Tin ngân hàng ngày 15/12: Nợ xấu sẽ tăng vào đầu năm sau

09:46 | 15/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
SCB đóng cửa thêm 2 phòng giao dịch tại Hà Nội; Dư địa tín dụng ngân hàng còn gần 638.000 tỷ đồng; VIB dành nhiều ưu đãi cho khách hàng nhận kiều hối dịp cuối năm… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 14/12: Vietcombank thay đổi dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/1/2024Tin ngân hàng ngày 14/12: Vietcombank thay đổi dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/1/2024
Tin ngân hàng ngày 13/12: Tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà, thấp nhất dưới 6%/nămTin ngân hàng ngày 13/12: Tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà, thấp nhất dưới 6%/năm

Nợ xấu sẽ tăng vào đầu năm sau

Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ hết hiệu lực có thể khiến nợ xấu cao hơn hiện tại. Nợ xấu cũ chưa được xử lý xong lại chồng chất thêm nợ xấu mới, gây áp lực đến tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại.

Tin ngân hàng ngày 15/12: Nợ xấu sẽ tăng vào đầu năm sau
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thực tế cũng cho thấy, nợ xấu ngân hàng tăng lên thời gian qua.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của VPBank tăng từ 3,88% cuối quý II/2023 lên 3,96% cuối quý III/2023, do chất lượng tài sản suy giảm. Chất lượng nợ của TPBank đi xuống trong quý III/2023 khi nợ xấu tăng từ 1.357 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 3% tổng cho vay khách hàng.

MSB cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% tính đến cuối quý III/2023, với 4.149 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi so với mức 2.057 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Chính vì vậy, các ngân hàng phải đẩy nhanh tốc độ xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Từ đầu năm đến nay, nhất là giai đoạn cuối năm, các ngân hàng tăng tốc rao bán các loại tài sản thế chấp để thu hồi, xử lý nợ xấu.

Với tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tỷ lệ này tại một vài nhà băng lên đến 80-90%, nên bất động sản thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mãi nhiều nhất.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), tình hình nợ xấu của các ngân hàng là đáng lo. Đặc biệt, sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực vào tháng 6/2024 có thể khiến nợ xấu cao hơn hiện tại.

Rủi ro nữa là, theo ông Huân, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Nếu sang năm, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua, thì cũng phải cuối năm mới có hiệu lực. Với khoảng thời gian còn lại, ngân hàng sẽ rất khó để thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo. Do vậy, nhà băng mong muốn các bộ, ngành chung tay giúp ngân hàng thu hồi nợ.

SCB đóng cửa thêm 2 phòng giao dịch tại Hà Nội

Ngân hàng TMCP Sài Gòn vừa thông báo chấm dứt hoạt động 3 Phòng giao dịch tại Hà Nội và Vũng Tàu. Cụ thể:

Chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Thắng Nhất - Chi nhánh Vũng Tàu, địa chỉ: Số 6K3, đường Nguyễn Thái Học, phường 7, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; kể từ ngày 12/12.

Chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Hàng Gà - Chi nhánh Thăng Long, địa chỉ: Số 53 Hàng Gà, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; từ 15/12.

Chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Phương Mai - Chi nhánh Hai Bà Trưng, địa chỉ: Tầng 1, 2, 3 số 75 Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP Hà Nội; từ 15/12.

Trước đó, SCB đã thông thông báo chấm dứt hoạt động 6 phòng giao dịch tại TP HCM trong đầu tháng 12 và đóng cửa 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP HCM và Hà Nội trong tháng 10 và tháng 11.

Thống kê từ website của SCB, từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 42 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố là TP HCM (27 PGD), Hà Nội (7 PGD), Hải Phòng (1 PGD), Nghệ An (1 PGD), Bình Định (1 PGD), Đồng Nai (1 PGD), Đà Nẵng (1 PGD), Gia Lai (1 PGD), Long An (1 PGD), Vũng Tàu (1 PGD).

Theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính ở TP HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Như vậy, sau khi đóng cửa 42 phòng giao dịch kể từ khi bị kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng SCB hiện còn lại 142 phòng giao dịch trên cả nước trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.

Dư địa tín dụng ngân hàng còn gần 638.000 tỷ đồng

Thế số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm.

Trước đó, tính đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần cuối tháng 11, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 1%, tương đương tăng hơn 112.000 tỷ đồng.

Tuy bức tốc mạnh trong tuần cuối tháng 11/2023, nhưng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước và kém xa mục tiêu NHNN đề ra hồi đầu năm. Với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14,5%), ước tính dư địa mà các ngân hàng có thể cho vay thêm trong tháng 12 là gần 638.000 tỷ đồng.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu từ các yếu tố khách quan, như đầu tư, sản xuất, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn.

Đồng thời, Phó thống đốc cho hay, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 21% tổng tín dụng chung).

Ngoài ra, qua công tác thanh tra, giám sát, nhiều khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến không trả được nợ vay. Trong khi đó, khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế; nợ xấu có xu hướng tăng tại một số tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng; xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó thống đốc cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đó là, mặc dù lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể trong thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay ở một số ngân hàng thương mại còn ở mức khá cao. Một số ngân hàng cũng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng...

VIB dành nhiều ưu đãi cho khách hàng nhận kiều hối dịp cuối năm

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong việc nhận tiền được chuyển đến từ đối tác, người thân, bạn bè ở nước ngoài, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) hợp tác với các công ty chuyển tiền hàng đầu thế giới như MoneyGram, RIA, iFAST Global Bank, Sigue Global Services, Contact để cung cấp dịch vụ chi trả tiền cho người nhận tại Việt Nam.

Tin ngân hàng ngày 15/12: Nợ xấu sẽ tăng vào đầu năm sau
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đối với VIB, sự uy tín và thời gian chuyển tiền nhanh của các Công ty chuyển tiền là tiêu chí ưu tiên hàng đầu để VIB lựa chọn đối tác hợp tác. Các đối tác này đều có mạng lưới điểm giao dịch tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, tạo sự thuận tiện cho người gửi tại nước ngoài khi có nhu cầu gửi tiền về Việt Nam. Chẳng hạn như công ty RIA, đây là công ty trực thuộc Tập đoàn Euronet Worldwide, Inc. là một trong những công ty chuyển tiền quốc tế hàng đầu thế giới, với mạng lưới hơn 490.000 điểm giao dịch tại 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để nhận tiền kiều hối, khách hàng chỉ cần đến chi nhánh/ phòng giao dịch VIB trên toàn quốc cần: Cung cấp bản gốc Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu, Cung cấp thông tin nhận tiền như mã số nhận tiền, họ tên người gửi, Yêu cầu nhận tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản thanh toán. Chỉ mất 10 phút và ký tên vào đơn nhận tiền, khách hàng đã hoàn tất giao dịch tại VIB để nhận tiền chuyển về.

Bên cạnh đó, VIB còn lì xì ngay 100.000 đồng vào tài khoản thanh toán cho tất cả khách hàng nhận kiều hối từ công ty chuyển tiền RIA. Chương trình áp dụng cho mọi số tiền nhận trong thời gian từ ngày 11/12/2023 đến hết ngày 29/02/2024. Mỗi khách hàng được nhận tối đa 1 lần trong tháng và tối đa 3 lần trong thời gian diễn ra chương trình.

Ngoài ra, khách hàng có thể bán ngoại tệ nhận được tại VIB với thủ tục nhanh gọn, tỷ giá cạnh tranh.

Không chỉ cung cấp dịch vụ nhận kiều hối từ nước ngoài, VIB còn cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế, đáp ứng đa dạng các nhu cầu từ du học, du lịch, công tác, khám chữa bệnh, định cư, trợ cấp thân nhân ở nước ngoài hay chuyển tiền vãng lai khác… Khách hàng có thể chuyển tiền quốc tế online qua ứng dụng MyVIB đến hơn 200 quốc gia chỉ với vài thao tác nhanh chóng trên chiếc điện thoại thông minh, mọi lúc mọi nơi.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)