Phát triển thị trường điện gió, điện mặt trời cạnh tranh: Còn nhiều gian nan!
Dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam của Bộ Công Thương dựa trên cơ sở của Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Để làm rõ tính khả thi, tiềm năng hình thành thị trường này và khả năng thẩm thấu chính sách, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thượng mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân). |
P.V: Ông nhìn nhận như thế nào về sử dụng điện mặt trời, điện gió trong hộ gia đình tự sản tự tiêu?
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng: Dưới góc độ thương mại, việc sử dụng điện gió, điện mặt trời là hướng đi đúng gắn với Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng, Quy hoạch điện VIII và Luật Điện lực (sửa đổi) đang khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng xanh - sạch. Đặc biệt, mục tiêu giảm tỷ trọng năng lượng truyền thống hóa thạch.
Việc sử dụng năng lượng điện gió, điện mặt trời theo hình thức nhà nước đầu tư, doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài đầu tư hoặc tự sản tự tiêu đều là tốt. Nếu mở ra được cơ chế để nhân dân tự sản tự tiêu sẽ là cách thức tốt góp phần chuyển dịch cơ cấu năng lượng, đạt mục tiêu đặt ra trong giảm phát thải ròng, tận dụng tiềm năng năng lượng thiên nhiên.
Hơn nữa, việc sử dụng điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu còn góp phần tạo ra một thị trường sản xuất, khai thác các thiết bị. Nếu không tính đến các ràng buộc về mặt kỹ thuật, công nghệ, quá trình này có thể sẽ được thúc đẩy sớm hơn. Nhận thức này phù hợp với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới.
P.V: Theo ông, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở mỗi hộ gia đình có dễ dàng hay không, liệu giá thành có tiết kiệm hơn so với dùng điện quốc gia truyền thống?
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng: Dù chưa có các báo cáo đánh giá đầy đủ nhưng từ phản ánh từ các hộ gia đình dùng điện mặt trời, tôi thấy đây là cách làm phù hợp vì đầu tư không quá lớn, có thể tiết kiệm được điện quốc gia, bảo đảm được kinh tế và môi trường.
Thực tế cũng cho thấy những mặt tích cực cần phát huy. Nếu có thể nhân mô hình rộng ra diện đại trà và xây dựng các mô hình đặc trưng bảo đảm được tiêu chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm. Về giá thành điện mặt trời, hộ dân khi lắp đặt các thiết bị tốt sẽ mang lại hiệu quả lâu dài giúp tiết kiệm tiền điện trung bình hàng tháng.
Tuy nhiên, cũng cần có thời gian để đánh giá một cách chính xác đầy đủ hơn, ví dụ như thống kê có bao nhiêu hộ trong cả nước đã lắp đặt, tác động thiết bị như thế nào tới môi trường, có hệ quả gì mà chưa lường tới không.
Đặc biệt, để có cái nhìn chính xác nhất về mức độ đóng góp bảo vệ môi trường, các cơ quan nghiên cứu cần thực hiện đánh giá rộng rãi về thiết bị thải ra, hết vòng đời sẽ được xử lý theo các phương án nào. Nếu không xử lý tối ưu liệu mức độ gây hại cho môi trường có tương đương phương án dùng điện truyền thống không?
Chưa có đánh giá chính xác về mức độ đóng góp bảo vệ môi trường trong sử dụng điện mặt trời. |
Bên cạnh đó, người dân lắp đặt điện mặt trời, điện gió cũng cần lưu ý một số cảnh báo. Năng lượng mặt trời, gió không phải lúc nào cũng đều đặn và thường xuyên. Các hộ dân đã sử dụng phản ánh vào mùa hè có nhiều nắng sẽ có nguồn điện dồi dào ổn định hơn, nhưng mùa thu và mùa đông thường ít hơn.
Chỉ cần một làn mây che mặt trời cũng có thể làm suy yếu, thậm chí mất nguồn điện, do đó cần có hệ thống tích điện, nếu không sẽ phải dùng điện quốc gia bù vào.
Quan sát các công trình đang sử dụng điện mặt trời có thể thấy, họ buộc phải sử dụng cả điện lưới để khi hệ thống tích điện không đạt yêu cầu vẫn có thể đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra liên tục.
Bên cạnh đó, quá trình phát điện, bảo đảm điện cần phải tuân theo tiêu chuẩn quốc gia để phòng tránh chập cháy. Tránh trường hợp tiết kiệm được một ít tiền nhưng phải đánh đổi bằng những tác động sức khỏe, thậm chí tính mạng nếu xảy ra rủi ro. Cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra bộ tiêu chuẩn thống nhất, quy định hướng dẫn cụ thể nếu khuyến khích các hộ dân lắp đặt điện tái tạo tự sản tự tiêu.
Đánh giá chung, sử dụng điện mặt trời, điện gió tự sản tự tiêu trong các hộ dân cũng có những mặt tích cực và những rủi ro cần lưu ý, cần bao quát hết các giải pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực khi muốn nhân rộng mô hình này.
P.V: Mức giá Bộ Công Thương đề xuất 671 đồng/kWh có đủ khuyến khích, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng: Việc sử dụng điện mặt trời, điện gió nằm trong Quy hoạch điện VIII với mục tiêu hình thành thị trường điện cạnh tranh. Nguyên tắc của thị trường cạnh tranh là mua với giá thấp nhất và bán với giá cao nhất.
So sánh một cách cơ học, giá điện Lào chào bán cho Việt Nam đang là 7 cent/kWh, tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh, trong khi đó mức giá mua của nhân dân chỉ 600-700 đồng/kWh.
Chưa thể so sánh chính xác nguồn điện nào tốt hơn, nhưng điện có thể bán được tức là phải đảm bảo chất lượng, thì mức mua giá điện năng lượng tái tạo của nhân dân chỉ bằng 2/5 giá nhập khẩu là còn quá thấp, trong khi cần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
So sánh với giá Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bán cho người tiêu dùng đang có mức thấp nhất 1.700 đồng/kWh, mức giá mua lại điện tái tạo từ người dân cũng vẫn còn thấp. Nếu giá mua thấp quá, e rằng người dân không thể tham gia thị trường điện một cách tích cực được.
Giá mua điện mặt trời, điện gió từ người dân vẫn có thể áp dụng thấp hơn giá nhập khẩu và giá bán ra ở 50 số đầu, nhưng không nên chênh lệch nhiều quá. Bởi điều này khó có thể khuyến khích các hộ tự lặp đặt, bán sản lượng điện dư thừa lên lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, bước tiến bộ là đã không quy định mua sản lượng điện tự sản tự tiêu dư thừa với giá 0 đồng, nếu có thể cân đối tăng mức giá lên nữa sẽ có thể khuyến khích người dân tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường điện năng lượng tái tạo, vì giá càng tăng nguồn cung càng dồi dào.
Giá mua điện tăng lên còn là động lực để thị trường điện năng lượng tái tạo phát triển hơn, thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các nhà sản xuất thiết bị điện gió, điện mặt trời.
Với giá thành lắp đặt quảng cáo chỉ hơn 47 triệu đồng, đơn vị cung cấp thiết bị điện mặt trời cam kết từ 3-4 năm có thể hòa vốn. |
P.V: Từ kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, ông có nhận xét gì về khả năng thẩm thấu chính sách của người dân ở Việt Nam?
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng: Một số nước ở Bắc Âu đã có những tiến bộ lớn trong sử dụng điện mặt trời ở các hộ gia đình. Một số nước châu Á cũng có sự phát triển tương tự. Điểm chung ở các quốc gia này là bảo đảm lợi ích hài hòa, để chính phủ, người mua điện và nhà sản xuất đều có lợi.
Người dân Việt Nam rất nhạy bén, nhận thấy lợi ích sẽ bắt tay đầu tư ngay. Công tác thông tin tuyên truyền, các giải pháp hướng dẫn chi tiết cụ thể là những yếu tố giúp thị trường này có thể phát triển thuận lợi hơn nữa.
Như vậy, khi có cơ chế đồng thuận, hài hòa và cởi mở, người dân có thể thẩm thấu chính sách một cách nhanh chóng, thậm chí còn chủ động, tích cực phát triển mạnh.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Phương Thảo
- CIP chuẩn bị xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn đầu tiên tại Chile
- Gia hạn hợp đồng cung cấp dịch vụ, quản lý vận hành kho LPG Dung Quất
- Chuyển đổi số - chìa khóa nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững
- Vietnam Water Week 2024: Phát triển ngành nước Việt Nam an ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập
- Những vấn đề cần tập trung trong quá trình chuyển đổi số chuỗi giá trị ngành Dầu khí
- Chiến dịch bảo vệ rừng của châu Âu gặp trở ngại gì?
- Phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh
- Những trụ cột trong chuyển đổi số toàn diện ở các doanh nghiệp ngành Dầu khí
- Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam chính thức vận hành thương mại
- Doanh nghiệp sản xuất cần biến thách thức từ bất ổn năng lượng thành cơ hội