Quản lý tổng hợp vùng bờ - hài hòa lợi ích để phát triển

19:15 | 09/11/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Quản lý tổng hợp vùng bờ là phương thức quản lý đạt hiệu quả cao trong sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các ngành, địa phương và các bên liên quan khác.
Quản lý tổng hợp vùng bờ - hài hòa lợi ích để phát triển
Phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ đã được chính thức hóa và dần phát huy tác dụng trong quản lý tài nguyên biển, đảo ở Việt Nam, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Vùng bờ là vùng tương tác của đất và biển, chịu tác động của các quá trình sinh học và vật lý cả trên biển và đất liền, được xác định là khu vực quan trọng cho quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Nhiều ngành kinh tế sử dụng vùng bờ để phát triển. Đây cũng là nơi sinh sống của hàng triệu cư dân. Quản lý tổng hợp vùng bờ là phương thức quản lý nhằm tối ưu hóa lợi ích của tài nguyên này.

Những bước đầu tiên quản lý tổng hợp vùng bờ

Quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB) thực sự bắt đầu được áp dụng trên thực tế tại Việt Nam từ năm 2000 thông qua hai dự án quốc tế là: Dự án UNDP/IMO/PEMSEA và Dự án Việt Nam - Hà Lan về Quản lý tổng hợp dải ven biển, 2000 - 2005.

QLTHVB được công nhận rộng rãi trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển sau khi Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2007.

Đến nay, nhiều dự án, hoạt động QLTHVB đã được xây dựng và triển khai ở cấp trung ương cũng như địa phương bằng nguồn ngân sách quốc gia, địa phương và nguồn tài trợ từ nước ngoài, hỗ trợ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước thống nhất và tổng hợp về biển và hải đảo. Nhiều tỉnh, thành ven biển đã tích cực tham gia và tổ chức xây dựng, triển khai các dự án, nhiệm vụ về QLTHVB tại địa phương minh.

Có thể kể đến hàng loạt tỉnh, thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Kiên Giang tham gia Dự án PEMSEA-VASI; Quảng Ninh và Hải Phòng hiện đang triển khai Dự án “Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp vùng cửa sông Hải Phòng và các vịnh Hạ Long và Bái Tử Long”; Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai Dự án Thiết lập nền tảng cho quản lý tổng hợp vùng bờ ở một số tỉnh ven biển của Việt Nam; Nghệ An là địa phương triển khai liên tục 2 dự án QLTHVB tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020; Quảng Ngãi triển khai liên tục dự án tổng thể QLTHVB tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012 - 2015 và Kế hoạch QLTHVB tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020.

Luật hóa phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ

Sau hơn 20 năm nghiên cứu, thử nghiệm xây dựng và áp dụng các mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ, Việt Nam đã hình thành khung chính sách, luật pháp về quản lý tổng hợp vùng bờ.

Liên quan trực tiếp đến quản lý tổng hợp vùng bờ phải kể đến Luật TNMT Biển và Hải đảo và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNMT Biển và Hải đảo, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý tổng hợp đới bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Thông tư số 49/2017/TT-BTNMT quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.

Luật Quy hoạch và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt tương ứng vào các năm 2017, 2018, coi phân vùng chức năng và sắp xếp, bố trí hợp lý không gian biển cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, là điều kiện tiên quyết và đầu vào quyết định của quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Về tổ chức, ngành biển, đảo được trao nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động về quản lý tổng hợp vùng bờ. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban điều phối thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện Chiến lược trên phạm vi cả nước. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Cơ quan thường trực của Ban điều phối. Cơ chế điều phối liên ngành hỗ trợ quản lý tổng hợp vùng bờ cũng đã được thiết lập ở một số địa phương có biển.

Như vậy, quản lý tổng hợp vùng bờ đã được chính thức hóa và dần phát huy tác dụng trong quản lý tài nguyên biển, đảo ở Việt Nam.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hải Đăng

monre.gov.vn