Tin bất động sản ngày 4/10: Đồng Nai xử phạt chủ đầu tư dự án Gem Sky World

10:15 | 04/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Khánh Hòa bổ sung hàng loạt dự án lớn vào kế hoạch sử dụng đất 2023; Bình Thuận "thúc" khởi công KCN Tân Đức vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; Đà Nẵng lập đoàn kiểm tra về kiến nghị của doanh nghiệp về tiền thuê đất… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 3/10: Bình Định lãng phí hai khu đất nghìn tỷ nằm Tin bất động sản ngày 3/10: Bình Định lãng phí hai khu đất nghìn tỷ nằm "bất động"
Tin bất động sản ngày 2/10: Hà Nội kiểm định trên 1.000 nhà chung cư cũTin bất động sản ngày 2/10: Hà Nội kiểm định trên 1.000 nhà chung cư cũ

Đồng Nai xử phạt chủ đầu tư dự án Gem Sky World 900 triệu đồng

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với chủ đầu tư KDC Long Đức (dự án Gem Sky World) tại xã Long Đức, huyện Long Thành số tiền 900 triệu đồng do huy động vốn không đúng quy định.

Tin bất động sản ngày 4/10: Đồng Nai xử phạt chủ đầu tư dự án Gem Sky World
Phối cảnh dự án dự án Gem Sky World/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, theo quyết định số 2276/QĐ-XPHC của UBND tỉnh, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (công ty Hà An) - chủ đầu tư dự án Gem Sky World do ông Nguyễn Chí Nghiêm là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật bị xử phạt về hành vi huy động vốn không đúng quy định.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên, trong thời gian 360 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt, công ty Hà An phải hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định.

Đồng thời, doanh nghiệp này phải báo cáo bằng văn bản việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả định kỳ (90 ngày/lần) về Sở Xây dựng Đồng Nai để theo dõi, giám sát.

Trong trường hợp hết thời hạn 360 ngày, công ty Hà An không thực hiện xong hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định sẽ bị cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Trước đó, ngày 12/9, Thanh tra Sở Xây dựng Đồng Nai đã làm việc với công ty Hà An liên quan việc huy động vốn không đúng quy định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản tại dự án Gem Sky World.

Công ty Hà An đã cung cấp văn bản liên kết giữa các công ty (ký hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản dự án Gem Sky World với Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản Đất Xanh - Đất Xanh Service). Các thỏa thuận giữa Đất Xanh Service với ngân hàng liên quan dự án Gem Sky World.

Ngoài ra, công ty Hà An còn cung cấp văn bản thỏa thuận tư vấn, đặt cọc, môi giới bất động sản, hợp đồng giao dịch bất động sản với khách hàng các sản phẩm của công ty: nhà liên kế, nhà liên kế vườn, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập…

Chủ đầu tư Gem Sky World đã có giao dịch tư vấn, thỏa thuận đặt cọc với 2.303 khách hàng. Mục đích nhằm huy động vốn để thực hiện dự án khi chưa đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh.

Được biết, dự án Gem Sky World do công ty Hà An (công ty con của Đất Xanh Group; HoSE: DXG) làm chủ đầu tư, tọa lạc tại xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai có quy mô 92,2ha gồm: đất nền, nhà phố, biệt thự, shophouse, căn hộ… Trong đó, 50,5% là đất ở, còn lại 49,5% là đất công viên cây xanh và công trình công cộng. Dự án được chia làm 8 phân khu với tổng số hơn 4.000 sản phẩm gồm đất nền và nhà xây dựng sẵn.

Khánh Hòa bổ sung hàng loạt dự án lớn vào kế hoạch sử dụng đất 2023

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành các quyết định phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cho 3 địa phương là TP Nha Trang, huyện Vạn Ninh và huyện Khánh Sơn.

Theo đó, tại TP Nha Trang, có 22 dự án, công trình được bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất là Khu nhà ở Vinpearl Phú Quý 33,8 ha. Dự án này có phía Đông dự án giáp biển Nha Trang; phía Tây giáp đường Trần Phú và Võ Thị Sáu; phía Nam giáp khu đô thị An Viên; phía Bắc giáp khu vực Cảng Nha Trang.

Tại dự án sẽ xây dựng 235 căn nhà ở xã hội, 350 căn nhà ở liền kề, 56 căn nhà biệt thự tứ lập, 2 toà chung cư cao 4 tầng, công trình thương mại dịch vụ, khách sạn mini...

Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 7.453 tỷ đồng. Về tiến độ, từ tháng 2/2023 đến tháng 2/2024 dự án sẽ thực hiện hồ sơ quy hoạch và môi trường, thủ tục về đất đai, hồ sơ thiết kế, phòng cháy chữa cháy, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng.

Từ quý II/2024, dự án sẽ bắt đầu khởi công lấn biển, hoàn thành công tác lấn biển và xây dựng các công trình vào quý IV/2024, hoàn thành toàn bộ hạng mục và đưa vào sử dụng, khai thác kinh doanh từ quý II/2026.

Ngoài dự án trên, tỉnh này bổ sung vào quy hoạch 0,93 ha đất thực hiện dự án Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (tại phường Ngọc Hiệp).

Ngoài ra, trong danh sách còn có 20 cơ sở nhà đất bán đấu giá gồm: 136 và 191 Thống Nhất, 05 và 07 Nguyễn Gia Thiều, 143 Nguyễn Thái Học, 172 đường 2 tháng 4, 1A Hai Bà Trưng, 30 và 38 Trần Quý Cáp, 76 Hoàng Văn Thụ…

Đối với huyện Vạn Ninh, UBND tỉnh Khánh Hòa bổ sung hơn 3,2 ha đất để thực hiện hai công trình, dự án là Khu thể thao xã Vạn Hưng (xã Vạn Hưng) 2,9 ha; đấu giá quyền sử dụng đất (31 lô) tại tiểu khu DC3 thuộc khu dân cư Tân Đức Đông (xã Vạn Lương) 0,34 ha.

Đối với huyện Khánh Sơn, UBND tỉnh bổ sung 1.100 m2 đất để thực hiện dự án Xây dựng trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện.

Bình Thuận "thúc" khởi công KCN Tân Đức vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận vừa có buổi làm việc với các sở ngành, địa phương liên quan về tiến độ triển khai dự án khu công nghiệp Tân Đức (xã Tân Đức, huyện Hàm Tân).

KCN Tân Đức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án năm 2021, với diện tích gần 300ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Dự án này do Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư.

Được biết, khu công nghiệp Tân Đức có vị trí tiếp giáp với quốc lộ 1A, cách cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết 3km, sân bay Long Thành 75km, cảng Sài Gòn 95km, cảng Cái Mép 90km, TP Phan Thiết 60km, thị xã Lagi 30km.

Sau khi hoàn thành, khu công nghiệp Tân Đức sẽ thu hút các ngành công nghiệp hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường như sản xuất sản phẩm dệt may, sản xuất máy móc thiết bị cơ khí, vật liệu xây dựng, điện tử, cơ khí, dược phẩm, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng.

Khu công nghiệp Tân Đức có những hạng mục sử dụng đất bao gồm: Đất nhà máy, kho hàng khoảng 209,33ha; đất hành chính, dịch vụ 1,51ha; đất cây xanh, mặt nước là 45,47ha; đất các khu kỹ thuận 6,66ha; đất giao thông 33,56ha.

Về tiến độ triển khai dự án, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hàm Tân cho biết, đến nay đã tiến hành kiểm kê hoàn thành 221/221 hộ dân với diện tích 292,9/292,9 ha, đạt 100% diện tích phải đền bù giải phóng mặt bằng.

Hội đồng bồi thường huyện đã họp thẩm định, thông qua phương án bồi thường được 200 hộ/272,7 ha. UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường cho 134 hộ (172,5 ha), với kinh phí 336 tỷ đồng.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đang thẩm định 55 hộ (97,8 ha). Chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Đức đã thực hiện chi trả tiền đền bù cho 102/134 hộ, với diện tích 121,7 ha, kinh phí 255,2 tỷ đồng. Tính đến nay, có 121 hộ/168,1 ha đất đã bàn giao mặt bằng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chỉ đạo huyện Hàm Tân phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để khởi công dự án trong năm 2023.

Chủ đầu tư phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải để nghiên cứu phương án đấu nối hạ tầng dự án với quốc lộ 1A. Song song với đó, tính toán nhu cầu nhà ở công nhân để có phương án xây dựng chỗ ở cho người lao động.

Đà Nẵng lập đoàn kiểm tra về kiến nghị của doanh nghiệp về tiền thuê đất

Văn phòng UBND TP Đà Nẵng vừa có thông báo ý kiến của lãnh đạo thành phố liên quan đến việc xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp ven biển về tiền thuê đất tăng cao.

Tin bất động sản ngày 4/10: Đồng Nai xử phạt chủ đầu tư dự án Gem Sky World
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu lãnh đạo UBND thành phố lập đoàn kiểm tra thực tế một số dự án thuê đất ven biển trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác liên quan đến giá đất và các chính sách, giải pháp của thành phố đã thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, giải pháp của thành phố thời gian đến để tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trước đó, các doanh nghiệp du lịch ven biển đã có gửi đơn đến Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng kêu cứu vì tiền thuê đất tăng quá cao, từ 300-400% so với chu kỳ trước.

Theo các doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận rất thấp, chưa đủ trang trải chi phí hoạt động kinh doanh, không bao gồm tiền thuê đất. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn tài khoản công ty không bị phong toả, nợ tiền thuê đất không bị cưỡng chế do ảnh hưởng của việc tăng giá đất từ 300 - 400%.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị TP Đà Nẵng xem xét định lại giá thuê đất, bởi hiện nay giá đất thị trường đã giảm từ 30-50% so với giai đoạn trước dịch bệnh. Đặc biệt, đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, khách sạn thì diện tích lớn nhưng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất thấp. Các doanh nghiệp mong muốn được áp dụng đơn giá như kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, phần đất xây dựng công trình sẽ tính bằng giá đất thương mại dịch vụ; đất giao thông, bãi xe được tính bằng 35% đất phi nông nghiệp; đất cây xanh, công viên, mặt nước, bãi cát được tính bằng giá đất phi nông nghiệp.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)