Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng

11:02 | 30/10/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngày 29/10 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”.

Cơ hội và thách thức cho ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên của dữ liệu và trí tuệ nhân tạo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá cao tính cấp thiết, phù hợp của Hội thảo SmartBanking lần thứ 5 năm 2024 về tương lai "số" của ngành ngân hàng gắn liền với vận hành an toàn và bền vững.

Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, dữ liệu và bảo mật luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, cũng như của toàn bộ các lĩnh vực đóng góp vào nền sự phát triển của kinh tế. Phó Thống đốc nhấn mạnh, các cơ chế chính sách về pháp lý đã đang mở đường, hỗ trợ các đơn vị ngành Ngân hàng áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số: từ việc ứng dụng EKYC cho phép mở tài khoản từ xa (năm 2021) đến việc cho phép mở tài khoản sử dụng căn cước công dân gắn chip (từ ngày 1/10/2024); cho vay online toàn trình; cho phép bảo lãnh điện tử.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng hy vọng với chủ đề năm nay, hội thảo sẽ tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, thiết thực có thể ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn để tăng cường an ninh, đảm bảo tương lai “số” an toàn, bền vững cho ngành Ngân hàng; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ NHNN và các NHTM để đảm bảo hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và đẩy mạnh các giải pháp an toàn bảo mật.

Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
Toàn cảnh Hội thảo Smart Banking 2024.

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, tại nhiều ngân hàng thương mại hiện có tới 97% số lượng giao dịch được thực hiện trên kênh số, thể hiện tỷ lệ số hóa cao trong các hoạt động ngân hàng. Tỷ lệ tăng trưởng của giao dịch số ở mức tốt, liên tục và đồng đều cả về số lượng và giá trị thể hiện sự tin tưởng của khách hàng đối với ngành ngân hàng.

“Hiện tại, dữ liệu cho thấy chúng ta có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động 5 phút? Tác động chắc chắn sẽ vô cùng lớn. Do đó, sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, chúng ta phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm, các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình”, Phó Thống đốc đặt vấn đề.

Sau thời gian triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN và Thông tư 17/2024/TT-NHNN từ khi các văn bản này có hiệu lực, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN khẳng định không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo, tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận; việc tăng cường phối hợp, tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến nhiều nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành.

Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Lê Văn Tuấn cho biết, bình quân mỗi tháng có khoảng 21.000 lượt phản ánh người dân bị lừa đảo, đến tháng 9/2024 giảm xuống còn 15.000 lượt phản ánh, cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành ngân hàng, những tác động tích cực từ các chính sách của ngành ngân hàng. Đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT Lê Văn Tuấn khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng NHNN trong công tác xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện các hệ thống văn bản để củng cố hành lang pháp lý về thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường an toàn, an ninh bảo mật, thúc đẩy phát triển bền vững chung của ngành ngân hàng và của nền kinh tế.

Việc triển khai Chiến lược phát triển công nghệ thông tin, Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng cùng với sự đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật phục vụ cho hoạt động ngân hàng và công tác chuyển đổi số như: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024; Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; các Thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản bằng phương thức điện tử; bảo lãnh điện tử; cho vay điện tử…; và các văn bản về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng, ngành Ngân hàng đã được những kết quả quan trọng trong chuyển đổi số.

Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng trên thế giới và tại Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng được thúc đẩy bởi các công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, thực tế ảo tăng cường (AR) và các nền tảng ngân hàng mở. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ cho chuyển đổi số thực hiện thành công, tuy nhiên việc sử dụng và ứng dụng hiệu quả nguồn dữ liệu, cùng với ứng dụng AI vào quản trị rủi ro, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và đảm bảo an ninh, bảo mật cho hoạt động ngành Ngân hàng là một thách thức lớn.

Tăng cường liên minh, hợp tác, nâng cao vai trò cá nhân của mỗi khách hàng

Nằm trong chương trình Tọa đàm cấp cao thuộc khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024, đại diện lãnh đạo một số NHTM đã chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ AI và phân tích dữ liệu trong hoạt động ngân hàng, cùng những thách thức mà các ngân hàng đang phải đối mặt.

Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí rằng, việc phối hợp và chia sẻ giữa các tổ chức trong ngành Ngân hàng là rất quan trọng. Dưới sự quan tâm sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của NHNN, cần tăng cường liên minh, hợp tác giữa các Ngân hàng thương mại với các đơn vị cung cấp giải pháp an toàn bảo mật nói riêng; và sự chung tay hỗ trợ của các Bộ, ngành liên quan cùng những giải pháp thiết thực, mang tính ứng dụng thực tiễn đến từ các công ty công nghệ hàng đầu.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an (A05) nhận định, thời gian vừa qua, NHNN và các đơn vị ngành Ngân hàng đã rất tích cực trong công tác xử lý và ứng phó sự cố an ninh từ không gian mạng, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để điều tra, truy vết để xử lý vi phạm và thu hồi tài sản cho khách hàng. Mặc dù vậy, nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc NHNN, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đồng tình rằng các hành vi tấn công qua mạng đang ngày càng phức tạp và khó lường hơn, đồng thời vấn đề an toàn an ninh môi trường mạng và ứng phó sự cố cần có sự chung tay của nhiều đơn vị. Đặc biệt, với nội tại sẵn có, đại diện Lãnh đạo A05 cho rằng các NHTM có thể đủ khả năng tự khoanh vùng và phòng ngừa rủi ro trong nội bộ hệ thống, bảo vệ khách hàng, đồng hành cùng ngành Ngân hàng và các cơ quan liên ngành, góp phần bảo đảm sự thông suốt, liên tục và an toàn của hệ thống thanh toán.

Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
Trung tá Triệu Mạnh Tùng chia sẻ tại hội thảo.

Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Trung tá Triệu Mạnh Hùng cho biết, bên cạnh những văn bản do NHNN ban hành, hiện cơ quan này và các đơn vị liên quan từ các bộ, ngành đang tích cực xây dựng, tham mưu và đề xuất Chính phủ ban hành các quy định, quy chuẩn để áp dụng đồng loạt, là tiền đề cho sự an toàn trong hoạt động kinh doanh, thương mại, ngăn chặn tội phạm công nghệ cao. Song, đại diện Bộ Công an cũng khẳng định, cơ chế chính sách là một nội dung rất cần thiết, tuy nhiên yếu tố căn cơ của vấn đề đảm bảo an ninh tài sản, dữ liệu đến từ ý thức của mỗi cá nhân. Do đó, cần liên tục tuyên truyền, trang bị kiến thức để khách hàng có thể tự mình phòng tránh rủi ro không đáng có đến khắp mọi nơi trên môi trường mạng như hiện nay.

Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, hiện nay, ngành Ngân hàng đang tiên phong cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số mang lại giá trị lớn nhưng cũng đồng thời thu hút các tội phạm mạng. Chính vì thế, an toàn an ninh đang là vấn đề cốt lõi của hoạt động ngành ngân hàng. Cục trưởng Lê Văn Tuấn đã đưa ra một số khuyến nghị đó là: Đề nghị các Ngân hàng thực hiện triệt để quy định của pháp luật về An toàn thông tin, đặc biệt là quy định an toàn thông tin theo cấp độ của đơn vị mình. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thông tin trong ngành Tài chính ngân hàng; Từng đơn vị có kế hoạch giám sát, bảo vệ, phản ứng nhanh, phục hồi sau sự cố, triển khai các biện pháp an toàn thông tin.

Cần tập trung đầu tư công nghệ hiện đại, tăng cường khả năng phòng thủ thông qua con người. Thường xuyên tổ chức diễn tập thực chiến để phát hiện ra lỗ hổng trong ngân hàng của mình; cần đào tạo nâng cao an toàn thông tin dữ liệu cho toàn bộ đội ngũ nhân viên, đào tạo đội nhân sự; bên cạnh đó các ngân hàng cần phải chia sẻ thông tin, không che giấu khi xảy ra sự cố.

Tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc Vietinbank Trần Công Quỳnh Lân nhận định, sự bùng nổ của công nghệ đã mang đến vô vàn tiện ích cho khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Ngày càng nhiều dịch vụ và sản phẩm tài chính ra đời, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng, mở cơ hội cho khách hàng tiếp cận với nhiều sản phẩm tiện ích, song, cũng đồng thời “tạo cơ hội” cho kẻ gian len lỏi để tấn công hệ thống, đánh cắp tài sản và dữ liệu. Thêm vào đó, hiện nay, mức độ tinh vi, phức tạp của những hành vi tấn công và đánh cắp dữ liệu ngày càng cao, hoạt động có tổ chức, bài bản, thực hiện đánh cắp tài sản và liên tục luân chuyển tài sản qua nhiều tài khoản khác nhau trong một ngân hàng và giữa các tài khoản trong hệ thống các ngân hàng thương mại, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc truy vết và thu hồi tài sản. Phó Tổng giám đốc Vietinbank Trần Công Quỳnh Lân đánh giá, hiện nay công tác ứng phó với tấn công trong hệ thống ngân hàng đã có nhiều mặt khả quan hơn, đặc biệt phải kể đến yếu tố liên minh hợp tác giữa các Tổ chức tín dụng trong ngành.

Giám đốc Khối bán lẻ Vietcombank Đoàn Hồng Nhung đồng tình rằng, việc các Tổ chức tín dụng có thể chia sẻ kinh nghiệm ứng phó thực tiễn, học hỏi lẫn nhau, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản là NHNN và các bộ ngành như Bộ Công an, Bộ TT&TT, đã góp phần rút ngắn công tác truy vết tội phạm công nghệ, hỗ trợ thu hồi tài sản bị đánh cắp cho khách hàng, đảm bảo uy tín của các tổ chức tín dụng nói riêng và của ngành Ngân hàng nói chung.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đến từ các tổ chức tín dụng, các tập đoàn công nghệ cung cấp giải pháp bảo mật trong nước và quốc tế; đã tích cực chia sẻ, giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ đang được áp dụng thành công tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài ngành.

N.H

BIDV tiên phong triển khai Khung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tài trợ thương mạiBIDV tiên phong triển khai Khung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tài trợ thương mại
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏChiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Tuổi trẻ VCBS chung tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hộiTuổi trẻ VCBS chung tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội

vietinbank
thaco