Tin ngân hàng ngày 19/1: PGBank báo lỗ hơn 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023

09:45 | 19/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thủ tướng sẽ quyết các khoản cho vay đặc biệt với lãi suất 0%; Mời ngân hàng lớn nhất Bắc Âu cơ cấu nhà băng yếu kém; Thu đổi tiền mới, tiền lẻ hưởng chênh lệch sẽ bị xử lý pháp luật… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 18/1: Wooribank giữ lãi suất tiết kiệm 11%/nămTin ngân hàng ngày 18/1: Wooribank giữ lãi suất tiết kiệm 11%/năm
Tin ngân hàng ngày 17/1: Nhân viên SHB sắp được mua hơn 45 triệu cổ phiếu giá rẻTin ngân hàng ngày 17/1: Nhân viên SHB sắp được mua hơn 45 triệu cổ phiếu giá rẻ

PGBank báo lỗ hơn 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023

Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank - PGB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý IV/2023.

Tin ngân hàng ngày 19/1: PGBank báo lỗ hơn 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, ngân hàng báo lỗ 4,64 tỷ đồng trong quý IV/2023 trong khi cùng kỳ năm 2022 có lãi tới 118 tỷ đồng. Theo đó, năm 2023, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 355 tỷ, giảm 30% so với năm 2022.

Nguyên nhân kết quả kinh doanh trong quý 4 kém khả quan là do PGBank bị lỗ ở nhiều hoạt động phi tín dụng, trong khi đó chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh. Cụ thể, hoạt động dịch vụ báo lỗ 10,3 tỷ đồng trong quý IV/2023, trái ngược với cùng kỳ có lãi 26 tỷ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng bị lỗ 4 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm, trong khi cùng kỳ có lãi 17 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 75% lên 91 tỷ đồng.

Theo PGBank, lợi nhuận giảm chủ yếu do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng của PGBank tập trung vào tháng cuối năm 2023. Ngoài ra, PGBank chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tín dụng làm cho chi phí hoạt động dịch vụ tăng.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản PGBank ở mức 55.495 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 21,6% lên 35.335 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 14,3%, đạt 35.730 tỷ đồng.

Nợ xấu tại PGBank là 905 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 21,6% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng giữ nguyên mức 2,56%.

Thủ tướng sẽ quyết các khoản cho vay đặc biệt với lãi suất 0%

Sáng 18/1, với 91,28% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024.

Đáng chú ý về thẩm quyền quyết định cho vay, lãi suất và tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, theo Luật mới được thông qua, từ 1/7/2024 (thời điểm luật có hiệu lực), Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Còn Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất và có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng hợp tác xã quyết định cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác quyết định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Theo quy định, tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền khi bị rút tiền hàng loạt hay để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc. Ngoài ra, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi…

Cũng theo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được thông qua, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Liên quan đến vấn đề chống sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nâng cao hiệu quả phối hợp với bộ, ngành có liên quan, đồng thời có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.

Mời ngân hàng lớn nhất Bắc Âu cơ cấu nhà băng yếu kém

Đề nghị này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu chiều 17/1 khi tiếp Marcus Wallenber, lãnh đạo Skandinaviska Enskilda Banken - SEB Group (Thụy Điển), nhân chuyến làm việc tại Davos, Thụy Sĩ, dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

SEB Group là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, sở hữu SEB Bank, ngân hàng lớn nhất Bắc Âu theo vốn hóa thị trường, với tổng tài sản gần 339 tỷ USD.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam khuyến khích sự tham gia của các tổ chức có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng hỗ trợ. Ông đề nghị SEB tham gia thị trường tài chính Việt Nam, quá trình xây dựng chính sách và nghiên cứu khả năng đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Ông Marcus Wallenberg, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn SEB, cũng thể hiện mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Trước mắt, SEB sẽ tổ chức Hội nghị doanh nghiệp khu vực Bắc Âu tại Hà Nội để tiếp tục tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt là sự phát triển công nghiệp, chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt ở Việt Nam, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB. Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đang chậm, khó khăn trong việc tìm nhà đầu tư tự nguyên tham gia.

Trước đó, Ngân hàng Mizuho - một trong ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - cũng được Thủ tướng Phạm Minh chính đề nghị tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém của Việt Nam, nhân chuyến công tác và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản cuối năm 2023.

Theo Thủ tướng, quan hệ Việt Nam và Thụy Điển phát triển tốt đẹp là nền tảng thuận lợi để các doanh nghiệp hai bên hợp tác. Ông cũng gợi ý SEB phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp tổ chức hội nghị kết nối các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam và Bắc Âu, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thu đổi tiền mới, tiền lẻ hưởng chênh lệch sẽ bị xử lý pháp luật

Đại diện NHNN cho biết, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức để hưởng chênh lệch và rao đổi tiền trên mạng internet đều vi phạm quy định pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Tin ngân hàng ngày 19/1: PGBank báo lỗ hơn 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

NHNN chi nhánh TP HCM vừa phát đi quan điểm trên và cho biết các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu, đổi tiền mới tiền lẻ và trao đổi tiền trên mạng Internet trong những ngày tới nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết, chỉ có NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng mới được phép thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Thông qua nghiệp vụ thu, chi tiền mặt, ngân hàng thực hiện nâng cao chất lượng tiền trong lưu thông và thu đổi và tuyển lựa tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ trong dịp cuối năm thường tăng cao do tính quy luật thường niên. Trong điều kiện đó, NHNN Việt Nam luôn chỉ đạo hệ thống NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh toán, công tác tiền tệ - kho quỹ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng tiền cho lưu thông hàng hóa - tiền tệ.

“Chúng tôi mong rằng các cơ quan, ban ngành liên quan và đặc biệt cơ quan báo chí thông tin kịp thời cho người dân biết về chính sách để phòng ngừa rủi ro pháp luật phát sinh liên quan” - đại diện NHNN chi nhánh TP HCM nói và cho biết mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và rao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco