GS. TS Đặng Thị Kim Chi: Vào thời điểm nhựa được phát minh, đây được coi là thành tựu mới bởi tính tiện dụng, giá thành rẻ, cho đến hiện nay không có nhà nào không dùng nhựa từ cấp cao thượng lưu đến người dân bình thường. Nhưng sau nhiều năm sử dụng đã để lại vấn nạn rác thải nhựa tác động xấu tới môi trường và sức khỏe cộng động.
Tương tự, năng lượng mặt trời, gió đang được biết đến với nhiều ưu điểm, không phát thải CO2, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, tận dụng tối đa nguồn năng lượng có nguồn gốc tự nhiên. Nhưng nhìn từ kinh nghiệm bài học sử dụng nhựa, việc lường trước tác động tiêu cực từ điện gió, điện mặt trời không hề thừa.
Sáu nhược điểm rõ rệt nhất có thể thấy, gồm:
Thứ nhất, chi phí đầu tư ban đầu cho nhà máy điện mặt trời, điện gió so với nhà máy điện than có cùng công suất khá tốn kém, bởi phải xây dựng hệ thống trang thiết bị hiện đại và tiên tiến. Giá thành đầu tư cho các tấm pin mặt trời, cánh quạt gió, để thu năng lượng chuyển hóa thành điện và các bộ ác quy dự trữ điện phát đi mọi nơi tiêu dùng đều rất cao
Thứ hai, năng lượng mặt trời và năng lượng gió phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên tính ổn định thấp và thường chịu tác động từ các tác nhân gây ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động.
Khi thiếu ánh nắng mặt trời ban đêm hay chiều tối hay trong các điều kiện thời tiết bất lợi như mưa giông bão sẽ thu năng lượng mặt trời không hiệu quả. Gió quá nhẹ không thể quay được cánh quạt, nhưng gió quá mạnh có thể gãy hỏng thiết bị, gây gián đoạn quá trình sản xuất điện.
Thứ ba, diện tích mặt đất chiếm dụng để đầu tư điện gió, điện mặt trời so với nhà máy nhiệt điện than, dầu cũng lớn hơn nhiều lần. Điện gió không chiếm diện tích nhiều như điện mặt trời, nhưng không gian sử dụng để các cánh quạt gió quay không nhỏ.
Kể cả khi đưa điện gió ra ngoài khơi cũng gây hệ lụy tới hệ sinh thái biển. Tại các khu vực phát triển nhà máy điện mặt trời, điện gió, người dân sinh sống không còn đất để sử dụng cho canh tác và phát triển sản xuất truyền thống (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng hải sản…)
Đi sâu hơn về tác động môi trường, những tấm pin mặt trời được rải trên diện tích hàng chục ha, hệ sinh thái phía dưới sẽ không tiếp nhận được năng lượng mặt trời trực tiếp vì đã bị chăn bởi các tấm pin phía trên.
Do đó, hệ sinh thái của phần diện tích đất phía dưới có nhiều thay đổi. Nhiều loại cây cỏ, sinh vật không phát triển được như trước đó vì không đủ năng lượng cần thiết cho quá trình quang hợp và phát triển của sinh vật.
Thứ tư, hoạt đông của các nhà máy điện mặt trời sau nhiều năm (tùy thuộc vào tuổi thọ của thiết bị được lắp đặt) sẽ xuất hiện một khối lượng lớn chất thải là các tấm pin mặt trời, cánh quạt gió thải bỏ. Việc xử lý không dễ dàng, cần đầu tư cho việc thu hồi lại kim loại quý và xử lý các chất thải khó phân hủy, tái chế có hiệu quả kinh tế và an toàn đối với môi trường.
Thứ năm, với những nhà máy điện gió, sử dụng năng lượng sinh ra từ cánh quạt nhờ tốc độ gió từ 4m/giây đến 125m/giây, khi cánh quạt gió quay gây ra tiếng ồn lớn, nên dân cư cũng không thể sống gần những nhà máy điện gió này. Như vậy, cả nhà máy điện mặt trời và điện gió đề gây những tác động tiêu cực lên sức khỏe con người xung quanh.
Thứ sáu, ô nhiễm bóng khí độc hại, ở điều kiện mặt trời chiếu nắng, cánh quạt gió quay sẽ tạo hiệu ứng tối – sáng loang loáng. Công nhân làm việc ở khu vực này hay những người dân sống quanh đó phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi năng lương sáng – tối thay đổi liên tục gây tác hại lên thần kinh.
Để tìm giải pháp khắc phục tác động của nhà máy điện gió trên đất liền đã có đề xuất đưa ra ngoài khơi. Đây là một sáng kiến hay, tuy nhiên, thực tế cho thấy khi xây dựng nhà máy điện gió ngoài biển, những vùng sản xuất sẽ phải cấm hoạt động khai thác đánh bắt cá của ngư dân để đảm bảo an toàn. Bởi những vùng sản xuất điện có nguy cơ xảy ra sự cố gây nguy hiểm cho các tàu đánh cá.
- Hệ lụy của những thiết bị hết vòng đời trong sản xuất điện gió, điện mặt trời không hề đơn giản, theo bà, trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời, cánh quạt gió nên thuộc về ai?
GS. TS Đặng Thị Kim Chi: Đầu tư nhà máy điện mặt trời đã đắt nhưng xử lý các tấm pin, cánh quạt hết vòng đời còn tốn kém hơn. Từ nghiên cứu những nhà máy điện mặt trời được sử dụng 5-10 năm trước, các chuyên gia đưa ra ý kiến: Khi tấm pin mặt trời hỏng, nhà sản xuất có trách nhiệm thu hồi và trừ tiền xử lý cho người sử dụng, tuy nhiên câu chuyện này còn chưa tính đến rủi ro nhà cung cấp đã đóng cửa lúc đó.
GS. TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (Ảnh: Phương Thảo). |
Trong quy định hiện nay, bên nào sinh ra chất thải phải có trách nhiệm xử lý đến cùng. Những nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời, cánh quạt gió có trách nhiệm thu hồi sản phẩm cuối vòng đời và xử lý, tái chế.
Các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường đã có những nghiên cứu, bàn luận về phương án thu hồi, xử lý, tận dụng một số kim loại quý từ sản phẩm cuối vòng đời. Khi muốn thu hồi lại những kim loại quý, quy trình cần phá bỏ những phần thủy tinh, nhựa bao quanh.
Tuy nhiên, chưa có phương án thật sự hiệu quả vì giá thành tái sử dụng không hề rẻ, xử lý chất thải điện tử cần nhiều kinh phí hơn những chất thải thông thường khác. Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu đang thực hiện tìm giải pháp, đề xuất chính sách.
Các quy định, chính sách, cao hơn là thông tư, luật đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình tìm ra phương án xử lý chất thải điện tử hiệu quả. Điều này cần sự phối hợp của nhiều bộ/ngành.
- Để phát triển năng lượng tái tạo một cách hiệu quả, phát huy cao nhất ưu điểm, hạn chế thấp nhất hệ lụy, những yếu tố căn cơ nào cần lưu ý, thưa bà?
GS. TS Đặng Thị Kim Chi: Việt Nam có thế mạnh về vị trí gần vùng xích đạo, giờ nắng nhiều, đường bờ biển chạy dài là lợi thế để sản xuất điện mặt trời, điện gió.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điện vẫn còn chịu phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện và nhiệt than đang hoạt động để đảm bảo tính ổn định. Do đó, cần có sự bố trí phù hợp giữa cung – cầu đối với vấn đề sử dụng năng lượng.
Để phát triển năng lượng tái tạo một cách cân bằng, sự đồng bộ về chính sách quy hoạch phát triển ngành điện với quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo và quy hoạch kiểm soát, giám sát đóng vai trò quyết định. Việc này đảm bảo cân bằng trong việc sử dung các loại năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch hiện đang hoạt động .
Công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng để người dân và các doanh nghiệp có thể tự tạo ra nguồn điện tận dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió từ thiên nhiên phục vụ nhu cầu năng lượng, giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng hóa thạch, góp phần ổn định, hài hòa giữa nhu cầu và các nguồn năng lượng hiện có.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Phương Thảo
- Mở đường cho giao thông xanh: Giá xe, giá pin là những trở ngại lớn
- Thuế carbon có đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp xi măng?
- Cần cơ chế, chính sách cho điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu”
- Phát triển thị trường điện gió, điện mặt trời cạnh tranh: Còn nhiều gian nan!
- Thách thức khi khai thác tiềm năng tín chỉ carbon trong lâm nghiệp