Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Nợ xấu có xu hướng tăng

11:15 | 22/05/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hàng loạt ngân hàng rao bán tài sản thế chấp; Bẫy lừa đảo khiến người dùng ví điện tử có thể "bay sạch" tài khoản; Người nông thôn bắt đầu chuộng thanh toán không tiền mặt; Ngân hàng đang ưu tiên tăng cường bảo mật thẻ… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.

Tin ngân hàng ngày 21/5: Ngân hàng SCB tăng lãi suất tiền gửi lên 7,55%/nămTin ngân hàng ngày 21/5: Ngân hàng SCB tăng lãi suất tiền gửi lên 7,55%/năm

Tin ngân hàng ngày 20/5: Tăng hạn mức cho vay học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/thángTin ngân hàng ngày 20/5: Tăng hạn mức cho vay học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng

Nợ xấu có xu hướng tăng

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các TCTD đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2% (đến cuối tháng 3/2022 là 1,53%).

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Nợ xấu có xu hướng tăng
Nợ xấu có xu hướng tăng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngày 13/3/2020, NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2020/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN, tạo khung khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Tuy nhiên, trên tinh thần xem xét một cách thận trọng, nếu bao gồm cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN có nguy cơ chuyển nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 5,76% cho thấy chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD nói chung và tại một số TCTD nói riêng cần tiếp tục được lưu ý trong thời gian tới (theo quy định của pháp luật hiện hành thì đây chưa phải là nợ xấu mà là những khoản nợ do cơ quan quản lý nhà nước chủ động nhận diện, có các giải pháp quản lý, kiểm soát và dự phòng trong trường hợp những khoản nợ đó có thể chuyển thành nợ xấu trong tương lai).

Hàng loạt Ngân hàng rao bán tài sản thế chấp

Từ đầu tháng 5, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát đi hàng chục thông báo về việc bán đấu giá tài sản thế chấp. Hiện tại, Vietinbank muốn chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí...) phát sinh với Công ty TNHH Thương mại và Vận tải dầu khí Đại Lộc tại chi nhánh Thủ Đức để xử lý thu hồi nợ. Tổng dư nợ của khoản vay này đến ngày 13/5 là hơn 119 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là lô đất tại địa chỉ 336 Nguyễn Chí Thanh, phường 5, quận 10, TPHCM cùng một số tài sản khác.

VietinBank cũng thông báo lựa chọn đơn vị để định giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ 1.364 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà. Khoản nợ này được đảm bảo bằng hàng loạt bất động sản như 4 lô đất tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 5 lô đất tại thị xã Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và nhiều lô đất khác, nhà máy, kho gạo thuộc sở hữu của Công ty Võ Thị Thu Hà tại tỉnh Đồng Tháp.

Cùng lúc đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) liên tục phát đi hàng chục thông báo bán đấu giá các lô đất để xử lý nợ. Cụ thể, Agribank đang rao bán tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty CP Đầu tư xây dựng PMC phát sinh từ tháng 9/2012 với giá trị 32,2 tỷ đồng, tính đến ngày 31/5/2021. Tài sản đảm bảo là 261,6 m2 đất tại số 11 Bùi Thế Mỹ, phường 10, quận Tân Bình, TPHCM. Giá khởi điểm đưa ra là 20,6 tỷ đồng, thấp hơn gần 40% so với giá trị khoản vay.

Agribank cũng sẽ bán 2 lô đất là tài sản bên vay thế chấp, rộng 2.743,1 m2 tại huyện Hóc Môn, TPHCM với giá khởi điểm là 46,7 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ 61,8 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, vài tháng qua, các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ xấu thông qua việc rao bán hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng. Trang web của Agribank đã phát ra 60 thông báo về việc bán đấu giá tài sản, bán đấu giá khoản nợ, lựa chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản, thẩm định tài sản bảo đảm. Các ngân hàng lớn khác cũng phát đi nhiều thông báo tương tự, như BIDV đưa ra 40 thông báo, VietinBank đưa ra 24 thông báo và Vietcombank là 11 thông báo…

Bẫy lừa đảo khiến người dùng ví điện tử có thể "bay sạch" tài khoản

Lợi dụng tốc độ phát triển nhanh chóng của ví điện tử, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh thực hiện hành vi lừa đảo, nhằm trục lợi bất chính.

Mới đây, một người phụ nữ đã bị một đối tượng xấu lừa đảo khi tự xưng là nhân viên của một loại ví điện tử mà chị đang sử dụng.

"Họ dẫn dụ mình bằng một chương trình khuyến mãi. Sau đó họ chuyển hướng sang nói là tài khoản mình đang gặp lỗi đăng nhập. Tôi cũng làm theo lời họ và thấy tài khoản của mình đang gặp vấn đề đăng nhập thật. Tâm lý lúc đó của tôi rất là rối và cũng mong muốn lấy lại mật khẩu càng sớm càng tốt nên trong vô thức tôi đã làm theo lời của đối tượng như xác nhận email, đọc OTP gửi về số điện thoại cho họ", nạn nhân cho hay.

Đến lúc phát hiện bị lừa và vào lại được ví của mình, người phụ nữ trên phát hiện đã bị mất 6 triệu đồng.

Người dùng cần thường xuyên cập nhật các tin tức, thông tin chính thống trên website, ứng dụng ví điện tử và các phương tiện truyền thông để hạn chế rủi ro.

Ngoài chiêu thức trên, các đối tượng còn mạo danh các ví điện tử để gửi tin nhắn, email trúng thưởng, yêu cầu người dùng nhập các thông tin cá nhân… hoặc gửi mã QR thông qua các nền tảng mạng xã hội khác, yêu cầu người dùng quét để nhận ưu đãi hấp dẫn. Chỉ cần người tiêu dùng nghe theo, thì ví điện tử của họ sẽ bị liên kết với tài khoản kẻ gian và bị trục lợi bất chính.

Trước thực trạng này, các nhà sáng lập ví điện tử đã liên tục đưa ra cảnh báo và không ngừng cải tiến hệ thống bảo mật.

Bên cạnh ý thức của người dùng và của các đơn vị chủ quản ví điện tử, theo các chuyên gia vai trò của các cơ quan chức năng cũng rất quan trọng. Các chuyên gia cũng lưu ý người dùng cũng cần thường xuyên cập nhật các tin tức, thông tin chính thống trên website, ứng dụng ví điện tử và các phương tiện truyền thông để hạn chế rủi ro.

Người nông thôn bắt đầu chuộng thanh toán không tiền mặt

Ngày 20/5, tại sự kiện Ngày không tiền mặt, ông Lê Anh Dũng, Vụ phó thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hơn 60% trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng Mobile Money là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Nợ xấu có xu hướng tăng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trên thực tế, tiềm năng của Mobile Money - dùng tài khoản viễn thông thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - là rất lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lại chỉ tập trung ở các đô thị lớn.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank, đánh giá Covid-19 đã giúp chuyển sự chú ý của khách hàng. Theo thống kê tại nhà băng này và trên toàn thị trường, tốc độ tăng giao dịch online đang diễn ra nhanh, đều khắp cả nước, không riêng tại khu vực đô thị.

Những ngân hàng khác như Agribank còn đưa ra giải pháp các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được cấp hạn mức thấu chi tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất... Đây là động thái được nhà băng cho rằng để khuyến khích và tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân ở nông thôn.

Gần đây, một số ngân hàng cũng đã hợp tác với Bộ Công an thí điểm dịch vụ rút tiền bằng căn cước công dân tại các ATM thông minh, nhận diện chủ thẻ bằng dữ liệu sinh trắc học.

Chia sẻ về dịch vụ mới này, ông Dũng cho biết việc tận dụng căn cước công dân gắn chip là phương thức xác thực tin cậy cho các dịch vụ ngân hàng, giảm thiểu được xác suất giả mạo so với khi sử dụng chứng minh thư nhân dân.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 66% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán. Tỷ lệ người có tài khoản tăng trưởng với tốc độ bình quân hơn 11% trong giai đoạn 2015-2021, theo số liệu từ Vụ phó thanh toán.

Hết tháng 4, giao dịch qua Internet của cả nước về số lượng và giá trị tăng tương ứng 48% và 32%, giao dịch qua điện thoại di động có mức tăng mạnh tương ứng 97% và 86%, trong khi đó qua QR code tăng lần lượt hơn 56% và 111% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt trong 4 tháng đầu năm nay cũng tăng trên 10% so với cuối năm 2021...

Ngân hàng đang ưu tiên tăng cường bảo mật thẻ

Mới đây, đại diện Ngân hàng Bản Việt (BVB) cho biết, cũng như thẻ tín dụng quốc tế, hiện nay thẻ tín dụng nội địa đã áp dụng chuẩn công nghệ chip theo quy định của NAPAS, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình giao dịch, hạn chế các gian lận, giả mạo có thể phát sinh.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Nợ xấu có xu hướng tăng
Ngân hàng đang ưu tiên tăng cường bảo mật thẻ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Song song đó, chủ thẻ BVB có thể quản lý thông tin thẻ cũng như có thể kích hoạt, khóa và mở thẻ bằng cách thao tác trực tiếp trên ứng dụng ngân hàng số Digimi, giúp khách hàng có thể kiểm soát tốt tình trạng thẻ nhằm hạn chế các rủi ro khi mất thẻ.

Về tính bảo mật của thẻ tín dụng quốc tế, đại diện HSBC Việt Nam cho biết, một loạt các tính năng bảo mật mới nhất đã có sẵn trên thẻ nhằm bảo vệ người tiêu dùng như mật khẩu dùng một lần được gửi qua tin nhắn SMS để bảo vệ các giao dịch trực tuyến, thông báo bằng tin nhắn SMS và email ngay tức thì đối với mọi giao dịch bằng thẻ tín dụng, và tất cả các thẻ đều được trang bị chip EMV giúp bảo mật thông tin của khách khi thực hiện các giao dịch trực tiếp. Nhìn chung, các biện pháp bảo mật này cung cấp cho khách hàng một môi trường giao dịch không gian lận, giúp họ yên tâm hơn khi sử dụng thẻ tín dụng của HSBC.

Để khách hàng yên tâm sử dụng, bà Lê Thị Bích Vân - Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Shinhan chia sẻ thêm về tính bảo mật của thẻ tín dụng Shinhan với tính năng thanh toán chạm tiện lợi của chip theo tiêu chuẩn EMV, nhằm bảo mật thông tin giao dịch, tránh bị làm giả hay sao chép. Ngoài ra, dịch vụ 3D Secure phiên bản mới nhất 2.0 cũng được tích hợp, giúp định danh khách hàng cho các giao dịch thanh toán trực tuyến.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN trong đó quy định các nội dung mà các tổ chức tín dụng phải đảm bảo khi phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; cụ thể như các biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết, xác minh thông tin khách hàng và cũng như các biện pháp quản lý, đánh giá rủi ro. Các ngân hàng dù nội hay ngoại đều cam kết sẽ luôn tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.

HSBC đã cải thiện quy trình mở tài khoản cho khách hàng mới dù chọn bất kỳ kênh đăng ký thẻ tín dụng nào. Thông qua kênh trực tuyến, tại chi nhánh/phòng giao dịch hay qua điện thoại, khách hàng có thể đăng ký thẻ tín dụng mới hết sức dễ dàng và an toàn chỉ trong vòng 5-10 phút với số lượng chứng từ yêu cầu tối thiểu.

Tại Bản Việt, Ngân hàng đã nghiên cứu và áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong quá trình eKYC, kết hợp hình thức hợp đồng điện tử và chữ ký số nên khi khách hàng đăng ký mở thẻ tín dụng trực tuyến tại đây thì có thể yên tâm về yếu tố bảo mật lẫn an toàn thông tin.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto