Phát triển bền vững nghề khai thác hải sản xa bờ

09:36 | 01/11/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Như nhiều địa phương có biển trong cả nước, những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác hải sản xa bờ, khắc phục tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp, đánh bắt ven bờ…, nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng.

Để phát triển bền vững nghề khai thác hải sản xa bờ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định cần có những chính sách thiết thực hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa đội tàu, nâng cao kiến thức về khai thác, bảo quản hải sản, bảo vệ tài nguyên biển, chấp hành các quy định về pháp luật trên biển…

Đội tàu “đông nhưng không mạnh”

Hiện nay, ngư trường Đông Nam Bộ được xem là ngư trường lớn nhất, chiếm tới 40% sản lượng hải sản khai thác xa bờ của cả nước, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu có đội tàu hùng hậu nhất, với gần 6.000 tàu cá; số tàu cá khai thác xa bờ (chiều dài tàu 15 m trở lên) lên tới hơn 2.800 chiếc. Số còn lại chủ yếu là các tàu công suất nhỏ, ghe thúng, đánh bắt ven bờ theo hình thức lưới kéo, giã cào. Đã nhiều lần đến thăm các cảng cá nhưng thật khó để chúng tôi có thể tìm được những ngư dân hiểu quy luật sinh tồn của các loài hải sản trong vùng. Một ngư dân ở Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết: “Bao năm nay, ngư dân chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài. Môi trường ô nhiễm, đánh bắt tận diệt tràn lan. Giờ là lúc chúng ta phải gánh chịu. Ngư trường cạn kiệt, năng suất không cao như trước, là lý do khiến không ít ngư dân vướng vòng lao lý khi phải đánh bắt hải sản trộm ở vùng biển nước ngoài”.

Từng được mệnh danh là “làng tỷ phú”, giàu lên từ khai thác thủy hải sản xa bờ, gần đây, cuộc sống của nhiều ngư dân làng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền ngày một đi xuống. Thông tin về tàu cá bị nước ngoài bắt giữ lâu lâu lại xuất hiện. Thậm chí có thời gian rộ lên tin đồn về những đường dây “chạy” cho tàu, thuyền bị nước ngoài bắt giữ trở về với giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ doanh nghiệp tư nhân Thuận Huệ, từng sở hữu nhiều tàu khai thác và dịch vụ hậu cần trên biển tâm sự: “Tàu cá Thuận Huệ từng dọc ngang trong lộng, ngoài khơi, mỗi chuyến đi biển lời cả trăm triệu đồng. Khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Thuận Huệ cũng là một trong những “hộ” đầu tiên được vay vốn đóng tàu. Nhưng đến giờ, có thể nói, càng đi càng lỗ. Trước tàu ra khơi chừng năm chục hải lý đã có cá, nay phải chạy xa gấp hai, gấp ba lần. Năng suất sụt giảm nhưng giá vật tư, thiết bị lại tăng chóng mặt. Lỗ chồng lỗ, ngư dân nào đóng mới tàu, thuyền trong 5 năm trở lại đây đều ôm nợ ngân hàng”.

Phát triển bền vững nghề khai thác hải sản xa bờ
Lãnh đạo TP Vũng Tàu tặng quà, động viên ngư dân ra khơi sau thời gian giãn cách xã hội./https://dulich.petrotimes.vn

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong số hơn 2.800 tàu đánh bắt xa bờ, hầu hết đều là tàu vỏ gỗ đã cũ, thiết kế truyền thống, điều kiện sinh hoạt của ngư dân rất khó khăn. Năm 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quy định ngừng đóng tàu vỏ gỗ nhằm từng bước hiện đại hóa đội tàu đánh bắt, đồng thời, giảm số lượng các tàu khai thác ven bờ theo hình thức tận diệt nhưng kết quả không như mong đợi. Ngư dân Nguyễn Văn Tài, phường 5, thành phố Vũng Tàu cho biết: “Tàu vỏ gỗ có nhược điểm là hầm đá nhỏ, khả năng giữ nhiệt không cao, nhưng ưu điểm là có thể hoạt động trên biển liên tục 12 tháng mới cần lên ụ để duy tu, bảo dưỡng. Trong khi đó, tàu vỏ sắt chỉ khoảng sáu tháng là phải bảo dưỡng, cần có vốn lớn”. Trong toàn tỉnh, số phương tiện hành nghề lưới kéo, giã cào vẫn rất lớn, tới hơn 1.000 chiếc. Dẫu vậy, phương thức khai thác này lại đóng góp đáng kể vào sản lượng hải sản khai thác của địa phương. Việc chuyển đổi ngành nghề cho các lao động làm nghề lưới kéo, giã cào cũng gặp khó khăn, không thể thực hiện đúng quy hoạch.

Phát triển bền vững

Thăm các làng chài ven biển, trong đó có những làng chài từng nổi tiếng một thời, như Phước Tỉnh, Long Hải (Long Điền), Bình Châu (Xuyên Mộc)…, không khó để tìm ra những dãy nhà trọ tồi tàn, nơi cư ngụ của ngư dân làm nghề biển. Tại các khu nhà trọ này, ngày thường chỉ có phụ nữ và trẻ em. Đàn ông lênh đênh sóng nước lâu lâu mới trở về nhà. Đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, các xóm trọ này đều trở thành “điểm nóng”.

Bí thư Huyện ủy Long Điền Lê Ngọc Linh cho biết: Xóm trọ của ngư dân rất tạm bợ, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn nên tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh cao và khó kiểm soát. Lao động nghề biển vốn cực nhọc, nhiều rủi ro nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm lao động đi biển diễn ra tại hầu hết các cảng cá. Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ doanh nghiệp tư nhân Thuận Huệ chia sẻ, hiện ngư dân không mặn mà với nghề biển. Thời gian qua, nhiều tàu cá phải nằm bờ. Nhiều chủ tàu mất tiền oan vì ứng trước tiền đi biển cho thuyền viên nhưng có người bỏ trốn. Đã xuất hiện những đường dây lừa, ép người đi biển. Anh Nguyễn Văn Quyết, có gần mười năm đi biển tâm sự: “Đi biển phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày. Sản lượng khai thác ngày càng ít đi nên thu nhập bấp bênh. Giờ em lên bờ chạy xe ôm vừa gần vợ con, vừa đỡ vất vả”. Không mặn mà với nghề biển nên không thể “đòi hỏi” những lao động đi biển phải hiểu về các quy định pháp luật trên biển, về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bí thư Đảng ủy Chi đội Kiểm ngư số 2 Ngô Đăng Hoài cho biết, qua tuần tra, kiểm soát, vẫn phát hiện một số tàu hoạt động sai vùng, tuyến; thiếu giấy tờ theo quy định, không bảo đảm các điều kiện về an toàn hàng hải; khai thác tự do, tự phát, sử dụng cả các hình thức đánh bắt tận diệt, như dùng thuốc nổ, xung điện...

Báo cáo tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu về thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái pháp luật thì từ tháng 8/2019 đến tháng 3/2020, tình trạng tàu cá vi phạm có giảm. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến 12/2020 lại tiếp tục tái diễn với 11 vụ/23 tàu cá bị lực lượng chức năng nước ngoài truy đuổi và bắt giữ. Ông Ngô Đăng Hoài cho biết: Các tàu cá thường tập trung thành từng tốp 5-10 tàu hoạt động ở khu vực giáp ranh, tháo hệ thống giám sát hành trình để lắp sang một tàu khác hoạt động trong khu vực biển của nước ta, các tàu còn lại lợi dụng đêm tối trốn sang vùng biển nước ngoài khai thác. Phần lớn các tàu cá vi phạm là các tàu cũ, sơn biển kiểm soát giả, không có tên trong danh sách đăng ký, quản lý tại địa phương, khi bị bắt, chủ tàu sẵn sàng bỏ tàu để không bị phạt…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm tổng sản lượng khai thác thủy sản biển cả nước ước đạt gần 3 triệu tấn. Việc chưa gỡ bỏ được “thẻ vàng” của EC đang là thách thức đối với nước ta, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển bền vững nghề khai thác hải sản xa bờ, những giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” chỉ là trước mắt. Về lâu dài, Chính phủ, các bộ, ngành cần có những chính sách thiết thực hỗ trợ đời sống cho bà con ngư dân, từng bước hiện đại hóa đội tàu, nâng cao kiến thức về khai thác, bảo quản hải sản, tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường biển, tài nguyên biển. Chúng ta đã và đang lạc lõng khi hầu hết các quốc gia có biển đều có quy định cấm khai thác hải sản trong mùa sinh sản. Biển cả bao la nhưng tài nguyên biển không phải là vô tận.

https://dulich.petrotimes.vn

Báo Nhân Dân