Tin ngân hàng ngày 13/3: SSI dự báo MB lãi cả năm 2022 chạm mốc 1 tỷ USD

09:31 | 13/03/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhu cầu tham gia bảo hiểm tăng mạnh; Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cao kỷ lục; Lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Tin ngân hàng ngày 12/3: Năm 2022, các ngân hàng thương mại sẽ tăng lãi suất huy động?Tin ngân hàng ngày 12/3: Năm 2022, các ngân hàng thương mại sẽ tăng lãi suất huy động?

Tin ngân hàng ngày 11/3: Dragon Capital chính thức trở thành cổ đông lớn của SacombankTin ngân hàng ngày 11/3: Dragon Capital chính thức trở thành cổ đông lớn của Sacombank

SSI dự báo MB lãi cả năm 2022 chạm mốc 1 tỷ USD

Theo cập nhật của SSI Research, Ngân hàng TMCP Quận đội (MB) duy trì đà tăng trưởng tốt 2 tháng đầu năm nay với tín dụng tăng 6% và lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 3.500 tỷ đồng. MB hiện có một số kịch bản cho 2022, dựa trên các mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% đến 35% phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Tin ngân hàng ngày 13/3: SSI dự báo MB lãi cả năm 2022 chạm mốc 1 tỷ USD
SSI Research ước tính, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của MB sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Với kịch bản cơ sở là tăng trưởng tín dụng và huy động đạt lần lượt ở mức 15% và 6,8%, lợi nhuận trước thuế MB có thể tăng 20% lên 19.800 tỷ đồng. Tỷ lệ ROE 23% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, CIR duy trì thấp hơn 29% đối với ngân hàng mẹ, số lượng khách hàng cá nhân là 13-14 triệu khách.

Tuy vậy, theo ước tính của SSI Research, năm nay, lợi nhuận trước thuế của MB sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỷ đồng ( gần 1 tỷ USD). NIM khá ổn định ở mức 5,1%; CASA trung bình cả năm sẽ ở quanh mức 42% - 44%; ROE có thể đạt 26,3% - mức cao thứ 2 toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương.

Đối với các thông tin liên quan đến việc MB sẽ hỗ trợ một ngân hàng "0 đồng". Mặc dù phía ngân hàng chưa lên tiếng chính thức về thông tin này cũng như chưa có những thông tin chi tiết của thương vụ này, SSI Research đã đưa ra một số tác động tiềm năng của thương vụ này (nếu xảy ra) tới MB.

Theo SSI Research, ngoài quyền lợi theo quy định, MB cũng có khả năng sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Thực tế, trong những năm qua, khi các ngân hàng hỗ trợ một số quỹ tín dụng, họ thường được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.

Nếu giả định MB được cấp thêm 10% hạn mức tín dụng (hoặc 34 nghìn tỷ đồng) theo số liệu 2021 và cung cấp 10 nghìn tỷ đồng vốn chi phí thấp cho ngân hàng được hỗ trợ, tác động ròng đến thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của MB có thể là 1 nghìn tỷ đồng và 600 tỷ đồng (giả định NIM là 4,3% và chi phí tín dụng 1,8%). Con số trên chưa tính đến khả năng sau khi tái cơ cấu thành công, MB có thể thoái vốn tại ngân hàng được hỗ trợ.

Nhu cầu tham gia bảo hiểm tăng mạnh

Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, nhu cầu bảo hiểm trong những năm gần đây luôn có đà tăng trưởng cao. Ghi nhận trong năm 2021, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tăng trưởng 2 con số.

Trong đó tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt gần 152,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,34% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt gần 215 nghìn tỷ đồng, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020. Với tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Đơn cử như Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đưa ra kế hoạch phát triển năm 2022 với chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng 10 - 12% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 250 tỷ đồng, cổ tức 12%. Hay Bảo hiểm PVI cũng đặt mục tiêu năm 2022 tăng trưởng bền vững với việc tăng cường tính hiệu quả doanh thu tăng ở mức hai con số và duy trì lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức cao như các năm gần đây…

Khảo sát mới nhất từ Tập đoàn Manulife về nhu cầu bảo hiểm của người dân cho thấy, sau hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu tham gia bảo hiểm của người dân Việt Nam tăng mạnh. Đáng chú ý, 91% người được khảo sát cho biết họ có kế hoạch mua bảo hiểm trong 12 tháng tới, trong đó nhân thọ (55%), sức khỏe (45%) và tai nạn (41%) đứng đầu danh sách.

Ông Sang Lee, Giám đốc Điều hành Manulife Việt Nam cho biết, điều đáng chú ý là 86% người dân Việt Nam được khảo sát cho biết họ nhận ra tầm quan trọng của bảo hiểm, cao hơn mức trung bình trong khu vực (69%). Cuộc khảo sát cũng cho thấy một phần ba (34%) số người được hỏi coi bảo hiểm là một phương tiện để giảm thiểu tác động tài chính liên quan đến Covid-19. Khi mua bảo hiểm, phần lớn người Việt Nam (84%) cũng tìm kiếm những sản phẩm bảo hiểm đơn giản có thể mua trực tuyến.

Theo thống kê, hiện thị trường bảo hiểm Việt Nam có 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 24 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cao kỷ lục

Đến thời điểm này dự trữ ngoại hối Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục. Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao đạt mức gần 110 tỷ USD gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015 và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ bao gồm; tỷ giá, lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối... hạn chế tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế.

Tình hình cung cầu trên thị trường ngoại hối đã được cải thiện, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối trong nước từ tình trạng khan hiếm chuyển sang thặng dư, không chỉ đáp ứng đủ cho các nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế mà còn góp phần cải thiện thặng dư cán cân thanh toán quốc tế, bổ sung nguồn ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối nhà nước.

Dự trữ ngoại hối cao giúp củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối ở mức cao và cán cân thanh toán thặng dư là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có 2 đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về dự trữ ngoại hối nhà nước).

Quản lý dự trữ ngoại hối là nhiệm vụ rất quan trọng của Ngân hàng Trung ương vì dự trữ ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán của quốc gia trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tiền tệ và được dùng để can thiệp thị trường ngoại tệ trong nước theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia.

World Bank: Lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2, World Bank tiếp tục đánh giá lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế mặc dù giá nhiên liệu tăng.

Tin ngân hàng ngày 13/3: SSI dự báo MB lãi cả năm 2022 chạm mốc 1 tỷ USD
Lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo World Bank, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,4% (so với cùng kỳ năm trước), mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Trong đó, giá xăng dầu tăng 5,8% so với tháng trước và 47,1% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục góp phần làm tăng chi phí giao thông, và do đó, làm tăng giá tiêu dùng.

Ngược lại, giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định so với một năm trước nhờ chuỗi cung ứng trong nước được duy trì tốt. Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, chỉ tăng 0,7% (so với cùng kỳ năm trước), tương đương tỷ lệ ghi nhận trong 2 tháng trước đó, phản ánh nhu cầu trong nước phục hồi yếu.

Trước đó trong báo cáo tháng 1, World Bank cũng đã đánh giá lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát.

Liên quan đến lạm phát, giữa tháng 2 vừa qua, ngân hàng HSBC đã nâng dự báo lạm phát bình quân của năm 2022 lên 3% so với mức dự báo trước đây là 2,7%. Theo ngân hàng này, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên HSBC nhận định, lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam trong năm 2022.

“Mức lạm phát dự báo 3% không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ”, HSBC cho biết.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 2 cho biết, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản tháng 2 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng năm nay tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2021.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)

vietinbank
ajinomoto