Quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Đảng ngành Dầu khí Việt Nam

14:12 | 02/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Kể từ ngày thành lập đến nay, ngành dầu khí luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, và các địa phương hỗ trợ về nhiều mặt nên đã có những bước trưởng thành nhanh chóng, và đóng góp quan trọng vào Ngân sách nhà nước; trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh giữ vai trò trụ cột, chủ đạo của nền kinh tế đất nước.
Quá trình xây dựng và phát triển, tổ chức Đảng ngành Dầu khí Việt Nam các giai đoạn nào?
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Adecbaigian nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp Dầu khí mạnh”, được sự ủng hộ Liên Xô, từ cuối những năm 1950 Chính phủ Việt Nam đã mời chuyên gia Liên Xô sang giúp điều tra địa chất dầu khí.

Ngay sau khi Tổng cục Địa chất Việt Nam được thành lập, ngày 27/11/1961, Đoàn Thăm dò dầu lửa (số hiệu là Đoàn 36 dầu lửa, nhưng quen gọi là Đoàn 36) đã chính thức ra đời. Hoạt động của Đoàn 36 đã tạo tiền đề để ngày 09/10/1969 Chính phủ quyết định thành lập Liên đoàn Địa chất 36 trên cơ sở mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động thăm dò dầu khí ở miền Bắc.

Sau giải phóng miền Nam, ngày 03/09/1975 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam; đến ngày 6/7/1990 thành lập Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam; và ngày 19/08/2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 198/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam” và Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg thành lập “Công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.

Kể từ ngày thành lập đến nay, ngành dầu khí luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, được các Bộ/ban/ngành của Trung ương và các địa phương hỗ trợ về nhiều mặt nên đã có những bước trưởng thành nhanh chóng, liên tục tăng trưởng cao và đóng góp quan trọng vào Ngân sách nhà nước; trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh giữ vai trò trụ cột, chủ đạo của nền kinh tế đất nước. Đến cuối năm 2010, ngoài Công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có 32 đơn vị thành viên với tổng số trên 50.000 lao động làm việc trên khắp đất nước và ở một số vùng, lãnh thổ ngoài nước.

Thực hiện Kết luận số 31-KL/TW, ngày 06/11/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 17/12/2008 Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đã quyết định thành lập Đảng bộ toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đến cuối năm 2010, Đảng bộ toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có trên 10.000 đảng viên, sinh hoạt tại 26 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 11 đảng bộ cơ sở mà Đảng ủy được giao quyền cấp trên cơ sở, 13 đảng bộ cơ sở và 02 chi bộ cơ sở.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, tổ chức Đảng ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua các giai đoạn sau đây:

1. Giai đoạn trước năm 1975: Tổ chức đảng ở Đoàn 36/Liên đoàn Địa chất 36.

2. Giai đoạn 1975-1990: Tổ chức đảng trong Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.

3. Giai đoạn 1990-2006: Tổ chức đảng trong Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

4. Giai đoạn 2007-2010: Tổ chức đảng trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

* Trích Lịch sử ngành Dầu khí, tập III, phần thứ năm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2006-2010.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Ngọc Hà