Tin ngân hàng ngày 5/1/2022: Năm 2021, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 6.038 tỷ đồng

07:00 | 05/01/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhiều ngân hàng thu nghìn tỷ nhờ bán bảo hiểm; MSB nhận Giải thưởng đặc biệt về thanh toán quốc tế từ Wells Fargo…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Tin ngân hàng ngày 4/1/2022: Cần công khai danh sách app cho vay onlineTin ngân hàng ngày 4/1/2022: Cần công khai danh sách app cho vay online

Tin ngân hàng ngày 3/1/2022: Ngân hàng Bản Việt miễn phí toàn bộ giao dịch trên kênh ngân hàng sốTin ngân hàng ngày 3/1/2022: Ngân hàng Bản Việt miễn phí toàn bộ giao dịch trên kênh ngân hàng số

Năm 2021, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 6.038 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - TPB) vừa cho biết, tính đến hết năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của TPBank cũng đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng hoàn thành vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra.

Tin ngân hàng ngày 5/1/2022: Năm 2021, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 6.038 tỷ đồng
Năm 2021, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 6.038 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cuối năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 295.000 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm vượt trên 17% kế hoạch. Ngân hàng cho biết đã sử dụng toàn bộ hạn mức tưng trưởng tín dụng 23,4% mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Tổng huy động đạt trên 262.000 tỷ đồng, tăng 77.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,9%, thấp hơn mức 1,14% hồi cuối năm 2020.

Năm 2021, TPBank đã hai lần được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 15.818 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu để chia cổ tức. Nguồn vốn chủ sở hữu tăng thêm cùng nguồn vốn huy động chất lượng đã giúp TPBank nâng cao hệ số an toàn vốn. Tính đến hết năm 2021, hệ số an toàn vốn CAR của TPBank đạt gần 14%, cao gần gấp đôi mức 8% mà NHNN yêu cầu.

Trong năm 2021, giá cổ phiếu TPB tăng trưởng ấn tượng 101%, đưa giá trị vốn hoá của TPBank đạt hơn 2,8 tỷ USD. Bước sang phiên giao dịch đầu năm 2022 (4/1), cổ phiếu TPB tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng, tăng 4,1% và đóng cửa ở mức 42.750 đồng/cp.

Nhiều ngân hàng thu ngàn tỷ nhờ bán bảo hiểm

Năm 2021 các ngân hàng đều đẩy mạnh hoạt động bán chéo bảo hiểm, qua đó ghi nhận doanh số bảo hiểm theo tháng với mức tăng trưởng ấn tượng của thu nhập phí bảo hiểm thuần.

Trong năm 2022, thị trường có thể tiếp tục ghi nhận sự ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền mới giữa VietinBank với Manulife và ngân hàng HDBank khi ngân hàng này đang tích cực tìm kiếm đối tác độc quyền mới.

Hiện nay các ngân hàng đều ký hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với thời hạn tối thiểu 15 năm, thậm chí Sacombank còn ký hợp đồng phân phối độc quyền với Daiichi Life có thời hạn lên đến 20 năm với phí trả trước 2.000 tỷ đồng. Mức phí này ngang bằng với phí trả trước Prudential trả cho MSB theo hợp đồng có thời hạn 15 năm, bắt đầu từ năm 2021.

Tuy nhiên, con số 2.000 tỷ đồng phí trả trước rất nhỏ nếu so với mức phí trả trước mà hãng bảo hiểm FWD trả cho Vietcombank (VCB) lên đến 9.200 tỷ đồng theo bản hợp đồng thời hạn 15 năm.

Hiện VCB và FWD đang giữ kỷ lục của thị trường về giá trị hợp đồng, xếp trên cả hợp đồng độc quyền trị giá 8.400 tỷ đồng giữa ACB và bảo hiểm Sunlife. Trước đó, Sunlife cũng đã ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với TPBank trị giá 1.840 tỷ đồng, thời hạn 15 năm.

Dù nhận mức phí trả trước chỉ 750 tỷ đồng từ Prudental, nhưng VIB lại là ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm tốt nhất trong ngành, tính trong 10 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, doanh số bán bảo hiểm cộng dồn 10 tháng đầu năm 2021 của VIB lên đến 1.285 tỷ đồng, trong đó tháng 10 ngân hàng này đạt doanh số lên tới 160 tỷ đồng.

Ngoài VIB, 4 ngân hàng khác gia nhập nhóm có doanh số bán bảo hiểm trên 1.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2021 gồm: SCB (1.261 tỷ đồng), MB (1.087 tỷ đồng), ACB (1.071 tỷ đồng), và Techcombank (1.012 tỷ đồng).

Dù là nhà băng dẫn đầu thị trường về phí trả trước do WFD chi trả, nhưng Vietcombank chỉ đứng thứ 8 về doanh thu bảo hiểm 10 tháng đầu năm 2021, với 539 tỷ đồng.

Trong số 14 ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm cao nhất hiện nay, 4 ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm dưới 500 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm gồm: MSB (499 tỷ đồng), LPB (468 tỷ đồng), OCB (271 tỷ đồng), và VietinBank (228 tỷ đồng).

MSB nhận Giải thưởng đặc biệt về thanh toán quốc tế từ Wells Fargo

Ngân hàng Wells Fargo N.A. – một trong những định chế tài chính lớn nhất Hoa Kỳ vừa trao Giải thưởng đặc biệt (Special Recognition Award) cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) về thành tích đặc biệt trong hoạt động thanh toán quốc tế.

Tin ngân hàng ngày 5/1/2022: Năm 2021, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 6.038 tỷ đồng
MSB nhận Giải thưởng đặc biệt về thanh toán quốc tế từ Wells Fargo/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Giải thưởng này được Wells Fargo N.A. trao tặng cho những định chế tài chính đã tin tưởng và tích cực sử dụng tài khoản Nostro đồng USD tại Wells Fargo N.A. cho toàn bộ các nhu cầu thanh toán (commercial, treasury và trade) để phục vụ khách hàng. Giải thưởng đồng thời ghi nhận sự nỗ lực và chất lượng xử lý giao dịch của MSB trong hoạt động thanh toán quốc tế. Đây là năm thứ 3 liên tiếp MSB nhận được giải thưởng của tổ chức uy tín này.

Special Recognition Award được trao cho MSB dựa trên các tiêu chuẩn áp dụng thống nhất trên toàn cầu của Wells Fargo Wells Fargo N.A. căn cứ vào việc sử dụng và duy trì tài khoản USD tại ngân hàng Wells Fargo N.A. với các sản phẩm đa dạng, lượng giao dịch thanh toán quốc tế lớn và độ chính xác của các lệnh thanh toán đạt mức gần như tuyệt đối.

Theo Bà Nguyễn Hương Loan, Tổng Giám đốc Ngân hàng Định chế Tài chính cho biết, giải thưởng “Ghi nhận đặc biệt về thanh toán quốc tế” khẳng định vị thế của MSB trên thị trường trong lĩnh vực thanh toán quốc tế, khẳng định MSB là đối tác uy tín trong giao dịch tài khoản Nostro đồng USD, đồng thời gia tăng uy tín của MSB khi được đối tác lớn tại Mỹ ghi nhận tính chính xác và quy mô trong hoạt động thanh toán quốc tế cũng như tính đa dạng trong việc sử dụng các dịch vụ tài khoản của ngân hàng này.

Với giải thưởng trên, MSB tiếp tục khẳng định là ngân hàng điển hình về chất lượng dịch vụ trong hoạt động thanh toán toàn cầu, thể hiện chất lượng xử lý giao dịch vượt trội, đem lại hiệu quả, tiết giảm chi phí ngày càng tốt hơn và tôn trọng cam kết đối với khách hàng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)

vietinbank
ajinomoto