Tin Bộ Ngoại giao: Thông tin cơ bản về Vương quốc Hà Lan

16:05 | 07/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hà Lan dẫn đầu thế giới về thương mại, công nghiệp, nghệ thuật, khoa học và quân sự; đội thương thuyền thống trị thế giới và thuộc địa rộng lớn; trung tâm tài chính lớn nhất thế giới với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới.
Quốc kỳ nước Hà Lan
Quốc kỳ nước Hà Lan, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn
Tin Bộ Ngoại giao: Thông tin cơ bản về Vương quốc Hà Lan
Sông Amstel, thành phố Amsterdam, Hà Lan

I. THÔNG TIN CHUNG:

Tên nước:

Vương quốc Hà Lan (Kingdom of the Netherlands, Netherlands tiếng Hà Lan nghĩa là “vùng đất thấp”).

Là thành viên:

EU, Schengen.

Thủ đô:

Amsterdam (thủ đô chính thức từ 1983; thực tế từ 1814).

Trụ sở Chính phủ:

La-Hay (The Hague, thủ đô hành chính).

Ngày Quốc khánh:

27/4 (Ngày Nhà vua, là ngày sinh của vua Willem-Alexander hiện nay).

Diện tích:

41.543 km2 (khoảng 7.700 km2 thấp dưới mực nước biển; 7.643 km2 diện tích mặt nước; ba lãnh thổ hải ngoại Aruba, Curacao và St. Martin; ba đảo hải ngoại đặc biệt là Bonaire, Saba và St. Eustatius ở biển Caribe).

Khí hậu:

Đại dương ôn hòa.

Dân số:

17,6 triệu người.

GDP

GDP (PPP):

914 tỷ USD năm 2020

1035 tỷ USD năm 2020

GDP đầu người:

52,3 nghìn USD năm 2020.

Đơn vị tiền tệ:

Đồng Eu-ro.

Dân tộc:

Người Hà Lan (77,9%), Thổ Nhĩ Kỳ và Kurd (2,34%), Ma Rốc (2,27%), Indonesia (2,16%) và các dân tộc khác.

Tôn giáo:

Khoảng 50% dân số tuyên bố theo tôn giáo; các tôn giáo lớn nhất lần lượt là Công giáo La Mã, Tin lành, Hồi giáo.

Ngôn ngữ:

Tiếng Hà Lan là ngôn ngữ chính thức; một số tiếng địa phương ở vùng hạ Saxon và tỉnh Limburg; tiếng Anh được dùng rộng rãi.

Cơ cấu hành chính:

Chính quyền trung ương và 12 tỉnh: Drenthe, Overijssel, Gelderland và Groningen ở miền Đông và Đông Bắc; South Holland, Friesland, North Holland và Zeeland ở miền Tây và Tây Bắc; Utrecht và Flevoland (tỉnh mới nhất hình thành từ đất lấn biển ở hồ Ijssel) ở trung tâm; North Brabant và Limburg ở miền Nam.

Lãnh đạo chủ chốt:

  • Nguyên thủ là Vua Willem - Alexander

  • Chủ tịch Thượng viện: ông Jan Anthonie Bruijn (từ 7/2019).

  • Chủ tịch Hạ viện: bà Vera Bergkamp (từ 04/2021).

  • Thủ tướng: ông Mark Rutte (từ 26/10/2017).

  • Bộ trưởng Ngoại giao: ông Wopke Hoekstra (từ 10/01/2022)

II. KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ:

- Từ năm 1384-1482:

Vùng đất Thấp (Low Countries, gồm Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và phía Bắc nước Pháp ngày nay) do nhà Burgundy (Pháp) cai quản. Năm 1482, Vùng đất Thấp rơi vào tay nhà Habsburg của Áo, gọi là Habsburg Netherlands. Năm 1543-1581, vùng đất Mười bảy Tỉnh ra đời theo Hiệp ước Venlo. Năm 1568, Hoàng tử William (nhà Orange) lãnh đạo các tỉnh phía bắc đứng lên chống lại ách thống trị của vua Philip II (Tây Ban Nha), mở đầu giai đoạn “chiến tranh 80 năm” (1568-1648).

- Thế kỷ XVII:

Kỷ nguyên vàng (Gold Age) phát triển rực rỡ của Hà Lan. Hà Lan dẫn đầu thế giới về thương mại, công nghiệp, nghệ thuật, khoa học và quân sự; đội thương thuyền thống trị thế giới và thuộc địa rộng lớn; trung tâm tài chính lớn nhất thế giới với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới. Năm 1602, Công ty Đông Ấn Hà Lan ra đời, là tập đoàn đa quốc gia đầu tiên trên thế giới và là tập đoàn thương mại lớn nhất thế giới trong thế kỷ XVII. Năm 1621, Hà Lan lập Công ty Tây Ấn. Đông Ấn đã giúp Hà Lan thống trị thị trường Châu Á trong hai thế kỷ. Amsterdam, Utrecht và Rotterdam trở thành các thành phố cảng thương mại quan trọng.

- Từ năm 1795-1806:

Cộng hòa Batavia ra đời trên cơ sở lật đổ Cộng hòa Hà Lan do Cộng hòa Pháp hỗ trợ vũ trang. Batavia trở thành quốc gia phụ thuộc vào Pháp (client state). Vương quốc Hà Lan (ra đời năm 1806) giải thể năm 1810 và sáp nhập vào Pháp đến năm 1813. Vương quốc Hà Lan giai đoạn này gồm lãnh thổ Hà Lan ngày nay (trừ Limburg, một số phần của Zeeland, thêm phần Đông Frisia ngày nay thuộc Đức).

- Năm 1813:

Trong cuộc chiến Napoleon, quân Phổ và Nga đã giải phóng Hà Lan khỏi Pháp. Vùng đất Độc lập Thống nhất Hà Lan ra đời (Sovereign Principality of the United Netherlands) do Thái tử nhà Orange-Nassau William Frededrick trị vì. Hội nghị Vienna quyết định Pháp phải từ bỏ quyền cai trị Nam Netherlands. Ngày 16/3/1815, Thái tử William tuyên bố lập Vương quốc Hà Lan với tên hiệu Vua William I (vị vua đầu tiên của Vương quốc Hà Lan ngày nay) và lãnh thổ gồm Cộng hòa Bảy tỉnh Thống nhất Hà Lan trước đây ở phía bắc, vùng Austrian/Southern Netherlands ở phía nam (trừ vùng Flanders vẫn thuộc Pháp) và vùng Liège. Công quốc Luxembourg tự trị và thuộc Liên bang Đức (German Confederation).

- Năm 1830:

Các tỉnh phía nam (vùng Austrian/Southern Netherlands) nổi dậy lập ra Vương quốc Bỉ trung lập, theo Công giáo và nói tiếng Pháp. Năm 1839, Hiệp ước London công nhận quy chế độc lập hoàn toàn của Đại Công quốc Luxembourg và liên minh cá nhân với vua Hà Lan. Năm 1890, Hà Lan từ bỏ liên minh cá nhân đối với Luxembourg sau khi vua William III qua đời.

- Từ năm 1914-1918, 1939-1945:

Hà Lan tuyên bố trung lập trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, dù Đức xâm lược Bỉ và gây chiến ở các nước xung quanh. Hà Lan cũng tuyên bố trung lập trong chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) và đất nước bị tàn phá nặng nề khi chiến tranh kết thúc.

- Thập niên 60 – 90:

Đời sống văn hóa xã hội của các nước phương Tây và Hà Lan biến động sâu sắc, dẫn đến sự thay đổi lớn về nữ quyền, kinh tế, môi trường... Thập niên 80 và 90, Hà Lan chứng kiến dòng người di cư mạnh mẽ vào tìm việc làm, dẫn đến sự đa dạng về ẩm thực, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. Những năm 1990, Hà Lan tiến hành cải cách hệ thống an sinh xã hội, cắt giảm chi tiêu công. Trong khuôn khổ EU, Hà Lan ủng hộ mạnh mẽ một ngân hàng trung ương Châu Âu độc lập, lạm phát thấp và đồng tiền ổn định.

- Từ năm 2000 đến nay:

Chính trị Hà Lan chủ yếu tranh luận về hội nhập của lao động di cư vào xã hội. Hà Lan tiếp tục phát triển thịnh vượng và trở thành một trong những nước đáng sống nhất thế giới.

III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC VÀ ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ:

1. Thể chế nhà nước:

Hiến pháp hoàn chỉnh đầu tiên của Hà Lan có giá trị toàn quốc ra đời năm 1579. Hiến pháp hiện nay của Hà Lan kế thừa Hiến pháp năm 1815, được sửa đổi nhiều lần. Năm 1983, Hiến pháp được viết lại hoàn toàn mới, hủy bỏ và bổ sung nhiều điều khoản. Hiến pháp là nền tảng pháp lý của Hà Lan, quy định những nguyên tắc chính của nhà nước Hà Lan gồm: chế độ quân chủ; nền dân chủ thông qua đại diện; chế độ pháp quyền và phi tập trung hoá. Hà Lan không có Tòa án Hiến pháp.

Theo Hiến pháp, Hà Lan xây dựng chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1815 và dân chủ nghị viện từ năm 1848. Đặc trưng chính trị của Hà Lan là chia sẻ quyền lực và đồng thuận: Hiến pháp quy định Quốc hội và Chính phủ (nhà vua và nội các) chia sẻ quyền lập pháp; tất cả dự án luật phải tham khảo Hội đồng Nhà nước do Hoàng gia đứng đầu; Chính phủ thực thi quyền hành pháp và Hội đồng Kinh tế - Xã hội có quyền đặc biệt thông qua và thực thi luật liên quan đến nông nghiệp; quyền tư pháp được chia thành hai hệ thống tòa án: Tòa án Tối cao độc lập là tòa án dân sự và hình sự cao nhất, Hội đồng Nhà nước là tòa án hành chính cao nhất. Năm 2015, tờ Economist (Anh) bình chọn Hà Lan là nước đứng thứ 10 trên thế giới về dân chủ.

Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu hoàng gia Hà Lan, hiện nay là vua Willem-Alexander (nhà Orange-Nassau) lên ngôi ngày 30/4/2013. Vương triều hiện nay ra đời từ năm 1813. Nhà vua có vai trò lập chính phủ mới và lập pháp (cùng ký để hiệu lực hóa các luật). Trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng, Nhà vua/Nữ hoàng ra quyết định giải tán nội các. Sau khi tham vấn Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và lãnh đạo tất cả các đảng ở Hạ viện, Nhà vua/Nữ hoàng bổ nhiệm nhà thương thuyết (informateur) chủ trì thương lượng giữa các đảng để lập liên minh nội các. Khi thương lượng thành công, Nhà vua/Nữ hoàng bổ nhiệm ứng viên Thủ tướng (formateur, thường là lãnh đạo đảng lớn nhất trong liên minh tương lai) đứng ra đàm phán với các đảng để lập liên minh nội các. Sau khi lập nội các mới, Nhà vua/Nữ hoàng bổ nhiệm các Bộ trưởng. Nhà vua/Nữ hoàng là thành viên Chính phủ, tuy nhiên, các Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm về hoạt động của Chính phủ. Nhà vua/Nữ hoàng có trách nhiệm đọc các bài phát biểu hàng năm, khai mạc Quốc hội và thông qua kế hoạch năm của Chính phủ vào ngày thứ ba tuần thứ ba của tháng 9.

Hoàng gia giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (gồm các thành viên hoàng gia và các nhân vật có kinh nghiệm chính trị, thương mại, ngoại giao hoặc quân sự do hoàng gia bổ nhiệm) tư vấn cho Chính phủ về hiến pháp và tư pháp. Các dự án luật của Chính phủ đều phải được Hội đồng Nhà nước tư vấn.

Về lập pháp, Quốc hội Hà Lan gồm hai viện: Thượng viện (First Chamber hay Senate) gồm 75 thành viên do các thành viên Hội đồng 12 tỉnh bầu nhiệm kỳ 04 năm (diễn ra 03 tháng sau bầu cử hội đồng tỉnh) theo hình thức tỉ lệ đại diện danh sách đảng (party-list proportional representation). Nghị sỹ Thượng viện thường là chính trị gia về hưu hoặc kiêm nhiệm việc khác. Thượng viện họp 01 tuần/lần. Thượng viện có quyền đồng ý hoặc phản đối dự án luật, không có quyền sửa đổi hoặc đề xuất. Sau khi Hạ viện thông qua một dự án luật, dự án luật được gửi đến một Ủy ban Thượng viện để xem xét việc trình trực tiếp trước Thượng viện hoặc nghiên cứu trước khi trình. Thượng viện hiện nay được bầu ra ngày 26/5/2015 gồm 12 đảng, trong đó đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ cầm quyền VVD giữ 13 ghế, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo giữ 12 ghế, đảng Dân chủ D66 giữ 10 ghế; các đảng Tự do cực hữu PVV và đảng Xã hội SP giữ 09 ghế, còn lại là các đảng nhỏ khác. Hạ viện (Second Chamber hay House of Representatives) gồm 150 thành viên, bầu theo hình thức tỉ lệ đại diện danh sách đảng với nhiệm kỳ 04 năm. Hạ viện có trách nhiệm thảo luận các dự án luật và xem xét hoạt động của Chính phủ. Cả Chính phủ và Hạ viện đều có quyền đề xuất dự án luật. Nếu một dự án luật được đa số Hạ viện thông qua, dự án luật sẽ được trình lên Thượng viện. Hạ viện xem xét hoạt động của Chính phủ thông qua việc gửi các kiến nghị đến Chính phủ. Nghị sỹ Hạ viện không được phép là thành viên Chính phủ ngoại trừ trong giai đoạn nội các chuyển tiếp (caretaker cabinet). Hạ viện có trách nhiệm chọn vòng đầu tiên các ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao, bổ nhiệm Tổng Thanh tra (Ombudsman). Do hệ thống đa đảng của Hà Lan, từ năm 1900 đến nay, chưa một đảng đơn lẻ nào chiếm đa số Hạ viện. Hạ viện hiện nay ra đời sau cuộc tổng tuyển cử ngày 15/3/2017, gồm 13 đảng, trong đó đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ cầm quyền VVD giữ 33 ghế; đảng Tự do cực hữu PVVgiữ 20 ghế; các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDA và đảng Dân chủ D66 giữ 19 ghế; đảng Xanh GL và đảng Xã hội SP giữ 14 ghế, còn lại là các đảng nhỏ khác.

Về hành pháp, Chính phủ gồm Nhà vua, Hội đồng Bộ trưởng (gồm các Bộ trưởng và Bộ trưởng không bộ) và Quốc vụ khanh (tương đương Thứ trưởng, chỉ có ở một số Bộ và không thuộc Hội đồng Bộ trưởng). Nhà vua không tham gia vào công việc hàng ngày của nội các, chỉ có vai trò lập hay giải thể Chính phủ. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu, là Bộ trưởng Bộ Các vấn đề chung (Ministry of General Affairs, gồm cả Văn phòng Chính phủ) có trách nhiệm điều phối chính sách chung của Chính phủ, hàng tuần báo cáo Nhà vua về hoạt động của Chính phủ. Bộ trưởng không được phép là thành viên Quốc hội. Hội đồng Bộ trưởng có quyền đề xuất luật và chính sách, họp vào thứ sáu hàng tuần do Thủ tướng chủ trì, trong đó Thủ tướng và các Bộ trưởng có quyền tranh luận ngang nhau. Khi một chính sách được Hội đồng thông qua, tất cả các thành viên Hội đồng phải có trách nhiệm tuân thủ và tuyên bố ủng hộ trước công chúng. Thông qua cơ chế hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, các quyết sách của Hà Lan đều đạt được đồng thuận rộng rãi.

Từ năm 1945 đến nay, chưa có nội các nào chỉ gồm một đảng mà đều là liên minh đa đảng (nhiều nhất là 05 đảng và ít nhất là 02 đảng). Từ ngày 15-17/3/2021, Hà Lan tổ chức bầu cử Hạ viện với thắng lợi của đảng cầm quyền VVD (36/150 ghế), Đảng Dân chủ D66 giữ 27 ghế, Đảng Tự do PVV giữ 17 ghế, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo giữ 14 ghế, Đảng Lao động PvdA giữ 9 ghế, Đảng Diễn đàn Dân chủ FvD giữ 8 ghế, Đảng Xã hội SP giữ 8 ghế, Đảng xanh GroenLinks giữ 8 ghế và 07 đảng nhỏ khác chia nhau 23 ghế còn lại. Sau 217 ngày đàm phán, ngày 10/01/2022, Chính phủ Mark Rutte IV đã chính thức được thành lập, bao gồm Liên minh các đảng tương tự như Chính phủ Rutte III (VVD, CDA, D66 và ChristenUnie). Thành phần nội các mới bao gồm 29 lãnh đạo trong đó có 01 Thủ tướng, 03 Phó Thủ tướng; 28 Bộ trưởng và có tỷ lệ tương đồng về giới tính (50% nam - 50% nữ). Trong liên minh cầm quyền chỉ còn 4 gương mặt cũ từ liên minh Rutte III là Thủ tướng Mark Rutte, Bộ trưởng Sigrid Kaad, Bộ trưởng Hugo De Jonge, Bộ trưởng Wopke Hoekstra.

Về tư pháp, Hà Lan có Tòa án Tối cao (lập năm 1838, ra phán quyết cuối cùng về các vụ dân sự, hình sự và luật thuế, có 35 thẩm phán); 11 Tòa án địa phương toàn quốc (District Court, mỗi tòa gồm các phòng hành chính, dân sự, hình sự…); 04 Tòa Phúc thẩm (ở The Hague, Amsterdam, Arnhem-Leeuwarden và ‘s-Hertogenbosch, xử phúc thẩm các vụ của Tòa án địa phương); 03 Tòa án đặc biệt xử lý các vụ hành chính (Tòa Phúc thẩm Trung ương ở Utrecht xử các vụ dân sự và an sinh xã hội, Tòa Phúc thẩm Công nghiệp và Thương mại ở The Hague xử các vụ hành chính kinh tế - xã hội; Cơ quan Thẩm quyền Hành chính của Hội đồng Nhà nước ở The Hague xử các khiếu nại của tổ chức và công ty đối với các quyết định của chính quyền trung ương, chính quyền tỉnh và thành phố).

Hà Lan còn có Tòa Kiểm toán (Court of Audits) là cơ quan độc lập, kiểm toán hiệu quả và tính hợp lý của chi tiêu chính phủ. Tòa do Chính phủ bổ nhiệm trên cơ sở tham vấn Hạ viện; Tổng Thanh tra quốc gia (National Ombudsman) xử lý các khiếu nại của công dân đối với các sai phạm của Chính phủ, do Chính phủ bổ nhiệm trên cơ sở tham vấn Hạ viện. Với truyền thống đồng thuận chính trị rộng rãi, các hội đồng tư vấn đóng vai trò quan trọng trong tham vấn cho Chính phủ, trong đó cơ quan quan trọng nhất là Hội đồng Kinh tế - Xã hội (đại diện của Công đoàn, các tổ chức giới chủ và các chuyên gia do Chính phủ bổ nhiệm) tư vấn cho Chính phủ về chính sách tài chính, kinh tế và xã hội. Ngoài ra, còn có các cơ quan tư vấn quan trọng khác gồm Văn phòng Phân tích Chính sách Kinh tế (dự báo phát triển kinh tế), Cục Thống kê Trung ương, Văn phòng Hoạch định Xã hội và Văn hóa, Viện Y tế Công cộng và Môi trường Quốc gia, Hội đồng Khoa học về Chính sách của Chính phủ.

Chính quyền địa phương Hà Lan chia thành hai cấp: tỉnh (12 tỉnh) và thành phố (municipality, hiện có 390). Cấp tỉnh có thẩm quyền quy hoạch đô thị, chính sách y tế và văn hóa giải trí, giám sát chính sách và tài chính của các thành phố và cơ quan phụ trách về nước (waterboard). Đứng đầu mỗi tỉnh là Hội đồng tỉnh (thành viên được bầu nhiệm kỳ 04 năm). Hoạt động hành chính của tỉnh do Hội đồng điều hành tỉnh phụ trách (thành viên được chọn ra Hội đồng tỉnh, có nhiệm kỳ 04 năm). Ủy viên của Nhà vua (King’s Commissioner, do Hoàng gia bổ nhiệm, nhiệm kỳ 06 năm) chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Điều hành tỉnh. Ủy viên trên có vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm các thị trưởng thành phố. Cấp thành phố có thẩm quyền về giáo dục, quy hoạch đô thị và an sinh xã hội. Đứng đầu thành phố là thị trưởng do Chính phủ bổ nhiệm với nhiệm kỳ 06 năm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Nội vụ. Hội đồng điều hành thành phố phụ trách công việc hành chính hàng ngày của thành phố. Ngoài ra còn có các hội đồng về nước (waterboard) phụ trách các vùng bên trong đê (polder), đê và các công trình quản lý nước khác (waterwork).

2. Các đảng phái chính trị:

Chế độ bầu cử theo tỉ lệ đại diện và lịch sử đất nước phân hóa phức tạp giữa Công giáo, Tin lành, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do đã dẫn đến đặc trưng đa đảng của nền chính trị Hà Lan. Chính trị truyền thống Hà Lan do 3 đảng lớn chi phối:

(i) Đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD) là đảng tự do bảo thủ (kết hợp giữa chính sách tự do thị trường và quan điểm chính trị truyền thống về các vấn đề xã hội và đạo đức), chủ trương ủng hộ doanh nghiệp tư nhân và tự do kinh tế, ưu tiên an ninh hơn tự do dân sự.

(ii) Công đảng (PvdA) theo xu hướng dân chủ xã hội (ủng hộ can thiệp kinh tế và xã hội để thúc đẩy công bằng xã hội trong khuôn khổ kinh tế chủ nghĩa tư bản), trung tả ôn hòa, tập trung vào các vấn đề việc làm, an sinh xã hội và y tế.

(iii) Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDA) theo xu hướng trung hữu với học thuyết cân bằng giữa “chủ nghĩa cá nhân” của đảng VVD và “chủ nghĩa nhà nước” của đảng PvdA.

Theo kết quả bầu cử Hạ viện ngày 15/3/2021, đảng về nhất là đảng cầm quyền VVD của Thủ tướng Mark Rutte với 36/150 ghế; đứng thứ hai là đảng Dân chủ D66 (27 ghế), đứng thứ ba là đảng cực hữu chống nhập cư PVV (17 ghế), thứ tư là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDA (14 ghế).

IV. KINH TẾ:

Nền kinh tế Hà Lan có trình độ phát triển cao và độ mở lớn, ngoại thương đóng góp tỉ trọng đáng kể. Đặc điểm địa lý và dân cư Hà Lan cùng với lịch sử phát triển kinh tế quốc dân, đặc biệt là Kỷ nguyên Vàng (Gold Age) của Hà Lan trong thế kỷ XVII đã định hình nền kinh tế Hà Lan ngày nay.

Bằng việc tận dụng thế mạnh quốc gia ven biển, cửa khẩu của 3 con sông lớn ở Tây Âu để xây dựng cảng biển, phát triển giao thương và xây dựng hệ thống kênh đào; vị trí chiến lược nằm giữa các cường quốc kinh tế Anh - Pháp - Đức; đất đai mầu mỡ, khí hậu ôn hòa cũng như khắc phục các khó khăn về điều kiện tự nhiên, đầu tư sâu rộng vào nghiên cứu và phát triển (R&D), Hà Lan đã đẩy mạnh phát triển ngành nông sản và thực phẩm, ngành làm vườn, quản lý nước, vận tải logistics, cảng biển năng lượng, hóa chất, công nghệ cao, khoa học đời sống và y tế. Đây là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn hàng đầu của Hà Lan, đưa Hà Lan trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới về phát triển.

Các tập đoàn kinh tế lớn:

Hà Lan sở hữu nhiều tập đoàn quy mô toàn cầu: Royal Philips Electronics (một trong những tập đoàn điện tử và thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới); KLM Royal Dutch Airlines (hàng không); Royal Dutch Shell (dầu khí, liên doanh với Anh); Unilever (sản xuất thực phẩm, đồ uống, chất tẩy rửa và chăm sóc cá nhân, liên doanh với Anh); ING Group (ngân hàng, tài chính); Aegon (bảo hiểm); Heineken và Amstel (sản xuất bia); Akzo Nobel (sản phẩm y tế, hóa chất)…

Tình hình kinh tế - xã hội quốc gia:

Hà Lan đứng thứ bảy thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng dòng đầu tư vào và ra đạt 266 tỷ USD (sau Hoa Kỳ (690 tỷ USD) và Trung Quốc (317 tỷ USD); thứ năm thế giới về chỉ số sáng tạo toàn cầu (sau Thụy Sỹ và Thụy Điển, Mỹ và Anh); thứ nhất trong EU về mức độ cạnh tranh của nền kinh tế và thứ 10 thế giới về chỉ số phát triển con người (sau Na Uy, Australia, Thụy Sỹ, Đức, Đan Mạch và Singapore).

Năm 2019, Hà Lan là nền kinh tế lớn thứ sáu EU (sau Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha); đứng thứ 18 trên thế giới; đứng thứ 12 thế giới về thu nhập GDP bình quân đầu người. GDP năm 2017 tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm nay, đạt mức 3,1% (tăng gần 1% so với năm 2016); tỉ lệ thất nghiệp ở mức 4,9% năm 2017 (thấp nhất kể từ năm 2007); xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5% so với năm 2016; tiêu dùng nội địa tăng 1,8% so với năm 2016.

Kinh tế đối ngoại:

Hà Lan đứng thứ 17 trên thế giới và thứ 5 trong EU về quy mô GDP, nằm trong số 10 nước xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới, nền kinh tế có độ mở cao và ngoại thương phát triển. Hà Lan có thế mạnh hàng đầu thế giới về quản lý nước, dịch vụ hậu cần - cảng biển và nông nghiệp. Hà Lan Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hà Lan chiếm 81,4% GDP. Năm 2016 - 2019, kinh tế Hà Lan tăng trưởng trung bình 2,1% - 3,1%/năm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (khoảng 3,3% giai đoạn 2019), thặng dư ngân sách 1,8% và lạm phát 1,7%. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, GDP Hà giảm 3,3%, tỉ lệ thất nghiệp 3,8%, thâm hụt ngân sách 4,20%. Năm 2021 và 2022, kinh tế Hà Lan được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trở lại với GDP tăng từ 2,7 - 3,7%./năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Lan bao gồm máy móc và thiết bị, hóa chất, nhiên liệu, thực phẩm và nông nghiệp; gần 80% xuất khẩu của Hà Lan là sang Tây Âu (chủ yếu là Đức, Bỉ, Anh, Pháp và Italy); các mặt hàng nhập khẩu bao gồm các mặt hàng máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất, nhiên liệu, thực phẩm, quần áo, chủ yếu từ Đức, Bỉ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Đức là bạn hàng lớn nhất của Hà Lan.

Ưu tiên phát triển hiện nay:

Hiện nay, nền kinh tế Hà Lan đã và đang hướng đến tăng trưởng xanh. Chính phủ xem tăng trưởng xanh là cần thiết để duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường và lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên đang dần khan hiếm. Trong báo cáo Chương trình Xanh của Chính phủ (Green Deal Program), Chính phủ tập trung vào tám lĩnh vực tăng trưởng xanh gồm năng lượng, kinh tế dựa trên nguồn lực sinh học, khí hậu, biến chất thải thành nguồn lực, nền kinh tế xoay vòng, môi trường, thực phẩm và tính cơ động. Căn cứ theo ba lĩnh vực tăng trưởng xanh do OECD đề ra (hiệu quả về môi trường, hiệu quả về nguồn lực, các công cụ chính sách xanh và các cơ hội kinh tế), các lĩnh vực kinh tế hàng đầu của Hà Lan kể trên chiếm 40-80% hiệu quả về môi trường và hiệu quả về nguồn lực của nền kinh tế quốc dân.

V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, Hà Lan tuyên bố trung lập. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hà Lan từ bỏ chính sách trung lập, tham gia kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ, tham gia Liên hợp quốc (10/12/1945), cùng Bỉ và Luxembourg lập Liên minh thuế quan Benelux (1948), tham gia NATO (04/4/1949), thành viên sáng lập EEC năm 1957 (EU hiện nay), tham gia OECD và OSCE.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hiện đại, Hà Lan xác định hợp tác trong EU là trụ cột của chính sách đối ngoại, có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của Hà Lan, giúp tăng cường vai trò địa chính trị của Hà Lan. Về kinh tế, Hà Lan đề cao vai trò của đồng euro trong kết nối tài chính và kinh tế các nước, nhấn mạnh kỷ cương ngân sách, ủng hộ liên kết sâu rộng hơn (ngân hàng, thuế quan…). Trước khó khăn hiện nay, Hà Lan ủng hộ EU đa tốc độ. Về an ninh – quốc phòng, Hà Lan nhấn mạnh hợp tác trong khuôn khổ NATO, EU, Liên hợp quốc và OSCE. Mặc dù xem NATO là hòn đá tảng trong chính sách an ninh, hiện Hà Lan ngày càng chú trọng hơn vai trò của Chính sách An ninh và Quốc phòng chung EU (CSDP).

Là nước tầm trung, Hà Lan theo đuổi chính sách đối ngoại năng động, tích cực, hòa bình, hợp tác, đề cao vai trò của các cơ chế đa phương và các cơ chế hòa giải, tập trung đẩy mạnh hợp tác phát triển và ngoại giao nước (water diplomacy). Hà Lan là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, là nơi đặt trụ sở Tòa Trọng tài quốc tế (PCA, chuyên làm trọng tài giải quyết tranh chấp song phương và đa phương) và Tòa Công lý Quốc tế (ICJ, chuyên xử các tranh chấp giữa các nước thành viên Liên hợp quốc). Do thịnh vượng của Hà Lan gắn liền với ngoại thương, Hà Lan chú trọng thúc đẩy quan hệ quốc tế, khẳng định ngoại giao kinh tế là thành tố quan trọng trong công việc của các Cơ quan đại diện.

Chính sách đối ngoại của Hà Lan dần dịch chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (trong đó có châu Á và Việt Nam), thay thế cho khu vực Đại Tây Dương. Ngày 13/11/2020, Bộ Ngoại giao Hà Lan đã công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, xem đây là tuyến đường thương mại chiến lược chính do khu vực này là nơi vận chuyển 2/3 lượng dầu và 1/3 lưu lượng hàng hóa toàn cầu và là nơi Hà Lan có nhiều lợi ích kinh tế và địa chính trị (22,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Lan đến từ châu Á).

VI. CHÍNH SÁCH HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:

Hợp tác phát triển là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hà Lan. Chính sách hợp tác phát triển của Hà Lan do Chính phủ thông qua và giao cho Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Phát triển thuộc Bộ Ngoại giao quản lý và điều phối việc cấp các khoản viện trợ. Hà Lan là một trong số ít nước trên thế giới đáp ứng được mục tiêu dành 0,7% GDP hàng năm cho hợp tác phát triển, chủ yếu cho những nước kém phát triển nhất tại Châu Phi, Nam Á, Mỹ Latinh và dành ưu tiên cho bốn lĩnh vực an ninh và pháp quyền, quản lý nước, an ninh lương thực, sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

vietinbank
ajinomoto