Tin ngân hàng ngày 17/1: Nhân viên SHB sắp được mua hơn 45 triệu cổ phiếu giá rẻ

09:45 | 17/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngân hàng "đại hạ giá" khoản nợ 1.300 tỷ của Dệt may Đông Á; SCB nâng hạn mức giao dịch chuyển tiền nhanh từ 100 triệu lên 200 triệu đồng/ngày… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 16/1: BVBank áp dụng lãi suất vay mua nhà 5%Tin ngân hàng ngày 16/1: BVBank áp dụng lãi suất vay mua nhà 5%
Tin ngân hàng ngày 15/1: VietinBank đấu giá khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệpTin ngân hàng ngày 15/1: VietinBank đấu giá khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp

Nhân viên SHB sắp được mua hơn 45 triệu cổ phiếu giá rẻ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông báo về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Cụ thể, SHB dự kiến chào bán 45,12 triệu cổ phiếu cho nhân viên, tương đương 1,25% tổng số cổ phiếu đang lưu hành với giá phát hành là 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 18 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Tin ngân hàng ngày 17/1: Yêu cầu sớm chi trả trợ cấp an sinh xã hội cho người dân qua ngân hàng
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngân hàng sẽ nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 16/1 đến ngày 26/1/2024. Ước tính tiền thu về từ đợt phát hành ESOP lần này là hơn 451 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng SHB dự kiến tăng lên 36.645.181 tỷ đồng.

Với số tiền thu được, SHB dự kiến sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay, đầu tư, cấp tín dụng của SHB. Trong đó, 401,2 tỷ đồng được phân bổ vào hoạt động cho vay doanh nghiệp với 100 tỷ dành cho hoạt động bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và 301,2 tỷ đồng để vay sản xuất, kinh doanh, thực hiện dự án. 50 tỷ còn lại được dùng để cho vay cá nhân.

Chốt phiên ngày 15/1, cổ phiếu SHB ở mức 12.150 đồng/cp, cao hơn khoảng 22% so với giá cổ phiếu ESOP được chào bán cho nhân viên.

Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 8.509 tỷ, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thời điểm 30/09/2023, tổng tài sản của SHB đạt 596 nghìn tỷ đồng, tăng 8,13% so với đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng đạt 430 nghìn tỷ đồng, tăng 10%; huy động vốn trên thị trường 1 đạt gần 475 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng tiền gửi của khách hàng đạt hơn 424 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với cuối năm 2022.

Yêu cầu sớm chi trả trợ cấp an sinh xã hội cho người dân qua ngân hàng

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sớm thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội cho người dân qua ngân hàng.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công điện yêu cầu các các tỉnh, thành phố tăng việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội cho người dân qua tài khoản ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và cả năm 2024.

Theo bộ này, tại cuộc họp thúc đẩy chuyển đối số vào cuối năm 2023, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sớm thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội cho người dân qua ngân hàng.

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương quán triệt, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc địa bàn thực hiện công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thêm vào đó, lãnh đạo các tỉnh phải chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp, hướng dẫn các đơn vị thuộc ngành LĐ-TB&XH cùng với lực lượng công an tại địa phương rà soát, làm sạch dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng người có công với cách mạng để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục đích, làm nguồn phục vụ công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách.

Các tỉnh cũng được giao chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội tự nguyện mở tài khoản ngân hàng. Phấn đấu hết năm 2024, tỉ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiếu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý.

Ngân hàng "đại hạ giá" khoản nợ 1.300 tỷ của Dệt may Đông Á

Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) vừa thông báo về việc đấu giá khoản nợ của CTCP Dệt may Đông Á (Dagatex).

Tổng nợ nghĩa vụ của Dagatex tại ngân hàng tính đến ngày 22/12/2023 là 1.297 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 405 tỷ đồng, gần 522 tỷ đồng tiền lãi và tổng phạt 370 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của Dệt may Đông Á gồm: 3,6 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Phúc Thịnh do Dệt may Đông Á nắm;

Toàn bộ các tài sản, các quyền tài sản đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai từ Dự án Đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở cao tầng, có địa điểm thực hiện Dự án tại: Số 185-189 Âu Cơ, phường 14, quận 11, TP.HCM, do Dệt may Đông Á là chủ đầu tư và tọa lạc trên diện tích khu đất là 27.620m2;

Quyền sử dụng đất thuê 50.000m2 và tài sản gắn liền trên đất tại Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thời hạn thuê đến 12/9/2053, mục đích thuê là xây dựng nhà máy sản suất theo giấy phép (dệt may);

Quyền sử dụng đất nông nghiệp (tổng diện tích 78.430m2) tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi bao gồm 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên 7 hộ nông dân và các biên bản giao nhận tiền, biên bản kiểm kê thiệt hại, biên bản hiệp thương đền bù.

Được biết, đây là lần thứ 7 OceanBank rao bán khoản nợ này của Dệt may Đông Á. Tại lần đấu giá này, nhà băng đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ này chỉ 479 tỷ đồng, chỉ bằng 37% tổng dư nợ.

Về CTCP Dệt may Đông Á, doanh nghiệp này tiền thân là kỹ nghệ dệt Đông Á, được thành lập năm 1960, chuyên sản xuất hàng dệt, nhuộm, in hoa.

Ngày 21/3/2001, HĐQT Tổng Công Ty Dệt May Việt Nam (nay là Tập Đoàn Dệt May Việt Nam) có quyết định số 287/QĐ-HĐQT đổi tên Công ty dệt Đông Á thành Công ty dệt may Đông Á.

Ngày 13/12/2006, Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương) quyết định phê duyệt phương án và chuyển Công ty dệt may Đông Á thành CTCP dệt may Đông Á.

SCB nâng hạn mức giao dịch chuyển tiền nhanh từ 100 triệu lên 200 triệu đồng/ngày

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo nâng hạn mức giao dịch chuyển tiền nhanh Napas 247 cho khách hàng, áp dụng từ ngày 16/1.

Tin ngân hàng ngày 17/1: Nhân viên SHB sắp được mua hơn 45 triệu cổ phiếu giá rẻ
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, hạn mức giao dịch từ "tối đa 100 triệu đồng/lần/ngày/khách hàng" nâng lên "tối đa 200 triệu đồng/lần/ngày/khách hàng". Hạn mức này áp dụng cho cả kênh tại quầy và kênh SCB eBanking.

Đối với kênh SCB eBanking, hạn mức giao dịch thanh toán hóa đơn vẫn là tối đa 100 triệu/lần/ngày. Hạn mức chuyển tiền trong hệ thống là 3 tỷ đồng/lần/ngày.

Khách hàng có thể chủ động đăng ký với SCB và thực hiện ký Giấy xác nhận nâng hạn mức giao dịch trên eBanking và cam kết chịu trách nhiệm cũng nhu mọi rủi ro liên quan đến việc thực hiện giao dịch theo hạn mức đăng ký. Theo đó, khách hàng có thể giao dịch với hạn mức tối đa không quá 5 tỷ đồng/lần/ngày khi chuyển tiền trong hệ thống và ngoài hệ thống (chỉ áp dụng cho chuyển tiền đến tài khoản/CMND/HC, không áp dụng chuyển tiền nhanh Nappass 247 (bao gồm VietQR)).

Cũng liên quan đến SCB, gần đây SCB liên tục đóng cửa một số phòng giao dịch. Cụ thể, ngày 15/1, ngân hàng thông báo sẽ chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Cách Mạng Tháng Tám - Chi nhánh Thống Nhất từ ngày 16/1/2024 và Phòng giao dịch Hoàng Minh Giám - Chi nhánh Gia Định từ ngày 18/1/2024.

Theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính ở TP HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Như vậy, sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng SCB đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco