Thị trường chứng khoán thế giới ngày 1/3: Khép lại tháng 2 trong một nốt trầm

20:15 | 01/03/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vào thứ Ba (28/2) trong một phiên giao dịch tương đối yên tĩnh, kết thúc một tháng đi xuống một cách đáng thất vọng.
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 27/2: Hợp đồng tương lai Dow Jones đem đến hy vọng hồi phụcThị trường chứng khoán thế giới ngày 27/2: Hợp đồng tương lai Dow Jones đem đến hy vọng hồi phục
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 28/2: Chỉ số tăng nhẹ sau tuần tồi tệThị trường chứng khoán thế giới ngày 28/2: Chỉ số tăng nhẹ sau tuần tồi tệ
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 1/3: Khép lại tháng 2 trong một nốt trầm
(Ảnh minh họa) https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Chứng khoán Mỹ

Chỉ số Dow Jones giảm 232,39 điểm, tương đương 0,71%, xuống 32.656,70 điểm. S&P 500 giảm 12,09 điểm, tương đương 0,3%, xuống 3.970,15 điểm, trong khi Nasdaq Composite mất 11,44 điểm, tương đương 0,1%, xuống 11.455,54 điểm.

Các chỉ số chìm trong sắc đỏ trong tháng 2, sau khi vọt lên đầu vào năm 2023. S&P 500 và Nasdaq Composite đạt đỉnh trong năm vào ngày 2/2. Tuy nhiên, mức tăng giảm dần khi các dự liệu kinh tế nóng hơn dự kiến, bao gồm cả dữ liệu về thị trường lao động và chi tiêu của người tiêu dùng, thúc đẩy các nhà đầu tư đánh giá lại kỳ vọng của họ về lạm phát và chính sách tiền tệ.

Chỉ số Dow giảm 4,2% trong tháng 2 và giảm 1,5% từ đầu năm. S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 2,6% và 1,1% trong tháng nhưng vẫn tăng lần lượt 3,4% và 9,4% trong năm nay.

Các thị trường phái sinh cho thấy các nhà giao dịch hiện kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nâng lãi suất lên trên 5% trong năm nay và giữ ở mức đó trong một thời gian khi các quan chức cố gắng kiểm soát lạm phát.

Đầu năm nay, các nhà giao dịch đã dự đoán ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất vào năm 2023. Sự thay đổi đó đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư thay đổi danh mục đầu tư của họ trong suốt tháng Hai. Một số nhà đầu tư đã rút tiền ra khỏi các quỹ đầu tư và tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa rủi ro để bảo vệ khỏi suy thoái.

Seema Shah, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Principal Asset Management cho biết: “Cho đến nay, người ta ngày càng nhận ra rằng nền kinh tế Mỹ thực sự không phản ứng đủ với các đợt tăng lãi suất của Fed. Và điều đó có nghĩa là thị trường lao động tiếp tục thắt chặt và do đó, áp lực lạm phát vẫn nóng và nặng nề và đơn giản là không có khả năng giảm tốc”.

Bà Shah nói thêm rằng mặc dù Fed đã sớm thành công trong việc giảm lạm phát hàng năm từ mức cao nhất là 9,1% vào tháng 6 xuống còn 6,4% vào tháng 1, nhưng mức giảm tiếp theo có thể là một trận chiến khó khăn hơn. Bà cũng cho biết rằng mình vẫn bi quan về chứng khoán Mỹ.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trong tháng 2, một dấu hiệu khác cho thấy các nhà đầu tư đang thay đổi kỳ vọng về lãi suất.

Trong những tuần gần đây, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng trở lại mức 4%. Vào thứ Ba, nó được giao dịch ở mức 3,914%, giảm từ 3,921% vào thứ Hai. Bất chấp sự sụt giảm sau một ngày, nó vẫn ghi nhận đà tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 9.

Chỉ số giá nhà S&P CoreLogic Case-Shiller tại Mỹ cho thấy tốc độ tăng giá nhà của quốc gia này đã giảm tốc vào năm 2022. Các dữ liệu khác chỉ ra rằng niềm tin của người tiêu dùng đã giảm trong tháng 2, trong khi thước đo hoạt động kinh doanh trong khu vực ngày càng giảm.

Jason Pride, giám đốc đầu tư phụ trách tài sản tư nhân tại Glenmede, cho biết sự sụt giảm của chứng khoán trong tháng 2 phù hợp với quan điểm của ông rằng một cuộc suy thoái sẽ tấn công Mỹ vào cuối năm nay và chứng khoán sẽ còn trượt dốc hơn nữa.

Ông Pride nói: “Quan điểm của chúng tôi là thị trường vẫn chưa phản ánh nguy cơ suy thoái tiềm ẩn”.

Chứng khoán châu Á

Cổ phiếu châu Á tăng điểm vào thứ Tư (1/3) sau khi các báo cáo cho thấy sản xuất Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ sau khi các biện pháp chống COVID được dỡ bỏ.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Caixin/Markit chỉ ra sự tăng trưởng trong sản xuất, xuất khẩu, và số đơn hàng mới. Đến cuối phiên, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng vọt 833,77 điểm, tương đương 4,21%, lên 20.619,71 điểm. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite cũng tăng 32,74 điểm, tương đương 1%, lên 3.312,35 điểm.

Còn tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,26%, đóng cửa ở mức 27.516,53 điểm khi hoạt động của nhà máy trong tháng 2 giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai năm qua, theo một cuộc khảo sát riêng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đỗ Khánh