Tin ngân hàng ngày 21/12: Tín dụng tăng gần 86.000 tỷ đồng trong 13 ngày

09:45 | 21/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
ACB hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm 1% chi phí vận hành; Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex được đổi tên thành Ngân hàng Thịnh Vượng và Phát triển; HDBank nhận giải thưởng về tăng trưởng giao dịch thẻ… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 20/12: Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân của hệ thống tín dụngTin ngân hàng ngày 20/12: Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân của hệ thống tín dụng
Tin ngân hàng ngày 19/12: Tổng dư nợ tín dụng tháng 11 ở TP HCM tăng 1,3%Tin ngân hàng ngày 19/12: Tổng dư nợ tín dụng tháng 11 ở TP HCM tăng 1,3%

13 ngày, tín dụng tăng gần 86.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87%. Trước đó, tính đến ngày 31/11 tăng trưởng tín dụng đạt 9,15%. Như vậy, chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 85.800 tỷ đồng tương đương ngần ấy số tiền đi ra nền kinh tế.

Tin ngân hàng ngày 21/12: Tín dụng tăng gần 86.000 tỷ đồng trong 13 ngày
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,17%, Công nghiệp và xây dựng 7,31%, Hoạt động Thương mại, Vận tải và Viễn thông 11,94%,Các hoạt động dịch vụ khác 5,3%.

Ngân hàng Nhà nước cho biết mức tăng trưởng nói trên đã gần đạt mốc hai con số nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành là 14%.

Ngân hàng Nhà nước chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này của năm vẫn còn thấp như: Đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Phát triển... chưa phát huy hiệu quả.

Nguyên nhân khác là khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung.

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay .

Tăng trưởng tín dụng thấp cũng do khó khăn trong việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vấn đề pháp lý (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá...); danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư chậm ban hành khiến các ngân hàng khó tiếp cận, thẩm định dự án; vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

ACB hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm 1% chi phí vận hành

Tối ưu được 1% chi phí hàng năm, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn ngân sách cho các hoạt động xây dựng văn hóa, nâng cao chất lượng nhân sự hay chỉ đơn giản là để tái đầu tư vào việc kinh doanh.

"Tối ưu chi phí không chỉ là cắt giảm, mà cần gia tăng lợi ích từ dòng tiền dư ngắn hạn trong tài khoản", lãnh đạo một doanh nghiệp nhận định.

Thấu hiểu tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, bên cạnh chương trình giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng hiện cũng đã triển khai các gói miễn phí dịch vụ giúp giảm bớt áp lực tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã nhanh chóng triển khai các gói sản phẩm Không Phí giúp doanh nghiệp giảm thiểu luôn 1% chi phí, đồng thời cung cấp thêm các công cụ hỗ trợ đắc lực khác trên hệ sinh thái toàn diện của ngân hàng.

Ngoài ra, nhà băng này cũng đưa ra nhiều tư vấn nhằm tối ưu các hoạt động kinh doanh. Đơn cử như các giải pháp tối ưu hóa quy trình bán hàng từ lúc nhận đơn hàng - xuất hóa đơn - giao hàng đến lúc thu tiền. Mục đích cốt lõi là để tiền hàng được thu về một cách nhanh chóng, linh hoạt thu chi, từ đó điều chỉnh tình hình nhập xuất hàng hóa, nhanh chóng ứng biến với thay đổi của thị trường.

Nhìn tổng thế, hầu như tất cả những giao dịch tài chính mà doanh nghiệp cần đều được ACB miễn phí, 1% chi phí tối ưu được quy đổi sang các hoạt động gia tăng sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp, củng cố kinh doanh sản xuất, hỗ trợ đảm bảo nguồn thu.

Sự khó khăn từ thị trường tiêu thụ đã khiến các doanh nghiệp một lần nữa phải cơ cấu lại quy trình vận hành. Tuy nhiên, cắt giảm chi phí trong doanh nghiệp không chỉ đơn giản là việc phải "thắt lưng buộc bụng" trong thời kỳ khó khăn, hay tăng lợi nhuận trong ngắn hạn, mà chính là có một chiến lược tổng thể để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh thật sự của doanh nghiệp.

Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex được đổi tên thành Ngân hàng Thịnh Vượng và Phát triển

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định số 2346 về việc sửa đổi nội dung Tên Ngân hàng tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex.

Theo quyết định này, tên đầy đủ mới của ngân hàng là Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh Vượng và Phát triển.

Tên tiếng Anh là Prosperity And Growth Commercial Joint Stock Bank.

Tên viết tắt là PGBank (tên viết tắt cũ là PG Bank).

Trước đó, PGBank đã xin ý kiến cổ đông về việc đổi tên thương mại và được chấp thuận. Nguyên nhân là do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex. Hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn tại PGBank và Petrolimex đã yêu cầu PGBank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023.

Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của PGBank là cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.

Ngoài ra, PGBank cũng thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đó, trụ sở ngân hàng đặt tại địa chỉ Tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

HDBank nhận giải thưởng về tăng trưởng giao dịch thẻ

HDBank vượt mốc 500.000 thẻ tín dụng được phát hành, nhận giải thưởng "Ngân hàng tăng trưởng ấn tượng doanh số giao dịch trên thẻ tín dụng 2023" từ Visa.

Giải thưởng trao tại hội nghị Khách hàng Visa Việt Nam với chủ đề "Elevate Boundless Experiences - Nâng tầm cho trải nghiệm không giới hạn".

Tin ngân hàng ngày 21/12: Tín dụng tăng gần 86.000 tỷ đồng trong 13 ngày
Ảnh minh họa//https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đại diện ngân hàng cho biết, giải thưởng thể hiện đơn vị liên tục cải tiến, phát triển đa dạng các dòng thẻ và tiện ích nổi bật đi kèm ưu đãi, từ đó nâng cao trải nghiệm, thúc đẩy chi tiêu. Cụ thể, tháng 10 năm nay, HDBank ghi nhận tổng doanh số giao dịch trên thẻ tín dụng Visa tăng 84% so với cùng kỳ năm trước.

"Giải thưởng khẳng định sức bật trong hoạt động về thẻ khi phát triển nhiều giải pháp thanh toán thông minh đến hàng triệu khách hàng", đại diện này nói. Chiến lược này còn góp phần đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 18/12, nhà băng tổ chức lễ công bố chủ thẻ tín dụng HDBank thứ 500.000. Lãnh đạo đơn vị đã trao 10 triệu đồng cho khách hàng này.

Hiện nhà băng phát hành nhiều dòng thẻ mang thương hiệu Visa như Classic, Gold; dòng thẻ tín dụng đồng thương hiệu Vietjet Platinum... Đơn vị còn triển khai dịch vụ khách hàng đặc biệt HDBank Priority trong năm nay.

Dịch vụ này thiết kế cho khách hàng và cả gia đình nhiều quyền lợi tài chính, chăm sóc sức khỏe như y tế và du lịch. Người dùng được hoàn tiền trong chi tiêu, tặng lượt trải nghiệm tại các sân golf trên toàn quốc, phòng chờ thương gia ở sân bay quốc nội, quốc tế. Đơn vị cũng tổ chức nhiều sự kiện dành riêng cho thành viên.

Ngân hàng phát triển mạng lưới liên kết rộng lớn với nhiều thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế. Đơn vị còn cung cấp loạt chương trình ưu đãi, đa tiện ích ưu tiên khi dùng thẻ.

Đơn cử, chủ thẻ Vietjet Platinum được nhận bảo hiểm du lịch toàn cầu lên đến 12 tỷ đồng, hoàn tiền đến 500.000 đồng khi mua vé máy bay Vietjet. Nhà băng hoàn tiền không giới hạn tỷ lệ 0,3% cho các giao dịch mua sắm khác, trả góp 0% lãi suất, không phí thường niên năm đầu... Người dùng còn nhận ưu đãi về du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe toàn diện, mua sắm... lên đến 50% xuyên suốt năm.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)