Quý "hụt chân" của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

15:57 | 22/05/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Kết quả kinh doanh trong quý đầu năm 2023 của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều sa sút so với cùng kỳ khi gánh nặng chi phí kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý đè nặng.

Áp lực chi phí đè nặng lên kết quả kinh doanh quý I

Quý đầu năm 2023, phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều “phai màu” khi gánh nặng chi phí kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý doanh nghiệp đã thổi bay đà tăng lợi nhuận.

Đơn cử tại Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (mã: BLI), quý I/2023 doanh thu thuần bảo hiểm tăng nhẹ 7%, đạt hơn 248 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh 55% so cùng kỳ, lên hơn 221 tỷ đồng, do chi phí bồi thường cao gấp 2,8 lần cùng kỳ, đạt hơn 110 tỷ đồng.

Với chi phí tăng cao hơn doanh thu, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BLI giảm 48% so cùng kỳ, còn gần 67 tỷ đồng.

Thêm vào đó, hoạt động đầu tư tài chính của BLI cũng có lợi nhuận giảm 77% so cùng kỳ, còn gần 18 tỷ đồng do lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm đến 100%, còn gần 8 triệu đồng khi tình hình thị trường chứng khoán bất lợi hơn so với quý I năm trước.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều có lợi nhuận giảm mạnh khiến BLI sụt giảm 81% lợi nhuận ròng, còn gần 25 tỷ đồng.

Cùng cảnh ngộ, Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (mã: AIC) ghi nhận lợi nhuận ròng quý 1/2023 giảm mạnh đến 75% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 4 tỷ đồng chủ yếu do lợi nhuận hoạt động tài chính giảm giảm 26%, còn hơn 12 tỷ đồng, do lãi kinh doanh chứng khoán giảm 100%, còn gần 18 triệu đồng và cổ tức, lợi nhuận được chia giảm 97%, còn hơn 151 triệu đồng.

Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18%, lên gần 63 tỷ đồng, nên dù lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm đi ngang, lãi ròng AIC vẫn giảm mạnh.

Quý

Một doanh nghiệp bảo hiểm khác là Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (mã: PGI) cũng ngậm ngùi báo lãi giảm trong quý đầu năm. Theo đó, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm giảm7% còn hơn 186 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư tài chính mang về cho Công ty lợi nhuận gần 19 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ, nhưng cũng không thể giúp PGI thoát khỏi cảnh lợi nhuận đi lùi.

Kết quả, doanh nghiệp bảo hiểm này đạt gần 55 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 22% so với cùng kỳ, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7% lên gần 139 tỷ đồng.

Tương tự, Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PVIRe, mã: PRE) ghi nhận lãi ròng quý I/2023 giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 37 tỷ đồng chủ yếu, do lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 18%, còn lãi hơn 24 tỷ đồng và lợi nhuận hoạt động tài chính giảm 14%, chỉ lãi gần 31 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn tia sáng

Kết thúc quý I/2023, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BIC) ghi nhận lợi nhuận ròng tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 78 tỷ đồng, nhờ lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 20% ghi nhận gần 174 tỷ đồng và lợi nhuận hoạt động tài chính tăng 13% lãi hơn 85 tỷ đồng.

Tại "ông lớn" Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH), dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm lỗ hơn 111 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tài chính tăng 23%, lãi hơn 2.494 tỷ đồng và lợi nhuận công ty liên kết gấp 2,6 lần cùng kỳ đã giúp lợi nhuận ròng tăng 10% trong quý I/2023, đạt hơn 528 tỷ đồng.

Quý

Đặc biệt, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (mã: PTI) vẫn ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, lãi hơn 41 tỷ đồng do tiết giảm chi phí quản lý dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm.

Cụ thể, trong quý I, doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm tăng 10%, đạt hơn 1.431 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh hơn doanh thu, tăng 11% lên gần 1.417 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 49% còn hơn 14 tỷ đồng.

Mặt khác, hoạt động tài chính có lợi nhuận tăng 21% so cùng kỳ, đạt hơn 86 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi có kỳ hạn gần 74 tỷ đồng, tăng 24%. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 18%, còn hơn 46 tỷ đồng đã giúp PTI ghi nhận tăng trưởng dương trong quý I/2023.

Một doanh nghiệp bảo hiểm khác là Tổng CTCP Bảo Minh (mã: BMI) ghi nhận lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng không đáng kể trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 31%, đạt hơn 35 tỷ đồng khiến lợi nhuận ròng quý 1 chỉ nhích nhẹ 3% so cùng kỳ, đạt hơn 73 tỷ đồng.

Quý

Công ty Chứng khoán SSI dự báo, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ thấp hơn kết quả năm 2022, ở mức 10 - 12%. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp dự báo sẽ chịu áp lực do lạm phát cao, giá hàng hóa, vật dụng và chi phí y tế tăng lên, cũng như chi phí gia tăng do sự phức tạp của những dịch bệnh mới ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Trong khi đó, mức phí bảo hiểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định dưới áp lực cạnh tranh.

Đối với năm 2023, SSI kỳ vọng kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm sẽ phản ánh hoàn toàn việc lãi suất huy động đã diễn ra trong năm 2022. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ còn được hưởng lợi từ việc giảm áp lực dự phòng toán học khi lãi suất kỹ thuật tăng phù hợp với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn trên 10 năm.

SSI kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư sẽ đủ để bù đắp phần giảm sút của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2023.

Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ biến động khá mạnh giữa các quý. Tuy nhiên, với mức nền so sánh thấp trong quý II và quý III/2022, SSI cho rằng có thể tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ sẽ ở mức cao hơn trong quý II và quý III/2023.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương - Huy Tùng

vietinbank
ajinomoto