Tin bất động sản tuần qua: Hơn 700 dự án chậm tiến độ tại Hà Nội

10:05 | 24/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Khởi công dự án nhà ở xã hội gần 5ha tại Vũng Tàu vào đầu năm 2024; 181 dự án bất động sản đang được phân loại, tháo gỡ vướng mắc; Hà Nội yêu cầu làm rõ cao ốc 10 tầng phố cổ không tìm thấy hồ sơ cấp phép; Đà Nẵng giảm tiền thuê đất thương mại, dịch vụ… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin bất động sản ngày 23/12: Cảnh báo Tin bất động sản ngày 23/12: Cảnh báo "dự án ma" Phú Mỹ Pearl Central
Tin bất động sản ngày 22/12: Doanh nghiệp mới thành lập đề xuất dự án 1.200 tỷ ở Đà LạtTin bất động sản ngày 22/12: Doanh nghiệp mới thành lập đề xuất dự án 1.200 tỷ ở Đà Lạt

Hơn 700 dự án chậm tiến độ tại Hà Nội

“Với 712 dự án chậm tiến độ thành phố rà soát hồ sơ rất kỹ, bởi có những dự án đã tồn tại vài chục năm. Mỗi dự án một số phận, không dự án nào giống dự án nào nên không thể áp cả được mà phải xét từng dự án cụ thể”, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Tin bất động sản tuần qua: Hơn 700 dự án chậm tiến độ tại Hà Nội
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hiện có nhiều dự án chậm triển khai, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, như Dự án xây dựng công trình thu gom nước thải sông Lừ, thuộc Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội được khởi công năm 2020. Theo phê duyệt, gói thầu sẽ thi công tuyến cống bao và các giếng, hố ga… đi qua sông Lừ, sông Sét, với tổng chiều dài toàn tuyến 7,6 km qua các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa.

Dự án đoạn qua quận Hoàng Mai đến nay vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, có nơi đã trở thành điểm tập kết rác thải tự phát.

Theo thường trực HĐND TP Hà Nội, hiện có nhiều dự án chậm tiến độ, như tuyến đường sắt đô thị quy hoạch 10 tuyến với 413km, mới thực hiện được 2 đoạn tuyến với 27km, đạt khoảng 6,5% quy hoạch. Hệ thống xe buýt nhanh quy hoạch 11 tuyến với 316km, mới thực hiện được 1 tuyến Cát Linh - Yên Nghĩa với 14km, đạt 4,4% quy hoạch. Theo thống kê của Sở KH&ĐT Hà Nội, hiện có 712 dự án chậm tiến độ; nguyên nhân chính là do công tác GPMB, tiến độ giải ngân vốn. Ngoài ra, còn do năng lực nhà thầu, sự phối hợp của chính quyền địa phương.

Đại diện Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm triển khai là do năng lực nhà thầu yếu kém. Vì vậy, chủ đầu tư đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu. Chủ đầu tư đang tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu thi công mới, tiếp tục triển khai dự án.

Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa gồm 2 hạng mục chính là cụm công trình đầu mối và tuyến kênh dẫn La Khê. Dự án được khởi công cuối năm 2015, với tổng mức đầu tư 7.466 tỷ đồng. Sau 5 năm thi công, đến tháng 1/2020, Trạm bơm Yên Nghĩa được đưa vào vận hành tiêu úng. Tuy nhiên, phần kênh La Khê phục vụ dẫn nước cho trạm bơm vẫn chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm... Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, khó khăn lớn nhất của dự án là vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB).

Khởi công dự án nhà ở xã hội gần 5ha tại Vũng Tàu vào đầu năm 2024

Tại cuộc họp nghe báo cáo về dự án nhà ở xã hội thuộc khu tái định cư 10ha, phường 10, thành phố Vũng Tàu, Phó Chủ tịch Nguyễn Công Vinh thống nhất với số liệu điều chỉnh về diện tích, quy mô số căn hộ theo đề nghị của UBND TP Vũng Tàu.

Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư huỷ kết quả thầu trước 22/12/2023, tổng hợp trình chủ trương đầu tư nhà ở xã hội khu tái định cư 10ha, phường 10 với quy mô sau điều chỉnh là 4,7 ha trong tuần đầu tiên của tháng 1/2024 và khởi công dự án nhà ở xã hội này vào đầu năm 2024.

Trước đó, ngày 13/10/2023, UBND TP Vũng Tàu đã phê duyệt đề án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 khu tái định cư 10ha, phường 10 với quy mô khu đất thực hiện nhà ở xã hội từ 3,8ha lên 4,7ha, quy mô công trình từ 21 tần giảm xuống còn 16 tầng với 765 căn hộ.

Ngoài ra còn điều chỉnh khu đất có diện tích 9.144m2 từ quy hoạch đất y tế thành đất chung cư nhà ở xã hội; điều chỉnh 3,8ha từ quy hoạch đất cây xanh và đất chung cư - dịch vụ thành đất chung cư nhà ở xã hội và đất nhà văn hóa, gara ô tô, đất giao thông.

Theo quy hoạch ban đầu, dự án nhà ở xã hội thuộc khu tái định cư 10ha, phường 10, thành phố Vũng Tàu được UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất. Dự án có quy mô 3,8ha, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao trung bình 21 tầng.

Mục tiêu đầu tư của dự án là cung cấp khoảng 2.300 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho khoảng 6.000 người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn TP Vũng Tàu.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một số vướng mắc liên quan đến quy định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Do đó, UBND tỉnh đã có văn bản giao UBND TP Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất 3,8ha trong khu tái định cư 10ha đã được UBND TP Vũng Tàu phê duyệt, bảo đảm phù hợp quy định về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật; đồng thời đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng tại khu đất.

Đồng Nai: 181 dự án bất động sản đang được phân loại, tháo gỡ vướng mắc

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện có 181 dự án bất động sản (chủ yếu nhà ở) được thực hiện theo hình thức nhà nước giao đất, cho thuê đất đang được rà soát, phân loại để tháo gỡ vướng mắc. Đây là những dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn từ ngày 1/7/2014 đến năm 2021.

Tin bất động sản tuần qua: Hơn 700 dự án chậm tiến độ tại Hà Nội
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cũng theo báo cáo, do pháp luật đất đai trước đây không quy định cụ thể, nhiều dự án khu dân cư nhà đầu tư đã ứng tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị giao đất. Sau khi được giao đất, UBND tỉnh tổ chức xác định giá đất cụ thể làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất. Tuy nhiên, các kết luận của Kiểm toán Nhà nước lại cho rằng, sau khi nhà đầu tư hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì khu đất đó là đất sạch và việc giao đất phải thực hiện theo cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất.

Từ các quan điểm áp dụng quy định pháp luật đất đai khác nhau nên nhiều dự án khu dân cư hiện tại không thể thực hiện các thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư và xây dựng.

Hiện tại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, phân loại, chỉ ra các nguyên nhân và đề xuất hướng tháo gỡ. Nếu thực hiện tốt công tác này, hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh sẽ được tháo gỡ, thị trường bất động sản sẽ phục hồi trở lại.

Hà Nội yêu cầu làm rõ cao ốc 10 tầng phố cổ không tìm thấy hồ sơ cấp phép

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu kiểm tra, báo cáo phản ánh vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 61 phố Hàng Than (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình). Trong khi đó, quận Ba Đình cho biết, công trình này xây dựng thời điểm trước năm 2000, hiện không tìm thấy hồ sơ, tài liệu lưu trữ về cấp phép xây dựng.

Lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho biết, đã có báo cáo liên quan đến công trình này. Theo đó, công trình 59-61 phố Hàng Than xây dựng thời điểm trước năm 2000, hiện không tìm thấy hồ sơ, tài liệu lưu trữ về cấp phép xây dựng.

"Cuối năm 2022 chủ nhà đã có đơn gửi UBND phường Nguyễn Trung Trực xin phép cải tạo sửa chữa trên cơ sở nguyên trạng. Trong đó, cửa sổ các phòng, thay lan can ngoài ban công, nội thất các phòng... Qua kiểm tra, chủ đầu tư không xây dựng cơi nới, không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình", lãnh đạo UBND quận Ba Đình thông tin.

Trước đó, cũng trên địa bàn quận Ba Đình, công trình biệt thự khủng tại địa chỉ số 84 phố Đội Cấn mở rộng diện tích sàn tầng lửng, xây dựng trên phần giếng trời, không tuân thủ khoảng lùi tại tầng 5, 6, 7; mở rộng diện tích tum thang, trên mái tum thang có khu kỹ thuật và mái chéo, tăng chiều cao các tầng.

Việc thi công xây dựng sai nội dung giấy phép nêu trên đã được tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Đội Cấn lập biên bản vi phạm hành chính ngày 24/11/2023. Như vậy, công trình đến nay đã xây xong phần thô, sau khi cơ quan báo chí phản ánh sai phạm, cơ quan chức năng quận Ba Đình mới lập hồ sơ vi phạm.

Liên quan công trình này, Bí thư quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, UBND quận đã có báo cáo UBND TP Hà Nội và đang trong quá trình rà soát, xử lý. "Tinh thần là xử lý theo đúng quy định, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm". Trong quá trình rà soát, ông Tiến cho biết sẽ xem xét không chỉ vi phạm mà cả trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến việc để vi phạm xảy ra.

Đà Nẵng giảm tiền thuê đất thương mại, dịch vụ

Việc Đà Nẵng giảm tiền thuê đất thương mại, dịch vụ sẽ góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi nộp tiền thuê đất từ năm 2024 trở đi.

Tin bất động sản tuần qua: Hơn 700 dự án chậm tiến độ tại Hà Nội
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

UBND thành phố Đà Nẵng vừa quyết định giảm 10% giá đất ở đã được ban hành tại bảng giá đất đối với đất thương mại, dịch vụ. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng bổ sung 2 hệ số điều chỉnh giá theo chiều sâu thửa đất từ trên 150m trở lên theo hướng giảm 10-20%.

Theo quyết định số 57/2023/QĐ-UBND ngày 15/12/2023, bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024 trên 3.614 đoạn đường cơ bản được giữ nguyên, không thay đổi. Thành phố Đà Nẵng chỉ điều chỉnh tăng giá đất dọc 2 tuyến đường mới được nâng cấp mở rộng.

Tuy nhiên, giá đất thương mại, dịch vụ đã được giảm từ 70% giá đất ở cùng vị trí xuống còn 60%.

Đối với các thửa đất có chiều sâu hơn 100m, thành phố xác định lại hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất hay còn gọi là hệ số phân vệt cho phù hợp với thực tế.

Đối với các dự án có chiều sâu thửa đất lớn, được giảm hệ số là 0,1 đối với vệt sâu từ trên 150m đến 200m; giảm hệ số là 0,2 đối với vệt sâu hơn 200m.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành quyết định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng cho năm 2024 để xác định giá đất cụ thể.

Cả hai quyết định nói trên đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)