Thông tin cơ bản về Cộng hòa Belarut và quan hệ Việt Nam - Belarut

08:27 | 05/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sau khi Liên xô tan rã, Bê-la-rút tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Xô viết và đổi tên thành Cộng hòa Bê-la-rút, gồm 6 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo kết quả trưng cầu dân ý năm 1996, Bê-la-rút lấy ngày giải phóng đất nước khỏi ách phát xít Đức (ngày 03/7) làm Ngày Độc lập.
Thông tin cơ bản về Cộng hòa Belarut và quan hệ Việt Nam - Belarut
Bản đồ địa lý Cộng hòa Bê-la-rút, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn
Thông tin cơ bản về Cộng hòa Belarut và quan hệ Việt Nam - Belarut
Cộng hòa Bê-la-rút, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. Thông tin chung

Tên nước:

Cộng hòa Bê-la-rút (the Republic of Belarus)

Thủ đô:

Min-xcơ (Minsk)

Quốc khánh:

03/7 (Ngày Độc lập)

Vị trí địa lý:

Nằm ở phần Đông châu Âu, tiếp giáp với các nước Nga, U-crai-na, Ba Lan, Lát-via và Lít-va.

Diện tích:

207.600 km2

Khí hậu:

Nằm trong vành đai khí hậu ôn đới, mùa đông lạnh, mùa hè mát, ẩm, lượng mưa hàng năm 500-700 mm; có nhiều hồ và đầm lầy ở phía Bắc; rừng chiếm 1/3 diện tích thảm thực vật; có một số mỏ than bùn, dầu và khí thiên nhiên nhưng trữ lượng không lớn.

Dân số:

9.200.617 người. (Chưa tính khoảng 3 triệu người Bê-la-rút sống ở nước ngoài)

Dân tộc:

Người Bê-la-rút chiếm 80%, người Nga 13,2%, người Ba Lan 4%.

Ngôn ngữ:

Tiếng Bê-la-rút và tiếng Nga

Đơn vị tiền tệ:

Rúp Bê-la-rút (BYN), 1 USD = 2,50 BYN (tỷ giá tháng 11/2023).

GDP:

Năm 2018 - khoảng 59,7 tỷ USD; năm 2019 - 59,9 tỷ USD; năm 2020 - 56,5 tỷ USD; năm 2021 - 68,2 tỷ USD.

Năm 2022, GDP Bê-la-rút đạt 65 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2021.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, GDP của Belarus đạt 54,3 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2022 (thống kê sơ bộ).

GDP/đầu người:

7.904 USD (năm 2022)

Tôn giáo:

Đạo Chính thống (chiếm 70% dân số)

Code quốc tế:

+375

Múi giờ:

GMT+3

Cơ cấu hành chính

Bê-la-rút chia làm 7 đơn vị hành chính bao gồm Thủ đô Min-xcơ và 6 tỉnh (Brét-xtơ, Vi-chép-xcơ, Gô-men, Grốt-nô, Min-xcơ, Mô-ghi-lốp).

Lãnh đạo chủ chốt:

  • Tổng thống: A-lếch-xan-đơ Lu-ca-sen-cô (Aleksandr Lukashenko) (là Tổng thống từ năm 1994 và tái đắc cử 5 nhiệm kỳ liên tiếp trong các năm 2001, 2006, 2010, 2015 và 2020).

  • Chủ tịch Hội đồng Cộng hòa (Thượng viện): bà Na-ta-lia Cô-tra-nô-va (Natalya Kochanova), Chủ tịch Thượng viện khóa VII từ tháng 12/2019.

  • Chủ tịch Viện Đại biểu (Hạ viện): Vla-đi-mia An-đơ-rây-tren-cô (Vladimir Andreichenko), các khóa IV (2008-2012), V (2012-2016) và VI (2016-2019), VII (từ tháng 12/2019).

  • Thủ tướng: Rô-man Gô-lốp-chen-cô (Roman Golovchenko), được bổ nhiệm tháng 6/2020.

  • Bộ trưởng Ngoại giao: Xéc-gây A-lây-nhích (Sergei Aleinik), được bổ nhiệm tháng 12/2022.

II. Khái quát lịch sử

Cuối thế kỷ thứ IX-X, các bộ tộc Xla-vơ sống trên lãnh thổ Bê-la-rút ngày nay gia nhập nhà nước Nga Ki-ép cổ. Từ thế kỷ XIII-XVI hình thành dân tộc Bê-la-rút. Cuối thế kỷ XVIII, Bê-la-rút được giải phóng khỏi ách thống trị của phong kiến Ba Lan. Năm 1795, Bê-la-rút (còn gọi là Bạch Nga) sáp nhập vào Nga. Tháng 12/1917, chính quyền Xô viết được thành lập ở Bê-la-rút. Tháng 1/1919, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Bê-la-rút được thành lập và gia nhập Liên bang Xô viết ngày 30/12/1922.

Sau khi Liên xô tan rã, Bê-la-rút tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Xô viết và đổi tên thành Cộng hòa Bê-la-rút, gồm 6 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo kết quả trưng cầu dân ý năm 1996, Bê-la-rút lấy ngày giải phóng đất nước khỏi ách phát xít Đức (ngày 03/7) làm Ngày Độc lập.

III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị

- Hiến pháp được thông qua năm 1994, sửa đổi năm 2004 và 2022.

- Thể chế chính trị: Cộng hòa Tổng thống.

- Tổng thống do dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống ấn định việc trưng cầu dân ý toàn quốc, bầu cử vào Viện đại biểu và Hội đồng Cộng hòa theo thời hạn và trước thời hạn; giải tán Quốc hội theo quy định của Hiến pháp; bổ nhiệm Thủ tướng với sự đồng ý của Viện Đại biểu, bổ nhiệm và bãi chức các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, các Chánh án Tòa án Hiến pháp, Tòa án tối cao và Tòa án Kinh tế tối cao, Chủ tịch Ủy ban chấp hành các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương…

- Cơ quan lập pháp: Quốc hội gồm hai Viện: Viện Đại biểu (Hạ viện) và Hội đồng Cộng hòa (Thượng viện), với nhiệm kỳ 5 năm.

Viện Đại biểu (110 ghế) có quyền đồng ý để Tổng thống chỉ định Thủ tướng, sửa đổi Hiến pháp, xem xét vấn đề tín nhiệm Chính phủ, xem xét các dự luật về chính sách đối nội, đối ngoại của Bê-la-rút… Các đại biểu do dân bầu trực tiếp, làm việc theo chế độ chuyên trách.

Hội đồng Cộng hoà (64 ghế) là Viện đại diện cho các địa phương, có 56 đại biểu do các Xô viết đại biểu của 6 tỉnh và Thủ đô Min-xcơ bầu và 8 đại biểu do Tổng thống cử; có quyền thông qua hay bác bỏ những dự luật đã được Hạ viện thông qua.

- Cơ quan hành pháp: là Hội đồng Bộ trưởng, đứng đầu là Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Hạ viện. Chính phủ phục tùng Tổng thống và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

- Các cơ quan tư pháp gồm Tòa án Hiến pháp, Toà án Tối cao. Chánh án và các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp và Toà án Tối cao được bầu và miễn nhiệm bởi Đại hội Nhân dân toàn Bê-la-rút.

- Các đảng phái chính trị: sau quá trình đăng ký lại tại Bộ Tư pháp theo Luật sửa đổi Luật về các chính đảng có hiệu lực từ tháng 3/2023, có 4 chính đảng được phép hoạt động tại Bê-la-rút là “Bạch Nga”, Cộng sản, Dân chủ tự do, Lao động và Công bằng.

IV. Tình hình

1. Chính trị nội bộ

Sau khi tuyên bố độc lập năm 1991, Bê-la-rút đi theo đường lối đa nguyên chính trị. Tháng 01/1994, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp xác lập chính thể Cộng hòa Tổng thống. Ngày 23/6/1994 ông A. Lu-ca-sen-cô được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Bê-la-rút và tái đắc cử 5 nhiệm kỳ liên tiếp, lần gần nhất là trong cuộc bầu cử tháng 8/2020. Đầu năm 2022, Bê-la-rút tiến hành trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, theo đó giới hạn một cá nhân được giữ tối đa hai nhiệm kỳ của Tổng thống, cũng như điều chỉnh lại quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước.

2. Kinh tế

Bê-la-rút là nước có tiềm lực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục và quốc phòng, đứng thứ 3 trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Sau khi tách ra độc lập năm 1991, Bê-la-rút được thừa hưởng nhiều cơ sở kinh tế, công nghiệp, quân sự và khoa học của Liên Xô cũ và có thế mạnh trong các ngành cơ khí, điện tử, quang học, hóa chất, phân bón, gỗ, giấy, chế biến cao su…

Những năm đầu độc lập, Bê-la-rút gặp nhiều khó khăn. Từ 1994, Lãnh đạo Bê-la-rút chủ trương cải cách kinh tế, từng bước theo hướng kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước, ổn định tình hình để dần thoát khỏi khủng hoảng. Từ 1996, nền kinh tế Bê-la-rút phục hồi và tăng trưởng. Do đại dịch Covid-19, GDP của Bê-la-rút năm 2020 giảm 0,9%. Năm 2021, GDP đạt hơn 70 tỷ USD, tăng 2,3% so với 2020. Năm 2022, GDP đạt 65 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2021. Trong 10 tháng đầu năm 2023, GDP của Belarus đạt 54,3 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2022 (thống kê sơ bộ).

Hiện Bê-la-rút đang đẩy mạnh cải cách, tự do hóa nền kinh tế, thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt... Bê-la-rút chủ trương phát triển các ngành năng lượng thay thế như điện hạt nhân, nhiên liệu sinh học, mở rộng và đa dạng hóa hoạt động kinh tế đối ngoại sang châu Á, Mỹ La tinh, thu hút đầu tư từ châu Âu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

Thương mại: Chính sách kinh tế - thương mại tập trung phát triển theo hướng mở cửa thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới, đa dạng hóa quan hệ, tìm kiếm các thị trường mới. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Bê-la-rút bao gồm phân bón, các sản phẩm từ dầu mỏ, máy kéo, xe tải, sợi bông, săm lốp, đồ gỗ… Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm dầu thô, các sản phẩm từ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, khí hóa lỏng, kim loại và các sản phẩm từ kim loại, linh kiện máy móc, thiết bị… Năm 2021, kim ngạch ngoại thương của Bê-la-rút đạt 79 tỷ USD (tăng 34%), trong đó xuất khẩu đạt 39 tỷ USD (tăng 37,4%) và nhập khẩu đạt 39,8 tỷ USD (tăng 31%). Năm 2022, kim ngạch ngoại thương của Bê-la-rút đạt 74,9 tỷ USD, giảm 5%.

Nga hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Bê-la-rút. Thương mại song phương Bê-la-rút – Nga năm 2022 đạt mức kỷ lục 50 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 11% so với cùng kỳ 2022. Các đối tác thương mại lớn khác bao gồm:, SNG (U-crai-na, Ca-dắc-xtan), Trung Quốc, Vê-nê-du-ê-la, I-ran, Ấn Độ, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, EU (Đức, Ba Lan, Hà Lan, Ý, Lát-via…)…

Đầu tư: đầu tư nước ngoài trực tiếp chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp, mậu dịch và dịch vụ ăn uống.

3. Chính sách đối ngoại

Bê-la-rút thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Bê-la-rút coi phát triển quan hệ toàn diện với Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Ngày 2/4/1997, hai nước đã ký Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh Nga - Bê-la-rút.

Bê-la-rút chủ trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực Liên xô cũ, là thành viên của Tổ chức khu vực SNG, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (gồm Nga, Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Tát-gi-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan), Liên minh kinh tế Á – Âu (Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-nia, Cư-rơ-gư-xtan)…

Bê-la-rút coi trọng hướng đối ngoại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có quan hệ với Việt Nam. Quan hệ với các nước châu Phi, Mỹ - Latinh, Trung Đông tiếp tục được củng cố và phát triển.

Bê-la-rút là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực như: Liên hợp quốc, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) (từ 1991), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) (từ 1992), Phong trào Không liên kết (từ 1998), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) (từ 2002), Liên minh Kinh tế Á - Âu (từ 2015); là quan sát viên của Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA) (từ 2011), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) (từ 2009), Nghị viện Mỹ La tinh (PARLATINO) (từ 2016), Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) (từ 2015), Hiệp hội các quốc gia Ca-ri-bê (từ 2016), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (từ 1993).

QUAN HỆ VIỆT NAM - BÊ-LA-RÚT

Ngày 27/12/1991, Việt Nam công nhận độc lập của Bê-la-rút. Ngày 24/01/1992, tại Min-xcơ, Đặc phái viên của Thủ tướng, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và Thứ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Bê-la-rút V.Xen-cô đã ký Nghị định thư thiết lập quan hệ ngoại giao. Bê-la-rút đã lập Đại sứ quán tại Việt Nam từ năm 1998. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Bê-la-rút tháng 10/2003 và cử Đại sứ thường trú đầu tiên tại Bê-la-rút tháng 3/2005.

Đại sứ Việt Nam tại Bê-la-rút hiện nay là ông Nguyễn Văn Ngự, trình Quốc thư lên Tổng thống Lu-ca-sen-cô tháng 02/2022. Đại sứ Bê-la-rút tại Việt Nam là ông Vla-đi-mia Ba-ra-vi-cốp (Uladzimir Baravikou), trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tháng 4/2022.

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ

Việt Nam và Bê-la-rút kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, duy trì thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, bao gồm cấp cao:

Thời gian

Đoàn ra

Đoàn vào

Tháng 04/1997

Tổng thống A. Lu-ca-sen-cô

Tháng 08/1998

Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Tháng 09/2000

Thủ tướng Phan Văn Khải

Tháng 10/2002

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh

Tháng 01/2003

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An

Tháng 11/2004

Thủ tướng X. Xi-đo-rơ-xki

Tháng 05/2005

Chủ tịch Hội đồng Cộng hoà Quốc hội G. Nô-vít-xki

Tháng 02/2006

Đặc phái viên của Tổng thống A. Lu-ca-sen-cô, Chủ tịch Hạ viện V. Cô-nốp-li-ốp

Tháng 04/2008

Tổng thống A. Lu-ca-sen-cô

Tháng 04/2009

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Tháng 10/2009

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Tháng 05/2010

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Tháng 10/2010

Chủ tịch Hạ viện V. An-đrây-chen-cô

Tháng 11/2011

Thủ tướng M. Mi-át-xơ-nhi-cô-vích

Tháng 05/2013

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tháng 03/2014

Bộ trưởng Ngoại giao V. Ma-cây

Tháng 11/2014

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tháng 12/2015

Tổng thống A.G. Lu-ca-sen-cô

Tháng 10/2016

Phó Thủ tướng V. Xê-ma-sơ-cô (họp Ủy ban LCP)

Tháng 06/2017

Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Tháng 03/2018

Phó Thủ tướng V. Xê-ma-sơ-cô (thăm làm việc)

Tháng 09/2019

Phó Thủ tướng I. Lia-sen-cô (thăm chính thức)

Tháng 12/2019

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Các cơ chế hợp tác hiện có: Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, Ủy ban Hỗn hợp liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự, Ủy ban hợp tác về khoa học và công nghệ, Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (Tham vấn gần nhất diễn ra tháng 01/2022 tại Hà Nội).

Hai bên hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế khác. Bê-la-rút ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017 – 2021 và 2023 – 2027, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 – 2026, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, Hội đồng Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế nhiệm kỳ 2023 - 2025…

II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ - THƯƠNG MẠI – ĐẦU TƯ

Việt Nam và Belarus có nhiều thế mạnh bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất sang Bê-la-rút thủy hải sản, cao su tự nhiên, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính...; nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa, phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô-tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất...

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Bê-la-rút giai đoạn 2011 – 2023 (triệu đô-la Mỹ)

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

211

175

152,2

107

124,7

94,5

101

92,2

97,8

108,5

2021

2022

9 tháng đầu năm 2023

191,0

113,9

46,42

(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Bê-la-rút về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật có Chủ tịch Phân ban phía Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Phân ban phía Bê-la-rút là Phó Thủ tướng. Khóa họp 15 được tổ chức trực tuyến tháng 3/2022.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-nia, Cư-rơ-gư-xtan) được ký tháng 5/2015 và có hiệu lực từ tháng 10/2016.

Đầu tư: Hiện nay, Bê-la-rút có 3 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 32,2 triệu USD. Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Bê-la-rút với tổng vốn đầu tư là 810 nghìn USD.

III. HỢP TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC KHÁC

- Hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống Covid-19: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong ứng phó dịch bệnh. Trong giai đoạn đầu, phía Việt Nam đã tặng Bê-la-rút khẩu trang y tế. Tháng 12/2021, Việt Nam và Bê-la-rút cũng đã trao tặng lẫn nhau trang thiết bị và vật tư y tế. Hai nước đã công nhận hộ chiếu vắc-xin của nhau.

- Hợp tác an ninh - quốc phòng được duy trì thông qua trao đổi đoàn, hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự. Khóa họp 20 của Ủy ban được tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2023.

- Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Bê-la-rút đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Hiện nay có 05 lưu học sinh Việt Nam đang theo học ở Bê-la-rút; năm 2022, có 01 lưu học sinh Bê-la-rút đăng ký thực tập ngắn hạn tại Việt Nam.

- Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước được duy trì và phát triển, các tổ chức khoa học và công nghệ hai nước hợp tác chặt chẽ, nhiều dự án đã được triển khai và có kết quả tốt. Ủy ban hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam - Bê-la-rút đã tiến hành được 11 khóa họp (Khóa họp 11 diễn ra tháng 9/2019 tại Hà Nội).

- Hợp tác trong lĩnh vực lãnh sự: Việt Nam bắt đầu áp dụng miễn thị thực cho công dân Bê-la-rút mang hộ chiếu phổ thông từ tháng 7/2015 với thời hạn 15 ngày. Từ ngày 15/8/2023, thời hạn này được nâng lên thành 45 ngày.

Ngày 09/01/2027, Tổng thống Bê-la-rút ký Sắc lệnh về miễn thị thực nhập cảnh Bê-la-rút trong thời hạn 05 ngày cho công dân 80 nước, trong đó có Việt Nam (với công dân Việt Nam và một số nước khác có thêm một vài điều kiện bắt buộc). Ngày 24/7/2018, Tổng thống Bê-la-rút ký Sắc lệnh nâng thời hạn miễn thị thực nói trên lên 30 ngày.

- Hợp tác văn hóa – du lịch: hai bên đã tổ chức Những ngày Văn hóa Bê-la-rút tại Việt Nam (2014, 2017, 2023) và Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Bê-la-rút (2015, 2018). Lượng khách du lịch Bê-la-rút đến Việt Nam tăng nhanh sau khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân Bê-la-rút, đạt hơn 12.000 lượt khách năm 2019. Giai đoạn 2020 – 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc trao đổi khách du lịch giữa hai nước không thực hiện được.

- Hợp tác lao động: Hai nước đã ký Hiệp định liên Chính phủ về làm việc có thời hạn của công dân hai nước trên lãnh thổ của nhau tháng 11/2011 (có hiệu lực từ tháng 6/2013).

- Hợp tác giữa các địa phương hai nước tiếp tục duy trì. Các thỏa thuận hợp tác đã được ký giữa Hà Nội và thành phố Min-xcơ (2004, 2010, 2011); thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Min-xcơ (2007); Đà Nẵng và tỉnh Grốt-nô (2005); Quảng Ninh và tỉnh Min-xcơ, Grốt-nô và Brét-xtơ (đều trong năm 2007); Hải Phòng và Vi-chép-xcơ (2007), Bình Thuận và Vi-chép-xcơ (2011, 2015); Quảng Nam và Mô-ghi-lốp (2014); Lào Cai và Bre-xtơ (2017).

IV. CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM TẠI BÊ-LA-RÚT

Cộng đồng Việt Nam ở Bê-la-rút hiện có khoảng 500 người (bao gồm người Việt định cư, làm ăn sinh sống tại đây, sinh viên, lao động làm việc có thời hạn theo hợp đồng), đã thành lập Hội người Việt Nam tại Bê-la-rút. Tháng 12/2006, Tổng thống A. Lu-ca-sen-cô cho phép những công dân Việt Nam đã lao động, học tập tại Bê-la-rút trước năm 1992 được định cư hợp pháp, lâu dài ở Bê-la-rút.

V. CÁC HIỆP ĐỊNH KHUNG ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC

- Nghị định thư về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và CH Bê-la-rút (ký ngày 24/01/1992).

- Hiệp định giữa Chính phủ CHXNCN Việt Nam và Chính phủ CH Bê-la-rút về hợp tác kinh tế - thương mại (ký năm 1992).

- Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Bê-la-rút về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (ký năm 1993).

- Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Bê-la-rút về việc miễn thị thực cho công dân hai nước đi lại lẫn nhau vì việc công (ký năm 1993).

- Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Bê-la-rút về việc thành lập Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Bê-la-rút về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học kỹ thuật (ký năm 1995).

- Hiệp ước về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước CHXHCN Việt Nam và CH Bê-la-rút (ký năm 1997).

- Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Bê-la-rút về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và tài sản (ký năm 1997).

- Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Bê-la-rút về tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự (ký năm 2000);

- Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Bê-la-rút về vận tải hàng không (ký năm 2007).

- Hiệp định Lãnh sự giữa CHXHCN Việt Nam và CH Bê-la-rút (ký năm 2008);

- Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Bê-la-rút về nguyên tắc hợp tác giữa các cơ quan hành chính địa phương Việt Nam và các cơ quan hành pháp và chỉ đạo địa phương Bê-la-rút (ký năm 2009).

- Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CH Bê-la-rút về việc công dân Việt Nam làm việc có thời hạn tại CH Bê-la-rút và công dân Bê-la-rút làm việc có thời hạn tại CHXHCN Việt Nam (ký năm 2011).

- Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CH Bê-la-rút về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (ký tháng 6/2023 thay thế Hiệp định ký năm 2011).

- Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CH Bê-la-rút về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (ký năm 2013).

- Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Bê-la-rút về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam (ký năm 2016, sửa đổi lần thứ nhất năm 2017, sửa đổi lần hai năm 2020).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh