Một lòng giữ biển
![]() |
Ông Đặng Ngọc Quế (bên phải) và con trai Đặng Kiên Quyết -Ảnh: P.X.D/ https://dulich.petrotimes.vn |
Vào sinh ra tử
Dáng người cao lớn, vẻ ngoài tráng kiện dù đã gần tám mươi tuổi, cựu chiến binh Đặng Ngọc Quế gây ấn tượng với người đối thoại. Ông cười hào sảng khi đón tôi về nhà: "Cả vùng biển này vào tuổi tôi không còn ai chạy xe máy, nhất là vào mùa rét".
Thời kháng chiến chống Mỹ, ông là bộ đội địa phương vùng biển, là chính trị viên xã đội Nghĩa Hải. Năm 1964, khi chiến tranh lan rộng, ông xung phong tòng quân vào Nam chiến đấu khi mới cưới vợ được hơn hai tháng. Là dân biển, ông vào Hải quân, cấp trên đưa ông đi huấn luyện ròng rã 18 tháng liền để trở thành đặc công thủy Lữ đoàn 126, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ bậc nhất và đưa thẳng luôn vào chiến trường ác liệt cũng bậc nhất lúc bấy giờ: Quảng Trị.
Ông Quế kể: "Vào được chiến trường Cửa Việt - Quảng Trị cũng không dễ, dọc đường hành quân, địch ném bom tơi bời. Nhưng vào rồi mà trụ lại được mới thực sự khó khăn. Cửa Việt lúc đó là quân cảng quan trọng của Mỹ, là cái kho to tướng cung cấp lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng cho mấy vạn quân địch ở chiến trường Đường 9, Khe Sanh nên canh gác hết sức cẩn mật. Chúng tôi sống dưới hầm, bên trên là chuồng lợn của bà con. Địch càn, cả người mình ngập dưới hầm phân. Chỉ có dựa vào dân mà sống, nên mặc dù địch chà đi xát lại nhưng chúng tôi vẫn an toàn".
Uống ngụm nước trà đang bốc khói, ông kể tiếp: "Ác liệt thì vô cùng, khó lòng hình dung nổi. Đến mức, đánh trận nào cũng thể nghĩ mình sẽ hy sinh, để ba lô lại cho đồng đội, nếu lỡ có xảy ra chuyện gì thì đưa về cho gia đình, nhưng vẫn nghĩ dù trở thành liệt sĩ thì cũng chết một cách xứng đáng, vẻ vang và quan trọng nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ. Anh hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ à, nhiều lắm. Lúc chúng tôi mới vào, được giao nhiệm vụ đánh chiếc tàu hút bùn, nạo vét luồng lạch để tàu bè dễ dàng đi lại, thường gọi là tàu cuốc của Mỹ. Tàu này dài 180 mét, chiều ngang 18 mét. Dù đã điều nghiên nhưng khi hành động, một tổ đã phải hy sinh, chủ yếu là do thủy triều vùng này thất thường, phức tạp. Tôi và đồng đội đã bỏ công gần một năm trời tìm hiểu kỹ càng mọi thứ liên quan, rồi mới quyết định đánh và đã đánh thắng, tàu cuốc bị chìm. Đó là chiến công gây tiếng vang lớn ở Cửa Việt của bộ đội đặc công thủy. Nhưng phải nói bộ đội thắng giặc là nhờ dân hết lòng che chở. Dân mình quá tuyệt vời".
Ông ngừng lời, ánh mắt xa xôi, giọng chợt chùng xuống: "Cách đây mấy năm, tôi có vào thăm lại Cửa Việt, tìm hỏi một chị ngày xưa nuôi giấu bộ đội nhưng không có tung tích. Không biết chị ấy còn hay mất, sống ở phương nào. Không có dân thì bộ đội dù tài giỏi đến đâu cũng chẳng thể nào chiến thắng quân xâm lược".
Quần nhau với địch, có lần ông bị phục kích. Trên đầu máy bay Mỹ, dưới đất bộ binh đối phương, cuối cùng ông bị thương phải đưa ra Bắc điều trị. Ngồi nghe chuyện, bà Trần Thị Hợi (vợ ông) lặng lẽ, khiêm nhường. Khi tôi hỏi, bà nói từ tốn: "Ông ấy cứ đi biền biệt, không biết sống chết thế nào. Tôi ở nhà lo chuyện gia đình, nuôi dạy con cái. Gian nan, vất vả thì kể thế nào cho hết. Nhưng đã là vợ bộ đội thời chiến ở hậu phương thì ai cũng cố gắng hết sức hết lòng".
Dưỡng thương xong, ông học một lớp chính trị rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ông Quế lại sôi nổi: "Tàu chúng tôi vào giải phóng Nha Trang, sau đó tiếp tục tiến ra Trường Sa. Chúng tôi tập trung hỏa lực mạnh và dùng loa lớn kêu gọi rằng Sài Gòn đã được giải phóng, đừng nên chống lại bộ đội nữa. Họ nghe ra và bỏ vũ khí. Nhờ vậy cũng đỡ tổn thất xương máu". Năm 1992, ông phục viên với quân hàm Trung tá Hải quân, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng Nhì vì có công xây dựng quần đảo Trường Sa.
Ông Quế về hưu nhưng câu chuyện binh nghiệp nhà ông mới chỉ bắt đầu...
Tiếp bước quân hành
Khi trò chuyện, nhìn ảnh treo trong nhà, tôi chợt buột miệng đọc hai câu thơ Tố Hữu: "Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành...". Người lính già Đặng Ngọc Quế có vẻ rất tâm đắc. Nhà ông là như thế.
Người con đầu, Đặng Hồng Quân (sinh năm 1970) tiếp bước cha tham gia Hải quân. Anh tốt nghiệp Học viện Hải quân đạt loại ưu, được giữ lại trường làm giảng viên và thăng cấp trước thời hạn, hiện là Đại tá, Trưởng phòng Tuyên huấn - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
Cựu Đại úy cảnh sát biển Đặng Kiên Quyết (sinh năm 1973), con thứ của ông, nhà sát bố đẻ kể tôi nghe nhiều chuyện trong quân ngũ. Tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ vào Trường Trung cấp Cơ điện Hải quân. Ra trường, anh từng đóng quân hai năm ở Trường Sa, rồi được điều động sang lực lượng cảnh sát biển tại vùng biển Hoàng Sa. Sau đó công tác mấy năm ở biển Cửa Việt, như bố mình ngày trước. Sự kiện năm 2014 tàu Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam vẫn còn in hằn trong tâm tưởng của anh.
Anh nhớ lại: "Lúc đó tình hình căng thẳng lắm. Tàu Trung Quốc lớn, tàu mình nhỏ. Họ lại hung hăng gây sự. Mình phải hết sức bình tĩnh, anh em nhắc nhau phải rất tỉnh táo vì suốt nhiều ngày đêm như thế tâm lý rất dễ bị ảnh hưởng trước hành vi khiêu khích của đối phương. Nhưng trước sau như một, mọi người vẫn nhắc nhau bình tĩnh, kiên quyết và chủ động trong mọi tình huống, nhất cử nhất động theo lệnh cấp trên. Anh em cán bộ, chiến sĩ rất tin tưởng vào sự chỉ đạo của cấp trên. Tàu cảnh sát biển của mình phát tín hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Anh hỏi tâm trạng thế nào à? Lúc đầu thấy tàu họ to cũng hơi phân vân nhưng rồi theo đuổi nhau trên biển quen, dần thấy bình thường. Anh em mình xác định, cho dù trong mọi tình huống thì cứ theo lệnh chỉ huy với tinh thần luôn sẵn sàng, không nề hà gian khổ, hy sinh, xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trên hết, không bao giờ lùi bước. Tôi sau này ra quân nhưng biết ơn quân đội đã rèn dạy cho mình nhiều điều. Đó là một trường học lớn. Anh thấy đấy, khi hỏi chuyện khen thưởng, tôi đã đưa ra rất nhiều giấy khen, bằng khen các cấp trao cho tôi lúc còn tại ngũ. Nói không phải khoe, nhưng dù khiêm tốn, tôi cũng có thể khẳng định, mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ người lính biển".
Ông Quế nghe con kể chuyện cũng tiếp lời: "Bố mẹ nào không thương con và lo cho con, nhất là những lúc dầu sôi lửa bỏng. Nhưng là người lính bảo vệ biển đảo thì phải luôn tận tụy với nhiệm vụ, dù cho gian khổ, hy sinh. Mà nó như thế mới là con mình".
Khi sắp chia tay, ông Quế cho biết cháu nội đích tôn của ông, con anh Đặng Hồng Quân, hiện cũng là một cảnh sát biển. Lại thêm một bất ngờ thú vị về những người một lòng giữ biển.
https://dulich.petrotimes.vn
Báo Quảng Trị
- Mô hình nhà máy điện mặt trời nổi: Bước đột phá xanh cho nuôi trồng thủy sản
- VSOE 2024: Cơ hội kết nối với những chuyên gia hàng đầu về công trình ngoài khơi
- Sóc Trăng hợp tác nuôi trồng thủy sản bền vững
- Bất chấp hạn hán, lợi nhuận của kênh đào Panama tăng mạnh
- Gia đình 3 người trôi dạt trên bè cá được cứu sống
- Nam Định- Thái Bình: Khẩn trương, gấp rút phòng chống siêu bão
- Nhà nông Nam Định: run rẩy đối mặt cơn bão lớn
- [Infographic] Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản
- Cảng biển TP Hồ Chí Minh quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt
- Cảng Chu Lai đưa vào vận hành hệ thống cẩu chuyên dụng