Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang "hái ra tiền"?

06:34 | 13/06/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngoài bất động sản, từ năm 2006, Tập đoàn Hà Đô bước chân vào lĩnh vực năng lượng. Đến nay, tập đoàn này đã có 9 công ty con về mảng năng lượng với các dự án khủng như: Điện gió 7A, Thủy điện Đăk Mi 2, Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước,...

Hưởng lợi từ Quy hoạch Điện VIII?

Tháng 5/2023, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) chính thức được phê duyệt. Đây được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành điện cũng như nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Quy hoạch Điện VIII tập trung vào hai vấn đề quan trọng nhất của ngành điện Việt Nam hiện tại là quy hoạch phát triển hệ thống nguồn phát điện và xây dựng hệ thống lưới điện đảm bảo cho việc huy động hệ thống nguồn phát hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong quy hoạch cơ cấu nguồn phát điện đến năm 2030, với nguồn phát là nhiệt điện than, quy mô nhiệt điện than sẽ là 30,1 GW, so với dự thảo ban đầu là 56 GW. Nhưng thực tế hiện nay tổng công suất điện than đã là 25,8 GW, chỉ còn hơn 4,3 GW các công trình đang được xây dựng.

Nhìn chung, quy hoạch sẽ giảm tỷ trọng của nguồn phát điện than để đến năm 2050 không còn sử dụng than để phát điện.

Điện sản xuất từ nguồn điện khí sẽ tăng tỷ trọng, năm 2020 từ 12,5% lên tới 25,5% vào năm 2030 và tỷ trọng đến năm 2050 chỉ còn chiếm 7%. Nếu sản lượng khí trong nước suy giảm thì nhập khẩu bằng khí thiên nhiên hoặc khí thiên nhiên hóa lỏng LNG.

Các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió sẽ đóng góp tỷ trọng trong cơ cấu công suất là 50,3% vào năm 2030, mặc dù tỷ trọng thủy điện giảm mạnh do tiềm năng còn ít (từ 30% giảm còn 20%).

Đến năm 2050, tổng công suất các nguồn NLTT (gồm cả thủy điện) lên tới gần 400 GW, chiếm 69,8% tổng công suất nguồn điện, thể hiện tỷ trọng nguồn điện được duy trì và phát triển từ nguồn này rất cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, bài toán quy hoạch đã đưa ra mục tiêu nhằm giảm phụ thuộc năng lượng nhập khẩu, tăng chủ động tự cung, tự cấp bằng phát triển các nguồn NLTT trong nước.

Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang
Nhà máy điện gió 7A công suất 50 MW

Điện gió là điểm nhấn chính trong nhóm NLTT, sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn 2023-2050, đặc biệt là sau năm 2030.

Theo nhận định của các chuyên gia, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành các dự án NLTT sẽ có lợi thế trong việc đấu thầu nhờ huy động được các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ. Một số doanh nghiệp tiềm năng hàng đầu trong ngành có thể kể đến chính là Tập đoàn Hà Đô.

Kiếm tiền từ bán năng lượng vượt trội hơn bán nhà

Tập đoàn Hà Đô được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM. Từ năm 2006, tập đoàn này bước chân vào lĩnh vực năng lượng. Hiện Hà Đô đang phát triển mảng năng lượng với tổng công suất 462 MW, bao gồm 314 MW thủy điện, 50 MW điện gió và 98 MWp điện mặt trời (quy đổi khoảng 82 MW).

Theo báo cáo thường niên năm 2023, tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này có 9 công ty con liên quan đến năng lượng.

Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang

Tìm hiểu trên website của Tập đoàn Hà Đô, tính đến nay, doanh nghiệp có 3 dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành gồm: Điện gió 7A công suất 50 WH; Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước công suất 50 WH và Điện mặt trời Hồng Phong 4 công suất 48 WH.

Ngoài ra, có 5 dự án thủy điện đã hoàn thành gồm: Thủy điện Nậm Pông sản lượng đạt 123,3 triệu KWh/năm; Thủy điện Nhạn Hạc có công suất 59 MW, sản lượng đạt 220 triệu KWh/năm; Thủy điện Đăk Mi 2 công suất 147 MW, sản lượng đạt 450 triệu KWh/năm; Thủy điện Za Hưng sản lượng đạt 122,7 triệu KWh/năm; Thủy điện Sông Tranh 4 sản lượng đạt 180 triệu KWh/năm. Bên cạnh đó, Hà Đô còn 1 dự án đang triển khai là Thủy điện Sơn Nham có sản lượng dự kiến đạt 24,05 triệu KWh/năm.

Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang
Dự án Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước

Trong giai đoạn trước đây, nguồn thu chủ yếu của Tập đoàn Hà Đô đến từ mảng bất động sản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây mảng năng lượng liên tục tăng trưởng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu doanh thu của Hà Đô.

Đến năm 2022, doanh thu từ mảng điện đã chính thức vượt doanh thu từ bất động sản. Cụ thể, doanh thu đạt 3.581 tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Việc doanh thu của công ty giảm phần lớn do hụt thu từ bất động sản khi giảm 44,7% còn 1.112 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ mảng điện lại tăng 65,7% lên 2.116 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng doanh thu. Sau khi trừ giá vốn, mảng kinh doanh điện lãi gộp 1.520 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp ở mức 72%.

Đến năm 2023, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần 2.882 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022. Trong đó, mảng đóng góp lớn nhất là thủy điện, điện mặt trời và điện gió với doanh thu hơn 1.938 tỷ đồng, giảm 8%. Còn doanh thu từ mảng kinh doanh bất động sản chỉ đạt 282 tỷ đồng, giảm 75%.

Áp lực "đòn bẩy" tài chính

Nhìn lại bức tranh tài chính năm 2020-2023, doanh nghiệp này đối mặt với áp lực trả nợ lớn, gánh nặng lớn nhất đè lên chi phí tài chính là áp lực trả lãi các khoản tiền vay. Trong năm 2020, chi phí lãi vay của Hà Đô chiếm gần 98% tổng chi phí tài chính.

Tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả của Hà Đô ghi nhận hơn 9.901 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với đầu năm 2020. Dù vậy, con số này vẫn khiến Hà Đô đối diện với áp lực trả nợ tương đối lớn.

Trong đó, doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh giảm nợ vay tài chính ngắn hạn, nhưng các khoản vay tài chính dài hạn lại "phình to". Cụ thể, vay dài hạn tăng từ 4.694 tỷ đồng hồi đầu năm 2020 lên mức gần 5.718 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2020. Các khoản vay nợ chủ yếu là vay ngân hàng.

Diễn biến hoạt động tài chính và đầu tư của Hà Đô cho thấy, doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tăng tốc đầu tư rất mạnh. Bước sang năm 2021, Hà Đô vẫn không che giấu tham vọng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, huy động vốn để triển khai đồng thời các dự án năng lượng và bất động sản.

Để phục vụ tham vọng này, Tập đoàn Hà Đô cho biết trong ngắn hạn, việc duy trì số dư vay ngân hàng lớn và dự báo còn tiếp tục tăng, trong khi các nhà máy đang trong giai đoạn đầu tư, nên Hà Đô sẽ chịu áp lực về dòng tiền trong 2-3 năm tới.

Năm 2023, cả doanh thu và lợi nhuận tại Hà Đô đều sụt giảm so với năm 2022. Doanh thu đạt 2.889 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước và lãi sau thuế đạt 866 tỷ đồng, giảm 36%. Đáng chú ý, chi phí tài chính trong năm 2023 lên tới 569 tỷ đồng, tăng 10%. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tới hơn 85%.

Tính đến cuối năm 2023, nợ phải trả tại Hà Đô là 7.292 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay tại Hà Đô là 5.426 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm 2023. Gồm nợ vay ngắn hạn hơn 625 tỷ đồng và nợ vay dài hạn gần 4.801 tỷ đồng.

Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang
Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang
Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 tại Hà Đô.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, tính đến cuối năm 2023, chủ nợ lớn tại Hà Đô gồm Ngân hàng Woori Việt Nam cho vay dài hạn hơn 728 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV cho vay dài hạn tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng thông qua 3 khoản vay. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay này là tài sản hình thành từ Dự án Điện gió 7A thuộc quyền sở hữu của Công ty Hà Đô Thuận Nam, tài sản hình thành từ Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 4 thuộc sở hữu của Công ty Sông Tranh 4 và toàn bộ công trình Dự án Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 2 thuộc sở hữu Công ty CP Năng lượng Agrita-Quảng Nam.

Sở hữu nhiều dự án năng lượng, Tập đoàn Hà Đô đang
Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 2

Ngoài ra, Vietcombank cũng cho vay dài hạn hơn 383 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là tài sản hình thành của Nhà máy điện Hồng Phong 4 thuộc Công ty Hà Đô Bình Thuận. Vietinbank cho vay dài hạn hơn 424 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là toàn bộ lợi ích phát sinh và bất động sản thuộc Dự án Nhà máy điện mặt trời SP Infra thuộc sở hữu của Công ty TNHH Năng lượng Surya Prakash Việt Nam...

Bên cạnh thế chấp các dự án điện gió, thủy điện, Tập đoàn Hà Đô cũng thế chấp các dự án bất động sản tại ngân hàng.

Doanh thu bất động sản 2024 của Hà Đô có thể dừng lại ở quý I

Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo về triển vọng kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG). Theo đó, SSI dự đoán rằng HDG có thể không ghi nhận thêm doanh thu từ mảng bất động sản từ nay đến hết năm 2024.

Cụ thể, đối với Dự án Hado Charm Villas, công ty mang về 315 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024 từ bàn giao toàn bộ số căn hộ đã bán còn lại từ các đợt bán trước. Tính đến cuối quý I/2024, HDG đã bán và bàn giao 420 căn (trong tổng số 528 căn của dự án).

Theo đó, HDG cũng đặt mục tiêu mở bán giai đoạn 3 của dự án này trong nửa cuối năm 2024 để bán 108 căn còn lại nếu thị trường thuận lợi. SSI nhận định rằng việc mở bán có thể được thực hiện đúng như kế hoạch, do đó dự báo giai đoạn 3 sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu trong năm 2025. Với giả định giá bán khoảng 100 triệu/m2, giai đoạn 3 của Charm Villas có thể tạo ra doanh thu khoảng 1.400 - 1.500 tỷ đồng.

Tập đoàn Hà Đô đang đầu tư một số dự án bất động sản khác là Hado Minh Long và Hado Green Lane, song chưa có dự án nào sẵn sàng mở bán do đang vướng vấn đề pháp lý liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất ở. Chứng khoán SSI kỳ vọng chương trình thí điểm do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình lên Quốc hội giúp đẩy nhanh tiến độ hai dự án này.

Do đó, Hado Minh Long và Hado Green Lane có thể triển khai mở bán trong năm 2025 và ghi nhận doanh thu trong khoảng năm 2026-2029 nếu có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý.

Bên cạnh đó, đối với mảng thủy điện, SSI cho rằng thời tiết không thuận lợi sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng năm nay của doanh nghiệp. Ngoài ra, về mảng NLTT, công ty chứng khoán cho rằng rủi ro pháp lý của Dự án năng lượng mặt trời Hồng Phong 4 vẫn còn hiện hữu khi chưa được sự chấp thuận của Chính phủ.

Huy Tùng - Hoàng Trang

vietinbank
thaco