Một số thông tin cơ bản về Luxembourg

20:46 | 27/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đại Công quốc Luxembourg thành lập năm 963. Trong suốt gần 3 thế kỷ XVI, XVII và XVIII, Luxembourg lần lượt bị Tây Ban Nha (1506-1584), Pháp (1614-1697), Áo (1714-1794) xâm chiếm và thống trị. Hội nghị Viên (1814-1815) đã thừa nhận Luxembourg là một quốc gia độc lập
Một số thông tin cơ bản về Luxembourg
Bản đồ Đại Công quốc Luých-xăm-bua, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. KHÁI QUÁT CHUNG:

Tên nước: Đại Công quốc Luých-xăm-bua (Grand-Duché de Luxembourg)

Thủ đô: Thành phố Luých-xăm-bua (Ville de Luxembourg)

Ngày Quốc khánh: 23/06 (ngày sinh Đại Công tước Charlotte)

Vị trí địa lý: Nằm ở trung tâm Tây Âu, phía Đông giáp Đức, phía Tây giáp Bỉ, phía Nam giáp Pháp.

Diện tích: 2.586 km2

Khí hậu: Ôn đới

Dân số: 647.500 (2022)

Dân tộc: Người gốc châu Âu 86,5% (trong đó người gốc: Bồ Đào Nha 15,55%, Pháp 7,6%, Italia 3,74%), người gốc Á 3%.

Ngôn ngữ: Tiếng Luxembourg là ngôn ngữ quốc gia; tiếng Pháp, Đức là ngôn ngữ hành chính; tiếng Anh được dùng thông dụng.

Đơn vị tiền tệ: Euro

GDP: 91 tỷ $ (2022)

GDP/người: 141,587 $ (2022)

Tôn giáo: Thiên Chúa giáo

Lãnh đạo chủ chốt:

- Đại Công tước Hen-ri (Henri, từ ngày 07/10/2000);

- Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc vụ, kiêm Bộ trưởng Truyền thông và Phương tiện Truyền thông, Bộ trưởng Tín ngưỡng, Bộ trưởng Kỹ thuật số và Bộ trưởng Cải cách hành chính Da-vi-ê Bê-ten (Xavier Bettel, từ năm 2013);

- Chủ tịch Quốc hội Phéc-năng Ét-ghen (Fernand Etgen, từ năm 2018).

- Ngoại trưởng Giăng A-xen-bon, kiêm Bộ trưởng Nhập cư và tị nạn (Jean Asselborn, từ năm 2013);

II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:

Đại Công quốc Luxembourg thành lập năm 963. Trong suốt gần 3 thế kỷ XVI, XVII và XVIII, Luxembourg lần lượt bị Tây Ban Nha (1506-1584), Pháp (1614- 1697), Áo (1714-1794) xâm chiếm và thống trị. Hội nghị Viên (1814-1815) đã thừa nhận Luxembourg là một quốc gia độc lập. Tại Hội nghị Luân Đôn năm 1867, Luxembourg tuyên bố là quốc gia trung lập vĩnh viễn. Trong Chiến tranh Thế giới I và II, Luxembourg bị Đức xâm chiếm.

Năm 1949, Luxembourg từ bỏ chính sách trung lập và gia nhập NATO. Luxembourg là thành viên sáng lập Cộng đồng Than Thép châu Âu (năm 1951), Cộng đồng Kinh tế châu Âu (năm 1957) và Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (năm 1957), tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay.

III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ:

Luxembourg là một nước quân chủ lập hiến. Đứng đầu quốc gia là Đại Công tước cha truyền con nối. Đại Công tước không tham gia nhiều vào đời sống chính trị của đất nước, nhưng chia sẻ quyền lập pháp với Nghị viện qua quyền đề xuất luật và công bố luật mà Nghị viện đã thông qua, quyền triệu tập các phiên họp đặc biệt của Nghị viện. Đại Công tước cũng chia sẻ quyền hành pháp với Chính phủ, đặc biệt qua việc thi hành luật, qua chức năng là tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, đại diện cho quốc gia và ký kết các hiệp ước quốc tế. Đại Công tước có quyền giải tán Nghị viện.

Quốc hội Luxembourg chỉ có một Viện, gồm 60 đại biểu, có nhiệm kỳ 5 năm, được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Cuộc bầu cử Quốc hội gần nhất diễn ra vào ngày 14/10/2018. Một số đảng chính trị lớn trong Quốc hội gồm:

+ Đảng Dân chủ (DP, thành lập năm 1955), đảng cánh hữu theo đường lối tự do, là Đảng của Thủ tướng đương nhiệm Xavier Bettel.

+ Đảng Công nhân Xã hội Luxembourg (LSAP, thành lập năm 1945), theo đường lối xã hội dân chủ.

+ Đảng Xanh (déi gréng, thành lập năm 1983) vì môi trường. Sau bầu cử Quốc hội năm 2013, Đảng Xanh đã liên minh cùng các đảng DP và LSAP và Liên minh 3 đảng DP-LSAP-Đảng Xanh đã giành đa số tại bầu cử Quốc hội năm 2018.

+ Đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSV, thành lập năm 1944), đảng cánh hữu ôn hoà và là đảng của cựu Thủ tướng Jean-Claude Junker.

Chính phủ nắm quyền hành pháp và có quyền dự thảo luật. Chính phủ đương nhiệm được thành lập sau cuộc bầu cử ngày 14/10/2018, là chính phủ liên minh giữa đảng Dân chủ DP, LSAP và đảng Xanh. Các thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng, 02 Phó Thủ tướng, 14 Bộ trưởng.

IV. KINH TẾ:

Luxembourg là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong EU và nợ công thấp nhất trên thế giới. Với các thế mạnh về thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, Luxembourg là trung tâm đầu tư lớn thứ hai trên thế giới và trung tâm ngân hàng tư nhân quan trọng nhất khu vực Eurozone. Thu nhập GDP đầu người đứng đầu thế giới. Khu vực dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (tài chính - ngân hàng hiện đóng góp hơn 30% GDP của Luxembourg). Cơ cấu GDP: nông nghiệp 0,2%, công nghiệp 10,7% và dịch vụ 80,1%.

Về ngành dịch vụ tài chính – ngân hàng, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Luxembourg, đóng góp khoảng 28% GDP. Từ năm 2002, Luxembourg tích cực triển khai các chính sách và chương trình hỗ trợ đa dạng hóa kinh tế và thu hút FDI. Luxembourg là một trong những thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới và đứng đầu thế giới về quản lý các quỹ đầu tư quốc tế. Luxembourg là trung tâm của các ngân hàng tư nhân khu vực Eurozone (125 ngân hàng quốc tế từ 27 quốc gia) và trụ sở của nhiều tập đoàn bảo hiểm (52 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 196 công ty bảo hiểm độc lập và 39 công ty bảo hiểm nhân thọ). Về quản lý tài sản, Luxembourg là trung tâm phân phối quỹ đầu tư quốc tế, chiếm 58% thị phần quỹ đầu tư xuyên quốc gia trên thế giới, là trung tâm quỹ đầu tư lớn nhất châu Âu và đứng thứ 2 thế giới với mức tài sản đang quản lý trị giá trên 5 nghìn Euro.

Về tài chính bền vững, Luxembourg đi đầu thúc đẩy tài chính xanh, ủng hộ mạnh mẽ việc triển khai các cam kết khí hậu quốc tế được nêu tại Hội nghị COP. Luxembourg là trụ sở của “nền tảng giao dịch xanh” đầu tiên và duy nhất trên thế giới dành riêng để thúc đẩy an sinh xã hội bền vững. Luxembourg có thị phần trái phiếu xanh lớn nhất thế giới với 76 % quỹ tài chính vi mô của Châu Âu đặt trụ sở tại Luxembourg. Về công nghệ tài chính, Luxembourg là trụ sở của nền tảng fintech kết nối ngành tài chính với các cơ sở đổi mới sáng tạo; là trung tâm của các thương hiệu thương mại điện tử và ví điện tử lớn như Ebay, Paypal, Amazonpay, Rakuten, Alipay, Payconiq, Pingpong…

V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:

Luxembourg là thành viên sáng lập của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu và Liên Hợp quốc. Công tác đối ngoại của Luxembourg được chia theo ba hướng tiếp cận (3D): Ngoại giao (Diplomatie), Phát triển (Development) và Quốc phòng (Defense) nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững với chủ trương ủng hộ chủ nghĩa đa phương, bảo vệ các giá trị cơ bản, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Là nước nhỏ có nền kinh tế mở nên lợi ích của Luxembourg gắn liền với lợi ích của EU. Do vậy, Luxembourg luôn ủng hộ tiến trình xây dựng Liên minh châu Âu, ủng hộ việc mở rộng EU sang Trung và Đông Âu.

Chính sách hợp tác phát triển và hoạt động nhân đạo là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Luxembourg, thể hiện sự đoàn kết quốc tế được khẳng định nhờ vào sự nỗ lực và cải tiến không ngừng của Chính phủ Luxembourg.

Về chính sách hợp tác phát triển: Tuy là nước nhỏ nhưng Luxembourg quan tâm đến hợp tác phát triển, trở thành thành viên Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB) từ năm 2013 và năm 2015 trở thành nước châu Âu đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Từ năm 2009, Luxembourg cam kết dành 1% GDP cho viện trợ phát triển và đã tăng lên đến 2% GDP vào năm 2020. Mục tiêu của chính sách hợp tác phát triển của Luxembourg là phục vụ công cuộc xoá đói giảm nghèo, đảm bảo cho sự phát triển bền vững tại các nước đang phát triển với trọng tâm là con người, phụ nữ và trẻ em. Cho tới nay, viện trợ phát triển của Luxembourg ưu tiên dành cho 9 nước trong đó có 5 nước thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara (Burkina Faso, Cap Vert, Mali, Niger và Sénégal), 2 nước châu Mỹ La tinh (Nicaragua và El Salvador), 2 nước châu Á (Lào và Việt Nam). Các lĩnh vực ưu tiên gồm: (i) nước và vệ sinh; (ii) giáo dục; (iii) đào tạo và hướng nghiệp; (iv) sức khỏe và phát triển địa phương.

Hợp tác phát triển của Luxembourg được thực hiện thông qua các Chương trình hợp tác định hướng (PIC), là khuôn khổ xây dựng các dự án, chương trình hợp tác nhiều năm giữa Luxembourg và các nước nhận viện trợ

QUAN HỆ VIỆT NAM – LUXEMBOURG

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ:

Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/11/1973.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg. Đại sứ quán Luxembourg tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam.

Tháng 8/2003, Luxembourg mở Văn phòng hợp tác phát triển tại Hà Nội, là cơ quan quản lý và thực thi chính sách về hợp tác phát triển, trực thuộc Đại sứ quán Luxembourg tại Thái Lan, kiêm nhiệm Việt Nam. Tháng 01/2016, vì lý do ngân sách, Bộ Ngoại giao Luxembourg đã đóng cửa Văn phòng tại Hà Nội.

Tại các diễn đàn đa phương, ta và Luxembourg duy trì gặp gỡ, tiếp xúc như ASEM, khuôn khổ quan hệ ASEAN-EU, các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, đặc biệt hai nước cùng là thành viên Hội đồng Nhânquyền nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Đoàn ra:

- Tháng 4/1994: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm;

- Tháng 5/1995: Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt;

- Tháng 9/2002: Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải;

- Tháng 5/2003: Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị;

- Tháng 9/2010: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu;

- Tháng 02/2011: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng;

- Tháng 06/2012: Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh;

- Tháng 12/2022: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đoàn vào:

- Tháng 3/1994: Bộ trưởng Kinh tế Robert Gebbels;

- Tháng 11/1995: Đại Công tước kế vị Henri;

- Tháng 3/1996: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Jacques Poos;

- Tháng 12/1999: Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Charles Goerens;

- Tháng 10/2000: Thủ tướng Jean-Claude Juncker;

- Tháng 10/2002: Bộ trưởng Văn hóa, Đại học và Nghiên cứu Erna Hennicot-Schoepges;

- Tháng 02/2004: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lydie Polfer;

- Tháng 12/2008: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Jean Asselborn;

- Tháng 3/2011: Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và các Hoạt động Nhân đạo Marie-Josée Jacobs;

- Tháng 11/2011: Đại Công tước Henri;

- Tháng 11/2017: Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và các Hoạt động Nhân đạo Romain Schneider;

- Tháng 6/2018: Bộ trưởng Ngoại giao và Châu Âu Jean Asselborn;

- Tháng 5/2023: Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel.

II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ:

Tính đến tháng 3/2023, Luxembourg có 64 dự án đầu tư với tổng số vốn là 2,6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 3/24 quốc gia thành viên Liên minh Châu âu và đứng thứ 17/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào một số lĩnh vực truyền thông, xây dựng, bất động sản tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu...

Trao đổi thương mại giữa hai nước còn hạn chế, năm 2019 đạt 96 triệu USD (xuất khẩu 51 triệu USD, nhập khẩu 45 triệu USD). Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, song trao đổi thương mại song phương năm 2020 vẫn đạt 110,7 triệu USD (xuất khẩu 64,9 triệu USD, nhập khẩu 45,8 triệu USD) và tăng nhanh kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực: đến năm 2021 đạt 181,6 triệu USD (xuất khẩu tăng 95,4%, đạt 126,8 triệu USD và nhập khẩu tăng 19,4%, đạt 54,7 triệu USD). Năm 2022, tổng trao đổi thương mại song phương đạt 187,1 triệu USD, tăng 69% so với năm 2020 (xuất khẩu đạt 130,14 triệu USD và nhập khẩu đạt 56,96 triệu USD).

Nhân chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 12/2022, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy, tăng cường và phát triển quan hệ thương mại và đối thoại doanh nghiệp giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) và Phòng Thương mại Luxembourg.

III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:

Sau khi bắt đầu chính thức viện trợ cho ta từ năm 1993, Luxembourg cam kết tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam và trở thành thành viên chính thức của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 1998. Tháng 3/1999, Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg đề ra “Chiến lược hợp tác phát triển giữa Đại Công quốc Luxembourg và Việt Nam”, khẳng định Việt Nam là nước đứng đầu châu Á và là một trong 10 nước trọng điểm trong chương trình hợp tác phát triển của Chính phủ Luxembourg. Trước năm 2002, mỗi năm Luxembourg viện trợ không hoàn lại cho ta khoảng 5-6 triệu Euro/năm. Trong chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 9/2002, hai nước đã ký Hiệp định khung hợp tác mới thay thế cho Hiệp định năm 1995. Cho đến nay, Việt Nam và Luxembourg đã ký 3 Chương trình hợp tác định hướng: giai đoạn 2002-2005 (35 triệu Euro); giai đoạn 2006-2010 (50 triệu Euro); giai đoạn 2011-2015 (42 triệu Euro). Từ năm 2015 đến nay đạt 29,211 triệu Euro.

Lĩnh vực tài trợ của Luxembourg thay đổi phù hợp với nhu cầu, mục tiêu phát triển của Việt Nam theo giai đoạn. Trước năm 2005, viện trợ Luxembourg tập trung cho lĩnh vực phát triển nông thôn. Từ năm 2005-2010, viện trợ của Luxembourg dựa trên chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 nam 2005-2010 của Việt Nam, hỗ trợ hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ của Chính phủ, trong đó tập trung xóa đói giảm nghèo, hướng tới các tỉnh, vùng hẻo lánh và nghèo đói nhất. Giai đoạn 2011-2015 tập trung phát triển y tế và đào tạo nghề. Sau 2015, Luxembourg hỗ trợ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và giáo dục.

Luxembourg quyết định không ký tiếp các Chương trình hợp tác định hướng cho Việt Nam giai đoạn sau 2015 vì Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, các chuyên gia của Lux-Dev tiếp tục hỗ trợ để thực hiện và hoàn tất các dự án tài trợ.

Ủy ban Đối tác Việt Nam - Luxembourg họp thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Thứ trưởng chủ trì và luân phiên ở mỗi nước là cơ chế kiểm điểm và định hướng hợp tác giữa hai nước được họp lần cuối (Kỳ họp thứ 9) vào tháng 01/2017 tại Hà Nội. Cơ chế đã ngừng năm 2017 do Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

IV. HỢP TÁC TÀI CHÍNH, TÀI CHÍNH XANH VÀ NGÂN HÀNG

Hợp tác về ngân hàng

Kể từ năm 2000, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký kết Nghị định thư với Thủ tướng Chính phủ Luxembourg, theo đó hai bên thỏa thuận mở rộng mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và chuyển giao công nghệ tài chính.

Thực hiện Nghị định thư này, NHNN đã hợp tác với Cơ quan Chuyển giao công nghệ tài chính Luxembourg (ATTF- Cơ quan được chỉ định của Chính phủ Luxembourg thực hiện Nghị định thư nêu trên) để thực hiện hàng trăm khóa đào tạo cho các học viên là cán bộ của NHNN và các cán bộ quản lý của các ngân hàng thương mại và NHNN. Các chương trình đào tạo do ATTF hỗ trợ các học viên nâng cao kiến thức nghề nghiệp, tiếp cận cập nhật các chuẩn mực quốc tế từ các chuyên gia hàng đầu về tài chính ngân hàng cũng như tạo lập một mạng lưới hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm công tác giữa các cán bộ ngân hàng thương mại và NHNN tham gia vào chương trình.

- Về hợp tác giữa các ngân hàng thương mại: Quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và đối tác Luxembourg nhìn chung tích cực. Tính đến hết năm 2022, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã thiết lập hơn 20 quan hệ ngân hàng đại lý với các ngân hàng thương mại Luxembourg với tổng doanh số thanh toán, chuyển tiền thông qua hệ thống này đạt gần 800 triệu USD. Thông qua hệ thống ngân hàng đại lý này, các tổ chức Việt Nam đã và đang thực hiện vai trò là cầu nối hỗ trợ thanh toán, chuyển tiền của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước.

Hợp tác về chứng khoán

- Trong khuôn khổ chương trình hợp tác định hướng Việt Nam - Luxembourg giai đoạn 2006 - 2010, Chính phủ Luxembourg đã hỗ trợ Bộ Tài Chính (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) dự án VIE/026 “Phát triển thị trường vốn Việt Nam”. Đây là dự án hợp tác phát triển song phương đầu tiên giữa Việt Nam và Luxembourg, được thực hiện bởi Cơ quan Hợp tác và phát triển Luxembourg và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Các hoạt động của Dự án tập trung vào: (i) Xây dựng khung pháp lý điều chỉnh chứng khoán và thị trường chứng khoán; (ii) Kết nối chào bán chứng khoán và niêm yết; (iii) Xây dựng hệ thống IT. Nối tiếp thành công của Dự án VIE/026, trong khuôn khổ chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2006-2010, Chính phủ Luxembourg tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tài chính chứng khoán thông qua dự án “Nâng cao năng lực trong lĩnh vực tài chính” với các nội dung chính: (i) Hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh thị trường chứng khoán; (ii) Nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, thành viên tham gia thị trường, nhà đầu tư thông qua các chương trình đào tạo, giáo dục đa dạng và hiệu quả; (iii) Hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tin học hóa công tác quản lý với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và đồng bộ. Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển phù hợp với Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012.

Nhân chuyến thăm Luxembourg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 12/2022, hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg.

V. HỢP TÁC VĂN HÓA:

Hợp tác văn hoá giữa hai nước còn nhiều hạn chế do khoảng cách địa lý và hai bên không có cơ quan đại diện ngoại giao thường trú. Tháng 10/2002, hai bên đã phối hợp tổ chức Những ngày văn hoá Việt Nam tại Luxembourg và Triển lãm tranh Luxembourg tại Việt Nam. Cuối tháng 9/2006, Việt Nam tổ chức “Những ngày văn hoá Việt Nam tại Luxembourg”.

VI. CÁC HIỆP ĐỊNH ĐÃ KÝ:

- Hiệp định Khung về hợp tác (20/01/1995) và ký mới ngày 17/11/2017.

- Hiệp định tránh đánh thuế trùng (3/1996);

- Hiệp định về hợp tác (24/9/2002; thay thế cho Hiệp định năm 1995);

- Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2002 – 2005 (ký 24/9/2002);

- Hiệp định hợp tác Văn hoá, Giáo dục, Nghiên cứu khoa học, Thông tin đại chúng, Thanh niên và Thể thao (5/2003);

- Chương trình trao đổi Văn hóa Giáo dục, Nghiên cứu khoa học, Thông tin đại chúng, Thanh niên và Thể thao giai đoạn 2006 – 2010 (01/12/2005; gia hạn đến 31/12/2012);

- Chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2006 – 2010 (08/3/2006);

- Chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2011 – 2015 (02/3/2011);

- Hiệp định khung về hợp tác (11/2017).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh