Tàu “mẹ” quản tàu “con” ở Trường Sa

09:25 | 20/12/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Màn hình máy định vị đặt trên ca bin của tàu cá QNa 94252 TS hiện lên hàng chục biểu tượng đang trôi nhẹ theo hướng gió của Biển Đông. Thỉnh thoảng, ngư dân dưới thúng (được ví như tàu “con”) và thuyền trưởng trên tàu “mẹ” lại “a lô” cho nhau vài câu như hình thức điểm danh để xác định tàu “con” còn “thức” hay “ngủ quên”. Ngư dân hiện nay đã áp dụng công nghệ 4.0 để kiểm soát, ngăn ngừa hiểm họa. Viện Nghiên cứu hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê, từ năm 1990 - 2007, có tới 225 ngư dân câu mực ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng mất tích.
Tàu “mẹ” quản tàu “con” ở Trường Sa
Thúng câu mực được kéo xuống tàu mẹ trước giờ nhổ neo ra Trường Sa. Ảnh: Văn Chương, https://dulich.petrotimes.vn

Nụ cười và mồ hôi

Tại cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng mực vẫn được thu mua ở mức giá 140.000 đồng/kg. Tàu của ngư dân Võ Văn Việt chở từ Trường Sa về đất liền được 25 tấn mực khô, bán ra 3,5 tỷ đồng, thu nhập mỗi ngư dân là 30 triệu đồng. Các ngư dân cho biết, mức giá hiện tại tương đối ổn định so với thời điểm cao nhất (năm 2018), giá mực khô lên tới 190.000 đồng/kg, nên nhiều ngư dân chuyển sang đầu tư đóng tàu câu mực khơi ở Trường Sa. Nụ cười được mùa của các ngư dân đã làm vơi đi bức tranh quá khứ đen tối của nghề câu mực trước đây.

Ra khơi là rơi lệ. Câu chuyện này gắn với hầu hết ngư dân ở các làng chài chuyên làm nghề câu mực khơi ở quần đảo Trường Sa. Tôi lần giở lại những tấm ảnh, đoạn video đã quay vào thời điểm hơn 10 năm trước, khung cảnh ra khơi tại làng biển xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là không khí lặng lẽ, mặc dù tàu đang khởi động máy ầm ầm. Cái lặng lẽ đó hiện ra trong ánh mắt của hầu hết các ngư dân đang mang, vác hành lý bước xuống sàn tàu.

Ngư dân Nguyễn Cho ngồi lẫn trong số các ngư dân trẻ là người giữ nét mặt điềm tĩnh nhất, rồi nở nụ cười, sau phút giây chìm trong tư lự. Ông Cho lúc đó đã có thâm niên 40 năm đi biển, 23 năm làm nghề câu mực. “Trôi thúng, lật thúng, rồi mất tích thì năm nào cũng xảy ra, sinh nghề, tử nghiệp mà” - ông Cho gói gọn câu chuyện ngay khi tôi vừa gợi hỏi.

Buổi chiều tối, mỗi ngư dân xuống một chiếc thúng, mang theo một hộp sữa, túi bánh, chai nước, hộp dầu nóng, gói mì tôm, rồi bắt đầu chèo tản theo hướng gió để bật đèn, thả dây câu mực. Sáng sớm, tàu mẹ nổ máy đì đùng chạy đi vớt đàn thúng con. Nhưng rồi, thỉnh thoảng lại có chiếc thúng mất tích.

“Tàu bị lạc thúng, anh em tìm giúp” - ông thuyền trưởng thường lên Icom la lớn để các tàu làm nghề câu mực ở cùng tọa độ cho người tăng cường quan sát. Ở trên biển, thỉnh thoảng lại xuất hiện một cơn gió lốc bất thần, nên thúng trôi về nhiều hướng. Lạc thúng do gió khiến ngư dân lo sợ. Nhưng nỗi lo sợ lớn hơn là úp thúng khiến nhiều ngư dân mất tích.

Qua thời chở nặng

Trên chiếc tàu câu mực mang số hiệu QNa 94899 TS neo tại cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam vào đầu tháng 4-2021, tôi quan sát chiếc tàu thường đằm thân tàu khá sâu xuống nước, vì ngày xuất bến chở theo quá nặng. Cách đây khoảng 7 năm về trước, sau đuôi tàu câu mực luôn buộc theo khoảng 200 can nhựa, loại dung tích 50 lít, bên cạnh đó là hàng trăm chiếc phi nhựa chứa nước ngọt. Nước là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với dân đi câu trên con tàu bám biển ròng rã 3 tháng. Còn hiện nay, những chiếc can nhựa đã biến mất. “Có máy lọc nước biển thành nước ngọt” - ngư dân Trần Công Nén giải thích về “nhà máy nước trên con tàu gỗ là một cuộc cách mạng thực sự của ngư dân đi câu”.

Trong báo cáo của Viện Nghiên cứu hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những chiếc tàu câu mực rất dễ gặp tai nạn do giàn phơi mực quá kềnh càng trên nóc tàu, bên cạnh đó là nhiều yếu tố khác khiến ngư dân đi câu mực năm nào cũng để tang vài người bạn chài. Ngoài vấn đề về giàn phơi mực thì tín hiệu của tàu mẹ với từng chiếc thúng đi câu vào ban đêm cũng là câu chuyện đầy nước mắt. Cứ chiều xuống thì thúng rời tàu mẹ đi câu, sáng tàu mẹ đi kéo thúng về. Thời gian gần đây, các ngư dân mới sắm được máy Icom Galaxy loại 1 band, vì vậy, hàng đêm, ông thuyền trưởng ngồi điểm danh và nhắc nhở để ngư dân khỏi ngủ quên.

Dù đã lắp đặt máy thông tin cá nhân trên mỗi thúng, nhưng thỉnh thoảng, tai nạn trôi mất thúng vẫn xảy ra. Ngư dân Nguyễn Văn Thanh, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, có nhiều anh em đang ngồi câu mực ở cách xa tàu mẹ thì lốc tố bất ngờ ập xuống. Có trường hợp, nước tràn vào thúng, làm ướt máy Icom nên ngư dân mất liên lạc với tàu mẹ.

Ngư dân Bùi Trung Tư, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kể, phiên nào cũng gặp gió lốc, khiến thúng xoay lắc, chao đảo. Lúc đó, 30-40 chiếc thúng câu gần nhau lập tức thay toàn bộ đèn đỏ trên thúng thành đèn trắng thay cho tín hiệu SOS để tàu mẹ ứng cứu. Các ngư dân gồng mình chèo thúng xáp lại gần nhau và buộc chùm 7-8 cái thúng. Thúng nào đơn lẻ giữa gió giông thì đôi khi bị trôi đi mất hút.

Ngư dân 4.0

Báo cáo của Viện Nghiên cứu hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình ngư dân câu mực, thời điểm phát triển nhất thì 2 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có 413 tàu câu mực. Trong cơn bão Chan Chu năm 2006, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có 12 tàu câu mực, 125 ngư dân mất tích. Khi bão nổi lên thì lập tức, hàng loạt tàu câu mực không kịp chạy vào trú tránh tại âu tàu ở Trường Sa bị chìm, do giàn phơi mực trên nóc tàu quá cồng kềnh và độ cản gió lớn.

Tháng 5 năm 2021, tại cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam, những chiếc tàu câu mực mở biển phiên thứ 2 trong năm. Khi tôi đặt câu hỏi về những nguy hiểm tiềm ẩn đối với ngư dân làm nghề câu mực khơi thì ngư dân Trần Công Nén giơ cao một vật giống như chiếc đèn pin với một cần ăng ten dài và cho biết: “Ngư dân bây giờ có được chiếc định vị trên thúng nên cũng đỡ lo các vụ việc trôi lạc mất thúng ở vùng biển Trường Sa”. Đó là chiếc phao định vị phát sóng AIS chạy bằng nguồn điện 12 vôn, bắt sóng được ở cự ly xa nhất là 14 hải lý.

Vậy là, so với những năm trước đây, tàu “mẹ” đã quản tàu “con” khi đánh bắt ở quần đảo Trường Sa thông qua màn hình máy định dạng, bắt sóng AIS từ những chiếc phao phát sóng, chuyển về tàu mẹ qua màn hình máy định vị vệ tinh. Tôi đặt nhiều câu hỏi với ngư dân trên con tàu làm nghề câu mực chuẩn bị rời cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam để ra khơi thì các ngư dân cho biết: “Nghề câu mực bây giờ cũng thú vị và đỡ lo hơn trước rất nhiều, chỉ mong giá mực cứ giữ mức 170.000 - 180.000 đồng/kg là ngư dân có cuộc sống ổn định, ấm no, thêm nhiều tàu được đóng mới để trở lại Trường Sa”.

https://dulich.petrotimes.vn

bienphong.com.vn