Tin nhanh ngân hàng ngày 23/3: Bùng nổ kênh dẫn vốn thay thế vay ngân hàng

09:20 | 23/03/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hai quỹ đầu tư của MB muốn thoái sạch vốn tại một công ty bảo hiểm; Lãi suất liên ngân hàng thiết lập mặt bằng cao mới; Ngân hàng Bản Việt lên kế hoạch tăng 44% lợi nhuận trong năm 2022…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Tin nhanh ngân hàng ngày 22/3: Phát triển thẻ tín dụng nội địa - Giải pháp chống tín dụng đenTin nhanh ngân hàng ngày 22/3: Phát triển thẻ tín dụng nội địa - Giải pháp chống tín dụng đen

Tin nhanh Ngân hàng ngày 21/3: TPBank cho phép thanh toán 2 chiều bằng QR code tại Thái LanTin nhanh Ngân hàng ngày 21/3: TPBank cho phép thanh toán 2 chiều bằng QR code tại Thái Lan

Bùng nổ kênh dẫn vốn thay thế vay ngân hàng

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI vừa công bố cho thấy thị trường sơ cấp tiếp tục sôi động trong năm 2021.

Tin nhanh ngân hàng ngày 23/3: Bùng nổ kênh dẫn vốn thay thế vay ngân hàng
Bùng nổ kênh dẫn vốn thay thế vay ngân hàng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 722.700 tỉ đồng trong cả năm 2021, tăng 56% so với năm 2020. Số TPDN phát hành ròng 2021 (lượng phát hành trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn) ước tính là 438.000 tỉ đồng, tăng 63% so với lượng phát hành ròng 2020.

Tổng lượng TPDN lưu hành cuối 2021 ước tính khoảng 1,39 triệu tỉ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021. Quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021).

Dù kênh tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp nhưng kênh chứng khoán đang tăng tốc mạnh mẽ, quy mô thị trường cổ phiếu và TPDN tăng nhanh từ mức 68% (2020) lên mức tương đương 88% (2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng này phù hợp với định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên trái phiếu ngân hàng đang dần thu hẹp tỷ trọng trong tổng TPDN đang lưu hành. Cụ thể, trong năm 2021, các ngân hàng phát hành tổng cộng 226.400 tỉ đồng, chiếm 31,3% tổng lượng TPDN phát hành.

Số liệu thống kê cho thấy tổng trái phiếu ngân hàng đang lưu hành tính đến cuối năm 2021 ước khoảng 540.000 tỉ đồng, chiếm 39% quy mô thị trường TPDN, thấp hơn rất nhiều so với mức 48% tại thời điểm cuối năm 2018.

Ở khía cạnh nhà đầu tư, ngân hàng cũng đang giảm dần vai trò trong thị trường TPDN. Xét riêng các TPDN phi ngân hàng, dù số dư trái phiếu mà các ngân hàng thương mại nắm giữ vẫn tăng lên nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều quy mô thị trường trái phiếu nên tỷ trọng TPDN nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại liên tục giảm từ 71% (2018) xuống 25% (2021).

Sự thu hẹp vai trò của các ngân hàng ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường TPDN cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng.

Hai quỹ đầu tư của MB muốn thoái sạch vốn tại một công ty bảo hiểm

Đăng ký giao dịch của 2 quỹ đầu tư trực thuộc MB diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MIG bất ngờ tăng trần vào phiên 21/3.

Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư MB (MB Capital) và quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) vừa đăng ký bán toàn bộ gần 8,74 triệu cp MIG của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện trong thời gian 25/3 – 22/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Hiện MB Capital đang sở hữu 4,23 triệu cổ phiếu MIG, tương đương 2,96% vốn công ty này. Trong khi JAMBF nắm giữ hơn 4,5 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,15%. Nếu bán thành công, cả hai tổ chức này đều không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu MIG nào.

Đóng cửa phiên giao dịch 22/3, thị giá MIG dừng ở 24.900 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, hai quỹ đầu tư của MB sẽ thu về khoảng 218 tỷ đồng nếu bán thành công lượng cổ phiếu trên.

Đăng ký giao dịch của 2 quỹ đầu tư trực thuộc MB diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MIG bất ngờ tăng trần vào phiên 21/3 lên 24.900 đồng. Tính từ mức đáy tạo lập vào trung tuần tháng 1, cố phiếu này hiện đã tăng hơn 23%.

Trước đó, hai quỹ đầu tư này cũng đã ra một lượng cổ phiếu MIG trong thời gian Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội thực hiện niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào đầu năm 2020

Lãi suất liên ngân hàng thiết lập mặt bằng cao mới

Theo bản tin trái phiếu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần vừa qua, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) hút ròng tổng cộng 268 tỷ đồng trên thị trường mở. Trong đó, NHNN “bơm” 410 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%) thông qua kênh OMO. Trong khi đó, 678 tỷ OMO kỳ hạn 14 ngày đã đáo hạn trong tuần này. Như vậy, lượng OMO đang lưu hành hiện giảm xuống mức 1.430 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn đang ở trạng thái đóng băng trong gần 2 năm trở lại đây.

Từ ngày 11/3 đến 17/3/2022, lãi suất liên ngân hàng (LSLNH) các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến tăng trở lại, lần lượt ở mức 0,08%; 0,07% và 0,43% lên 2,19%; 2,22% và 2,74%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng thời gian qua đã thiết lập một mặt bằng mới, mặc dù vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 nhưng đã cao hơn 2 năm 2020-2021. Theo đó, LSLNH trung bình từ đầu năm tới nay của các kỳ hạn đêm, 1 tuần và 2 tuần hiện lần lượt ở mức 2,12%; 2,26% và 2,43%/năm, so với mức quanh và dưới 1% trong 2 năm 2020-2021.

Theo BVSC, trong năm 2022, nền kinh tế mở cửa trở lại kéo theo nhu cầu về vốn tăng cao; trong khi các NHTƯ lớn trên thế giới đã bắt đầu có những động thái tăng lại lãi suất (Cục dự trữ liên bang Mỹ, NHTƯ Anh BoE), LSLNH năm 2022 khó có khả năng sẽ quay về mặt bằng thấp như 2 năm trước.

Ngân hàng Bản Việt lên kế hoạch tăng 44% lợi nhuận trong năm 2022

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank - mã chứng khoán BVBB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022. Thời gian tổ chức dự kiến vào tháng 4 tới.

Tin nhanh ngân hàng ngày 23/3: Bùng nổ kênh dẫn vốn thay thế vay ngân hàng
Ngân hàng Bản Việt lên kế hoạch tăng 44% lợi nhuận trong năm 2022/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thích nghi với trạng thái "bình thường mới" và trong bối cảnh khôi phục kinh tế sau dịch, Ngân hàng Bản Việt đặt ra kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm 2022 tương đối tích cực.

Theo đó, BVB dự kiến năm 2022 tổng tài sản đạt 97.000 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 27% so với năm 2021. Tổng huy động và dư nợ cấp tín dụng theo kế hoạch năm 2022 lần lượt là 71.200 và 53.400 tỷ đồng, tăng trưởng 28%, 15% so với năm trước. Ngân hàng cũng cho biết, kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm tới tăng 44%, đạt mức 450 tỷ đồng.

Trong năm 2022, định hướng chung của ngân hàng là tiếp tục tăng tốc độ chuyển dịch sang tỷ trọng kinh doanh bán lẻ hơn nữa, đồng đẩy mạnh hoạt động số hóa ngân hàng với mục tiêu ngân hàng số sẽ là kênh trọng yếu dần thay thế kênh truyền thống.

Về kế hoạch tăng vốn, trong năm 2021, Ngân hàng Bản Việt đã đề xuất kế hoạch tăng vốn thêm 1.618,3 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2021 và 2022 theo 3 phương án. Thứ nhất là phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ dự kiến 15% với tổng giá trị phát hành 550,6 tỷ đồng. Thứ hai, tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng (phát hành cho cổ đông hiện hữu) theo tỷ lệ 4:1 với tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá là 917,7 tỷ đồng. Thứ ba, tăng vốn điều lệ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong ngân hàng (ESOP) với tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá là 150 tỷ đồng.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến được dùng để bổ sung vốn kinh doanh, phát triển mạng lưới, tăng cường xây dựng nền tảng công nghệ đẩy mạnh lộ trình số hóa, từ đó tăng tốc về quy mô lợi nhuận của ngân hàng. Việc phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng cũng sẽ được cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích của cổ đông.

Tính đến thời điểm hiện tại, HĐQT đang triển khai các thủ tục xin phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định và dự kiến sẽ hoàn thành tăng vốn trong quý IV năm 2022.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)