Phú Yên: Vượt khó để bám biển khai thác

19:12 | 04/11/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tranh thủ thời tiết còn thuận lợi, ngư dân ở các vùng biển trong tỉnh tăng cường ra khơi bám biển khai thác, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường và phục vụ chế biến xuất khẩu.
Phú Yên: Vượt khó để bám biển khai thác
Các ngư dân chuẩn bị cho chuyến biển mới. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG/https://dulich.petrotimes.vn

Tăng cường ra khơi

Theo Sở NN-PTNT, thực hiện Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết tháng 9 năm nay, toàn tỉnh đã có 984 chuyến biển của ngư dân ở các địa phương được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ tiền nhiên liệu với tổng số tiền hỗ trợ hơn 74 tỉ đồng. Đồng thời UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho phép 216 tàu cá được khai thác ở vùng biển xa.

Những ngày cuối tháng 10, thời tiết ở các vùng biển khu vực miền Trung vẫn còn thuận lợi, nhiều ngư dân tăng cường ra khơi đánh bắt, nỗ lực hết mình để duy trì chuỗi cung ứng thủy sản.

Sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, thuyền cá của gia đình ngư dân Nguyễn Văn Lâm ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) vừa trở về bờ để bán số thủy sản khai thác được. Tuy nhiên lần này, ông Lâm không ở nhà nghỉ ngơi như mọi khi mà lại tất bật chuẩn bị để tiếp tục ra khơi. Ông Lâm cho biết: Khoảng 1 tháng nữa khu vực miền Trung sẽ vào mùa biển động, bão gió liên tục, lúc ấy thì chỉ có nằm bờ dài dài nên tôi tranh thủ lúc này đi được chuyến nào đỡ chuyến ấy, kiếm thêm ít thu nhập để chuẩn bị tu bổ tàu thuyền cho mùa khai thác năm sau.

Tương tự đợt này, tàu cá của ngư dân Lương Ró ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cũng liên tục bám biển. Theo ông Lương Ró, mùa này biển không nhiều cá, tàu đi có chuyến đói chuyến no nhưng ông vẫn bám biển, lấy chuyến no đắp bù chuyến đói. Bởi nếu không đi, bỏ thuyền phơi nắng thì dễ bị nứt hư, xối nước lại (tu sửa, làm nước thuyền lại - PV) tốn nhiều chi phí mà cũng không ngon.

Theo nhiều chủ thuyền, hiện dịch COVID-19 tại Phú Yên đã cơ bản được kiểm soát, thủ tục xuất bến ra khơi, tìm kiếm bạn đi thuyền cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với những tháng có dịch. Cùng với đó hoạt động lưu thông, mua bán hàng hóa được thông suốt, việc tiêu thụ thủy sản cũng thuận lợi hơn trước. Đầu ra rộng mở nên hầu hết các thuyền cá đều vươn khơi đánh bắt.

Ông Đoàn Thượng Huỳnh, đại diện Văn phòng nghề cá tại Cảng cá Đông Tác, cho hay: Trong suốt đợt giãn cách do COVID-19 vừa qua, mỗi lần xuất bến là mỗi lần khó. Toàn bộ các thuyền viên muốn xuất bến, về bến đều phải test COVID-19 để đủ điều kiện ra vào cảng. Đồng thời việc đi lại bị hạn chế, bạn thuyền thiếu thốn khiến nhiều thuyền câu phải nằm bờ. Hiện nay, mọi khó khăn đã giảm nên ngư dân tích cực vươn khơi đánh bắt, đảm bảo nguồn cung thủy sản cho thị trường tiêu dùng và chế biến xuất khẩu trong thời gian tới.

Phú Yên: Vượt khó để bám biển khai thác
Sau nhiều ngày khai thác trên biển ngư dân cập bến, đưa cá vào cảng cá Tiên Châu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) tiêu thụ. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG/https://dulich.petrotimes.vn

Tích cực hỗ trợ ngư dân

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan ở xã An Ninh Đông chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, số chuyến biển hòa vốn hoặc thua lỗ diễn ra thường xuyên, nhưng tàu cá của gia đình tôi vẫn liên tục vươn khơi. Gánh nặng chi phí chuyến biển của nhiều ngư dân ở đây được giảm bớt phần nào khi cơ sở cung ứng nguyên vật liệu cho các tàu cá không lấy tiền ngay. Toàn bộ nguyên liệu như xăng dầu, đá lạnh…, chủ các cơ sở đều cho nợ, khi tàu vào có cá thì trả hết, còn nếu biển đói không được mùa thì trả dần.

Theo nhiều ngư dân, từ nhiều tháng nay, biển rất vắng cá, phần lớn những chuyến biển sau hơn 20 ngày lênh đênh ngoài khơi chỉ đánh bắt được từ 5-10 con cá ngừ đại dương. Cùng với đó, giá cá ngừ đại dương lại hạ thấp chỉ từ 100.000-110.000 đồng/kg nên hầu hết chuyến biển đều lỗ tổn. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ nên ngư dân mới dám vươn khơi bám nghề, bám biển. Ngư dân Trần Văn Thịnh ở xã An Ninh Đông cho hay: Mỗi lần xuất bến mình phải chi cho 10 bạn thuyền mỗi người 2 triệu đồng, cộng chi phí dầu, nhu yếu phẩm, thuốc men… hết gần 100 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng đánh bắt được rất thấp, bình quân khoảng 500kg/chuyến, tương đương với thu nhập 50 triệu đồng là chưa đủ tổn. Nhưng nhờ mỗi chuyến đánh bắt biển xa, tàu cá của gia đình được Nhà nước hỗ trợ 55 triệu đồng (mỗi tàu đánh bắt xa được hỗ trợ 4 chuyến/năm - PV) nên cũng đắp đổi đủ chi phí vươn khơi.

Hiện nay, để hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi đánh bắt, giúp bà con giảm bớt mối lo tiền nhiên liệu cho chuyến biển, ngành chức năng tập trung đẩy mạnh giải ngân tiền hỗ trợ cho các chủ thuyền theo Quyết định 48 của Chính phủ dành cho tàu cá xa bờ. Chính vì vậy, dù chuyến biển khai thác không đạt sản lượng, các chủ tàu vẫn có một khoản chi phí nhất định để trả công cho bạn thuyền.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đào Quang Minh cho hay: Ngoài các chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 thì lúc này việc đảm bảo an toàn, giữ cho các cảng cá thuộc vùng xanh để không phải đóng cửa cũng là một việc cấp thiết mà chúng tôi đang tăng cường. Ngoài ra, rất mong các ngành chức năng quan tâm, ưu tiên nguồn vắc xin ngừa COVID-19 cho lực lượng ngư dân tham gia khai thác thủy sản để đảm bảo được việc đi khai thác trên biển.

Còn theo ông Phạm Quang Quầm, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Ninh Đông, trong giai đoạn toàn xã hội vẫn còn đang gồng mình chống chọi với dịch COVID-19, ngoài ngư dân thì các doanh nghiệp thu mua thủy sản cũng cần được hỗ trợ về vốn để doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, có vốn thu mua giữ giá thủy sản cho bà con, giúp ngư dân có động lực vươn khơi liên tục khi thời tiết còn thuận lợi.

Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn tỉnh tăng 5,3%

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay vụ nuôi trồng thủy sản 2021 của tỉnh đã kết thúc với nhiều kết quả khả quan. Theo đó, toàn tỉnh đã thả nuôi được 2.650ha thủy sản, tăng 1,9% so với năm trước; tổng số lồng nuôi thủy sản của toàn tỉnh là 110.369 lồng, tăng 1,8%, trong đó tôm hùm thịt được gần 83.000 lồng, tôm hùm ương gần 24.300 lồng, cá biển các loại hơn 3.100 lồng… Ước tính tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt gần 12.000 tấn, tăng 5,3% so với năm 2020.

https://dulich.petrotimes.vn

Báo Phú Yên online