Tin ngân hàng ngày 26/9: Sẽ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30%

10:00 | 26/09/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
NHNN tiếp tục hút thêm 10.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu; BAOVIET Bank cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,9%/năm; Thanh toán online thuận tiện, nhanh chóng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 25/9: Nợ xấu đang tăng chậm lạiTin ngân hàng ngày 25/9: Nợ xấu đang tăng chậm lại
Tin ngân hàng tuần qua: Cảnh báo về rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa, tiền sốTin ngân hàng tuần qua: Cảnh báo về rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa, tiền số

Các ngân hàng sẽ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30%

Theo quy định Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, được ban hành vào ngày 14/8/2020, sửa đổi và bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Từ ngày 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm xuống 30%.

Tin ngân hàng ngày 26/9: Sẽ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Như vậy, khoảng gần một tuần nữa các ngân hàng sẽ phải tuân thủ tỷ lệ tối đa cho việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 30%, thay vì mức 34% như hiện tại. Trước đó, tỷ lệ này đã từng giảm từ 37% xuống còn 34% vào ngày 1/10/2022.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng, nhưng lại có đến 52% dư nợ tín dụng trong hệ thống là trung và dài hạn. Do đó, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được xem là cần thiết để cải thiện hoạt động tín dụng và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến tháng 7/2023, hầu hết các ngân hàng đều tuân thủ tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 34% (áp dụng từ 01/10/2022 đến 30/09/2023). Tỷ lệ này là 24,97% đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và 33,66% đối với các ngân hàng thương mại cổ phần. Tính chung cho toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.

Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến sẽ phải chịu áp lực lớn hơn so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước để tuân thủ quy định mới.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong báo cáo phân tích gần đây đã chỉ ra rằng việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng. Trong ngắn hạn, việc này có thể làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay trong các kỳ hạn dài của các ngân hàng, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần sự hỗ trợ để tăng trưởng.

Ngoài ra, quy định mới cũng có thể tạo áp lực lên nhu cầu huy động vốn dài hạn của các ngân hàng, gây tăng chi phí vốn (COF) và ảnh hưởng đến biên lãi ròng (NIM). Tuy nhiên, trong dài hạn, việc thực hiện quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những biến động nội và ngoại tại, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.

NHNN tiếp tục hút thêm 10.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu

Ngày 25/9/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục phát hành 10,000 tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Như vậy, tính chung trong 3 ngày (21-25/9), nhà điều hành đã hút về tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng.

Theo kết quả chào bán tín phiếu được NHNN công bố ngày 25/9, nhà điều hành tiếp tục chào bán tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất.

Kết quả, có 4 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 10,000 tỷ đồng, lãi suất 0,49%, thấp hơn lãi suất trúng thầu phiên 21/9 (0,69%) và phiên 22/9 (0,5%).

Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, tiếp tục không có nghiệp vụ mới phát sinh và lượng lưu hành vẫn duy trì ở mức 0. Như vậy, NHNN đã rút khỏi hệ thống 10,000 tỷ đồng trong phiên giao dịch 25/9.

Trước đó, ngày 21/09, NHNN cũng đã chào bán thành công gần 10,000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0.69% sau 6 tháng im ắng, qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Sau khi phát hành gần 10,000 tỷ đồng tín phiếu vào ngày 21/9, NHNN tiếp tục phát hành thêm 10,000 tỷ đồng tín phiếu vào ngày 22/9, kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu là 0.5%.

Như vậy, trong 3 ngày qua, NHNN đã hút ròng gần 30.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Theo đánh giá của một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, việc NHNN phát hành tín phiếu chỉ ảnh hưởng về mặt “lượng tiền không lưu thông” và không tác động trực tiếp vào tỷ lệ thanh khoản hệ thống của ngân hàng.

Do đó, mặc dù nhà điều hành liên tục hút tiền trong 3 ngày qua, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD vẫn tăng thêm 16 đồng/USD so với phiên 22/9, lên mức 24,076 đồng/USD trong phiên 25/9/2023.

BAOVIET Bank cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,9%/năm

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay tiêu dùng và sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Bảo Việt (BAOVIET Bank) triển khai chương trình cho vay có tài sản bảo đảm với lãi suất chỉ từ 7,9%/năm dành cho khách hàng cá nhân.

Theo đó, từ ngày 15/9/2023, khách hàng có thể lựa chọn một trong các phương án vay tùy phù hợp mục đích sử dụng vốn và khả năng thanh toán.

Cụ thể, khách hàng được tiếp cận phương án vay với lãi suất 7,9%/năm trong 03 tháng đầu với khoản vay tiêu dùng tối thiểu 12 tháng hoặc trong 06 tháng với khoản vay sản xuất kinh doanh. Mức lãi suất hấp dẫn này cũng sẽ được áp dụng trong 6 tháng đầu với khoản vay tiêu dùng tối thiểu 48 tháng hoặc 12 tháng với khoản vay sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, BAOVIET Bank cung cấp thêm lựa chọn cho khách hàng với lãi suất 8,9%/năm trong 12 tháng đầu với khoản vay tiêu dùng tối thiểu 60 tháng hoặc 36 tháng với khoản vay sản xuất kinh doanh.

Lãi suất sau kỳ ưu đãi được tính bằng lãi suất cơ sở 13 tháng cộng biên độ tối thiểu 3,8%/năm. Hỗ trợ tối đa tới 90% các phương án vay.

BAOVIET Bank hy vọng chương trình sẽ kịp thời hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn cao điểm về vốn trong năm.

Thanh toán online thuận tiện, nhanh chóng

Chưa bao giờ các hoạt động thanh toán không tiền mặt lên ngôi như ngày nay. Chỉ cần một chiếc thẻ ATM, NAPAS, Visa, Master Card để thanh toán dịch vụ tại các cửa hàng có đặt điểm chấp nhận thẻ (POS). Hoặc ở bất cứ nơi đâu, với một vài thao tác trên chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể dễ dàng thanh toán mua sắm thực phẩm, đồ uống, nộp thuế và nhiều khoản phí, lệ phí hay thanh toán mọi dịch vụ từ điện, nước, viễn thông… Thanh toán không dùng tiền mặt đã, đang phổ biến và dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng Việt Nam.

Tin ngân hàng ngày 26/9: Sẽ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến rộng rãi ở những người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là sinh viên - thế hệ GenZ, những người sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ, được mệnh danh là những "công dân thời đại kỹ thuật số".

Phương Linh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Tôi rất hiếm khi sử dụng tiền mặt. Tôi có một chiếc thẻ ATM có thể thanh toán tại quán cà phê gần trường và đi siêu thị mua các vật dụng cá nhân. Sử dụng thẻ với tôi rất thuận tiện và giờ ví tôi chỉ cần mang theo thẻ và không cần phải lỉnh kỉnh các loại tiền trong ví. Tôi không nhớ lần cuối tôi dùng tiền mặt khi nào”.

Còn với chủ cửa hàng tạp hoá trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi dán mã QR ngay tại cửa hàng và khách chỉ cần quét mã có thể thanh toán nhanh chóng. Khách hàng không phải chờ đợi nhận lại tiền thừa và cửa hàng cũng không bị nhầm tiền”.

Số liệu thống kê qua hệ thống cho thấy, đến hết quý II/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với cùng kỳ. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý II/2023 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ.

Qua số liệu trên cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)