Quảng Trị: Khẩn trương thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU

14:15 | 26/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Để góp phần cùng với cả nước khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Quảng Trị: Khẩn trương thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền ngư dân chấp hành các quy định IUU - Ảnh: L.A/https://dulich.petrotimes.vn

Tỉ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn thấp

Theo Luật Thủy sản 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên bắt buộc phải hoạt động ở vùng khơi và phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trong suốt chuyến biển. Đây chính là công cụ để cơ quan chức năng kiểm soát được hoạt động của tàu cá và là cách để ngăn chặn ngay từ đầu những trường hợp tàu cá vượt ranh giới cho phép, vi phạm vùng biển nước ngoài khi hoạt động trên biển. Tuy nhiên đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới có 175/275 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định, đạt tỉ lệ 63,63%, nằm trong nhóm các tỉnh có tỉ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT thấp nhất cả nước.

Giải thích lý do chưa lắp đặt thiết bị GSHT, một ngư dân ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, chủ tàu cá có chiều dài 15,2m, công suất 168 CV cho biết, do trữ lượng hải sản ngày càng ít nên tàu cá làm nghề lưới vây của ông khi thì khai thác ở vùng khơi, khi thì vào đánh bắt ở vùng lộng. Nếu lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT thì ngành chức năng sẽ biết tọa độ đánh bắt và bị phạt vì sai ngư trường. “Có thể tôi sẽ chuyển hẳn tàu cá sang khai thác ở vùng lộng để không phải lắp đặt thiết bị GSHT. Cái khó là tàu cá của tôi đã xuống cấp khá nhiều nên việc cải hoán để giảm chiều dài thân tàu xuống dưới 15m không đơn giản. Việc này sẽ tốn nhiều công sức, tiền bạc trong khi đánh bắt thủy sản ngày càng khó khăn, nhiều chuyến biển thậm chí không đủ chi phí”, ngư dân này chia sẻ.

Còn ngư dân Lê Văn Dũng ở Khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, chủ tàu cá số hiệu QT 21045TS thì lý giải, tàu cá của ông mặc dù có chiều dài lớn hơn 15m nhưng chỉ có công suất 45 CV, chiều cao mạn thấp nên chỉ phù hợp với đánh bắt ở vùng lộng. Nếu phải ra vùng khơi thì sẽ không đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Còn để tiếp tục khai thác ở vùng lộng thì buộc phải cải hoán để rút ngắn chiều dài xuống nhỏ hơn 15m nhưng do kinh phí cải hoán quá lớn nên đến nay ông vẫn chưa thực hiện được.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới như ý thức chấp hành pháp luật về khai thác thủy sản của một số ngư dân còn hạn chế, vẫn cố tình vi phạm khai thác IUU. Chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc việc khai báo trước 1 giờ khi cập và rời cảng theo quy định, gây khó khăn cho việc bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát sản lượng qua cảng. Hệ thống neo đậu của cảng cá Cửa Việt đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu cập cảng khi có nhiều tàu cá cập cảng; chưa có cầu cảng có mái che theo quy định để tàu bốc dỡ, phân loại thủy sản. Một số chủ tàu không cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản theo quy định. 19 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT, 81 tàu có chiều dài trên 15 m nhưng công suất dưới 90 CV gặp khó khăn về kinh tế chưa cải hoán để hoạt động đúng vùng biển quy định và cấp giấy phép khai thác thủy sản; 851 tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m chưa có bằng thuyền trưởng hạng III nên chưa cấp giấy phép được.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến với 28 địa phương ven biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau gần 4 năm kể từ khi EC áp dụng cảnh cáo “thẻ vàng”, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng lưu ý là ngư dân chưa hoàn thiện việc lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT khi hoạt động trên biển. Đây là vấn đề rất quan trọng bởi liên quan đến quản lý, kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, Quảng Trị là một trong 4 tỉnh được lưu ý phải khẩn trương hoàn thành lắp đặt thiết bị GSHT.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, trong tổng số 100 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hiện chỉ có 19 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định. Còn lại 81 tàu cá chưa lắp đặt là do đặc thù của tàu cá Quảng Trị vướng các quy định mới của Luật Thủy sản. Cụ thể, 81 tàu cá này mặc dù có chiều dài từ 15m trở lên nhưng công suất máy lại dưới 90 CV chỉ phù hợp đánh bắt ở vùng ven bờ và vùng lộng. Các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của khối tàu này cũng chỉ đủ điều kiện hoạt động ở vùng hạn chế III (cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 37 hải lý). Do vậy, để nâng cao tỉ lệ lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá, hiện tại Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng phương án hỗ trợ 81 tàu cá này cải hoán hạ chiều dài xuống dưới 15m với định mức hỗ trợ dự kiến lên tới 25 triệu đồng/tàu cá. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến trên 2 tỉ đồng.

“Đối với 19 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT còn lại, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động chủ tàu chấp hành việc lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng ven biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không cho 19 tàu cá này xuất lạch đi khai thác trên biển”, ông Quốc cho hay.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, thông qua phần mềm theo dõi thiết bị GSHT, từ đầu năm đến nay đã kịp thời phát hiện, nhắc nhở 22 tàu cá bị mất kết nối, vi phạm vùng biển nước ngoài. Thực hiện 20 chuyến tuần tra trên biển, kiểm tra hơn 300 lượt tàu cá. Phát hiện và xử lý vi phạm hành chính theo Luật Thủy sản 19 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 56 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là thuyền viên làm việc trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên, khai thác thủy sản sai với nội dung giấy phép; tháo thiết bị GSHT tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp. Cá biệt, đối với vi phạm sử dụng tàu cá có chiều dài từ lớn hơn 15 m đến dưới 24 m khai thác thủy sản tại vùng bờ, ngoài mức xử phạt 25 triệu đồng/trường hợp, lực lượng chức năng còn áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng trong 3 tháng.

Ông Nguyễn Phú Quốc thông tin, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU như không được vi phạm khai thác trên các vùng biển, nhất là vùng biển nước ngoài. Lắp đặt, duy trì hoạt động 24/24 giờ thiết bị GSHT khi hoạt động trên biển; không gỡ kẹp chì thiết bị GSHT. Phải cập cảng chỉ định để bốc dỡ sản phẩm thủy sản. Thông báo trước 1 giờ cho ban quản lý cảng cá khi cập và rời cảng. Ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản đầy đủ, đúng quy định. Đồng thời, đề nghị lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra chặt chẽ tàu cá khi nhập và xuất lạch, không để các tàu cá không bật thiết bị GSHT vẫn xuất lạch đưa tàu đi khai thác thủy sản như trong thời gian vừa qua, do các tàu này có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, nhất là nguy cơ vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài làm ảnh hưởng đến công tác chống khai thác IUU của tỉnh.

https://dulich.petrotimes.vn

Báo Quảng Trị