TS. Cấn Văn Lực: Tín dụng xanh nên đóng vai trò dẫn dắt hành vi đầu tư
![]() |
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV |
Hình thành thị trường tài chính xanh là xu hướng tất yếu
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tăng trưởng xanh có mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa môi trường và sức khỏe, nhất là bối cảnh dịch bệnh, thiên tai gia tăng.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam thuộc 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học, tổn thất có thể lên đến 11% GDP vào năm 2100.
Trong khi đó, đầu tư cho tăng trưởng xanh mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm so với đầu tư năng lượng hóa thạch.
Tăng trưởng xanh còn giúp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của ADB năm 2022, có 5 lĩnh vực cần ưu tiên cho tăng trưởng xanh, gồm: Nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao. Phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững. Đô thị chiếm 78% tiêu thụ năng lượng và 60% khí phát thải nhà kính toàn cầu.
Chuyển đổi năng lượng sạch. Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, hiện 62% khí thải nhà kính là từ sản xuất, 38% từ phân phối và tiêu dùng và cấu trúc này đang thay đổi). Gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả, điều này đóng vai trò quan trọng khi Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có kinh tế biển.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, biến đổi khí hậu là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trên thế giới. Nhiều chương trình hành động để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như chuyển đổi các ngành công nghiệp đen/xám sang công nghiệp xanh; tăng cường các quy định về môi trường, xã hội, quản trị (ESG) đối với các dự án, doanh nghiệp; cam kết các quốc gia tại Hội nghị COP26, COP27 và COP28.
Việc hình thành thị trường tài chính xanh tại Việt Nam theo ông Lực là một xu hướng tất yếu, đã có hành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh dần được hoàn thiện.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp đang tiên phong trong chuyển đổi xanh, cần các chính sách ưu tiên hỗ trợ |
Các nhóm giải pháp tăng tốc dòng vốn xanh
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhìn nhận Việt Nam hiện chưa có các sản phẩm tài chính xanh (tín dụng, chứng khoán) đặc thù; chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh, nhất là quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế. Thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh ưu đãi thuế, phí, hạn mức tín dụng, lãi suất.
Các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn.
Nhận thức của thị trường đối với tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG), tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều. Nhiều công ty niêm yết chưa chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.
![]() |
Sự phát triển của Sáng kiến thị trường chứng khoán bền vững (2012-2023). Nguồn: Nguồn: SSE, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp. |
Do đó TS. Cấn Văn Lực đã nêu ra một loạt nhóm giải quan trọng thúc đẩy sớm hình thành thị trường tài chính xanh ở Việt Nam tại một diễn đàn về thúc đẩy dòng vốn xanh mới đây (ngày 10/9).
Trước tiên, ông Lực cho rằng cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành danh mục “phân loại xanh”, trong đó xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh.
Ông Lực cũng đề xuất có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết phù hợp.
Công tác ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi, nhất là tiêu dùng, sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng xanh trong năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng cần được chú trọng.
Các giải pháp hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh, nếu có...) cho các sản phẩm, dịch vụ xanh; nghiên cứu thành lập “Quỹ chuyển đổi xanh”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm xanh”, “Quỹ tăng trưởng xanh”; thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh”.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV đưa ra sáng kiến xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh – mô hình 5Is, gồm: Công cụ thị trường vốn (Instruments); nền tảng nhà đầu tư (Investors); hệ sinh thái các tổ chức phát hành (Issuers); văn hóa quản trị nội bộ đối với rủi ro môi trường trong tổ chức (Internal governance culture); hạ tầng thông tin (Information).
Đối với tín dụng xanh, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cập nhật tiêu chí tín dụng xanh, tín dụng đánh giá ESG trên cơ sở danh mục xanh; hướng tới có tiêu chí “tổ chức tín dụng xanh”; xây dựng Quỹ tái cấp vốn, gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Tổ chức tín dụng cần xây dựng quy trình, sổ tay thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh, có sản phẩm, dịch vụ phù hợp đối với các lĩnh vực khác nhau.
“Tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo cán bộ về ESG, năng lượng tái tạo, sản xuất – tiêu dùng xanh để hoạt động thẩm định, thiết kế sản phẩm và quản lý rủi ro được thực hiện phù hợp và hiệu quả hơn. Tín dụng xanh, chứng khoán xanh nên đóng vai trò dẫn dắt, góp phần điều tiết hành vi, thái độ và thực hiện đầu tư - sản xuất - tiêu dùng xanh của khách hàng, đối tác”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đối với chứng khoán xanh, vị chuyên gia đề xuất cập nhật tiêu chí “trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, chứng khoán bền vững” trên cơ sở danh mục xanh; hướng tới có tiêu chí “quỹ đầu tư xanh”.
Cùng với đó, chú trọng công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thị trường chứng khoán có sự tham gia của các tổ chức định hạng tín nhiệm, kiểm toán, tư vấn chuyên nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (chi phí phát hành, chi phí thực hiện định hạng tín nhiệm).
Ông Lực cũng cho rằng cần thúc đẩy sáng kiến thị trường chứng khoán bền vững, chủ động xây dựng dự án, lượng hóa nhu cầu cụ thể và đề xuất tài trợ từ các quỹ đầu tư ESG trên thế giới với quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phương Thảo
- Chứng khoán tuần mới (từ 12 đến 16/5): Chốt lời hay nắm giữ?
- Chứng khoán tuần mới (từ 28 đến 29/4): Thận trọng trước kỳ nghỉ dài
- Chứng khoán tuần mới (từ 21/4 đến 25/4): Nhịp chỉnh lành mạnh?
- Chứng khoán tuần mới (từ 14 đến 18/4): Cẩn trọng chờ xu hướng mới
- Chuyên gia nêu giải pháp khi bị Mỹ áp thuế cao
- Chứng khoán tuần mới (từ 31/3 đến 4/4): Điều chỉnh là cơ hội?
- Chứng khoán tuần mới (từ 24 đến 28/3): Nhịp điều chỉnh lành mạnh?
- Chứng khoán tuần mới (từ 17 đến 21/3/2025): Tích luỹ trong xu hướng uptrend
- Chứng khoán tuần mới (từ 10 đến 14/3): Tăng trong nghi ngờ
- Chứng khoán tuần mới (từ 3/3 đến 7/3): Chốt lời hay hold chặt?