Chuyên gia tài chính chỉ cách khơi thông dòng vốn ngân hàng

13:48 | 11/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trao đổi với PetroTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cần phải có những giải pháp đột phá để khơi thông dòng vốn, thúc đẩy cầu tín dụng như: Giảm thuế VAT xuống 5%, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia…
Chuyên gia tài chính chỉ cách khơi thông dòng vốn ngân hàng
TS. Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Mạnh Tưởng)

PV: Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ 4 công bố giảm lãi suất điều hành cùng với đó các ngân hàng thương mại cũng giảm lãi suất huy động và cho vay, tuy nhiên lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết chúng ta phải nhìn nhận một điều việc giảm lãi suất là tích cực. NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành, lần cuối cùng giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng xuống còn 5%. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành có tác động đến mặt trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động bình quân giảm từ 2% đến 3%. Có thể nói, việc giảm lãi suất tác động tốt đến nền kinh tế. Nếu lãi suất cho vay cũng được kéo xuống và trên nguyên tắc lãi suất huy động kéo xuống thì lãi suất cho vay cũng sẽ được kéo xuống tương ứng. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay không giảm hoặc là giảm xuống ít, khoảng 1-1,5%.

Lãi suất chưa giảm sâu, có lẽ do ngân hàng tính đến chi phí vốn và rủi ro. Nếu lãi suất huy động và chi phí vốn góp khoảng 8% thì thường các ngân hàng cũng có biên độ lợi nhuận là 3%, biên độ này là tỷ lệ thưởng cho chấp nhận rủi ro và lãi suất cho vay khoảng 11%. Tuy nhiên, lãi suất cho vay hiện nay vẫn ở mức 14 - 15%, chênh lệch quá lớn như thế này là một nghịch lý. Rủi ro trong nền kinh tế đang tăng vì tăng trưởng của nền kinh tế chậm, trì trệ, GDP cả nước tăng ở mức hơn 3,32% trong quý đầu năm. Tăng trưởng chậm như thế, chứng tỏ nền kinh tế đang ở trong giai đoạn trì trệ, lãi suất cao thì rủi ro của nền kinh tế cao. Đồng thời nó sẽ làm tăng độ rủi ro cho các doanh nghiệp, một khi các doanh nghiệp có rủi ro tăng cao thì vấn đề cho vay các doanh nghiệp cũng trở nên rủi ro nhiều hơn. Do vậy, các ngân hàng buộc phải có một biên độ lợi nhuận, phần thưởng cao để bù cho sự thiệt hại của rủi ro. Chính vì thế mà các ngân hàng vẫn chưa giảm sâu lãi suất cho vay.

PV: Trong năm nay, chúng ta đã chứng kiến NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ tư trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, tình trạng tắc vốn ngân hàng vẫn tồn tại. Theo ông, nguyên nhân nào gây nên tình trạng này ?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tắc vốn ngân hàng: Thứ nhất, liên quan đến chất lượng tín dụng. Trong một số trường hợp, các ngân hàng có thể cảm thấy lo ngại về khả năng hoàn trả vốn từ phía các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong thời gian gần đây, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là do ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19. Điều này khiến các ngân hàng trở nên cảnh giác, cẩn trọng hơn trong việc cho vay và kiểm soát rủi ro tín dụng. Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn về khả năng trả nợ, việc vay vốn sẽ gặp khó khăn và dẫn đến tắc vốn.

Thứ hai, chất lượng tài sản cầm cố cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn. Các ngân hàng đòi hỏi các tài sản cầm cố phải có giá trị và khả năng chuyển đổi thành vốn dễ dàng. Nếu các doanh nghiệp không có đủ tài sản cầm cố hoặc tài sản không đủ giá trị, việc vay vốn sẽ bị hạn chế và gây ra tắc vốn.

Thứ ba, tình trạng tắc vốn có thể do sự không đồng đều trong phân phối vốn. Một số ngân hàng có xu hướng tập trung vào cho vay với các doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Điều này gây ra sự chênh lệch và tắc vốn trong một số lĩnh vực và khu vực kinh tế.

Thứ tư, tác động của tăng trưởng kinh tế chậm: Khi kinh tế đang trì trệ hoặc tăng trưởng chậm, nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp và cá nhân thường giảm. Ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vay mới trong bối cảnh này, dẫn đến tắc nghẽn vốn.

Thứ năm, yếu tố thị trường: Ngân hàng thương mại cũng phụ thuộc vào điều kiện thị trường và biến động lãi suất trên thị trường tài chính. Nếu lãi suất thị trường tăng hoặc biến động lớn, ngân hàng có thể tăng lãi suất cho vay để bù đắp rủi ro và bảo vệ lợi nhuận của mình.

Ngoài ra, các quy định và yêu cầu pháp lý, chính sách nghiêm ngặt có thể hạn chế hoạt động của các ngân hàng thương mại và làm giảm khả năng cho vay của họ.

PV: Để khơi thông tình trạng tắc vốn ngân hàng, cần phải có những giải pháp gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để khơi thông tình trạng tắc vốn ngân hàng, cần có một số giải pháp sau:

Tăng cường giám sát và quản lý rủi ro tín dụng: Ngân hàng cần nâng cao khả năng đánh giá rủi ro của các dự án vay vốn và áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả. Điều này sẽ giúp tăng sự tin tưởng và cung cấp vốn cho các dự án kinh doanh đáng tin cậy.

Đa dạng hóa cấu trúc tín dụng: Ngân hàng cần tập trung vào việc đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi và tiềm năng, đặc biệt là công nghệ, sáng tạo và khởi nghiệp. Điều này sẽ tạo ra sự cân đối và tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy mạnh hỗ trợ về chính sách: Chính phủ và NHNN cần thiết lập các chính sách và cơ chế hỗ trợ tài chính linh hoạt để thúc đẩy tín dụng và đầu tư. Điều này có thể bao gồm giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, nhóm có đóng góp lớn vào nền kinh tế.

Nâng cao khả năng tài chính công cộng: Chính phủ cần tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính công cộng, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Đồng thời, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan như ngân hàng, chính phủ và doanh nghiệp là cần thiết để tháo gỡ tắc vốn và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

PV: Vậy, theo ông nguyên nhân nào là “cốt lõi” ảnh hưởng lớn đến “tắc vốn” tại các ngân hàng hiện nay? Cần có giải pháp gì để tháo gỡ?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, do tình hình nền kinh tế tăng trưởng chậm, có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, tồn kho nhiều, không có đơn hàng, đơn hàng ít, kể cả doanh nghiệp FDI…, nên nhu cầu tín dụng không thể tăng cao dẫn đến việc vốn ngân hàng chưa thể khơi thông.

Vừa qua, NHNN có nhiều đợt giảm lãi suất nhưng không có tác động nhiều đến nền kinh tế, có thể là do “mũi tên” giảm lãi suất bắn chưa trúng đích. Cái đích của việc giảm lãi suất là giúp các doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Nhưng đến nay nền kinh tế vẫn trì trệ. Vì vậy, giảm lãi suất chưa phải là giải pháp duy nhất để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Để giải quyết vấn đề, Chính phủ cần phải hỗ trợ doanh nghiệp qua hình thức bảo lãnh tín dụng. Hiện nay, các nước trên thế giới có cơ quan đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng. Khi các doanh nghiệp không trả được nợ thì quỹ này đứng ra trả nợ cho ngân hàng. Việt Nam hiện nay cũng có quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng là quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Quỹ này rất nhỏ, chúng ta chưa có Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia. Vì vậy, Chính phủ nên mạnh dạn thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với số vốn lớn để hỗ trợ doanh nghiệp (trong trường hợp rủi ro đến với doanh nghiệp, Chính phủ phải coi đây là một chi phí hỗ trợ). Quỹ này, sẽ đứng ra bảo lãnh các khoản vay từ các ngân hàng của doanh nghiệp. Quỹ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng cho các tổ chức tài chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho vay vốn và tăng cường tiếp cận tín dụng cho những doanh nghiệp vay không đủ tài sản thế chấp hoặc không có khả năng đảm bảo đủ để nhận được vay từ các nguồn tài chính truyền thống. Làm được điều này, sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế và phát triển doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nghiên cứu phương án giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh như giảm thuế GTGT 5% thay vì 2% như hiện nay.

NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 19/6.

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng