Chứng khoán tuần mới (từ 7 đến 11/7): Đã thấy "gió Đông"?

06:00 | 07/07/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua khởi đầu khá tích cực khi thông tin sơ bộ về mức thuế đối ứng của Việt Nam đối với Mỹ xuất hiện, giúp tâm lý nhà đầu tư phần nào được cởi bỏ. VN-Index duy trì sắc xanh gần như toàn bộ thời gian giao dịch, thậm chí có thời điểm vượt ngưỡng 1.390 điểm – vùng cao nhất trong hơn 3 năm qua, trước khi quay đầu điều chỉnh nhẹ về cuối tuần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/7, chỉ số VN-Index giảm 2,63 điểm xuống còn 1.381,96 điểm. Dù vậy, tính cả tuần, VN-Index vẫn giữ được mức tăng khá ấn tượng, duy trì đà leo dốc kéo dài sang tuần thứ ba liên tiếp nhờ sự lan tỏa tốt của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bluechip cũng như các cổ phiếu đầu ngành.

Điểm nổi bật của tuần qua chính là sự bứt phá mạnh về thanh khoản. Riêng trong phiên ngày 3/7, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đã đạt tới 30.400 tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn hai tháng trở lại đây, phản ánh sự hào hứng trở lại của nhà đầu tư trong bối cảnh kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Điều này cũng cho thấy dòng tiền đã thực sự nhập cuộc trở lại với mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn, nhất là khi các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế đang dần ổn định.

Chứng khoán tuần mới (từ 7 đến 11/7): Đã thấy "gió Đông"?

Trong bối cảnh đó, giao dịch khối ngoại trở thành điểm cộng đáng chú ý khi họ bất ngờ mua ròng đột biến tới 2.411 tỷ đồng trên toàn thị trường, đánh dấu mức mua ròng kỷ lục tính từ đầu năm 2025. Trên sàn HoSE riêng lẻ, khối ngoại đã mua ròng xấp xỉ 2.276 tỷ đồng, tập trung vào một số mã lớn, cho thấy niềm tin của khối nhà đầu tư nước ngoài đối với triển vọng của thị trường Việt Nam.

Xét về diễn biến từng mã cụ thể, chiều mua, cổ phiếu SSI nổi bật khi được khối ngoại gom mạnh nhất toàn thị trường với giá trị đột biến lên tới 432 tỷ đồng, nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ sự sôi động trở lại của hoạt động môi giới. Kế tiếp, cổ phiếu MWG cũng được mua ròng mạnh tay với giá trị đạt 294 tỷ đồng, phản ánh triển vọng phục hồi tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán như CTG, HCM, VCI cũng thu hút lực cầu ngoại trên trăm tỷ đồng mỗi mã, góp phần nâng đỡ thị trường.

Ở chiều ngược lại, áp lực bán ròng của khối ngoại chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu DHC, GVR, HDC, GAS,… song giá trị bán ròng nhìn chung chỉ ở mức vài chục tỷ đồng, không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Trao đổi với PetroTimes, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Chuyên gia tư vấn thuộc CTCK VietCap cho rằng. Xét trên góc nhìn kỹ thuật VN-Index hiện đã có 3 tuần tăng liên tiếp, lực cầu cải thiện dần sau thông tin gần như đã chốt được cuộc đàm phán thuế với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhóm chứng khoán, ngân hàng vẫn đóng vai trò dẫn dắt đà tăng của thị trường. Kháng cự gần nhất đang quanh ngưỡng 1.400 điểm, trong khi hỗ trợ được xác định ở vùng 1.360 điểm. Hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng việc đã tạm thời chốt được mức thuế trong đàm phán cũng là lợi thế, do đó chiến lược ưu tiên vẫn là nắm giữ cổ phiếu sẵn có, hạn chế mua đuổi giá cao; nếu mua mới thì nên cân nhắc các lệnh trading linh hoạt dựa trên lượng hàng có sẵn.

Trên bình diện quốc tế, bức tranh vĩ mô lại có nhiều biến động đáng lưu tâm. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ gửi thư chính thức áp thuế đơn phương tới các đối tác chưa đạt thỏa thuận thương mại kể từ ngày 04/7, đồng thời phát tín hiệu có khả năng không gia hạn đàm phán, tạo ra làn sóng lo ngại mới về thương mại toàn cầu. Thêm vào đó, thị trường lao động Mỹ cho thấy bức tranh trái chiều: JOLTS báo cáo có 7,77 triệu vị trí còn trống - phản ánh nhu cầu tuyển dụng vẫn mạnh, song báo cáo ADP lại ghi nhận chỉ có 37.000 việc làm mới trong khu vực tư nhân, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, cho thấy dấu hiệu khu vực lao động tư nhân đang yếu dần. Cùng lúc đó, cuộc khủng hoảng thiếu lao động tại Mỹ tiếp tục trầm trọng, nhất là ngành nông nghiệp, do hậu quả của việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.

Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương vẫn duy trì lập trường chưa tăng lãi suất, cộng thêm yếu tố chính trị khó lường trước thềm cuộc bầu cử và căng thẳng thương mại mới nảy sinh với Mỹ, khiến đồng Yên mất dần sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.

Ở chiều trong nước, Việt Nam tiếp tục phát đi những tín hiệu vĩ mô hết sức tích cực. GDP 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 7,3%, có thể còn tăng thêm 0,2 – 0,3%, là mức cao nhất 20 năm qua cho cùng kỳ, nhờ ba động lực chính: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Vốn FDI đăng ký đạt 21,5 tỷ USD (+33%, cao nhất 15 năm), vốn thực hiện đạt 12 tỷ USD (+8%); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỷ USD (+16%); tổng mức bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 9,3%. Riêng tháng 6, có 24.400 doanh nghiệp thành lập mới - kỷ lục và gấp đôi bình quân 4 năm qua, thêm vào đó có tới 14.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng hơn 91% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Hà Nội trở thành điểm sáng FDI khi chỉ riêng tháng 6 đã thu hút gần 800 triệu USD, nâng tổng 6 tháng lên 3,677 tỷ USD, cao nhất cả nước và vượt luôn kế hoạch cả năm.

Có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua tiếp tục khẳng định vị thế hấp dẫn trong mắt giới đầu tư, cả nội địa lẫn quốc tế. Dường như đã xuất hiện gió Đông, tạo đà cho thị trường bước vào giai đoạn Uptrend.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng với các nhịp điều chỉnh kỹ thuật khi VN-Index tiến gần các vùng kháng cự mạnh, đồng thời lưu ý diễn biến của tình hình thương mại toàn cầu cũng như các báo cáo việc làm tại Mỹ có thể ảnh hưởng gián tiếp đến dòng vốn vào các thị trường mới nổi như Việt Nam trong thời gian tới.

Minh Khang