TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để “tiếp sức” doanh nghiệp

15:06 | 09/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2023, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên “mũi tên” này vẫn chưa trúng đích. Vì vậy, cần phải lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Quản trị tài chính cho CEO thời gió ngượcQuản trị tài chính cho CEO thời gió ngược
Chuyên gia tài chính chỉ cách khơi thông dòng vốn ngân hàngChuyên gia tài chính chỉ cách khơi thông dòng vốn ngân hàng
TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để “tiếp sức” doanh nghiệp
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2023?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Bên cạnh một số điểm tích cực, nhìn chung bức tranh kinh tế thế giới vẫn ảm đạm và đầy thách thức, sau khi đã trải qua rất nhiều yếu tố bất lợi của năm 2022 như khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu... Tình hình kinh tế cũng có dấu hiệu có thể khởi sắc trong tương lai. Thế nhưng, thời điểm này kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn hết sức khó khăn.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh không thuận lợi chung, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,05%, mặc dù không đạt mục tiêu 6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ nhưng là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực vẫn trì trệ như: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều trì trệ, nhiều doanh nghiệp vẫn phá sản, ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, các thị trường đều bất ổn: thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường vàng có biến động theo chiều hướng đi lên nhưng cũng không bền vững, tỷ giá ngoại tệ tăng, hệ thống ngân hàng có hiện tượng ứ đọng tiền, cho vay rất thấp…

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế Việt Nam vẫn còn trì trệ?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân tác động đến kinh tế trì trệ, nhưng chủ yếu là do chúng ta chưa thoát ra khỏi những chấn động từ đại dịch Covid-19. Trong năm 2022, đầu năm 2023 nền kinh tế có phần khởi sắc nhưng càng vào trong năm, nền kinh tế thể hiện có nhiều khó khăn. Qua năm 2023, khó khăn càng chồng chất, dẫn đến tình trạng nền kinh tế đi vào giai đoạn trì trệ trên tất cả thị trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do tình trạng hậu dịch Covid-19. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với thế giới và vì thế cũng có độ mở về rủi ro rất lớn, nên khi kinh tế thế giới trì trệ khó khăn thì Việt Nam cũng vậy. Độ mở đó có thể nhìn thấy rõ ràng vì xuất nhập khẩu lên đến gần gấp 2 GDP, đó là mức độ rủi ro rất cao. Có thể nói, nội địa chúng ta có vấn đề và chúng ta còn chịu thêm cả tác động từ bên ngoài, dẫn đến nền kinh tế Việt Nam chậm, trì trệ trong năm 2023.

PV: Năm 2023, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như hỗ trợ thanh khoản và cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi ban hành. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Tại sao lại vậy, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề đặt ra là những biện pháp đó có phải là những mũi tên bắn trúng đích không khi các doanh nghiệp đang yếu kém như thế. Chúng ta tìm cách giảm lãi suất với mong muốn giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp. Về nguyên tắc, đó là cách làm đúng. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp không vay vốn được từ ngân hàng do không có tài sản bảo đảm, tình hình tài chính bết bát. Thế nên, nếu giảm lãi suất = 0 cũng không giúp được các doanh nghiệp đó. Cũng có những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng lại không muốn vay bởi đầu ra đang giảm hoặc không có đầu ra. Nếu doanh thu đang giảm, không có đầu ra thì càng vay sẽ càng lỗ, do đó doanh nghiệp cũng không muốn vay. Vì vậy, giảm lãi suất với những nhóm doanh nghiệp này cũng không có nhiều tác dụng. Mà hai loại doanh nghiệp không vay được và không muốn vay này lại chiếm tỷ trọng đa số trong các doanh nghiệp hiện nay. Do đó, việc “bắn mũi tên” giảm lãi suất trên nguyên tắc rất hợp lý nhưng trên thực tế lại không trúng đích. Cái đích muốn nhắm đến là vực lại các doanh nghiệp, vực lại sức cầu của nền kinh tế để sức tiêu thụ của nền kinh tế tăng lên, các doanh nghiệp có đầu ra, và khi đã có đầu ra đương nhiên doanh nghiệp sẽ có nhu cầu vay tiền ngân hàng.

Mặt khác, vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở sự kêu gọi, còn chưa có biện pháp thực tế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì cần tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, đó là quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay ngân hàng có thể vay được. Đây là chuyện chúng ta chưa làm được. Do đó, kêu gọi nhiều nhưng lại là những “mũi tên” không trúng đích.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để “tiếp sức” doanh nghiệp
Năm 2023, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn ( Ảnh minh họa)

PV: Theo ông, đâu sẽ là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) không thể vay vốn ngân hàng vì không còn tài sản bảo đảm hoặc tình hình tài chính yếu kém. Trong khi đó, SME chiếm tỷ trọng tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Nếu những doanh nghiệp này gặp khó thì nền kinh tế cũng sẽ khó khăn. Vì vậy cần tìm mọi cách để tháo gỡ, “tiếp sức” cho SME cất cánh trong những năm tới.

Theo tôi, một trong các cách đó, Chính phủ có thể xem xét thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với vốn điều lệ 10.000 tỉ đồng thay cho quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương với vốn điều lệ chỉ 200 tỉ đồng (theo Nghị định 34 của Chính phủ ban hành năm 2018). Quỹ này để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp những doanh nghiệp đó có thể vay ngân hàng bởi tình hình tài chính của các doanh nghiệp không thể thay đổi nhanh chóng luôn được. Chúng ta cần cải tổ hoàn toàn quỹ bảo lãnh tín dụng với nhân lực tốt, có đạo đức và có quy trình giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, Quốc hội cần thay đổi luật về những quỹ bảo lãnh tín dụng. Nguyên tắc cho phép các quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh cho doanh nghiệp vay được vốn nhưng lại buộc các quỹ bão lãnh tín dụng phải bảo toàn được vốn là rất không nên, bởi nếu thế các quỹ sẽ không dám bảo lãnh vì bảo lãnh luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Do đó, cần chấp nhận vấn đề có thể mất vốn và mỗi năm, Quốc hội cần bổ sung vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng này, tương tự như mô hình bên Mỹ là mỗi năm Quốc hội sẽ bổ sung nguồn vốn cho các quỹ để có thể bảo lãnh và việc thiệt hại của quỹ xem như là chi phí quốc gia bỏ ra để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

PV: Hiện nay, lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay mua nhà, tiêu dùng vẫn ở mức cao, theo ông lý do là gì?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất là hàm số của rủi ro, rủi ro cao lãi suất cao và rủi ro thấp lãi suất thấp. Trong nền kinh tế hiện tại, rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp và cá nhân rất cao. Các doanh nghiệp vay tiền rồi xù nợ, thậm chí có hiện tượng giúp doanh nghiệp vay tiền để xù nợ; còn cá nhân thì tình trạng mất việc nhiều. Trong nền kinh tế mà thu nhập của người dân giảm xuống, khả năng trả nợ của người dân giảm xuống thì đương nhiên rủi ro sẽ rất lớn. Các ngân hàng luôn phải tăng lãi suất để bù cho phần rủi ro, ví dụ một trong các khách hàng của ngân hàng vỡ nợ thì ít nhất còn dựa vào lãi suất cao từ những khách hàng còn lại để bù trừ thiệt hại. Do đó, rất khó để giảm mức lãi suất cho cá nhân và doanh nghiệp trong tình trạng rủi ro của nền kinh tế đang tăng cao.

PV: Ông đánh giá thế nào về điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2023?

TS Nguyễn Trí Hiếu: NHNN là cơ quan quản lý về tiền tệ và phần lớn quản lý với những công cụ để điều hòa lượng tiền trong lưu thông gồm: công cụ về lãi suất, công cụ của thị trường mở và công cụ dự trữ bắt buộc. Quốc gia nào cũng dùng 3 công cụ chính này. Tại Việt Nam chỉ dùng 2 công cụ lãi suất và thị trường mở, còn dự trữ bắt buộc bao nhiêu năm nay đều không dùng đến. Tôi đề nghị NHNN cần dùng đến công cụ dự trữ bắt buộc đề điều hòa cung tiền, từ việc hòa cung tiền đó có thể kiểm soát được lạm phát chứ không bắt buộc phải dùng đến room tín dụng. Việc dùng room tín dụng là để tránh vết xe đổ những năm 2008, 2009, 2011 - thời điểm có những ngân hàng có mức tăng trưởng 100% và đẩy mức lạm phát tăng lên. Tuy nhiên tại thời điểm này room tín dụng đã lỗi thời. Thay vào đó, cần sử dụng những công cụ khác của chính sách, tiền tệ và NHNN cần tăng cường vấn đề thanh tra, giám sát. Ví dụ điển hình là vụ Vạn Thịnh Phát hay việc thanh tra giám sát của 3 ngân hàng “0 đồng” vào 8 năm trước được NHNN mua lại, chính tôi cũng thuộc ban lãnh đạo của 2/3 ngân hàng đó. Các thanh tra làm việc rất thiếu trách nhiệm nên đã tạo ra nhiều lỗ hổng cho các ngân hàng đó trục lợi. Vấn đề đặt ra chính là cần những sự thanh tra, giám sát ngân hàng chặt chẽ hơn. Vừa qua, Thủ tướng cũng đã yêu cầu NHNN kiểm soát lại vấn đề các nhóm lợi ích lấy danh nghĩa ngân hàng cho vay “sân trước, sân sau”. NHNN cần chỉnh đốn chặt chẽ trong đội ngũ thanh tra của mình. Còn về vấn đề kiểm soát lạm phát và đóng góp vào sự tăng trưởng của quốc gia thì có nhiều công cụ chứ không riêng công cụ lãi suất.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để “tiếp sức” doanh nghiệp
Năm 2024, GDP có thể tăng 5,5-6% (Ảnh minh họa /Nguồn: Internet)

PV: Ông nhận định thế nào về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2024?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Trong tất cả mục tiêu của Chính phủ, hai mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Từ các chính sách tài khóa, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến hạ lãi suất; nhất là FED có thể giữ nguyên lãi suất trước bầu cử Tổng thống Mỹ, tôi nghĩ rằng bức tranh tín dụng có thể sẽ tốt đẹp hơn.

Với những chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng hơn vào cuối năm 2023 nền kinh tế sẽ tích cực hơn. Do đó, vì có độ trễ nên 6 tháng năm 2024 tình trạng kinh tế vẫn trì trệ, nhưng có thể nhìn thấy “ánh sáng” vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, Việt Nam nên cẩn trọng với chính sách tiền tệ, vì chúng ta đang nới lỏng chính sách tiền tệ, đi ngược với thế giới. Việc giảm lãi suất không có tác dụng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng mà đang có tác động mạnh làm chứng khoán giảm điểm, tỷ giá tăng, giá trị tiền đồng giảm.

Về tăng trưởng GDP, có lẽ năm tới, với những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản, từ xuất nhập khẩu và bức tranh tín dụng năm 2024, tôi dự đoán GDP có thể tăng 5,5-6%. Điều chính yếu vẫn nằm ở lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu vì xuất khẩu là điểm mạnh và trụ cột. Bên cạnh đó là lĩnh vực nông nghiệp, một trong những trụ cột của nền kinh tế, với đóng góp vào xuất khẩu rất lớn. Ngoài ra, cũng cần nhắc tới bất động sản, khả năng thị trường này sẽ vực dậy và phục hồi vào quý cuối năm 2024. Khi bất động sản được vực dậy, những ngành nghề liên quan đến bất động cũng vực dậy và du lịch cũng phát triển hơn năm 2024.

Chúng ta dễ dàng đưa ra mục tiêu nhưng thực tế, trong năm 2023 lạm phát đã tăng quá mức dự định và tăng trưởng lại thấp hơn mức dự định. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để đạt được hai mục tiêu đó và NHNN cần có những biện pháp hữu hiệu, những mũi tên trúng đích chứ không chỉ dựa vào công cụ lãi suất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Tưởng - Thanh Thùy

vietinbank
thaco