Sự ra đời của Công đoàn ngành Dầu khí Việt Nam

14:12 | 19/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Công đoàn ngành Dầu khí đã tiếp nhận 6 công đoàn cơ sở trực thuộc các quận, huyện và 3 công đoàn cơ sở không có công đoàn cấp trên.
Sự ra đời của Công đoàn ngành Dầu khí Việt Nam
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Được sự thống nhất và chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam; sự đồng tình, giúp đỡ của Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ban vận động thành lập Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã được thành lập..., đã tiến hành tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án trình Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét. Ngày 08/10/1990, lãnh đạo Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam đã có Tờ trình số 224/TC-DK gửi Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc thành lập Công đoàn ngành Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam.

Trên cơ sở những đề nghị trên, ngày 23/02/1991, Đoàn cán bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Đình Gia Bảy, Ủy viên Ban Thư ký (nay là Đoàn Chủ tịch), và một số cán bộ, chuyên viên các Ban của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đã làm việc với Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam Trương Thiên, Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự-Đào tạo, Trưởng Ban vận động thành lập Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Đức Tuấn và một số cán bộ chuyên viên của Tổng Công ty. Trong buổi làm việc Đoàn cán bộ Tổng Liên đoàn đã trao đổi và thống nhất về chủ trương thành lập; về cơ cấu tổ chức, quản lý các công đoàn cơ sở trong ngành; dự kiến nhân sự Ban Chấp hành lâm thời v.v...

Để xem xét quyết định thành lập Công đoàn Dầu khí Việt Nam và bộ máy cơ quan Công đoàn Ngành, trong tháng 11/1991 Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Tư đã ra giàn khoan số 4 của Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro để khảo sát tình hình cụ thể của lao động dầu khí và các vấn đề có liên quan.

Ngày 16/12/1991, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Tư đã ký Quyết định số 932 QĐ/TLĐ thành lập Công đoàn Dầu khí Việt Nam trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng thời quyết định Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam là thành viên Hội đồng Chủ tịch Công đoàn ngành Công nghiệp nặng. Theo Quyết định trên, Ban Chấp hành lâm thời được chỉ định gồm 21 ủy viên (sau đó được bổ sung 2 ủy viên theo cơ cấu tại Công đoàn Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro) và 7 ủy viên Ban Thường vụ.

Ngày 25/01/1992, lễ ra mắt Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Cung văn hóa Hữu nghị, Hà Nội.

Căn cứ theo quyết định và các văn bản hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, các công đoàn cơ sở dầu khí đóng trên địa bàn các địa phương trong cả nước được chuyển về công đoàn ngành dầu khí để thống nhất quản lý và chỉ đạo trực tiếp, các Liên đoàn lao động địa phương phối hợp chỉ đạo, theo nội dung trách nhiệm quy định tại Thông tri 1587 TTr/TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy việc triển khai công tác bàn giao, tiếp nhận đã gặp không ít khó khăn, phức tạp nhưng với tinh thần chủ động, sự chỉ đạo, giúp đỡ của Ban Thư ký và các Ban của Tổng Liên đoàn, công tác bàn giao, tiếp nhận các tổ chức công đoàn cơ sở về công đoàn ngành dầu khí đã hoàn thành vào ngày 16/02/1992. Kết quả công đoàn ngành đã tiếp nhận 6 công đoàn cơ sở trực thuộc các quận, huyện và 3 công đoàn cơ sở không có công đoàn cấp trên.

* Trích Lịch sử ngành Dầu khí, tập III, phần thứ năm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2006-2010.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Ngọc Hà

kinhtexaydung.petrotimes.vn