Tin ngân hàng ngày 13/1: Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trung bình từ 15-17% năm 2024

09:45 | 13/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Yêu cầu tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng; Tỷ lệ rút tiền mặt ATM thấp kỷ lục; Ngân hàng BIDV đại hạ giá du thuyền triệu USD… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 12/1: Làm sạch hơn 42 triệu hồ sơ khách hàng vayTin ngân hàng ngày 12/1: Làm sạch hơn 42 triệu hồ sơ khách hàng vay
Tin ngân hàng ngày 11/1: BVBank cho vay mua nhà lãi suất 5%/nămTin ngân hàng ngày 11/1: BVBank cho vay mua nhà lãi suất 5%/năm

Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trung bình từ 15-17% năm 2024

Bà Phạm Thùy Dương - Giám đốc nghiệp vụ, Phòng Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết, ngân hàng là ngành duy nhất có lợi nhuận tăng trưởng dương 5 năm liên tục trong vòng 5 năm qua, trung bình 20%/năm. Trong khi đó, các ngành tăng trưởng mang tính chu kỳ sẽ có những năm lợi nhuận tăng mạnh, sau đó có thể âm một vài năm. "Điều này cho thấy lợi nhuận ngân hàng mang tính ổn định và bền vững, đủ chóng chọi với những bất trắc xảy ra”, bà Dương nói.

Tin ngân hàng ngày 13/1: Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trung bình từ 15-17% năm 2024
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Dù năm 2023 là năm kinh tế khó khăn, dù chịu gánh nặng nợ xấu nhưng ngành ngân hàng vẫn cán đích lợi nhuận dương từ 3-5% và tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong năm sau.

“Lợi nhuận ngành ngân hàng trung bình có thể duy trì quanh 15-17% năm 2024", vị chuyên gia của Dragon Capital kỳ vọng.

Mức lợi nhuận nói trên được dựa trên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng có thể đạt từ 13-15%; biên lợi nhuận (NIM) của ngân hàng có khả năng cải thiện. Mặc dù các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để kích cầu doanh nghiệp nhưng tốc độ giảm của chi phí huy động vốn lại rất nhanh; còn chi phí dự phòng là một ẩn số, bộ đệm dự phòng các ngân hàng trong năm 2023 đã mỏng đi rất nhiều.

Bà Dương hy vọng cuộc họp Quốc hội tháng 1 thông qua Luật Các tổ chức tín dụng mà có thể luật hóa Nghị định 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, sẽ tạo điều kiện cho hoạt động thu hồi nợ diễn ra mạnh mẽ hơn, có thể bù vào cho chi phí dự phòng năm 2023. Ngoài ra, cộng thêm nguồn thu phí có thể hồi phục nhẹ chẳng hạn như phí thanh toán từ hoạt động xuất nhập khẩu; thì mức tăng trưởng lợi nhuận chung của ngành từ 15-17% là rất đáng khích lệ.

Yêu cầu tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Công an triển khai giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 06/TB-VPCP kết luận Hội nghị đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thông báo nêu, kết quả triển khai Đề án 06 đến nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm. Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã đề ra 20 nhiệm vụ chung, 61 nhiệm vụ cụ thể để triển khai trong năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh thành cùng với lực lượng công an tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Đặc biệt, về tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước được giao phối hợp Bộ Công an triển khai giải pháp chấm điểm khả tín, đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, phấn đấu hoàn thành trong quý 1/2024.

Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 31/12/2023, dữ liệu cho tăng trưởng tín dụng ngân hàng cả năm đạt 13,5%. Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2%-3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Sau 7 tháng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đến ngày 31/10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỷ đồng, với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 207.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất gần 64.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 980 tỷ đồng.

Tỷ lệ rút tiền mặt ATM thấp kỷ lục

Giao dịch thanh toán không tiền mặt qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng mạnh trong năm qua. Song song với đó, giao dịch rút tiền mặt của người dân cũng tiếp tục giảm.

Ngày 11/01/2024, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã tổ chức "Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024". Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết, những kết quả đạt được của năm 2023 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống NAPAS, thúc đẩy sự tăng trưởng chung của toàn ngành.

Theo đó, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022. Riêng giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch, đến nay tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Con số trên phản ánh rõ nét nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 247, thanh toán quét mã QR.

Với việc xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tổ chức vận hành hạ tầng chuyển mạch bù trừ an toàn, ổn định và thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và hỗ trợ hoạt động kinh tế, trong năm qua, NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn kể cả trong các thời gian cao điểm với số lượng giao dịch có sự tăng cao (hơn 27 triệu/ ngày). Chỉ số cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) đối với các dịch vụ chuyển mạch ATM/POS, thanh toán thẻ trực tuyến và dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 trong năm 2023 đều đạt cam kết 99,98%.

Đối với các giai đoạn cao điểm như dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán, NAPAS luôn chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng về hệ thống và nguồn lực; xây dựng phương án, kịch bản ứng cứu sự cố và dự phòng cho các hệ thống thông tin quan trọng; tăng cường nhân sự liên tục trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp.

Cũng trong năm qua, NAPAS đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành triển khai dịch vụ chi trả an sinh xã hội qua số CCCD/VNeID với 03 Tổ chức thành viên (TCTV) trên cơ sở triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.

Ngân hàng BIDV đại hạ giá du thuyền triệu USD

Sau 5 lần đấu giá thất bại do không có người tham gia đăng ký hồ sơ, du thuyền FLC Alabatross sắp được đấu giá lần thứ 6, với giá từ 25.8 tỷ đồng - giảm khoảng 10 tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 13/1: Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trung bình từ 15-17% năm 2024
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Du thuyền của FLC lần đầu được đưa ra đấu giá tháng 11/2022 với giá khởi điểm gần 36 tỷ đồng. Đây là tài sản Tập đoàn FLC thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Quy Nhơn.

Công ty Đấu giá hợp danh Minh Pháp cho biết, đơn vị đang thông báo đấu giá lần thứ 6 du thuyền FLC Albatross sau 5 lần đấu giá thất bại do không có người tham gia đăng ký hồ sơ.

Do đó, ở lần đấu giá này, chiếc du thuyền được ngân hàng hạ giá xuống còn hơn 25.8 tỷ đồng (tương đương hơn 1 triệu USD). Các tổ chức, cá nhân muốn tham gia đấu giá sẽ phải mua hồ sơ và nộp tiền đặt cọc khoảng 2.58 tỷ đồng, mỗi bước giá tối thiểu 100 triệu đồng. Thời gian đấu giá dự kiến vào chiều ngày 19/1.

Chiếc du thuyền FLC Albatross mang biển kiểm soát HN-2014 của Công ty CP Tập đoàn FLC có sức chứa 12 người. Tài sản này đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Quy Nhơn, đã qua sử dụng, được đưa ra đấu giá để xử lý thu hồi nợ.

Du thuyền này thuộc dòng Galeon 660 Fly, được đóng tại Ba Lan năm 2017, có chiều dài thiết kế 16.62 m; chiều dài lớn nhất 21.95 m; chiều rộng thiết kế 4.88 m; chiều rộng lớn nhất 5.25 m; chiều cao mạn 3.15 m; chiều chìm 1.15 m. Du thuyền có 4 phòng ngủ, chia đều ở tầng một và hầm.

Ngoài du thuyền, sau khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vướng vào lao lý, các ngân hàng thu hồi một số tài sản đắt tiền của ông và doanh nghiệp để bán đấu giá xử lý nợ. Năm ngoái, sau nhiều lần bất thành, hai chiếc xe siêu sang Rolls- Royce của ông Quyết cũng tìm được chủ mới sau khi giá khởi điểm được giảm hàng tỷ đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco