Tin ngân hàng tuần qua: Cảnh báo về rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa, tiền số

10:00 | 24/09/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Phấn đấu 95% người gửi tiền được bảo hiểm; Doanh nghiệp nhận combo phí ưu đãi từ BAC A BANK; KienlongBank bổ nhiệm mới loạt nhân sự cấp cao; NHNN hút gần 20.000 tỷ qua kênh tín phiếu trong hai phiên… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 23/9: Dự báo GDP quý III sẽ tiếp tục phục hồiTin ngân hàng ngày 23/9: Dự báo GDP quý III sẽ tiếp tục phục hồi
Tin ngân hàng ngày 22/9: Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,56%Tin ngân hàng ngày 22/9: Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,56%

Cảnh báo về rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa, tiền số

Ngày 22/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa", tại TP HCM.

Tin ngân hàng tuần qua: Cảnh báo về rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa, tiền số
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, và Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định triển khai. Tuy nhiên, tội phạm ngày càng tinh vi và phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số và tiền mã hóa. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chưa công nhận tiền mã hoá nhưng vẫn diễn ra các giao dịch, tạo ra nguy cơ rửa tiền.

Các chuyên gia đề cập đến vai trò của công nghệ blockchain và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghệ chuỗi khối, nhấn mạnh rằng không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế và xã hội mà còn tạo ra những thách thức trong việc quản lý, đặc biệt trong việc ngăn chặn hoạt động rửa tiền xuyên biên giới. Mức độ chấp nhận tiền mã hóa tại Việt Nam đứng đầu thế giới, nhưng pháp luật và khung pháp lý còn chưa hoàn thiện.

Để tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số nói chung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị các định chế tài chính cần nhận diện giao dịch tài sản số, xây dựng quy trình và chuẩn bị tốt nhân sự. Như về nhận diện giao dịch tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam công nhận.

Trong khi chưa có các văn bản pháp lý cụ thể về tiền mã hoá, các tổ chức tín dụng cần nhận diện và học cách phân loại tài sản này theo quy tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế…

Các định chế tài chính nên xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hoá đối với các tài khoản cá nhân. Ngoài ra, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.

Phấn đấu 95% người gửi tiền được bảo hiểm

Theo Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022, mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92 - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phát triển chiến lược của bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là nền tảng để Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam bảo vệ quyền lợi pháp lý của người gửi tiền. Nó cũng đóng góp vào việc duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng và đảm bảo hoạt động ngân hàng được thực hiện một cách an toàn và lành mạnh.

Kế hoạch bao gồm việc rút ngắn thời gian thanh toán bảo hiểm thực tế, mục tiêu là trong khoảng 30 ngày làm việc kể từ khi phát sinh nghĩa vụ bảo hiểm vào năm 2025 và 15 ngày làm việc vào năm 2030. Điều này nhằm giúp người gửi tiền có quyền truy cập nhanh hơn vào số tiền gửi của họ.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch bao gồm bảo vệ quyền lợi pháp lý của người gửi tiền, đóng góp vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng, cải thiện chất lượng và hiệu quả của hoạt động bảo hiểm tiền gửi và tăng cường năng lực tài chính của Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi.

Để đạt được những mục tiêu này, kế hoạch chỉ ra bốn lĩnh vực chính: cải thiện khung pháp lý, tối ưu hóa chính sách bảo hiểm tiền gửi, tối ưu hóa hoạt động bảo hiểm tiền gửi và tăng cường năng lực tài chính của Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi. Những hành động này nhằm đảm bảo rằng người gửi tiền được bảo vệ và bảo hiểm tiền gửi hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Doanh nghiệp nhận combo phí ưu đãi từ BAC A BANK

Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) vừa công bố "Chương trình Combo phí ưu đãi dành cho Khách hàng Doanh nghiệp tại BAC A BANK ".

Tin ngân hàng tuần qua: Cảnh báo về rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa, tiền số
Doanh nghiệp nhận combo phí ưu đãi từ BAC A BANK/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Điều kiện tham gia đơn giản, bao gồm sử dụng ít nhất 3 trong 7 sản phẩm/dịch vụ tài chính cốt lõi, ví dụ như cho vay, bao thanh toán/chiết khấu bộ chứng từ, bảo lãnh, cam kết tín dụng, thanh toán quốc tế (L/C, TTR, nhờ thu, FX...), tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trung bình 06 tháng liền kề trước đó đạt ít nhất 300 triệu đồng hoặc sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking & Mobile Banking).

Chương trình Combo phí ưu đãi này áp dụng cho cả khách hàng doanh nghiệp mới, bắt đầu sử dụng sản phẩm/dịch vụ trong năm đầu tiên trong thời gian diễn ra chương trình. Chương trình sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 31/12/2023 trên toàn quốc và bao gồm nhiều ưu đãi hấp dẫn như miễn phí nhiều loại phí trong năm đầu tiên, miễn phí mở tài khoản số đẹp, và giảm phí bảo lãnh và các loại phí dịch vụ thanh toán quốc tế. BAC A BANK cũng cung cấp ưu đãi cho việc trả nợ trước hạn của doanh nghiệp.

Có thể nói, từ mục tiêu không ngừng tăng cường trải nghiệm khách hàng, Combo phí ưu đãi lần này được thiết kế và triển khai để đáp ứng đa dạng nhu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động. Với hệ thống 170 điểm giao dịch trải rộng 40 tỉnh thành trên cả nước cùng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, am hiểu sản phẩm/ dịch vụ, BAC A BANK kỳ vọng sẽ góp phần giúp các khách hàng doanh nghiệp phát triển bứt phá trong thời gian tới, nhất là mùa cao điểm kinh doanh như những tháng cuối năm.

KienlongBank bổ nhiệm mới loạt nhân sự cấp cao

Ngày 22/9/2023, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm ông Đỗ Văn Bắc giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc; đồng thời bổ nhiệm hai nhân sự cấp cao khác trong Ban giám đốc Khối, Giám đốc Khu vực của Ngân hàng.

Theo quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) KienlongBank, ông Đỗ Văn Bắc đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc từ ngày 22/09/2023. Ông Bắc gia nhập KienlongBank từ tháng 9/2021 và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Phó Giám đốc phụ trách Khách hàng cá nhân Hội sở, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp Hội sở…

Như vậy, sau khi bổ sung nguồn nhân sự Ban điều hành KienlongBank hiện tại gồm 8 nhân sự, trong đó ông Trần Ngọc Minh giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Đại diện Ngân hàng cho biết, việc bổ nhiệm nhân sự nhằm bổ sung nguồn lực, đổi mới cũng như kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao với kỳ vọng giúp Ngân hàng tăng cường năng lực quản trị điều hành để thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành Ngân hàng số hiện đại và thân thiện trong tương lai.

Trong hành trình chuyển mình trở thành Ngân hàng số hiện đại toàn diện, ngoài sự đầu tư về CNTT, KienlongBank cũng luôn chú trọng và chủ động trong việc ươm mầm, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận với đủ Tâm - Tầm - Tài - Trí - Tín nhằm đáp ứng được những yêu cầu trong giai đoạn mới, góp phần đưa Ngân hàng không ngừng phát triển.

Cũng tại buổi Lễ, Ban Lãnh đạo Ngân hàng cũng trao các quyết định bổ nhiệm cho 1 Lãnh đạo Khối và 2 Giám đốc Khu vực với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại KienlongBank.

Trước đó, HĐQT cũng thông qua đơn từ nhiệm thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc của bà Nguyễn Thị Thanh Hường để tập trung cho nhiệm vụ quản trị chuyên sâu. Bà Hường hiện đang đảm nhiệm công tác với chức danh Thành viên HĐQT KienlongBank kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty TNHH một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản (KBA), cùng HĐQT thực hiện các định hướng chiến lược của KienlongBank trong thời gian tới.

NHNN hút gần 20.000 tỷ qua kênh tín phiếu trong hai phiên

Theo kết quả chào bán tín phiếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, trong phiên 22/9, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 5 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,5% - thấp hơn phiên hôm trước (0,69%).

Tin ngân hàng tuần qua: Cảnh báo về rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa, tiền số
NHNN hút gần 20.000 tỷ qua kênh tín phiếu trong hai phiên/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, tiếp tục không có nghiệp vụ mới phát sinh và lượng lưu hành vẫn duy trì ở mức 0. Tính chung, NHNN đã rút ra khỏi hệ thống 10.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch 22/9.

Trước đó, trong phiên 21/9, Nhà điều hành cũng đã chào thầu thành công gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Như vậy, trong 2 phiên giao dịch 21 và 22/9, NHNN đã hút ròng gần 20.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Việc NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng giúp giảm bớt sự dư thừa thanh khoản hệ thống và có chiều hướng làm tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Điều này sẽ tác động tích cực đến tỷ giá – vốn đang chịu áp lực lớn do sự trái ngược chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Trong bối cảnh Fed thể hiện quan điểm "diều hâu" hơn sau cuộc họp tháng 9 vừa qua, động thái mở lại kênh hút tiền dường như cũng phát đi tín hiệu về sự tinh chỉnh trong chính sách điều hành của NHNN nhằm phù hợp hơn với tình hình trong nước và quốc tế.

Theo ông Trần Ngọc Báu- CEO Wi Group, việc mở lại kênh phát hành tín phiếu là quyết định chính xác từ phía nhà điều hành để giảm thiểu đầu cơ tỷ giá trong hệ thống. Hiện nay hệ thống tài chính của Việt Nam đang gặp một vấn đề khá lớn là thanh khoản thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) đang dư thừa rất nhiều nhưng tín dụng ra nền kinh tế (thị trường 1) lại rất ì ạch. Như vậy, đang có sự ngắt kết nối giữa hai thị trường và điều này sẽ để lại những hệ quả đối với hệ thống tài chính, trong đó ba hệ quả trước mắt mà chúng ta đang thấy là: Giá tài sản tài chính sẽ tăng, tỷ giá sẽ chịu áp lực và nền kinh tế phục hồi chậm. Để giải quyết vấn đề này thì sự điều chỉnh chỉnh sách cân bằng hơn là điều cần thiết.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)