Tin ngân hàng ngày 17/10: Yêu cầu rà soát lại chất lượng tín dụng khi nợ xấu tăng cao

10:00 | 17/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
VPBank trả cổ tức 10% bằng tiền mặt trong tháng 11; NHNN yêu cầu rà soát lại chất lượng tín dụng khi nợ xấu tăng cao; SHB được vinh danh Top 10 Doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 16/10: Tín dụng tại TP HCM liên tiếp tăng trưởngTin ngân hàng ngày 16/10: Tín dụng tại TP HCM liên tiếp tăng trưởng
Tin ngân hàng tuần qua: Tiếp tục hoàn thiện các quy định để cấp tín dụng qua kênh sốTin ngân hàng tuần qua: Tiếp tục hoàn thiện các quy định để cấp tín dụng qua kênh số

NHNN yêu cầu rà soát lại chất lượng tín dụng khi nợ xấu tăng cao

Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2% ở thời điểm đầu năm lên 3,56% vào cuối tháng 7/2023. Tổng dư nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến hết cuối tháng 7 là 440.000 tỷ đồng. Trong đó, nếu loại trừ đi 5 ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng hiện ở mức 1,92%. Nếu tính cả các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng thì tổng lượng nợ xấu là 768.000 tỷ, tương đương tỷ lệ 6,16%.

Tin ngân hàng ngày 17/10: Căng thẳng thanh khoản khi xảy ra rút tiền hàng loạt tại SCB
NHNN yêu cầu rà soát lại chất lượng tín dụng khi nợ xấu tăng cao/ Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trước tình hình trên, NHNN đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số biện pháp liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, kiểm toán nội bộ và hoạt động đại lý bảo hiểm.

Cụ thể, NHNN yêu cầu các ngân hàng kiểm tra, rà soát lại hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (bao gồm các hoạt động cho vay tiêu dùng, bất động sản, kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết...

Bên cạnh đó, NHNN cũng đưa ra dự thảo Thông tư, lấy ý kiến góp ý về việc người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý của NHNN và sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời gian nhất định.

6 lĩnh vực được đề xuất trong dự thảo bao gồm: Người thực hiện chức năng quản lý đối với các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; Người thực hiện cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho tổ chức không phải là ngân hàng, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Người tham gia quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối; Người thực hiện chức năng cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng...; Người thực hiện quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền; Người thực hiện kiểm tra, thanh tra giám sát ngân hàng, thanh tra với hoạt động phòng, chống rửa tiền.

Căng thẳng thanh khoản khi xảy ra rút tiền hàng loạt tại SCB

Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến năm 2024 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tin ngân hàng ngày 17/10: Yêu cầu rà soát lại chất lượng tín dụng khi nợ xấu tăng cao
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị cân nhắc đến nhận định về một số hạn chế, bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ. Cụ thể là ý kiến về việc quá chú trọng đến kiểm soát lạm phát, là nguyên nhân khiến lãi suất cao, đặc biệt cuối năm 2022, đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng chậm, là bất cập.

Theo Thống đốc, ý kiến nêu trên chỉ “nhìn từ từng góc độ riêng lẻ”, còn việc điều hành chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước là đứng trên cục diện tổng thể của nền kinh tế, bám sát yêu cầu của Quốc hội.

Thống đốc nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu phải giảm mặt bằng lãi suất, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong những tháng cuối năm 2022, thế giới tăng lãi suất rất cao, song thời điểm đó xét thấy chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu Quốc hội giao nên Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, có sự kiện xảy ra rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Lúc này Ngân hàng Nhà nước phải tập trung ưu tiên, đảm bảo an toàn hệ thống, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ như các ngân hàng trên thế giới.

“Lúc đó các tổ chức tín dụng căng thẳng về thanh khoản. Thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh tín dụng, các ngân hàng phải tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân”, bà Hồng nói.

Theo bà Hồng, vào thời điểm tháng 10/2022, tỷ giá tăng rất cao, có lúc tăng đến 10%. Lúc đó, chỉ có một số giải pháp như can thiệp ngoại tệ, tăng lãi suất, làm hạn chế thanh khoản. “Thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước đều phải làm cả ba giải pháp này để ổn định tỷ giá”, bà Hồng cho hay.

VPBank trả cổ tức 10% bằng tiền mặt trong tháng 11

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 10/11 và ngày thanh toán dự kiến là 20/11.

Cổ đông của VPBank sẽ được trả cổ tức theo tỷ lệ 10% (tức một cổ phiếu nhận được 1.000 đồng). Số tiền VPBank dự kiến chi cho đợt trả cổ tức là gần 8.000 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ vào tháng 4, trước câu hỏi về khả năng chia cổ tức bằng tiền mặt trong những năm sau, Chủ tịch Ngô Chí Dũng nói: "Trong chiến lược 5 năm phát triển, ngân hàng định hướng chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Vốn của VPBank đủ để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo và đủ dành ra 30% lợi nhuận hàng năm để chia cổ tức tiền mặt cho các cổ đông".

Mới đây, tại buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam với Thủ tướng chiều 11/10, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank tiết lộ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành.

VPBank là một trong hai ngân hàng được cấp room tín dụng cao nhất trong năm 2023 lên tới 24,5% do có tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Tiết lộ thêm về vấn đề này, bà Nhung cho hay VPBank sẽ tham gia tái cơ cấu hệ thống và tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.

"Thời điểm hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàn nguồn lực. Ngay khi được chuyển giao, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu lại ngân hàng đó", bà Nhung nói.

Bà Nhung cho rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi nguồn lực cần thiết, kinh nghiệm và năng lực của VPBank có được trong 30 năm qua, ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ và NHNN giao phó, tái cơ cấu thành công ngân hàng được chuyển giao.

SHB được vinh danh Top 10 Doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững

Vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã nhận được giải thưởng Top 10 Doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững. Giải thưởng này đã công nhận những nỗ lực của SHB trong việc tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Tin ngân hàng ngày 17/10: Yêu cầu rà soát lại chất lượng tín dụng khi nợ xấu tăng cao
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2023 do Hiệp hội Môi trường Việt Nam tổ chức nhằm vinh danh và tôn vinh các tổ chức và cá nhân tiên phong trong việc phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. SHB đã trải qua một quá trình kiểm tra và đánh giá khắt khe từ Hội đồng Giám khảo Chuyên môn, các chuyên gia có kinh nghiệm, và cuối cùng, được vinh danh trong danh sách Top 10 doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững.

Theo đại diện của SHB chia sẻ, “ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp để ủng hộ phát triển kinh tế xanh theo hướng được Chính phủ quy định. SHB đã tập trung cung cấp nguồn vốn cho các dự án có tác động tích cực đối với môi trường và xã hội. Ngoài ra, ngân hàng đã triển khai các sản phẩm và dịch vụ thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất và kinh doanh thân thiện với môi trường. SHB đã cam kết tiếp tục đứng đầu trong việc cung cấp tín dụng xanh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững”.

Trong kế hoạch chuyển đổi giai đoạn 2022 - 2027, tăng trưởng tín dụng xanh là một phần quan trọng của chiến lược tổng thể về phát triển bền vững của SHB. Ngân hàng này đã đặt ra các biện pháp để quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong danh mục đầu tư và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

SHB đã nâng cao tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ, và điển hình là việc bảo lãnh các khoản vay đầu tư tiết kiệm năng lượng thông qua Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam. Điều này giúp hỗ trợ Chính phủ trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia về an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, SHB cũng kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các dự án mà SHB tài trợ để đảm bảo rằng các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội là một phần quan trọng trong quá trình xem xét việc cấp tín dụng cho khách hàng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)