Mỹ công bố kế hoạch giảm phát thải CO2 từ những nhà máy điện khí đốt và than

12:09 | 14/05/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vào hôm 11/5, chính phủ của ông Joe Biden đã công bố kế hoạch giảm lượng khí thải CO2 từ những nhà máy điện khí và điện than kể từ năm 2030. Mỹ sẽ đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này, nhằm tiếp tục giữ cam kết về khí hậu của họ.
Mỹ công bố kế hoạch giảm phát thải CO2 từ những nhà máy điện khí đốt và than

Một trong số những quy định mới này bao gồm yêu cầu một số nhà máy nhiệt điện than bắt buộc phải thu giữ phần lớn lượng khí thải CO2 của họ, thay vì thải chúng vào khí quyển.

Khi đi vào hiệu lực, đây sẽ là những hạn chế đầu tiên về hoạt động phát thải do Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) áp đặt lê những nhà máy hiện nay.

Sản xuất điện chiếm khoảng một phần tư lượng khí nhà kính do Mỹ phát thải. Tại Mỹ, đây là lĩnh vực phát thải lớn thứ hai sau giao thông vận tải.

Giám đốc EPA Michael Regan nói: “Trên khắp đất nước của chúng ta, người Mỹ đang nhìn thấy và cảm nhận được những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.” Đồng thời ông cho biết, ý tưởng phát triển những quy định này đã xuất hiện từ thời Tổng thống Barrack Obama. Tuy nhiên, kế hoạch đã vấp phải sự phản đối và bị khởi kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ.

Với kế hoạch này, Mỹ sẽ ngăn chặn phát thải hơn 600 triệu tấn khí CO2 trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2042 – tương đương với lượng khí thải của tất cả xe ô tô Mỹ trong 6 tháng. Theo EPA, kế hoạch sẽ có tác động “không đáng kể” lên giá mua điện.

Kế hoạch dựa chủ yếu vào những kỹ thuật thu giữ và lưu trữ CO2, vốn vẫn chưa phổ biến và tốn kém.

Sau khi thông qua Đạo luật giảm lạm phát (IRA) vào năm 2022, chính phủ Mỹ bắt đầu đặt cược vào sự phát triển của chúng. Những ưu đãi của IRA bao gồm tăng tín dụng thuế cho những nhà máy điện sử dụng các kỹ thuật này.

Theo những quy định mới, từ năm 2030, các nhà máy nhiệt điện than có kế hoạch tiếp tục hoạt động sau năm 2040 phải lắp đặt công nghệ có khả năng thu hồi 90% lượng khí CO2 mà họ thải ra.

Mặt khác, không có hạn chế nào được đặt ra đối với những nhà máy nhiệt điện than đóng cửa từ năm 2032, hoặc thậm chí là đến năm 2035 đối với những nhà máy hoạt động dưới 20% công suất.

EPA lập luận rằng, công việc lắp đặt những công nghệ này tốn nhiều thời gian, nhưng sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho những nhà máy còn hoạt động lâu dài.

“Chuỗi hành động”

Những nhà máy điện khí đốt có quy mô cực lớn phải thu hồi được 90% lượng CO2 mà họ thải ra trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2035, hoặc sử dụng hydrogen có hàm lượng carbon thấp ở mức 30% vào năm 2032 và 96% vào năm 2038.

Ông Michael Regan cam kết, những đề xuất này “phù hợp 100%” với những cam kết mà ông Joe Biden đưa ra - sản xuất điện không carbon từ năm 2035. Theo ông, đây là “một phần trong chuỗi hành động”.

Vào năm 2015, ông Barack Obama đã công bố kế hoạch giảm lượng khí thải CO2 từ những nhà máy điện, dẫn tới khả năng bắt buộc chuyển dịch từ than đá sang những nguồn năng lượng khác. Tuy nhiên, kế hoạch vấp phải làn sóng phản đối từ các bang trước khi có thể đi vào hiệu lực. Trong quá trình phân xử, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra lệnh hạn chế hoạt động của EPA từ năm 2022.

Với lệnh của tòa án, những quy định này nằm ngoài thẩm quyền của EPA.

EPA đã cố gắng tránh cạm bẫy này, bằng cách đề xuất thiết kế những quy định riêng tùy theo mẫu nhà máy điện, mức độ sử dụng hoặc thậm chí lịch đóng cửa của chúng. Ông Regan cũng cam kết, những quy định này sẽ đi theo “lối tiếp cận truyền thống” mà EPA luôn sử dụng để thi hành “Đạo luật Không khí sạch”. Ông nói: “Chúng tôi tự tin cho rằng cơ quan vẫn đang tuân thủ đúng giới hạn của mình”.

Các quy định mới dự kiến ​​sẽ được hoàn thiện vào năm 2024, sau giai đoạn tranh luận công khai.

Mỹ công bố kế hoạch giảm phát thải CO2 từ những nhà máy điện khí đốt và than

“Bước ngoặt” hay “trò đánh lạc hướng”?

Ông Dan Lashof – công tác tại Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), nói với AFP rằng những quy định này là “dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên ô nhiễm triền miên bởi những nhà máy điện sắp kết thúc”. Còn bà Julie McNamara - thuộc Hiệp hội những Nhà khoa học quan tâm (The Union of Concerned Scientists - UCS), thì cho rằng đấy là “một bước ngoặt”. Tuy nhiên, cả hai đều muốn đề xuất này phải tiến xa hơn, và áp dụng không chỉ riêng với nhà máy điện khí.

Những nhóm hoạt động môi trường khác cũng chỉ trích gắt gao những kỹ thuật thu hồi và lưu trữ carbon (CCS). Họ lo ngại công nghệ này sẽ tạo điều kiện cho những nhà máy điện gây ô nhiễm tiếp tục hoạt động, thay vì chuyển trực tiếp sang năng lượng tái tạo. Một quan chức của Liên minh Công lý vì Khí hậu (Climate Justice Alliance) đã gọi đây là “trò đánh lạc hướng".

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hiện chỉ có khoảng 35 địa điểm thu giữ và lưu trữ CO2 trên toàn thế giới được thiết kế để phục vụ cho quy trình công nghiệp hoặc sản xuất điện. Ông Jay Duffy thuộc tổ chức Lực lượng Đặc nhiệm Không khí Sạch (Clean Air Task Force) cho biết: “Công nghệ kiểm soát ô nhiễm không cần phải hiện diện ở mọi ngóc ngách để trở thành một tiêu chuẩn”.

Ông Mitch McConnell - Lãnh đạo Phe thiểu số Thượng viện Mỹ, cho biết: EPA đang áp đặt một “thời hạn không mang tính khả thi” và “những công nghệ chưa được chứng minh”, gây nguy cơ “giá điện tăng và mất điện”. Trong thập kỷ qua, số lượng nhà máy nhiệt điện than bị đóng cửa đã tăng lên đáng kể.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), vào năm 2022, khoảng 60% sản lượng điện ở Mỹ đến từ những nhà máy điện khí đốt (40%) hoặc than đá (20%). Phần còn lại đến từ năng lượng tái tạo (21,5%) và hạt nhân (18%).

Na-uy dẫn đầu đầu tư năng lượng xanh, cơ hội cho các nước phát triểnNa-uy dẫn đầu đầu tư năng lượng xanh, cơ hội cho các nước phát triển
Eni tăng cường chuyển dịch năng lượng, BP cố gắng giảm phát thải CO2Eni tăng cường chuyển dịch năng lượng, BP cố gắng giảm phát thải CO2
Vai trò của năng lượng sạch trong việc giảm phát thải CO2 trong năm 2022Vai trò của năng lượng sạch trong việc giảm phát thải CO2 trong năm 2022

Ngọc Duyên

AFP