Tin ngân hàng ngày 18/10: Mỗi người dân sẽ có một chữ ký số

10:00 | 18/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
VPBank lãi trước thuế riêng lẻ 9 tháng đầu năm gần 11 nghìn tỷ đồng, giảm 45%; Hơn 36,540 tỷ đồng dư nợ tại TP HCM đã được cơ cấu lại; KienlongBank giành cú đúp giải thưởng tại Asia Pacific Enterprise Awards 2023… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 17/10: Yêu cầu rà soát lại chất lượng tín dụng khi nợ xấu tăng caoTin ngân hàng ngày 17/10: Yêu cầu rà soát lại chất lượng tín dụng khi nợ xấu tăng cao
Tin ngân hàng ngày 16/10: Tín dụng tại TP HCM liên tiếp tăng trưởngTin ngân hàng ngày 16/10: Tín dụng tại TP HCM liên tiếp tăng trưởng

Mỗi người dân sẽ có một chữ ký số

Mới đây, tại hội thảo chuyên đề “Vai trò của chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam đã xác định 3 trụ cột chuyển đổi số quốc gia gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. “Cả 3 trụ cột này đều không thể thực hiện được nếu thiếu công dân số. Chữ ký số của người dân là mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện một phiên bản cơ bản của công dân số trên môi trường mạng”.

Tin ngân hàng ngày 18/10: Mỗi người dân sẽ có một chữ ký số
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Việt Nam xác định thúc đẩy phát triển xã hội số với 8 yếu tố đặc trưng gồm: mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang băng rộng; mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh. Trên smartphone đó, mỗi người dân có một danh tính điện tử, có một tài khoản thanh toán số, có một tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến; có kỹ năng số cơ bản để sử dụng các dịch vụ trên môi trường số. Mỗi người dân có điện thoại smartphone được cài đặt phần mềm đảm bảo an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản. Cuối cùng, mỗi người dân sẽ có một chữ ký số.

"Như vậy, chữ ký số là 1 trong 8 yếu tố cơ bản để hình thành nên công dân số và xã hội số", ông Dũng nhấn mạnh.

Nhu cầu của người dân sử dụng chữ ký số trước hết và quan trọng nhất cho các giao dịch điện tử và phục vụ các mục đích thanh toán giao dịch điện tử tin cậy. Năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số quốc gia, bảo vệ dữ liệu số của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động giao dịch trên môi trường số một cách an toàn.

Luật Giao dịch diện tử (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó cấu phần quan trọng nhất là thúc đẩy chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử.

Các chuyên gia cho rằng đây là một nỗ lực quan trọng góp phần triển khai có hiệu quả Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) vào cuộc sống, hướng tới mục tiêu mỗi người dân có một chữ ký số cá nhân và sử dụng hàng ngày trong các hoạt động có nhu cầu.

Theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử an toàn, biện pháp, tiêu chuẩn bảo đảm chữ ký điện tử an toàn. Đây là cơ sở để ứng dụng đa dạng chữ ký điện tử, thiết lập giao dịch điện tử an toàn, gia tăng niềm tin với người dùng, cơ quan, tổ chức khi tiến hành giao dịch trên môi trường điện tử.

VPBank lãi trước thuế riêng lẻ 9 tháng đầu năm gần 11 nghìn tỷ đồng, giảm 45%

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với kết quả kinh doanh khả quan của ngân hàng mẹ. Các công ty thành viên cũng đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý III.

Cụ thể, dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ đến cuối quý III/2023 tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng tại ngân hàng đang cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành 6,9% tới cuối tháng 9. Đáng chú ý, tín dụng trong quý III đã tăng 8% so với quý liền trước, phân bổ tương đối đồng đều vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…, với khối chiến lược Khách hàng cá nhân (KHCN) và SME đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng.

Dư nợ tín dụng của khối KHCN, trong đó, ghi nhận tăng tưởng 19% so với đầu năm đạt hơn 230 nghìn tỷ đồng, nhờ chiến lược đa phân khúc đón đầu xu hướng hồi phục của nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2023. Số liệu thống kê trong quý III đã cho thấy các dấu hiệu khởi sắc với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Ở chiều thanh khoản, huy động từ khách hàng tại ngân hàng mẹ trong quý III tiếp nối nhịp tăng ổn định từ các quý trước, bỏ xa mức trung bình ngành 5,9% để chạm mức tăng gần 35% so với đầu năm. Trong đó, riêng khối KHCN tăng trưởng ấn tượng 60% so với đầu năm.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) - nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng, cùng với đó, đạt mức tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA lên mức 17% trong cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank, giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn.

Nền tảng vốn của ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng cường sau thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược SMBC, với vốn chủ sở hữu của VPBank tăng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn hệ thống. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, sẽ cán mốc gần 19% - dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam được tổ chức này đánh giá.

Báo cáo tài chính của VPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ trong quý III/2023 đạt 3.076 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế VPBank riêng lẻ đạt 10.973 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.

Hơn 36,540 tỷ đồng dư nợ tại TP HCM đã được cơ cấu lại

Hỗ trợ cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023. Thực hiện nhiệm vụ địa phương trên địa bàn, ngành Ngân hàng TP HCM đã và đang tổ chức triển khai thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và gắn với việc thực hiện chủ đề năm của Thành phố.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM chia sẻ những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng TP HCM phản ánh trên 3 phương diện chính sau:

Thứ nhất, hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách: Sử dụng chính sách lãi suất thấp để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn tài chính và chi phí vốn. Cơ cấu lại nợ cũng đã được thực hiện để giảm áp lực trả nợ của doanh nghiệp. Kết quả là 29,726 khách hàng và doanh nghiệp tại TP HCM đã được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ là 36,543 tỷ đồng, chiếm 38% so với toàn quốc.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình tín dụng và gói tín dụng ưu đãi: Thực hiện các chương trình tín dụng và gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ, NHNN, và UBND TP HCM. Điều này bao gồm giải ngân gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất 2% theo quy định của Chính phủ, giúp doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Cũng có việc giải ngân gói tín dụng 15,000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản và thủy sản với lãi suất thấp hơn lãi suất bình quân cho vay.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh: Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ và làm tốt công tác truyền thông chính sách để giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Các chương trình và hành động cụ thể bao gồm kết nối ngân hàng doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp để giúp giải quyết vấn đề khó khăn tại các địa bàn quận, huyện, và truyền thông về dịch vụ ngân hàng và công nghệ.

Những nỗ lực này đã giúp doanh nghiệp tại TP HCM duy trì, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn và thách thức.

KienlongBank giành cú đúp giải thưởng tại Asia Pacific Enterprise Awards 2023

Mới đây, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã được lựa chọn và vinh danh tại hai hạng mục quan trọng là "Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh (Fast Enterprise)" và "Thương hiệu truyền cảm hứng (Inspirational Brand)" của Giải thưởng Doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là giải thưởng có uy tín hàng đầu tại khu vực về lĩnh vực kinh doanh, tôn vinh những doanh nghiệp có thành tích nổi bật, song song với việc tạo ra các giá trị tốt đẹp, bền vững cho xã hội.

Tin ngân hàng ngày 18/10: Mỗi người dân sẽ có một chữ ký số
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Xuyên suốt hành trình 27 năm hình thành, phát triển và chuẩn bị chào đón Sinh nhật lần thứ 28 (27/10/1995 - 27/10/2023), bộ đôi giải thưởng danh giá từ chương trình, ngoài việc là sự ghi nhận những thành tích, nỗ lực của KienlongBank trong thời gian qua, nó còn mang đến "Sức Sống Mới", là bước đà giúp Ngân hàng vượt qua những thách thức, tự tin đón đầu cơ hội của thị trường để hiện thực hóa chiến lược trở thành một Ngân hàng số hiện đại, toàn diện.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức song với việc lựa chọn chiến lược đột phá là số hóa nền tảng hoạt động, từ đó đưa kênh số hóa và các sản phẩm số hóa trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng cả về quy mô lẫn hiệu quả, KienlongBank đã gặt hái được những thành công bước đầu trong hành trình cung cấp trải nghiệm đa tiện ích, gia tăng giá trị trong một điểm chạm cho khách hàng.

6 tháng đầu năm 2023 lợi nhuận trước thuế hợp nhất tại KienlongBank đạt 402 tỷ đồng, hoàn thành 58% chỉ tiêu kế hoạch toàn năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của đạt 321,4 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng hoàn thành áp dụng tiêu chuẩn Basel II và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu toàn hàng ở mức 1,4%, dưới mức cho phép 3% đồng thời đảm bảo tuân thủ theo quy định của NHNN.

Chia sẻ tại lễ trao giải, đại diện của KienlongBank cho biết: "Giải thưởng lần này là động lực để KienlongBank tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển doanh nghiệp gắn với sự phát triển cộng đồng, đồng thời góp phần lan tỏa giá trị yêu thương đến toàn xã hội. Thời gian tới, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán lẻ thông qua việc giới thiệu và ra mắt các sản phẩm số hóa như bộ Giải pháp Quản lý tài chính cửa hàng MyShop (được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2023); bộ Giải pháp thanh toán dành cho doanh nghiệp KienlongBank Pay".

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)