Thông tin cơ bản về Cộng hòa Italia

13:53 | 20/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Italia là một quốc gia có lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử La Mã cổ đại. Sau thời kỳ hưng thịnh kéo dài gần bốn trăm năm, từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, đế chế La Mã bắt đầu suy yếu và bị chia cắt thành nhiều lãnh địa, chiến tranh kéo dài liên miên và nhiều lần bị đế quốc bên ngoài đô hộ.
Thông tin cơ bản về Cộng hòa Italia
Quốc kỳ Italia, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. THÔNG TIN CHUNG:

Tên nước:

Cộng hòa Italia (Italian Republic)

Thành viên:

Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7/G8, Nhóm các nền kinh tế lớn thế giới G20, Liên minh Địa Trung Hải…

Thủ đô:

Rô-ma (Rome)

Quốc khánh:

02/6

Vị trí địa lý:

Nằm ở phía Nam châu Âu, ba mặt giáp biển Địa Trung Hải, phần biên giới phía Bắc là đất liền giáp với Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Slovenia. Ngoài ra, trong lòng Italia tồn tại hai quốc gia nhỏ là Vatican (nằm trong thủ đô Roma) và San Marino (miền Trung Italia).

Diện tích:

301.338 km2

Khí hậu:

Khí hậu ôn hoà đặc trưng vùng Địa Trung Hải, trong đó miền Bắc lạnh hơn do ảnh hưởng của vùng núi An-pơ, miền Nam nóng và khô hơn.

Địa hình:

Chủ yếu là núi, có một tỉ lệ nhỏ là đồng bằng tập trung ven biển.

Dân số:

61 triệu người, trong đó 96% là người Italia và 4% là người nhập cư (nhiều nhất là người Rumani, Anbani, Ma-rốc, Trung Quốc, Senegal, Peru...).

Ngôn ngữ:

Tiếng Italia

Tôn giáo:

83% Đạo Công giáo, 12,4% không tôn giáo, 3,7% Hồi giáo, 0,2% Phật giáo, 0,1% Hindu, 0,3% các tôn giáo khác.

Đơn vị tiền tệ:

Euro

GDP:

2,01 nghìn tỷ USD (GDP thực tế - theo World Bank 2022)

GDP đầu người:

34.158 USD (GDP thực tế - theo World Bank 2022)

Khu vực hành chính:

107 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, chia thành 20 vùng

Lãnh đạo chủ chốt:

- Tổng thống: Séc-giô Mát-ta-rê-la (Sergio Mattarella)

- Chủ tịch Thượng viện: Ignazio La Russa (I-nha-gi-ô La Rút-sa)

- Chủ tịch Hạ viện: Lorenzo Fontana (Lô-ren-giô Phôn-ta-na)

- Thủ tướng: Giorgia Meloni (Gióc-gia Mê-lô-ni)

- Bộ trưởng Ngoại giao: Antonio Tajani (An-tô-ni-ô Ta-ia-ni)

II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:

Italia là một quốc gia có lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử La Mã cổ đại. Sau thời kỳ hưng thịnh kéo dài gần bốn trăm năm, từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, đế chế La Mã bắt đầu suy yếu và bị chia cắt thành nhiều lãnh địa, chiến tranh kéo dài liên miên và nhiều lần bị đế quốc bên ngoài đô hộ. Từ thế kỷ 14, Italia tuy vẫn trong tình trạng bị cát cứ thành nhiều vương triều song bước vào thời kỳ Phục hưng và trở thành trung tâm thương mại, văn hóa và kiến trúc của châu Âu trong hai thế kỷ 15 và 16. Đến năm 1861, Italia trở thành một quốc gia thống nhất từ nhiều vùng lãnh thổ tự trị.

Các mốc lịch sử quan trọng:

- 1922: Mussolini lên cầm quyền, thi hành chính sách độc tài phát xít.

- 7/1943: Chế độ phát xít bị lật đổ.

- 25/4/1945: Italia được lực lượng đồng minh giải phóng hoàn toàn khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức.

- 02/6/1946: với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, Italia bãi bỏ chế độ quân chủ và trở thành nước Cộng hòa theo thể chế nghị viện. Ngày 2/6 là ngày Quốc khánh của Cộng hoà Italia.

- 1949: Gia nhập NATO.

- 1955: Gia nhập LHQ.

- 1957: là một trong 6 nước châu Âu sáng lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), nay là Liên minh châu Âu (EU).

- 1999: Gia nhập Liên minh Kinh tế và Tiền tệ châu Âu (Eurozone).

III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ:

- Thể chế nhà nước: Cộng hòa nghị viện

- Hiến pháp: Thông qua ngày 01/01/1948, quy định chế độ Cộng hoà đại nghị, tách rời Thiên chúa giáo. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia, do hai viện Quốc hội và 58 đại diện vùng bầu ra, nhiệm kỳ 7 năm.

- Thứ tự ưu tiên trong hệ thống chính trị Italia: Tổng thống (A1), Chủ tịch Thượng viện (A2), Chủ tịch Hạ viện (A3), Thủ tướng (A4), Chánh án Tòa án Hiến pháp (A5).

- Cơ quan hành pháp: Đứng đầu là Thủ tướng (tên gọi chính thức là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) do Tổng thống bổ nhiệm và được Quốc hội thông qua.

- Cơ quan lập pháp: Theo mô hình lưỡng viện (tổng tuyển cử sớm do giải tán chính phủ 25/9/2022):

+ Thượng viện: 200 ghế, nhiệm kỳ 5 năm.

+ Hạ viện: 400 ghế, nhiệm kỳ 5 năm.

- Cơ quan tư pháp: Tòa án Hiến pháp gồm 15 thẩm phán (1/3 do Tổng thống bổ nhiệm, 1/3 do Quốc hội bầu, 1/3 do các tòa án tối cao về hành chính và thông thường bầu).

- Các đảng lớn:

+ Cánh hữu: Tiến lên Italia (Forza Italia - FI), Liên đoàn (Lega), Những người anh em Italia (Fratelli d’Italia - FdI)

+ Cánh tả: Đảng Dân chủ (PD); Đảng Tự do và Công bằng (LeU); các Đảng Cộng sản (Partito Comunista; Partito Socialista Italiano; Rifondazione Comunista)

+ Trung dung: Italia Viva (tách ra từ PD), Đảng Liên hiệp Thiên chúa giáo Trung dung (Unione di Centro) và Đảng Tương lai và Tự do (FLI).

+ Dân túy: Phong trào 5 sao (M5S)

Thông tin cơ bản về Cộng hòa Italia

IV. TÌNH HÌNH ĐỊA BÀN:

Italia là thành viên sáng lập và có vai trò quan trọng trong EU, Eurozone, OECD, G7, G20, NATO. Nền kinh tế Italia hiện đứng thứ 10 trên thế giới, thứ 3 trong Eurozone với GDP thực tế khoảng 2 nghìn tỷ USD, công nghiệp phát triển, tuy nhiên phải nhập khẩu đến 75% nguyên liệu. Italia có thế mạnh về xuất khẩu và thặng dư thương mại lớn, mô hình kinh tế khá tương đồng với Việt Nam, với hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ rất năng động và hiệu quả, đóng góp gần 75% GDP.

1. Chính trị nội bộ:

- Tình hình chính trị nội bộ Italia cơ bản ổn định kể từ khi chính phủ trung hữucủa Thủ tướng Giorgia Meloni nắm quyền vào tháng 10/2022. Cuối tháng 12/2022, Italia đã đạt 55 mục tiêu về cải cách kinh tế, hệ thống tài chính, dịch vụ công và an sinh xã hội nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân Kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19 (2021 – 2026), trị giá hơn 222 tỷ euro trong khuôn khổ chương trình Next Generation của EU.

- Tuy chịu sức ép lớn trước các vấn đề nội bộ như khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao, nợ công 150% GDP, khủng hoảng người nhập cư…chính phủ và đảng cầm quyền duy trì tín nhiệm trong các cuộc thăm dò ủng hộ của dư luận đầu năm 2023.

2. Kinh tế:

- Nền kinh tế Italia chưa hoàn toàn hồi phục sau giai đoạn suy thoái do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng lạm phát, nợ công 150% GDP, an ninh năng lượng và an ninh lương thực do xung đột Nga – Ukraine. Việc triển khai Kế hoạch phục hồi quốc gia bị ảnh hưởng do chi phí đầu vào sản xuất nhất là nhiên liệu tăng mạnh. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Italia duy trì mức khá, đạt 3,8% nhờ lợi thế xuất khẩu do đồng euro yếu và sự tăng trưởng tích cực của các ngành dịch vụ thế mạnh (du lịch, nhà hàng, khách sạn…).

- Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Italia đạt kỷ lục 625 tỷ euro, tăng 20% so với năm 2021, củng cố khả năng chống chịu của Italia trước những tác động của xung đột Nga – Ukraine. Dự kiến tăng trưởng năm 2023 đạt 0,4%

3. Chính sách đối ngoại:

- Về đối ngoại, bên cạnh Địa Trung Hải là khu vực ưu tiên truyền thống, Italia triển khai chính sách ngoại giao năng động, duy trì thân Mỹ và EU, ủng hộ Ukraine và phản đối Nga nhằm đảm bảo những lợi ích sát sườn về an ninh và kinh tế. Đối với Trung Quốc, chính phủ mới công khai quan điểm chống bành trướng, ngăn chặn các khoản đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, ủng hộ Đài Loan.

- Với EU, Italia mong muốn nâng cao vai trò và uy tín trong EU; cam kết đóng góp hiệu quả nhằm đương đầu với các cuộc khủng hoảng và thách thức bên ngoài trên nguyên tắc “đoàn kết trong đa dạng”, củng cố phát triển nội khối, với mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, triển khai hiệu quả Kế hoạch phục hồi quốc gia hậu Covid-19 do EU tài trợ ủng hộ tự chủ chiến lược với cam kết đáp ứng chỉ tiêu chi ngân sách quốc phòng 2% GDP.

- Với Mỹ, Italia tiếp tục khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược, duy trì trao đổi cấp cao và tham vấn thường xuyên ứng phó với các thách thức toàn cầu chung. Ngoài khuôn khổ hợp tác NATO, Italia và Mỹ có nhiều cơ chế hợp tác chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ. Tại Italia có 59 căn cứ quân sự và khoảng 13 nghìn lính Mỹ.

- Với Nga, chính phủ mới khẳng định ủng hộ chính sách chung của EU, trừng phạt Nga, triển khai thêm quân trong NATO; cung cấp vũ khí (chuyển giao gói thứ 6) và viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

- Với khu vực Địa Trung Hải, Italia muốn đóng vai trung tâm, hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực nhằm tìm giải pháp cho vấn đề người nhập cư, ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, khí đốt.

- Với khu vực châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN là những ưu tiên, đặc biệt về thương mại, đầu tư. Gần đây, cùng với việc công bố tài liệu về “đóng góp của Italia đối với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU” vào tháng 01/2022, Italia chủ trương tăng cường thúc đẩy hợp tác công nghệ quốc phòng với các nước trong khu vực. Chương trình hành động 2022 – 2024 của Bộ Quốc phòng trình Quốc hội lần đầu tiên Italia gộp khu vực Ấn Độ Dương vào định nghĩa Địa Trung Hải mở rộng.

- Với Trung Quốc, Italia là nước G7 duy nhất tham gia sáng kiến BRI (2019), tuy nhiên không dự án nào được triển khai cụ thể. Hai nước có các cơ chế hợp tác kinh tế và văn hóa (năm 2022 là Năm văn hóa du lịch). Kim ngạch thương mại Italia – Trung Quốc đạt gần 45 tỷ Euro năm 2021. Chính phủ mới được cho là có lập trường cứng rắn hơn với TQ trong các vấn đề Đài Loan, Hồng Công, bảo vệ các ngành công nghiệp nhạy cảm.

- Với ASEAN, Italia trở thành Đối tác phát triển (9/2020). Italia đánh giá cao vai trò ngày càng lớn của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực và quốc tế. Tháng 6/2022, hai bên đã thông qua Danh sách lĩnh vực hợp tác thiết thực (PCA) ASEAN – Italia, tập trung vào các lĩnh vực như: an ninh mạng, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác thực thi pháp luật, di sản văn hóa, thành phố số và thông minh, cơ sở hạ tầng xanh, sức khỏe cộng đồng, du lịch, hợp tác không gian, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

ASEAN cùng với European House Ambrosetti đã tổ chức 04 Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế ASEAN – Italia hàng năm từ 2017 – 2022 tại Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia và 02 lần trực tuyến. Ngoài ra, Italia thông báo đóng góp 2,5 triệu euro vào Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN.

- Hợp tác phát triển, từ 2010 đến nay, Cơ quan Hợp tác Phát triển Italia (AICS) đã cung cấp hơn 271 triệu euro cho các dự án tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Myanmar và Philippines. Trong năm 2022, Italia nâng cấp hoạt động của Văn phòng AICS Hà Nội, ưu tiên và cam kết đẩy mạnh hợp tác phát triển với Việt Nam và khu vực, thể hiện coi trọng vai trò của Việt Nam trong thực thi chính sách phát triển với ASEAN. Italia đang xây dựng chiến lược hợp tác phát triển với khu vực trong đó chọn lựa 2-3 lĩnh vực ưu tiên như: hiện đại hóa nông nghiệp, đánh bắt cá bền vững, bảo tồn di sản.

- Về kinh tế đối ngoại, Italia đẩy mạnh chiến lược Made in Italia do Bộ Ngoại giao chủ trì để hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương, sử dụng các công cụ ngoại giao kinh tế gắn với ngoại giao văn hóa và sự đồng hành của các thể chế tài chính.

- Italia đề cao vai trò của các thể chế đa phương, là công cụ quan trọng với các vấn đề toàn cầu, phát huy vai trò Chủ tịch G20 và đồng Chủ tịch COP26 năm 2021, chuẩn bị giữ vai trò Chủ tịch G7 trong năm 2024.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh