Tin ngân hàng ngày 15/10: Agribank đấu giá khoản nợ của Địa ốc Khang Gia

11:00 | 15/10/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
A.M. Best xếp hạng năng lực tài chính của BIC ở mức B++; Vietcombank vào top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam; IFC đầu tư 75 triệu USD cho SeABank… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 14/10: Gửi tiết kiệm tại KienlongBank nhận ưu đãi lãi suất lên tới 8,6%Tin ngân hàng ngày 14/10: Gửi tiết kiệm tại KienlongBank nhận ưu đãi lãi suất lên tới 8,6%
Tin ngân hàng ngày 13/10: Trong một ngày, SCB huy động được 6.000 tỷ đồng tiền gửiTin ngân hàng ngày 13/10: Trong một ngày, SCB huy động được 6.000 tỷ đồng tiền gửi

Agribank đấu giá khoản nợ của Địa ốc Khang Gia

Ngày 19/10 tới, Công ty Đấu giá hợp danh Sao Việt sẽ tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh 5. Theo đó, giá trị tạm tính của khoản nợ đến ngày 12/9/2022 là hơn 6,16 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc chỉ 8 triệu đồng, còn lại hơn 6,15 tỷ đồng là nợ lãi. Giá khởi điểm đưa ra là hơn 5,548 tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 15/10: Agribank đấu giá khoản nợ của Địa ốc Khang Gia
Agribank đấu giá khoản nợ của Địa ốc Khang Gia/Ảnh min h họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm 9 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An theo Hợp đồng thế chấp tài sản số: 6222-LCP-201200497 ngày 27/11/2012 do Agribank - Chi nhánh Quận 5 (nay là Agribank - Chi nhánh 5) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia ký kết.

Các khu đất này có diện tích từ 50 - 72 m2, là đất ở đô thị và có thời hạn sử dụng lâu dài. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia thành lập cách đây 17 năm, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Công ty có các chi nhánh tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM và thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Công ty được biết đến là chủ đầu tư Chung cư Khang Gia Chánh Hưng tại số 59, Đường 16, Quận 8, TP.HCM.

Theo thông tin Agribank AMC LTD, Agribank Chi nhánh 5 và Đơn vị tổ chức đấu giá được biết thì tài sản đảm cho khoản nợ này hiện nay đang có một số tranh chấp giữa các bên liên quan.

Agribank AMC LTD, Agribank Chi nhánh 5 cũng như Đơn vị tổ chức đấu giá không chịu trách nhiệm về tình trạng và các rủi ro tiềm ẩn của khoản nợ đấu giá cũng như tình trạng tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ.

Agribank cũng cho biết, bằng nguồn thông tin không chính thức và chưa thể xác thực, bên có khoản nợ và đơn vị tổ chức đấu giá đánh giá khả năng có các rủi ro pháp lý tiềm ẩn liên quan đến khoản nợ đấu giá như: các tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia và các bên liên quan đến tài sản bảo đảm với các tổ chức, cá nhân trong việc hứa mua, hứa bán tài sản liên quan đến khoản nợ (trái pháp luật). Các khoản nợ như nợ thuế, nợ khác của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia, của chủ tài sản cùng các bên liên quan đến tài sản.

Những rủi ro này, bên có khoản nợ và đơn vị tổ chức đấu giá không thể lường trước được. Với trách nhiệm của mình, bên có khoản nợ và đơn vị tổ chức đấu giá minh bạch thông tin và sẽ hỗ trợ cung cấp tất cả thông tin/hồ sơ có được để khách hàng có nhu cầu mua đấu giá khoản nợ xem xét, quyết định. Người mua khoản nợ đấu giá có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, xác nhận và tự chịu trách nhiệm với các rủi ro xảy ra (nếu có) sau khi đấu giá thành công khoản nợ; Agribank AMC LTD, Agribank Chi nhánh 5 và đơn vị tổ chức đấu giá không chịu trách nhiệm giải quyết đối với những rủi ro tiềm ẩn nói trên.

A.M. Best xếp hạng năng lực tài chính của BIC ở mức B++

Mới đây, A.M. Best - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu thế giới, vừa công bố xếp hạng tín nhiệm năm 2022 của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Cụ thể, A.M. Best tiếp tục xếp hạng năng lực tài chính của BIC là B++ (Tốt), xếp hạng năng lực tổ chức phát hành là bbb, triển vọng Ổn định.

Kết quả định hạng trên được A.M. Best công bố dựa trên những đánh giá tích cực đối với các mặt hoạt động của BIC, bao gồm: năng lực tài chính, kết quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động, hồ sơ năng lực và hệ thống quản trị rủi ro.

Năng lực tài chính của BIC, được đo lường thông qua hệ số an toàn vốn (BCAR), tiếp tục được A.M. Best đánh giá cao.

Hệ số an toàn vốn của BIC được kiểm soát tốt nhờ những thay đổi tích cực trong chiến lược quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, BIC cũng tiếp tục theo đuổi chiến lược đầu tư thận trọng, an toàn, hiệu quả.

Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của BIC được A.M. Best đánh giá cao. Trong đó, hiệu quả nghiệp vụ năm 2021 được cải thiện đáng kể so với năm trước.

Khung quản trị rủi ro của BIC được A.M. Best được đánh giá là phù hợp với quy mô và thực tế hoạt động, đồng thời liên tục được củng cố với sự hỗ trợ của Ngân hàng mẹ BIDV và đối tác chiến lược FairFax.

A.M. Best đặc biệt đánh giá cao những hỗ trợ về thương hiệu và kênh phân phối của Ngân hàng mẹ BIDV đối hoạt động kinh doanh của BIC. Tổ chức này kỳ vọng doanh thu của BIC sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới với sự đóng góp đáng kể từ nghiệp vụ bảo hiểm con người qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance).

Vietcombank vào top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) lần thứ 9 liên tiếp vào danh sách top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam thông qua khảo sát trên hệ thống tòa soạn VnEconomy, ngày 12/10.

"Thương hiệu mạnh Việt Nam" là sự kiện thường niên do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức từ năm 2003, dành cho cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam. Qua gần 20 năm, chương trình đã trở thành kênh thông tin, kết nối nhiều chuyên gia, CEO từ các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín hàng đầu Việt Nam và quốc tế.

Với chủ đề "Kiến tạo và Phát triển thương hiệu Việt Nam xanh", chương trình năm 2022 đã khảo sát, bình xét, công bố và vinh danh các thương hiệu doanh nghiệp có những thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ.

Các tiêu chí bình xét năm nay tập trung vào chiến lược, chương trình và kết quả hoạt động của doanh nghiệp thể hiện rõ quá trình: chuyển đổi số; chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng sạch; phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh chia sẻ, nhân văn và bao trùm. Doanh nghiệp cũng được xét yếu tố thể hiện việc bảo vệ thương hiệu và chú trọng phát huy chính sách hướng tới người lao động lẫn cộng đồng; chỉ số phục hồi tăng trưởng của doanh nghiệp sau tác động Covid-19.

Trải qua hành trình gần 60 năm thành lập và phát triển, Vietcombank đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của kinh tế đất nước, tạo ra những ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực. Với phương châm hành động "Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững" và quan điểm chỉ đạo điều hành "Trách nhiệm - Quyết liệt - Sáng tạo", năm nay toàn hệ thống đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều kết quả kinh doanh khả quan.

Quy mô kinh doanh tăng trưởng tốt, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, kết quả kinh doanh đảm bảo tiến độ. Vietcombank tích cực triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023 cũng như các giải pháp hỗ trợ khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhà băng cũng không ngừng đổi mới chất lượng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

IFC đầu tư 75 triệu USD cho SeABank

Theo đó, khoản đầu tư từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) được cấp dưới dạng có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của SeABank trong 5 năm.

Khoản đầu tư nhằm hỗ trợ các chiến lược phát triển của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Tin ngân hàng ngày 15/10: Agribank đấu giá khoản nợ của Địa ốc Khang Gia
IFC đầu tư 75 triệu USD cho SeABank /Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tiếp nhận khoản vay này, SeABank cam kết sẽ không tài trợ mới các hoạt động liên quan đến than đá, phù hợp với cách tiếp cận giải quyết các rủi ro khí hậu của IFC. Cam kết này sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam, bao gồm việc loại bỏ hoạt động pát điện bằng nhiên liệu than vào năm 2040 và đạt được mục tiêu phát thải ròng các-bon bằng 0 vào năm 2050. Đây cũng sẽ là một điều kiện để IFC xem xét chuyển đổi khoản vay thành cổ phần phổ thông trong vòng 5 năm tới.

Hợp tác với IFC, SeABank đã thiết lập một hệ thống quản lý môi trường và xã hội để quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội của các hoạt động cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và các dự án liên quan đến khí hậu.

Với khoản vay mới, SeABank tiếp tục nhận được hỗ trợ của IFC để tăng cường các tiêu chuẩn và thông lệ quản lý rủi ro môi trường và xã hội phù hợp với chiến lược của ngân hàng và mong đợi của các cổ đông, trong đó có việc triển khai áp dụng Bộ Tiêu chuẩn Hoạt động của IFC (IFC Performance Standards) đối với các hoạt động cho vay tiềm ẩn mức độ rủi ro môi trường và xã hội cao hơn.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto