Thông tin cơ bản về Lào và quan hệ Việt Nam - Lào

20:54 | 07/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Quan hệ Việt Nam - Lào phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế tiểu vùng.

I. THÔNG TIN CƠ BẢN

1. Tên nư­ớc: Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (Lao People’s Democratic Republic).

2. Thủ đô: Viêng-chăn (Vientiane). Các thành phố lớn: Kaysone Phomvihane (tỉnh Savannakhet); Pakse (tỉnh Champasack); Luang Prabang (tỉnh Luang Prabang).

3. Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Trung Quốc (416 km); Tây Bắc giáp Mi-an-ma (230 km); Tây Nam giáp Thái Lan (1.730 km); Nam giáp Cam-pu-chia (492 km) và phía Đông giáp Việt Nam (2.337,507 km).

4. Diện tích: 236.800 km2 Lào nằm sâu trong lục địa, không có biển, diện tích chủ yếu là đồi núi. Khí hậu: Lục địa, chia làm hai mùa: mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10). Tài nguyên thiên nhiên: có nguồn tài nguyên dồi dào về nông lâm sản, khoáng sản (gỗ, thạch cao, thiếc, khí đốt…), nhiều tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản và thủy điện.

5. Thu nhập bình quân đầu người: khoảng 1.841 USD (2022); Đơn vị tiền tệ: Kíp (LAK). Tỉ giá: 17.000-19.000 LAK/1USD; Dân số: hơn 7.4 triệu người; Dân tộc: Lào có 49 dân tộc; Tôn giáo: Đạo Phật (65%), Vật linh, Thiên chúa giáo; Ngôn ngữ chính: Tiếng Lào (chính thức), tiếng Thái lan, Anh, Pháp.

6. Ngày Quốc khánh: 02/12/1975; Đảng chính trị: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP).

7. Lịch sử hình thành: vào thế kỷ XIV, vua Phạ-ngừm (Phraya Fa Ngum) thống nhất các mường Lào, thành lập Vương quốc Lạn-xạng (Lanxang-Triệu Voi) mở ra thời kỳ rực rỡ nhất của lịch sử phong kiến Lào. 1559-1571, Vương quốc Lạn-xạng bị Miến Điện xâm lược. Năm 1581, Vương quốc Lạn-xạng giành được độc lập. Cuối thế kỷ XVIII, Vương quốc bị chia thành 3 vương quốc nhỏ là Luổng-pha-bang, Viêng Chăn và Chăm-pa-sắc. Từ 1778-1779, cả các vương quốc bị Xiêm xâm lược. Năm 1893, thực dân Pháp xâm chiếm Lào. Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập tổ chức kháng chiến Pathet Lào. Ngày 12/10/1945, Lào giành được độc lập. Đầu 1946, Pháp quay lại xâm lược Lào. Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, công nhận nền độc lập của Lào. Từ 1955, đế quốc Mỹ can thiệp, xâm lược Lào. Ngày 21/02/1973, Hiệp định Viêng Chăn được ký kết, lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc Lào. Ngày 02/12/1975, Đại hội đại biểu toàn quốc tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

8. Lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith (Thoong-lun Sỉ-su-lít); Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone (Sỏn-xay Sỉ-phăn-đon); Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane (Xay-sổm-phon Phôm-vi-hản). Các Phó CTN: đ/c Bounthong Chitmany (Bun-thoong Chít-mạ-ni) và đ/c Pany Yathotou (Pa-ny Ya-tho-tu) (nữ); các UVBCT, Phó TTg CP: đ/c Kikeo Khaykhamphithoune (Ki-kẹo Khảy-khăm-phị-thun), đ/c Chansamone Chanyalath (Chăn-sa-mỏn Chăn-nha-lạt) (kiêm BTQP), từ 6/2022 có thêm: đ/c Vilay Lakhamphong (Vi-lay Lạ-khăm-phong) (kiêm Bộ trưởng Công an) và đ/c Saleumxay Kommasith (Sạ-lởm-xay Côm-mạ-sít) (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao).

9. Thành viên của các tổ chức quốc tế: ADB, ARF, ASEAN, ASEM, CP, EAS, FAO, G-77, IBRD, ICAO, ICRM, IDA, IFAD, IFC, IFRCS, ILO, IMF, INTERPOL, IOC, IPU, ISO, ITU, MIGA, NAM, OIF, OPCW, PCA, UN, INCTAD, UNESCO, UNIDO, UNWTO, UPU, WCO, WFTU, WHO, WIPO, WMO, WTO.

II. TÌNH HÌNH LÀO

1. Về chính trị - an ninh,

- Tình hình chính trị Lào cơ bản ổn định, an ninh trật tự xã hội được bảo đảm, Lào tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (13-15/01/2021) và bầu cử Quốc hội khóa IX (22/02/2021), đề ra và tích cực triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm lần thứ IX (giai đoạn 2021-2025) gắn với 02 Chương trình nghị sự quốc gia về giải quyết khó khăn Kinh tế - Tài chính và giải quyết vấn đề ma túy. Ngày 30/12/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX đã thông qua đề xuất của Chủ tịch nước Thoong-lun Sỉ-su-lít về việc đồng chí Phăn-khăm Vị-pha-văn xin thôi chức Thủ tướng và nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân và bầu Phó Thủ tướng Sỏn-xay Sỉ-phăn-đon làm Thủ tướng thứ 9 của nước CHDCND Lào.

- Lào đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19; mở lại hoàn toàn đất nước và đón khách du lịch quốc tế (từ 09/5/2022). Tính đến 24/10/2022, có hơn 5,9 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin (81% dân số), trong đó 5,32 người đã tiêm đủ hai mũi (72% dân số), 19% dân số đã tiêm mũi tăng cường.

2. Về Kinh tế, Theo Chính phủ Lào, năm 2022: GDP tăng trưởng 4.4%; kim ngạch thương mại đạt 10,11 tỉ USD; đón hơn 644.756 lượt khách du lịch quốc tế với hơn 100 triệu USD doanh thu (đến 01/9/2022). Dự báo năm 2023, GDP Lào tăng trưởng 4,5% (mục tiêu của CP Lào), 3,5% (ADB). Chính phủ Lào đang tích cực thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn, phục hồi đà phát triển kinh tế, xử lý nợ công, tăng cường phòng chống tham nhũng và tội phạm ma túy.

3. Về đối ngoại, hiện nay Lào có quan hệ ngoại giao với 140 nước và hơn 130 Đảng Chính trị trên thế giới, quan hệ thương mại với 60 nước và vùng lãnh thổ. Lào là thành viên chính thức của ASEAN (7/1997) và đã 02 lần giữ chức Chủ tịch ASEAN (2004 và 2016), dự kiến sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2024.

- Chính sách đối ngoại: CHDCND Lào đang thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị, hợp tác để phát triển và phương châm ngoại giao phòng ngừa và đột phá để bảo vệ và phát triển đất nước; tăng cường hợp tác toàn diện với các nước bạn bè chiến lược; hợp tác đa dạng, đa phương, đa cấp độ thống nhất ở mọi kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, tổ chức quần chúng; tăng cường tính chủ động trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác; tập trung vào ngoại giao kinh tế từ trung ương đến địa phương.

III. QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO:

1. Quan hệ chính trị, ngoại giao, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hai nước vẫn giữ được đà và phát triển quan hệ trên các lĩnh vực. Quan hệ chính trị tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai bên phối hợp tổ chức thành công: Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào, Lễ phát động “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2022” (01/2022), Lễ khởi động dự án Công viên Hữu nghị Lào-Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn (15/5/2022); thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao và các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nổi bật, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 với điểm nhấn là Lễ kỷ niệm trọng thể chào mừng 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977), cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác tại thủ đô và các tỉnh thành của mỗi nước.

- Hợp tác phòng chống Covid-19: Trong hơn hai năm dịch Covid-19 bùng phát, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hỗ trợ Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào ứng phó dịch Covid-19: (i) lần 1 là 500.000 USD và các vật tư, trang thiết bị y tế với tổng giá trị 02 triệu USD (04/5/2021) và cử đoàn chuyên gia y tế và đoàn chuyên gia Học viện quân y ta sang hỗ trợ Lào chống dịch (10-24/5 và 03-20/5/2021); (ii) lần 2 là 2.150.000 USD cùng một số vật tư y tế trị giá khoảng 120.000 USD (25/10/2021). Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương ta cũng đã tặng Lào 500.000 liều vắc-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 (28/01/2022) cùng với nhiều trang thiết bị, vật tư phòng dịch khác. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào hỗ trợ 300.000 USD giúp ta ứng phó với dịch Covid-19. Tổng cộng Bạn đã hỗ trợ ta khoảng 1,4 triệu USD từ một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp để giúp các địa phương của ta chống dịch.

2. Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố. Hai Bộ Quốc phòng ký Ý định thư về hợp tác cứu hộ, cứu nạn; bàn giao Trường lý luận Chính trị Quân đội Nhân dân Lào, diễn tập cứu hộ cứu nạn 3 nước CLV; phối hợp tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh. Hai Bộ Công an ký kết Kế hoạch hợp tác năm 2022, tích cực phối hợp triển khai toàn diện; tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn chặn xuất-nhập cảnh trái phép; tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự xã hội, buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia đặc biệt là vấn đề buôn bán, vận chuyển ma túy.

3. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục được duy trì tốt. Hai bên tổ chức thành công nhiều cuộc tọa đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước với doanh nghiệp Việt Nam – Lào. Việt Nam hiện có 219 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào, tổng vốn đăng ký khoảng 4,7 tỷ USD, duy trì vị trí thứ 3 (sau TQ, Thái Lan). Trong năm 2022, hai bên tổ chức đã khởi công và khánh thành, bàn giao một số dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào; doanh nghiệp hai bên tích cực giao lưu, ký Bản ghi nhớ hợp tác. Năm 2022, đầu tư Việt Nam tại Lào tăng thêm 05 dự án mới và 04 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng giá trị 70 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2021; kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 1,7 tỉ USD (tăng hơn 25%).

4. Hợp tác giáo dục đào tạo và văn hóa tiếp tục được quan tâm, Bộ Giáo dục hai nước đã ban hành Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030; ký kết Nghị định thư về hợp tác đào tạo Việt Nam - Lào giai đoạn 2022-2027; tổ chức Triển lãm giáo dục Việt Nam và Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào tại Viêng Chăn. Năm 2022, Việt Nam dành cho Lào 1.155 suất học bổng sang học tập tại Việt Nam, Lào dành cho ta 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam khoảng 14.000 người (diện thỏa thuận Chính phủ hơn 4000 người) tại 160 cơ sở giáo dục Việt Nam. Hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác văn hóa - nghệ thuật và du lịch giai đoạn 2021-2025; tổ chức khởi động dự án Công viên Hữu nghị Lào - Việt Nam tại Viêng Chăn; tổ chức thành công Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào, Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam và Ngày hội giao lưu văn hóa thể thao du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 3. Hai bên đã hoàn thành và bàn giao Trường dạy nghề Hữu nghị Việt Nam - Lào tại huyện Nỏng-bốc, tỉnh Khăm-muồn; khánh thành và bàn giao dự án sửa chữa, tôn tạo Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Khăm-muồn, khởi động dự án xây dựng Công viên Hữu nghị Việt - Lào tại thủ đô Viêng-chăn.

5. Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước, ta tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân của Lào sang cấp cứu, điều trị tại Việt Nam, được Bạn đánh giá cao.

6. Hợp tác quốc tế, khu vực, tiểu vùng: Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế tiểu vùng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh