Trọn một tình yêu Trường Sa - Bài 1: Những ngọn đèn không bao giờ tắt

09:35 | 02/01/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sau hải trình gần 2 ngày đêm, tàu Hải Đăng 05, thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) Biển Đông và Hải đảo (Tổng Công ty BĐATHH miền Nam, trụ sở chính tại TP Vũng Tàu) đã đưa chúng tôi đến quần đảo Trường Sa vào những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2016. Giữa biển khơi chập chùng sóng nước, những ngọn hải đăng sừng sững vươn lên như một điểm tựa vững chắc, lặng lẽ soi đường cho những con tàu đi đúng hướng. Và ở các trạm hải đăng này còn có những con người đang ngày đêm miệt mài với công việc bằng tất cả nhiệt huyết và tình yêu dành cho biển đảo Tổ quốc.
Trọn một tình yêu Trường Sa - Bài 1: Những ngọn đèn không bao giờ tắt
Anh Nguyễn Đức Thanh lau chùi, bảo dưỡng hải đăng Đá Tây, https://dulich.petrotimes.vn

Khẳng định chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng

Hải đăng Đá Lát được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1994, là một trong những hải đăng hoạt động sớm nhất ở khu vực huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Với tuổi đời hơn 22 năm, trước tác động khắc nghiệt của môi trường biển, hải đăng Đá Lát đã xuống cấp trầm trọng.

Vừa dẫn khách lên Trạm hải đăng Đá Lát, anh Trần Văn Chiến, Trạm trưởng, vừa luôn miệng lưu ý: “Mọi người đi cẩn thận kẻo bê tông rơi vào đầu”, “mọi người đừng dựa vào lan can kẻo gãy đổ, ngã xuống biển”… Cao 42m so với mực nước biển, hải đăng Đá Lát đứng vững trên 4 chiếc cọc cắm sâu vào lòng san hô. Chỉ tay về phía 3 xác tàu mắc cạn quanh đảo Đá Lát, nay chỉ còn là những khối sắt vụn rỉ sét, mục ruỗng phía mép đảo, anh Chiến nói: “Những con tàu đó bị mắc cạn từ trước khi có hải đăng Đá Lát. Có lẽ những người lái tàu không nghĩ rằng giữa biển khơi mênh mông lại có những hòn đảo chìm nên mới mắc cạn như thế. Từ khi có hải đăng, tàu thuyền qua lại khu vực này không còn mắc cạn nữa”.

Khu vực quần đảo Trường Sa hiện có 9 trạm hải đăng tại các đảo chìm: Đá Lát, Đá Tây, Tiên Nữ và các đảo nổi: Trường Sa Lớn, An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây. Một ca trực của công nhân gác đèn kéo dài 2 tiếng, với các công việc: kiểm tra hệ thống máy móc, bóng đèn để đảm bảo đèn hoạt động tốt, đúng tầm hiệu lực chiếu sáng, quan sát hàng hải, thời tiết. Ngoài ra, các anh cũng phải theo dõi, phát hiện tàu lạ, mục tiêu lạ trên không, trên biển để kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng. Các hải đăng ở Trường Sa thường được mở từ 17g30 hôm trước đến 5g30 sáng hôm sau. Ngày nào có dông gió, trời mù sương thì phải mở đèn sớm hơn và tắt muộn hơn. Mỗi trạm hải đăng có 4-5 người làm việc. Thời gian thay ca với nhân viên là 6 tháng, với trạm trưởng là 9 tháng. Thời gian nghỉ bù và nghỉ phép từ 3-4 tháng. Trường hợp đặc biệt, công nhân có thể xin nghỉ phép lâu hơn hoặc trở lại làm việc sớm hơn tùy theo yêu cầu của công việc.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải, sự hiện diện của các hải đăng ở Trường Sa còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ông Phạm Quốc Súy, Tổng giám đốc Tổng Công ty BĐATHH miền Nam cho biết, những đóng góp, hy sinh của công nhân các trạm hải đăng ở Trường Sa không kém so với các lực lượng quân đội nhưng còn ít được biết đến và đó là sự hy sinh thầm lặng. “Những người gác đèn là biểu tượng của tinh thần bền bỉ, là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa”, ông Phạm Quốc Súy nhấn mạnh.

Trọn một tình yêu Trường Sa - Bài 1: Những ngọn đèn không bao giờ tắt
Ông Vũ Sỹ Lưu (trái) bàn giao công việc trạm trưởng trạm hải đăng Tiên Nữ cho anh Bùi Sơn trước khi nghỉ phép, https://dulich.petrotimes.vn

Mãi một tình yêu Trường Sa

Trường Sa mùa này biển động. Bên ngoài, gió lồng lộng nhưng phía trong hải đăng - vốn được bao bọc kín bởi những tấm kính - không khí trở nên nóng bức, ngột ngạt. Khuôn mặt, lưng áo đẫm mồ hôi, anh Nguyễn Đức Thanh, Trạm trưởng Trạm hải đăng Đá Tây, cần mẫn lau chùi chiếc chụp đèn để đảm bảo tầm hiệu lực ánh sáng của hải đăng theo đúng tiêu chuẩn đã công bố. 45 tuổi, anh Thanh có gần 20 năm làm việc tại 9/9 hải đăng ở khu vực Trường Sa.

“Những năm đầu mới ra đảo, không gian cách trở, thông tin liên lạc khó khăn, tôi cũng có nhiều lo lắng. Theo thời gian, đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, đời sống tinh thần cũng có nhiều thay đổi (có tivi, có sóng điện thoại và có thể đọc báo chí qua mạng) nên chúng tôi dần vơi nỗi nhớ nhà. Giờ đây, mỗi khi được nghỉ phép về bờ với gia đình, tôi lại nhớ hải đăng, nhớ Trường Sa da diết”, anh Thanh nói.

Ông Ngô Văn Thanh, 54 tuổi, đang công tác ở hải đăng Đá Tây, chỉ còn 1 năm nữa là được nghỉ hưu theo chế độ,tỏ ra tiếc nuối: “Cả đời gắn bó với nghề hàng hải, trong đó có 16 năm công tác ở các hải đăng Trường Sa, giờ sắp nghỉ mà lòng thấy lưu luyến quá chú ạ”.

Không được may mắn như nhiều đồng nghiệp, anh Nguyễn Hồng Minh (SN 1978, nhà ở phường Hùng Vương, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), Trạm trưởng Trạm hải đăng Sinh Tồn, đang phải sống trong cảnh “gà trống nuôi con”. Cách đây một năm, sau chuyến nghỉ phép bên vợ con, anh đang trên tàu ra đảo công tác thì hay tin sét đánh: vợ qua đời vì tai nạn giao thông. Anh được đơn vị bố trí cho quay lại bờ nhưng cũng không kịp chịu tang vợ. Anh tự nhủ mình phải nén đau thương, phải vững vàng để làm chỗ dựa tinh thần cho hai con và gia đình. Sau khi nghỉ phép thêm 4 tháng, anh tiếp tục trở lại với công việc thầm lặng từ năm 2000 đến nay.

“Rất may là các con tôi (con gái lớn 15 tuổi, con trai 9 tuổi) đã vượt qua cú sốc này để tiếp tục học tập và sống tốt. Ngày nào tôi cũng gọi điện cho các cháu và bố con lại động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nỗi đau dần nguôi ngoai và tôi tiếp tục bám biển”, anh Minh nói.

Phần lớn các công nhân làm việc ở các trạm hải đăng Trường Sa đều quê ở miền Bắc như: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, trong đó nhiều nhất là ở TP.Hải Phòng. Đặc thù công việc khiến họ phải xa nhà thường xuyên. Nhiều người đã gắn bó cả sự nghiệp ở các hải đăng Trường Sa. Hằng ngày, họ vẫn âm thầm đảm bảo cho các ngọn hải đăng luôn tỏa sáng, không một phút ngừng nghỉ để dẫn đường cho tàu, thuyền trong đêm tối. Họ phải hy sinh tình cảm riêng tư, giao phó nhà cửa, con cái cho những người vợ tảo tần, thủy chung nơi quê nhà. Nhiều trường hợp cha, mẹ qua đời hay lúc vợ sinh con, đau bệnh cũng không có mặt ở bên.

“Khi còn nhỏ, các con tôi luôn thắc mắc sao bố cứ đi xa suốt mà không ở bên chúng. Lớn lên, các cháu hiểu ra và luôn tự hào về công việc của bố. Tôi gắn bó 22 năm nay với hải đăng Trường Sa là nhờ có người vợ trung hậu đảm đang, là hậu phương vững chắc”, ông Vũ Sỹ Lưu, 52 tuổi, quê ở huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, công tác tại trạm hải đăng Tiên Nữ chia sẻ.

https://dulich.petrotimes.vn

baobariavungtau.com.vn