Thông tin cơ bản về Vương quốc Thái Lan

16:20 | 11/11/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Một số thông tin cơ bản về Vương quốc Thái Lan.
Thông tin cơ bản về Vương quốc Thái Lan
Quốc kỳ Thái Lan, https://kinhtexaydung.petrotimes.vnhttps://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. KHÁI QUÁT CHUNG:

1. Tên nước: Vương quốc Thái Lan (Kingdom of Thailand)

2. Thủ đô: Băng-cốc (Bangkok).

3. Vị trí địa lý: Thái Lan nằm ở Đông Nam Á; phía Đông Bắc giáp Lào, phía Tây Bắc giáp Mi-an-an (Myanmar); phía Đông giáp Cam-pu-chia và Vịnh Thái Lan; phía Nam giáp Ma-lai-xi-a; phía Tây giáp biển An-đa-man (Andaman).

4. Diện tích: 513.120 km2 (lớn thứ 50 thế giới).

5. Khí hậu: Khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thời tiết nóng, mưa nhiều.

6. Tài nguyên thiên nhiên: chủ yếu là thiếc, cao su, gas, vôn-phờ-ram (vonfram), tan-ta-li-um (tantalium), gỗ, chì, than non.

7. Thu nhập bình quân đầu người: khoảng 7.189 USD/năm (2020).

8. Đơn vị tiền tệ: Baht (THB) (1 USD = 32 baht).

9. Dân số: 70.015.044 người (2021).

10. Dân tộc: Thái 90% (Thái gốc Hoa chiếm 14%), còn lại là các dân tộc thiểu số như Mã Lai, Môn, Khơ-me và các bộ tộc khác.

11. Tôn giáo: Phật giáo (94,5%), Hồi giáo (4,3%), Thiên chúa giáo (1,17%) và các đạo khác.

12. Ngôn ngữ: Tiếng Thái là ngôn ngữ hành chính tại Thái Lan. Tiếng Anh được giảng dạy rộng rãi nhưng mức độ thành thạo thấp.

13. Ngày quốc khánh: 5/12, là ngày sinh nhật Vua Rama IX Phu-mi-phôn A-đun-da-đệt (Bhumibol Adulyadej).

14. Kinh tế: Thái Lan hiện là một nước công nghiệp mới (trước vốn là nước nông nghiệp truyền thống). Bắt đầu từ năm 1960, Thái Lan thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội lần thứ nhất và đến nay là Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội lần thứ 13 (2023-2027). Chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách "hướng xuất khẩu" và ASEAN, Mỹ, Nhật, EU là các thị trường xuất khẩu chính. Ngành du lịch cũng đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế Thái Lan.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế: năm 2014 đạt 0,7%; năm 2015 đạt 2,7%; năm 2016 đạt 3,2%, năm 2017 đạt 3,8%, năm 2018 đạt 4,1%, năm 2019 đạt 2,4%, GDP trên đầu người đạt gần 19.000 USD, năm 2020 giảm 6,1%, năm 2021 đạt 1,6%. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,5%; NESDC dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan 2022 đạt 3,5-4%.

15. Thể chế nhà nước: Sau cuộc cách mạng tư sản năm 1932, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ Quân chủ lập hiến; Hiến pháp năm 2017.

- Quốc hội: Thái Lan tổ chức Tổng tuyển cử ngày 24/3/2019 (05 năm sau đảo chính 2014). Ngày 09/5/2019 Ủy ban bầu cử Thái Lan đã công bố danh sách 500 Hạ nghị sỹ và 250 Thượng nghị sỹ (do quân đội lựa chọn). Ngày 31/5/2019, Quốc Vương Rama X đã chính thức phê chuẩn ông Chuan Leekpai (Chuôn Lịch-phai) làm Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Quốc hội, ông Pornpetch Wichitcholchai (Pon-pết Vi-chít-chôn-chay) làm Chủ tịch Thượng viện.

- Nguyên thủ quốc gia: Nhà Vua Maha Vajiralongkorn Phra Vajira Klao Chow Yu Hua (Ma-hả Va-chi-ra-long-con Phrá Va-chi-ra-klao-chao-dù-hủa) (Rama X) lên ngôi ngày 13/10/2016, đăng quang chính thức ngày 04/5/2019.

- Thủ tướng: Đại tướng Prayut Chan-o-cha (Pra-dút Chan-ô-cha), ứng cử viên Thủ tướng của Đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (ngày 09/6/2019 ông được Quốc hội bầu tiếp tục giữ chức Thủ tướng với tỉ lệ phiếu 500/750, ngày 11/6/2019 đã được Quốc vương phê chuẩn). Nội các mới đã được Quốc vương phê chuẩn ngày 10/7/2019; tuyên thệ nhậm chức ngày 16/7/2019. Thủ tướng Prayut cùng một số thành viên Nội các đã vượt qua cuộc điều trần và bỏ phiếu bất tín nhiệm lần 1 ngày 28/02/2020, lần 2 ngày 20/2/2021, lần 3 ngày 04/9/2021, và lần thứ 4 ngày 23/7/2022. Ngày 30/9/2022, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết: thời gian giữ chức vụ Thủ tướng của Đại tướng Prayut theo Hiến pháp 2017 và được tính từ khi Hiến pháp 2017 có hiệu lực là ngày 06/4/2017.

II. TÌNH HÌNH THÁI LAN VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - THÁI LAN GẦN ĐÂY

1. Tình hình Thái Lan gần đây

- Nội trị: tình hình Thái Lan hiện ổn định. Sau phán quyết ngày 30/9/2022 của Tòa án Hiến pháp, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo đất nước, trong đó có việc nỗ lực triển khai tốt vai trò Chủ nhà APEC 2022, với điểm nhấn là Tuần lễ Cấp cao APEC (11/2022). Thái Lan dự kiến tổ chức Tổng tuyển sắp tới vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2023. Dự thảo Luật ngân sách 2023 trị giá khoảng 88,2 tỷ USD đã được Quốc hội Thái Lan thông qua với phần thắng tuyệt đối giành cho phe Chính phủ (278 phiếu thuận, 194 phiếu chống).

- Về kinh tế: kinh tế Thái Lan phục hồi khả quan do nhanh chóng triển khai mở cửa, phục hồi sau đại dịch; đẩy mạnh các ngành kinh tế xanh, kinh tế BCG (Xanh - Tuần hoàn - Sinh học). GDP Quý II/2022 đạt 2,5%, cao hơn mức 2,3% trong Quý I. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan dự báo kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng trong khoảng 2,7-3,2% trong năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Thái Lan đón 6,1 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, Thái Lan cũng đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao (6 tháng đầu năm 2022 ở mức 4.71%, cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây).

- Dịch bệnh Covid-19 cơ bản trong tầm kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng cao. Đến ngày 21/9/2022, Thái Lan đã tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1 cho gần 57 triệu người (81,6%), trong đó hơn 53 triệu người (76,6%) được tiêm 2 mũi vắc-xin. Ngày 21/12/2021, Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch chi khoảng 1 tỷ USD để mua 90 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer và AstraZeneca. Từ 01/10, Thái Lan đưa bệnh Covid-19 ra khỏi danh sách các bệnh bị cấm đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Thái Lan và bỏ các yêu cầu liên quan đến Covid-19 đối với người nhập cảnh.

- Về đối ngoại: Thái Lan tiếp tục đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, coi trọng quan hệ với láng giềng, đẩy mạnh quan hệ với các nước lớn, cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Thái Lan tích cực phát huy vai trò là điều phối viên của ASEAN về hợp tác phát triển bền vững, đẩy mạnh triển khai Lộ trình Tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình Nghị sự LHQ về phát triển bền vững 2030 thông qua việc thúc đẩy cá hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Đối thoại về phát triển bền vững ASEAN (ACSDSD) và cơ chế Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và ESCAP về triển khai lộ trình Tương hỗ. Thái Lan dành ưu tiên cao cho Năm APEC 2022, đẩy mạnh đối ngoại đa phương, chủ động đưa ra các sáng kiến trong lĩnh vực phát triển bền vững, kinh tế số, kinh tế BCG.

2. Quan hệ Việt Nam-Thái Lan gần đây

- Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa hai nước phát triển tích cực bất chấp dịch bệnh Covid-19. Thái Lan coi trọng và mong muốn không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam. Năm 2021, nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (06/8/1976-06/8/2021), hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… cũng như tích cực thông tin tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về quan hệ hữu nghị và Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan.

- Duy trì hoạt động cấp cao: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm (5/2021) và gặp song phương Thủ tướng Thái Lan dịp Hội nghị COP26 (11/2021) và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ (5/2022); Chủ tịch Quốc hội hội đàm trực tuyến Chủ tịch Quốc hội Thái Lan (8/2021); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu (GSW) và kết hợp thăm, làm việc tại Thái Lan (4/2022); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan điện đàm (5/2021) và tiếp xúc song phương dịp Đại hội đồng LHQ 76 (9/2021), Hội nghị Mê Công - Lan Thương (7/2022); Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan hội nghị trực tuyến với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam (6/2021).

- Duy trì cơ chế hợp tác: Tham khảo Chính trị Việt Nam - Thái Lan lần thứ 8 (30/6/2021); Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan (19/11/2021), trong đó ký MOU hợp tác hai Bộ Ngoại giao giai đoạn mới 2021-2025; MOU trao đổi hoạt động văn hóa giai đoạn 2021-2026 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Thái Lan; MOU thiết lập quan hệ hợp tác kết nghĩa giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Ubon Ratchathani Thái Lan; Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp thương mại (4/2022) tại Bangkok, Diễn đàn Năng lượng lần thứ 2 tại Bangkok, Thái Lan (06-07/10/2022).

- Về kinh tế, Thái Lan giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai nước đạt 18,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch thương mại 9 tháng đầu năm 2022 đạt 16,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó ta xuất 5,6 tỷ USD, tăng 26,9% và ta nhập 10,5 tỷ USD, tăng 12,7%.

- Về đầu tư, tính đến tháng 9/2022, Thái Lan có 670 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 13,093 tỷ USD, đứng thứ 9/139 quốc gia có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN có đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore). Nhà đầu tư Thái Lan đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất, phân phối điện khí nước, kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ. Việt Nam có 17 dự án đầu tư sang Thái Lan, vốn đăng ký 32,8 triệu USD, đứng thứ 33/79 quốc gia/vùng lãnh thổ. Các dự án chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn bán lẻ.

- Hợp tác trong các lĩnh vực khác phát triển tốt. Hai bên duy trì hiệu quả các cơ chế song phương về quốc phòng, an ninh, phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác đào tạo... Hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống Covid-19: Chính phủ Thái Lan tặng ta 10.000 bộ kit xét nghiệm, 300.000 liều vắc-xin AstraZeneca, hỗ trợ ta qua nhiều kênh; ta ủng hộ Thái Lan vật tư y tế trị giá 50.000 USD Về lao động, hai bên ký Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận về việc tuyển dụng lao động (7/2015); đang thúc đẩy mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam sang Thái Lan. Hợp tác du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân phát triển tích cực. 6 tháng 2022, Việt Nam đón hơn 39.679 lượt khách Thái Lan và khách Việt Nam đến Thái Lan là khoảng 130.000 người. Hiện có 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương Thái Lan. Việt kiều tại Thái Lan có khoảng hơn 100.000 người, hòa nhập tốt ở sở tại và hướng về quê hương đất nước.

- Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế: Thái Lan coi trọng vai trò của ASEAN; phối hợp tốt trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, nỗ lực cùng các nước giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Thái Lan tham gia tích cực trong nhiều cơ chế tiểu vùng như ACD, ACMECS, GMS, Mê Công - Lan Thương, Mê Công - Nhật, Mê Công - Hàn Quốc, Mê Công - Ganga (Ấn Độ), sáng kiến hạ nguồn Mê Công - Mỹ (LMI) và Mê Công và những người bạn (FLM) và đặc biệt là ACMECS. Về Biển Đông, Thái Lan ủng hộ lập trường chung của ASEAN, thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, coi trọng việc khôi phục lòng tin, sự tin cậy giữa các quốc gia trong khu vực để tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại đây; thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC và sớm hoàn thành COC.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh